Đêm Thánh Vô Cùng!!

“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời
Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn theo chiều mây
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu”

Lời nhạc Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương da diết, đìu hiu buồn;dễ làm người Việt mình nhớ nhung đường về và mơ giấc mơ yên ấm trong gia đình, yêu đương, nhất là khi mùa đông về và ngày Lễ Giáng Sinh gần kề.
Mỗi năm, chừng như mùa Giáng Sinh nơi đây được dân chúng đón mừng một sớm hơn!
Bên trong các trung tâm mua sắm lớn,các cửa tiệm chuẩn bị vật liệu sẵn sàng và chỉ chờ cho qua lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong, vào ngày 11 tháng 11,là bắt đầu trưng bàyvề ngày Giáng Sinh, cho nơi buôn bán của mình.Các món đồ trang hoàng mang màu sắc của mùa Noël như trắng, đỏ, mạ bạc, mạ vàng, … sáng óng ánh cùng màuthông xanh,giúp cho cửa tiệm trông kháclạ, trang trọng và đẹp hẳn đi;làm cho khách đi ngang qua tiệm thíchdừng chân nhìn ngắm, và …nhờ vậy khám phá những mặt hàng bày bán cũng đầy thích thú trong tiệm, để bước vào mua làm quà tặng trong mùa Giáng Sinh.
Hàng cây trụi lá trơ cành, dọc theo các đường chính trong trung tâm thành phố, trông sống động hơn với ánh đèn màu lấp lánh. Các khu thương mại cạnh tranh nhau trang hoàng rực rỡ từ bên ngoài, để mời chào khách hàng.Mùa đông, bóng đêm dài dăng dẳng;nếu không có Lễ mừng Chúa giáng sinh thì cái giá lạnh ngoài trời, lại thêm cảnh vật u tối của tháng ngày cuối năm, chắc nó … thê thảm lắm!

Mùa đông nơi đây thường có tuyết.Tuyết mới rơiphủ một màu trắng mịn màng, làm cảnh trí trong thành phố với ánh đèn màu …sáng đẹp thêm. Người ta thườngmong ước cótuyết rơi vào ngày Lễ Giáng Sinh, nhất là trong đêm đón mừng Ngôi Hai Thiên Chúa; gợi nhắc đến hình ảnh từ ngàn xưa, trong đêm tuyết giá lạnh Đấng Cứu Thế xuống trần gian làm người, để cứu chuộc loài người. Sáng ngày 25, thành phố vắng lặng, rất ít người phải đi làm. Những người may mắn có nơi cư ngụ,từ bên trong nhà với sưởi ấm và gia đình đầm thắm,ngắm nhìn cảnh sắc bên ngoài, trời có tuyết đang rơi hay chưa tan, còn phủ trắng trên vạn vật, cảnh sắc đẹp và thơ mộng lắm. Thế nhưng, băng tuyết trút xuống thêm giá lạnh, lái xe hay đi lại ngoài đường bị khó khăn hơn và thêm nỗi khốn khổ cho kiếp sống không nhà, vất vưởng ngoài hè phố.Nơi có chỗ tạm trú, tại các cơ quan từ thiện trong thành phố,thường ít hơn số người cần.Nhưng … không phải ai cũng muốn vào bên trong các gian nhà chung ấy; có người chọn cô độc, co ro ở một nơi nào đó, để rồi thầm lặng rời xa trần thế, trong đêm đông giá lạnh, trước khi mùa xuân đến …
Vì cơn cúm lạ đang lan tràn, luật giữ vệ sinh và khoảng cách an toàn, đã làm cho chỗ tạm trú càng bị hiếm ít hơn rất nhiều.Các tổ chức phục vụ bửa ăn từ thiện, nhân ngày Giáng Sinh, cũng bị ảnh hưởng. Mỗi năm, cơ quan từ thiện của Công giáo trong thành phố, đã giúp cho hơn ba ngàn người kém may mắn, có được buổi ăn cuối năm trong phòng ăn yên ấm,với các món ăn ngon và quà tặng, như khung cảnh xum họpcủa gia đình mình ngày nào cùng đón mừng Giáng Sinh.Thế nhưng, sau 79 năm phục vụ, cũng vì con vi trùng cúm lạ, năm nay đã không có buổi tiệc Giáng Sinh bên trong phòng ăn như hàng năm; thay vào đó, chỉ có 1.600 hộp thực phẩm phát ra trong ngày, vàngười nhận phải mang đi đến nơi khác để ăn mà thôi.

Từ lâu lắm rồi, Giáng Sinh không còn là ngày Lễ của riêng tín đồ Công Giáo;đã trở thành một ngày lễ lớn chung cho người có đạo và người ngoại đạo. Giáng Sinh còn nhắc nhớ đến một bài Thánh ca, màkhắp trần thếđón nhận và quý mến.Đó là bài Thánh ca “Silent Night”,được biết đến với lời Việt là “Đêm Thánh Vô Cùng”. Giai điệu của bài Thánh ca đã tạo nên những khoảnh khắc thiêng liêng, ấm áp, …đưa con người đến gần nhau hơn trong niềm tin và thương yêu thánh thiện!

Năm 1818, Linh mục Mohr cần có một ca khúc Giáng Sinh mới, dành cho Thánh Lễ nửa đêm.Nhưng không may, cây đàn phong cầm của nhà thờ đã bị hỏng bất ngờ, không thể sử dụng.Biết rằng giáo dân từ trước đến nay, vẫn quen nghe và hát Thánh ca với đàn phong cầm.Nhưng không còn chọn lựa nào khác hơn, ngàitìm gặp thầy giáo Gruber, là bạn và là người đàn phong cầm cho nhà thờ; để nhờ soạn phần giai điệu cũng như phần phối âm cho bài thơ “Đêm Thánh”, mà ngài đã viết từ hai năm trước.

Đêm Giáng Sinh năm 1818, giáo dân tại một ngôi làng nhỏ ở Oberndorf, thuộc nước Áo,đã thật ngạc nhiên khi lần đầu tiên lắng nghe một bài Thánh carất khác thường. Một bài Thánh ca trong Thánh Lễ nửa đêm, lại được trình bày với Tây Ban Cầm, thay cho phong cầm như từ trước đến nay. Họ không ngờ rằng ca khúc đó trở nên nổi tiếng khắp thế giới, và cho đến 200 năm sau,vẫn là một trong những bài hát được yêu thích nhất mọi thời đại, đã được hát vớihơn 300 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt mình; lời và tựa được nhạc sĩ Hùng Lân chuyển ngữ và đặt tên tựa ca khúc là Đêm Thánh Vô Cùng.

Nhạc sĩ Hùng Lân cũng là một giáo viên, như vị thầy giáo người Áo đã soạn nhạc cho bài Silent Night.Ông dạy học ở trường Kẻ Sở, cách thành phố Phủ Lý chừng 5 cây số.Tại đây có nhà thờ Kẻ Sở, có cây đại phong cầm rất tốt.Nhà thờ này rất lớn và đẹp với kiến trúc Thiên Chúa giáo ở phương Tây, còn được biết đến với danh hiệu Vương cung Thánh đường Sở Kiện, thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Từ nơi này, trong hai năm 1945 – 1946, nhạc sĩ Hùng Lân đã sáng tác nhiều bài hát nổi tiếng, trong đó có bài Đêm Thánh Vô Cùng.

“Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng.
Ðất với trời se chữ Ðồng.
Ðêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ.
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa.
Ơn châu báu không bờ bến.
Biết tìm kiếm của chi đền.

Ôi Chúa thiên đàng, cảm nếm cơ hàn.
Nhấp chén phiền vương phong trần.
Than ôi Chúa thương người đến quên mình.
Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành.
Ai đang sống trong lạc thú.
Nhớ rằng Chúa đang đền bù.

Tinh tú trên trời, sông núi trên đời.
Với thánh thần mau kết lời.
Cao rao Hóa Công đã khéo an bài.
Sai con hiến thân mong cứu nhân loại.
Hang chiên máng rêu tạm trú.
Bốn bề tuyết sương mịt mù.

… Ơn châu báu không bờ bến!
… Biết tìm kiếm của chi đền!”

Bài Thánh ca này cũng từng được hát cùng một lúc bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức, trong ngày hưu chiến đón mừng Giáng Sinh năm 1914, vì đây là một Thánh ca mà các binh sĩ của cả hai bên tham chiến đều biết. Lịch sử vẫn còn ghi lại câu chuyện về đêm hưu chiến Giáng Sinh năm ấy, trong Thế Chiến Thứ Nhất, tại chiến trận phía Tây; trong vùng giao tranh khốc liệt tại Ypres, trênnước Bỉ. Khởi đầu, binh sĩ Đức vừa trang hoàng khu vực xung quanh chiến hào của họ, vừa hát những ca khúc Giáng Sinh, nhiều nhất là bài Silent Night bằng tiếng Đức. Trong khi ấy, các binh sĩ Anh cũng rời chiến hào ở bên kia chiến tuyến và đáp lời bằng chính bài hát đó, với lời nhạc bằng tiếng Anh. Thật là những giây phút vô cùng kỳ diệu, khi nơi đây đã không còn tiếng súng từ hai bên chiến tuyến,và thay vào đó là tiếng hát các bài Thánh ca. Ảnh chụp binh lính Đức và Anh gặp nhau trong cuộc hưu chiến, được đăng trên tờ The Illustrated London News, ngày 9 tháng 1 năm 1915 …Sau này, vào ngày 7 tháng 11 năm 2006, tại tổ chức đấu giá Bonhams, ca sĩ Chris de Burgh có bán một bức thư dài 10 trang, của một người lính vô danh người Anh, kể lại những sự việc xảy ra trong đêm hưu chiến. Bức thư ấy có các đoạn như sau:
“Đó là lễ Giáng sinh đáng nhớ nhất trong suốt đời tôi: kể từ giờ uống trà chiều hôm qua, đã không có phát súng nào bắn ra từ hai bên chiến tuyến … Đêm qua trăng sáng và không có sương mù, ngay khi trời chập tối, chúng tôi nhóm lửa và cùng hát những bài ca Giáng Sinh. Lính Đức thắp sáng đèn dọc theo chiến hào kéo dài đến chỗ chúng tôi – và chúc mừng Giáng Sinh…
Sáng nay trời đầy sương mù.Chúng tôi đứng co ro lâu hơn thường lệ. Vài người may mắn có cơ hội dự lễ Tiệc Thánh,chung với nhau hồi sáng sớm. Buổi lễ được cử hành trong một trang trại đổ nát, gần 500 m phía sau lưng chúng tôi. Tôi không đến dự lễ được…Sau khi ăn sáng, chúng tôi chơi đá banh, có lính Đức cùng xem với chúng tôi … Họ đưa người đến chôn cất một người lính mà chúng tôi bắn chết trong tuần qua, cách chiến hào của chúng tôi khoảng 100 m. Lính Anh cũng đến giúp chôn cất người chết…
Bữa ăn tối … Chúng tôi cùng nhau thưởng thức tận tình với các món thịt nướng, bánh mì và bánh Giáng Sinh… Có thể nói giống như bữa ăn tối tại nhà… Sau khi trao đổi chữ ký và chúc mừng năm mới, chúng tôi chia tay…
Bây giờ trời lạnh buốt, băng giá bao trùm mọi nơi…”

Tại Việt Nam mình thì có khác!
Những người bên kia chiến tuyến cũng là người Việt Nam; họ biết nghe và hiểu được lời nhạc tiếng Việt của “Đêm Thánh Vô Cùng”. Thế nhưng, “Đêm Thánh Vô Cùng” và các bài Thánh ca, cũng như các ngày hưu chiến, hay cả những ngày Tết thiêng liêng của dân tộc,đã chẳng có nghĩa lý gì đối với những người theo chủ nghĩa vô thần. Ngược lại, họ còn đã lợi dụng ngày hưu chiến, để thừa dịpđem quân tấn công, ra tay giết hại dân lành;từ giây phút Giao Thừa, ngay trong những ngày Tết tại miền Nam mình …
Thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968đã …thật man rợ!

Lời nhạc của “Đêm Thánh Vô Cùng” đưa lòng người đến khung cảnh đêm Giáng Sinh.Trong không gian yên tĩnh, vắng lặng, với những ngôi nhà nằm ngập trong tuyết trắng.Khung cảnh đẹp thơ mộng, như thường thấy trong chuyện cổ tích Tây phương.Đúng 12 giờ đêm, chuông nhà thờ đổ vang và bài Thánh ca được cất vang từ dàn đồng ca, nghe như tiếng vọng từ thiên đường.Đó là một khoảng khắc thiêng liêng, lòng người tràn đầy sự thành kính, biết ơn.Tưởng như … trong giây phút, mọi cái xấu, cái ác đều được xóa sạch khỏi mặt đất. Tiếc thay, cái ác vẫn còn sót lại trên trần thế, ngay bên trên mặt đất của nước Việt Nam! …Sau khi chiếm trọn miền Nam tự do,kẻ ác đã vẫn cố dùng quyền lực để ngăn cấm các bài Thánh ca và nhạc Giáng Sinh. Thế nhưng, đức tin không thể nào bị hủy diệt bằng bạo lực. Các bài Thánh ca và nhạc Giáng Sinh vẫn còn vang vọng từ trong lòng người.

Vòng quay thời gian mỗi năm như thêm nhanh hơn!
Mới đó, đã là ngày sau cùng để mua sắm quà tặng trong mùa Giáng Sinh.Ngày này, các cơ quan thường cho nhân viên nghỉ việc sớm, các tiệm quán cũng đóng cửa sớm hơn thường lệ. Sau 4 giờ chiều, các tuyến đường ra vào thành thố đều đông nghẹt xe. Sắp đến giớ đóng cửa, giòng người trong các lối đi xuôi ngược chen chút nhau, bước vội vàng. Người vui mừng về nhà, người hớn hở chạy đến nơi hẹn để cùng đón mừng Chúa giáng sinh, kẻ hối hả quơ quào mua sắm cho xong.Chỉ còn thời gian ngắn để mua sắm, các cửa hàng hầu như đều đóng cửa sớm chiều ngày 24. Đến cuối ngày, nhân viên bán hàng nôn nao được về và khách mua sắm vội vả chạy ngược xuôi,ráng tìm cho đủ quà để biếu tặng nhau. Thật tội nghiệp chonhững người lao động, sống nhờ vào từng kỳ lương, phải nán chờ tờ chi phiếu cuối năm để có tiền tìm mua ít quà cho người thân. Đêm nay, trong dòng người lũ lượt nô nức trở về với mái ấm gia đình, hay tìm đến nhau với tay rượu, tay quà, … có những giòng nước mắt buồn tủi cho thân phận kém may mắn của mình!
Chiều Giáng Sinh, người ta nghe quanh mình rộn rã tiếng chào từ giả và chúc mừng nhau.Và rồi, sau giờ tiệm quán đóng cửa, xe và người thưa vắng dần đi. Tại thành phố, nhờ ánh đèn màu trang hoàng từ trên đường, nhà, tiệm quán … trông còn sáng đẹp và phần nào vui mắt. Quanh vào các khu nhà bên trong, đèn đường thưa thớt, ánh sáng vàng mờ, thỉnh thoảng mới có một căn nhà với những dây đèn màu; trông khung cảnh nới đây buồn vắng hơn, dễ làm chạnh lòng người lữ thứ.Niềm vui của ngày lễ hội quanh mình, vẫn không bao giờ khoả lấp được nỗi lòng của người đã phải xa rời quê nhà.
Đêm nay, Ngôi Hai giáng sinh trần ai, đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than.
“Lạy Chúa!
Ðêm nay người xuống đời.
Xin đem nguồn vui tới
những đôi môi cằn cỗi lâu không cười “
*

Lễ Giáng Sinh 2020
Bùi Đức Tính

…………………………………………………………………………………
* Lá Thư Trần Thế – Nhạc sĩ Hoài Linh
Audio (sẽ có từ ngày 23 tháng 12), xin kính mời vào Channel Bảo Quốc Bảo:
https://www.youtube.com/channel/UColr64lwFZlRvy-VfSoSyoA

Xem thêm

Nhận báo giá qua email