10 điều nên làm trong nhà tắm

Phòng tắm thường là nơi có diện tích khiêm tốn nhất trong nhà, nhưng cũng là căn phòng gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến Trái Đất và đại dương.

Sau đây là 10 cách để có thể làm vệ sinh mà vẫn giữ gìn môi trường.

Chuyển sang xà bông cục hay xà bông chai? Hãy dùng xà bông đơn giản

Ai ngờ được thứ đơn giản như một cục xà bông khiêm tốn lại có thể là cách tốt để chống lại biến đổi khí hậu mà ta không cần phải ra khỏi nhà?

Xà bông cục sử dụng ít bao bì hơn xà bông dạng lỏng hay sữa tắm, sản xuất tốn ít nước hơn, và nhẹ hơn, bé hơn khi vận chuyển – nghĩa là để lại dấu vết carbon thấp hơn.

Thêm vào đó, nó vẫn có thể tẩy sạch hiệu quả, thơm không thua gì và chi phí thấp hơn! Bạn có thể thậm chí mua được xà bông gội đầu và dầu xả dạng cục.

Hãy chú ý để đảm bảo rằng xà bông bạn xài là loại bền vững, bằng cách kiểm tra với danh sách mà WWF lập về những công ty sử dụng dầu cọ bền vững và tắm sạch cùng với sự hiểu biết.

Sử dụng bàn chải đánh răng bằng tre

Bạn có biết phải 500 năm một chiếc bàn chải nhựa mới phân hủy không? Đây là điều xảy ra với mỗi chiếc bàn chải đánh răng bằng nhựa được sản xuất và vẫn đang tồn tại!

Hầu hết chúng ta sử dụng khoảng 300 bàn chải đánh răng trong một đời người.

Hãy bỏ bàn chải nhựa và thay bằng bàn chải bằng tre có thể phân rã, và chuyển từ loại chỉ nha khoa bằng nylon thông thường (như nhựa) thành loại chỉ nha khoa có thể phân rã sinh học, bởi đó cũng là cách tốt đem lại thay đổi tích cực.

Nếu bạn sử dụng bằng bàn chải điện? Hãy cố gắng tái chế đầu bàn chải điện để chúng không bị vứt vào các bãi rác.

Bỏ thói quen sử dụng khăn giấy lau một lần

Khăn giấy ướt làm nghẹn 93% hệ thống nước thải ở Anh, và những khối mỡ – là các cục chất béo đóng cục, khăn giấy ướt và tóc làm nghẽn ống nước thải – tạo thành ác mộng.

Có lẽ bạn biết là không nên vứt khăn giấy ướt vào bồn vệ sinh, bởi cho dù đó có là loại “có thể giật nước” thì vẫn không phân rã đủ mạnh để không gây hại ở cuối dòng thải.

Bỏ thói quen xài khăn giấy ướt (và cả các loại viên bông gòn hay miếng bông vải dùng một lần), chuyển qua các loại bông bằng tre có thể giặt sạch hay sử dụng khăn vải sẽ giúp thói quen vệ sinh của bạn ít gây hại hơn và xanh hơn.

Bao bì nhựa

Bạn chỉ cần nhìn quanh phòng tắm và đếm xem có bao nhiêu chai lọ nhựa sử dụng một lần.

Hãy chọn những sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân và tẩy rửa sử dụng bao bì phân hủy sinh học hoặc tái chế, và nhớ luôn tái chế khi có thể. Sử dụng sản phẩm mua số lượng lớn sẽ làm giảm lượng chất thải vứt ở bãi rác (hoặc đại dương) và giúp tiết kiệm tiền – chỉ cần rót sản phẩm vào những lọ đựng tái chế nhỏ hơn là được.

Nhiều cửa hàng giờ đây có thể giúp mua và đổ sản phẩm trực tiếp vào chai sử dụng nhiều lần – hãy thử tìm xem gần nơi bạn sống có cửa hàng nào như vậy không. Hoặc là chọn loại đóng trong bao bì nhựa chung, hoặc…

Tự làm các loại chất tẩy…

Rất nhiều sản phẩm dùng trong gia đình đi kèm với bao bì nhựa sử dụng một lần và có chứa hóa chất độc hại.

Có thể bạn có đủ thành phần để làm ra các sản phẩm dùng cho nhà tắm mà không độc hại cho môi trường:

Tự làm lấy chất tẩy đa dụng bằng cách trộn 200ml nước với 12 giọt dầu trà và dầu hoa oải hương. Làm sạch bất cứ bề mặt nào như trong mơ, trừ chất liệu kính.

Tự làm chất tẩy lau kính bằng cách đổ đầy chai xịt với 130ml nước uống soda và vắt một miếng chanh lớn vào.

Để rêu mốc không bám trong phòng tắm, hãy xịt lên gạch tường phòng tắm bằng dung dịch 260ml nước và vài giọt tinh dầu trà.

Dấm trắng chưng cất dùng cho bồn cầu có thể giúp loại bỏ vết bẩn cứng đầu và tiêu diệt 80% vi khuẩn.

Vấn đề giấy vệ sinh

27.000 cây xanh bị chặt hạ mỗi năm để làm giấy vệ sinh, chiếm 15% diện tích rừng bị phá hủy toàn cầu.

Nếu tính thêm 168 lít nước cần dùng để sản xuất ra một cuộn giấy vệ sinh, và hàng tấn hóa chất tẩy trắng độc lại được đổ lại vào nguồn nước – thì đó quả cái giá phải trả quá đắt cho môi trường và cả chúng ta!

Hãy tìm loại giấy vệ sinh tái chế 100% và được sản xuất từ nguồn có trách nhiệm hoặc được sản xuất từ những chất liệu bền vững như tre.

Giảm thiểu số tờ giấy vệ sinh bạn dùng mỗi lần đi.

Hoặc… hãy trở thành một thành viên trong 70% dân số thế giới không sử dụng giấy vệ sinh. Bạn đã bao giờ nghĩ đến sử dụng vòi xịt trong nhà vệ sinh chưa? Xanh, sạch và không cần phải mua trữ cả đống giấy vệ sinh trong nhà.

Tái chế, tái chế,i chế

Người ta chỉ tái chế chưa đến 40% lượng rác thải trong nhà tắm so với những gì họ tái chế trong bếp, tuy có rất nhiều loại vỏ bao bì có thể dùng lại được, như lọ đựng dầu gội đầu, chai đựng thuốc thẩy, aerosol, ống giấy vệ sinh….

Hãy để thêm túi đựng rác tái chế, rổ hay giỏ treo trong phòng tắm là bước đầu tiên đảm bảo rằng sẽ không có gì bị vứt vào bãi rác mà lẽ ra chúng chưa đáng bị vứt đi.

Chỉ nên mua sản phẩm với bao bì có thể tái chế, rửa sạch tất cả chai đựng để đảm bảo không còn sản phẩm dính bên trong, và gỡ bỏ nắp, gỡ bỏ các phần nhỏ và phần bơm.

Với những loại không thể tái chế – như bàn chải, tuýp kem đánh răng, mắt kính sát tròng (sẽ KHÔNG BAO GIỜ phân hủy)… – hãy tìm các cách tái chế miễn phí đang vận hành khắp thế giới.

Hãy kiểm tra xem nhãn hiệu mỹ phẩm trang điểm bạn dùng có nhận lại lọ đựng hay bảng trang điểm không – nhiều hãng có nhận.

Hoặc tự bạn có thể tái chế bằng cách đặt mua thêm sản phẩm đổ vào lọ đã hết và tái sử dụng lại các chai mua từ ban đầu.

Tắm trong thời gian ngắn hơn

Hai phần ba lượng nước sử dụng trong gia đình là dùng trong phòng tắm, vì vậy cách bạn sử dụng phòng tắm sẽ đem lại tác động rất lớn đến lượng nước thải xả ra.

Hãy giảm thời gian tắm xuống để tiết kiệm nước và năng lượng – mỗi phút bạn giảm thời gian tắm giúp bạn giảm lượng nước tiêu thụ đến 15 lít.

Gắn thêm vòi sen chảy chậm có thể làm giảm lượng nước tiêu thụ xuống còn một nửa trong khi vẫn duy trì được áp lực nước.

Sử dụng những mẹo này cho nhà vệ sinh

Bạn có thể kinh ngạc khi biết rằng bồn cầu có thể sử dụng đến 30% lượng nước trong nhà – hơn cả máy giặt và máy rửa chén.

Hãy tiết kiệm nước dùng cho bồn cầu bằng cách đổ đầy một bình nước 1 lít với đá cuội và nước, và để bình nước này vào bồn nước xả toilet, chú ý để chai không chạm vào bất cứ phần vận hành nào của bồn nước.

Việc nhỏ chỉ tốn 5 phút này có thể sẽ giúp tiết kiệm một lít nước với mỗi lần xả.

Giảm số lần xả bồn cầu, chỉ xả khi thật cần thiết và bỏ những loại rác khác vào thùng bên ngoài thay vì giật nước.

Những việc gì khác có thể làm?

Bạn đã bao giờ thấy bản thân nhảy vòng quanh để chờ cho vòi tắm nước lạnh nóng lên? Đừng để phần nước đó bị phí – hãy hứng nước để tưới cây.

Nếu vòi nước nóng của bạn sử dụng từ vòi nóng lạnh, hãy cài nhiệt độ ở máy đun nước đến nhiệt độ nước tắm bạn muốn, thay vì sử dụng năng lượng để đun nước và sau đó pha với nước lạnh.

Sửa bất cứ vòi nước nào bị rò rỉ (vòi nước rò rỉ có thể làm hao phí đến 4 lít nước mỗi ngày).

Tắt nước vòi khi bạn đang rửa tay xà bông hoặc đang đánh răng để tiết kiệm đến 6 lít nước mỗi phút.

(Theo BBC)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email