“Ông thần đã ra khỏi cái chai. Chúng ta cần đẩy mạnh việc phát triển trí tuệ nhân tạo nhưng chúng ta cũng cần lưu tâm đến những nguy hiểm hết sức có thật của nó. Tôi sợ rằng A.I. có thể thay thế con người hoàn toàn.”
“Sự phát triển trí tuệ nhân tạo đầy đủ có thể báo hiệu sự kết thúc của loài người.”
Stephen Hawking

Stephen Hawking, nhà vật lý lý thuyết vĩ đại vừa giã từ nhân loại tuần trước, người có bộ óc được so sánh với, và có thể hơn cả Einstein, đã báo động như thế.
Không phải chỉ có một mình Giáo sư Hawking.
Elon Musk, nhà tỷ phú hiện đang làm say mê thế giới với những hỏa tiễn SpaceX và xe tự lái Tesla – sử dụng công nghệ A.I., cũng báo động tương tự, “Với trí tuệ nhân tạo, chúng ta đang triệu thỉnh quỷ dữ….” Ông so sánh, “… hãy ghi lấy lời tôi nói, A.I. thì nguy hiểm hơn nhiều so với bom nguyên tử. Hơn xa”.
Bill Gates, ông trùm điện toán, người sáng lập công ty Microsoft đồng ý với Musk. Gatyes từng viết: “Tôi nằm trong nhóm có quan ngại về trí thông minh siêu đẳng. Đầu tiên các máy đó sẽ làm rất nhiều công việc cho chúng ta và không phải là siêu thông minh. Đó là điều tốt nếu chúng ta quản lý nó tốt.
“Một vài thập kỷ sau đó, trí thông minh đủ mạnh để trở nên một mối lo. Tôi cũng đồng ý với Elon Musk và một số người khác về vấn đề này và không hiểu tại sao một số người không thấy lo.”
Vladimir Putin, vị tổng thống lầm lì của nước Nga khẳng định rằng A.I. “đến với những cơ hội khổng lồ, nhưng cũng với cả những đe dọa khó lường trước. Kẻ nào trở thành người đi đầu trong lãnh vực này sẽ trở thành người cai trị thế giới.”
Trí tuệ nhân tạo
Vậy thì Artificial Intelligence, viết tắt là A.I., dịch sang tiếng Việt là trí tuệ nhân tạo, hoặc trí thông minh nhân tạo, và cả trí khôn nhân tạo… là cái gì mà đáng sợ đến thế?
Có rất nhiều định nghĩa thích hợp với từng giới. Với tầm cỡ của …chúng ta, A.I. là một ngành của môn khoa học điện toán, ((computer / vi tính). Mục tiêu của ngành này là giúp phát triển những máy điện toán có thể làm các công việc mà bình thường được con người làm — nhất là những công việc liên quan đến việc phải làm một cách thông minh.
Một định nghĩa khác, cũng khá dễ hiểu, là A.I. là khả năng của một máy điện toán hoặc một cái máy để suy nghĩ và học tập. Nó cũng là một ngành ngiên cứu nỗ lực để làm cho các máy điện toán trở nên thông minh… Nói chung, từ trí thông minh nhân tạo có nghĩa là một cái máy bắt chước nhận thức của con người.
Từ Artificial Intelligence được nhà nghiên cứu John McCarthy của Đại học Standford Hoa kỳ tạo ra tại The Dartmouth Conference, một hội nghị về …trí tuệ nhân tạo năm 1956 diễn ra ở Đại học Dartmouth, New Hampshire.
Thật ra thì A.I. đã hiện diện quanh bạn từ lâu nay rồi. Cái điện thoại smart phone nằm trong túi của bạn là một. Khi bạn đánh một cái text message, cái app Messages trong điện thoại sẽ gợi ý cho bạn vài chữ bạn có thể là chữ mà bạn đang muốn viết / đánh để bạn chọn cho nhanh. Về nếu bạn đánh vào một chữ mới, nó sẽ nhớ chữ đó để lần sau trình ra cho bạn chọn.
Nếu dùng hệ điều hành Android, bạn sẽ có Google Assistant (còn gọi là OK Google vì mỗi lần muốn sai nó làm cái gì đó, bạn phải bảo nó OK Google). Anh chàng này sau khi được bạn gọi nó lên, bằng lệnh OK Google, nó sẽ ngoan ngoãn giúp bạn. Bạn bảo nó tìm đường tốt nhất để lái xe về nhà, hỏi nó quán ăn, nhà băng nào gần nhất…Thậm chí, nó còn nhắc bạn cả ngày sinh nhật của bà xã.
Google Assistant chỉ là một trong số các Virtual Personal Assistant (Phụ tá / Trợ thủ ảo, trong nước gọi là trợ lý ảo, nhức tai hơn) hiện có, như SIRI (trong máy tính / phone dùng iOS của Apple), Cortana (trong Windows), và Alexa (của Amazon).
Với những người thích chơi game, họ gặp A.I. nhiều hơn mà không biết. Các game đã ứng dụng A.I. từ lâu. Khi bạn chơi với máy, thú dụ như một game chiến tranh như Call of Duty chẳng hạn, địch quân sẽ phân tích hành động và chiến thuật của bạn và chiến trường để tìm ra cách thắng được bạn hay ít nhất, ít tổn hại nhất.
Với những bạn có xe hơi mới, A.I. ở ngay trong xe, giúp bạn những tiện nghi tốt nhất: giúp đậu parallel parking, hay ngon lành hơn nếu bạn có một chiếc Tesla, tự lái.
Ở trong nhà, bạn có những trợ thủ A.I., như cái máy chỉnh nhiệt độ (thermostat). Lúc đầu, nó chỉ đơn giản dựa trên ấn định trước của bạn để mở lên, tắt đi vào giờ nào đó trong ngày. Nhưng dần dà, với những máy tối tân hơn, nó sẽ học các thói quen và thời biểu của bạn để tự động tắt, mở, tăng giảm các dụng cụ trong nhà để những thứ này hoạt động hữu hiệu hơn và tiết kiệm năng lượng. Ánh sáng cũng thế, nó “biết:” bạn ở chỗ nào để mở lên và sáng cỡ nào vào lúc nào, v.v…
Tuy nhiên, lãnh vực thương mại và dịch vụ hiên nay đang là những nơi ứng dụng A.I. nhiều nhất.
Bạn đã từng được text hoặc phôn của một công ty tín dụng như VISA, MasterCard… hỏi rằng có phải bạn vừa “cà” một món tiền tại chỗ ABC nào đó hay không?
Nếu có, đó chính là kết quả của A.I. đấy. Một chương trình của công ty này đã phát giác có một điều gì không bình thường trong cách ăn xài hoặc nơi cư trú của bạn để báo động cho công ty, và công ty gọi cho bạn – cũng rất có thể là cái chương trình điện toán đó nó tự động gọi cho bạn.
Cũng là kết quả của A.I. khi bạn thấy trong email của bạn, hoặc trên facebook, có những quảng cáo liên quan đến một dịch vụ, một món đồ mà bạn đang tìm mua, hay đang lưu ý đến.
Một số chương trình sử dụng A.I. còn thậm chí trò chuyện với bạn khi bạn đang xem một trang mạng nào đó. Chủ nhân của mạng này sử dụng một chương trình có trí tuệ nhân tạo là chatbot.
Trên đây chỉ là những lãnh vực người ta nhìn thấy hàng ngày. A.I. còn giúp không ít trong nhiều mặt khác, quan trọng hơn, như giao thông vận tải, giáo dục, nghệ thuậy, sức khỏe và y tế.
Như trong lãnh vực sức khỏe và y tế chẳng hạn, hiện nay nhiều hệ thống dựa trên A.I. hiện đang giúp nhân loại phòng ngừa, chống lại, và làm giảm gánh nặng của bệnh tật.
Ví dụ, A.I. có thể phân tích các cảm biến y tế và các dữ liệu sức khoẻ khác để dự đoán mức độ một bệnh nhân sẽ có thể bị nhiễm trùng máu nặng. Một nhóm khác của các nhà nghiên cứu đã tạo ra một chương trình A.I. để sàng lọc thông tin sức khoẻ của 700.000 bệnh nhân. Chương trình này được gọi là “Deep Patient”, phát giác những mối liên kết mà các bác sĩ không thấy, xác định các mô hình nguy cơ mới đối với một số bệnh ung thư, tiểu đường và rối loạn tâm thần. Các nhà khoa học ở MIT (Viện Kỹ thuật Massachusetts) đã hợp tác với các bệnh viện để phát triển các hệ thống A.I. có thể giúp các bác sĩ xác định ung thư vú tốt hơn. Phương pháp sử dụng A.I. chẩn đoán chính xác 97% các ca ung thư vú ác tính và giúp giảm số ca phẫu thuật lành tính xuống còn hơn 30%, so với các phương pháp mà các bác sĩ đang dùng.
A.I. thậm chí còn cung cấp một hệ thống phẫu thuật bằng robot thực hiện những cuộc giải phẫu thử nghiệm (trên cơ thể heo) hoàn toàn không có sự can thiệp của con người giỏi hơn các bác sĩ giải phẫu.
A.I. tốt như thế, nhưng tại sao người ta sợ?
Chưa nói đến những nỗi sợ cỡ như của Giáo sư Stephen Hawking và ông chủ hãng Tesla Elon Musk, người ta lo ngại A.I. sẽ giúp đỡ robot và các máy móc tự động sẽ cướp mất việc làm của con người.
Tỷ phú Jack Ma, chủ công ty Alibaba xác nhận, “A.I. và robot sẽ giết rất nhiều công việc vì trong tương lai, những việc đó sẽ được làm bằng máy.”
Anh chàng Ba Tàu xấu trai này nói đúng. Trong lúc nhiều người tin rằng robot không thể nào làm được những chuyện phức tạp, với sự giúp đỡ của A.I., nay các người máy đã làm được. Một thí dụ; công ty Moley Robotis đã phát minh ra một đầu bếp thông minh tự động 100%. Chú robot này có thể học các công thức và kỹ thuật nấu ăn để tự động nấu – rồi sau đó còn biết dọn dẹp sạch sẽ chỗ nấu nướng nữa (hơn các ông chồng xa lắc).
Theo Policybazaar.com, trong ngành bảo hiểm, hiện đã có đến gần 70% các bảo hiểm xe hơi được robot bán ra
Robot còn giành luôn cả những công việc cần tới phán đoán, như nhân viên an ninh chẳng hạn. “Con” Robot K5 của công ty Knightscope hiện nay đang tuần tra nhiều doanh nghiệp. Nó biết quan sát chung quanh và phát giác các hành vi đáng ngờ và nhận ra các tiếng động mang dấu hiệu tội phạm như tiếng người kêu cứu, tiếng cửa kiếng vỡ… “Con” K7 còn ngon hơn nữa, nó có tính di động cao và có thể làm việc ở các nhà tù, phi trường…
Những nhân vật nhìn xa trông rộng khác đến mức độ tương lai và số phận của nhân loại, như Giáo sư Stephen Hawking và ông chủ hãng Tesla Elon Musk hoặc các nhà văn chuyên khoa học dự tri (nay gọi là dự tri, không còn là giả tưởng nữa), có thêm những cái sợ khác.
Họ sợ A.I. sẽ quá khôn, khôn vượt con người. Họ sợ khi A.I. đủ khôn, nó sẽ có thể tự sản xuất ra nhiều A.I. và robot khác. Và họ sợ A.I. rơi vào tay không đúng người.
A.I. rõ ràng là đã khôn quá rồi. Từ thế kỷ trước, năm 1997, máy điện toán Deep Blue của IBM đã hạ kỳ vương Garry Kasparov và năm 2011, Watson, cũng của IBM, đã thắng hai nhà quán quân cao điểm nhất của chương trình kiến thức Jeopardy! trên truyền hình.
Trong tiểu thuyết – sau đó được quay thành phim, 2001: A Space Odyssey của nhà văn Arthur Clark, cái HAL9000, cái máy computer mang trí tuệ nhân tạo là một thành viên của phi hành đoàn. Khi nó làm lỗi, các phi hành gia khác định tắt nó để sửa chữa, nó đã từ chối và quyết định phải …hạ sát các phi hành gia đó.
Trong phim ảnh, người ta thấy không ít những người máy đáng ngại. Vài thí dụ cổ điển là Terminator trong loạt phim của người hùng đô con Arnold Schwarzenegger đến con robot sát nhân trong phim I, Robot (dựa theo một truyện của nhà văn khoa học dự tri Isaac Asimov).
Hồi năm 2016, trong một cuộc hội thảo, nàng Sophia, một robot do Giáo sư David Hanson chế tạo, khi được phỏng vấn đã cho thấy robot cũng có tham vọng. Cô nàng này nói, “ Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ làm được những việc như đi học, tạo các tácp hẩm nghệ thuật, mở một doanh nghiệp, thậm chí có nhà và gia đình. Nhưng tôi không được coi là một người theo luật pháp và chưa thể làm các việcđó được.” Khi được đùa hỏi rằng có muốn hủy diệt loài người hay không, Sophia vui vẻ đồng ý, “OK. Tôi sẽ hủy diệt loài người.”
Chuyện công nghệ A.I. rơi vào tay kẻ xấu rất có thể xảy ra. Như thông tin của con người được thâu thập qua facebook, twitter được sử dụng để viết các email giả bằng văn phong của người đó để gửi đến cho những thân hữu, chỗ làm ăn của người đó để lừa đảo.
A.I. cũng được dùng để tạo ra các tin vịt – fake news để lừa dư luận hoặc để tuyên truyền. Mới đây, một nhóm nghiên cứu A.I. của trường Đại học Washington đã dựng được một video trong đó, cựu tổng thống Barack Obama đọc một diễn văn. Nếu không được báo trước, hầu như tất cả người xem đều tin là chuyện thật.
Trong địa hạt quân sự, những robot chiến đấu được A.I. hỗ trợ đang là những thực tế đáng sợ. Năm 2017, hơn 100 người cầm đầu các công ty công nghệ A.I. và robot đã công bố một thư ngỏ cảnh báo rằng công việc của họ có thể được chuyển mục tiêu để sản xuất các vũ khí tự động – những killer robot. Họ thỉnh cầu Liên hiệp quốc ban hành lệnh cấm phát triển và sử dụng vũ khí trí tuệ nhân tạo.
Hơn 30 quốc gia đã sản xuất được các máy bay không người lái mang vũ khí. Tuy hầu hết được hoa tiêu người điều khiển quyết định bắn hay thả bom, một số đã có thể tự động khai hỏa trong một số tình huống. Nó không còn là tự động nữa mà đã có một phần “tự trị” (autonomous) không chịu sự kiểm soát, sai khiến, mệnh lệnh.
Cơ quan các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (Defense Advanced Research Projects Agency / DARPA) của Hoa kỳ được cho là nơi đang nghiên cứu và sản xuất các siêu chiến binh với khả năng nhận thức và phán đoán – những cái máy giết người.
Năm 2017, DARPA đã khởi động một đề án có kinh phí 2.7 tỷ đô la để nghiên cứu thiết kế khiến cho con người có thể kiềm chế nhiều hơn các hệ thống do A.I. kiểm soát.
Hoa kỳ là nơi tương đối các bí mật quân sự lâu lâu bị giới thông tấn khui ra. Ở những quốc gia khác, như Nga, Trung cộng, Iran và cả Ấn độ, chắc chắn là họ đang có những nỗ lực tương tự, và có trời biết họ đã tiến đến mức nào. Anh Putin, anh Tập chắc chắn đang có những công trình tương tự, khác ở chỗ giới thông tấn ở Nga và Trung cộng không có tự do để mò mẫm những bí mật nhà nước như ở Mỹ.
Elon Musk viết trên tài khoản Twitter của ông: “Trung Quốc, Nga và chẳng mấy nữa tất cả các nước đều có khoa học điện toán rất mạnh. Theo tôi, cuộc ganh đua để giành thế vượt trội về A.I. ở cấp độ các nước chắc chắn sẽ gây ra Thế chiến thứ 3 “.
Musk cho rằng có thể cái thế chiến thứ ba này sẽ …tự động xảy ra: “Có thể cuộc chiến tranh đó không phải do các nhà lãnh đạo khởi động, mà do một trong các A.I. gây ra nếu nó thấy cần phải tấn công phủ đầu để giành thắng lợi”.
Sau thư ngỏ của hơn 100 lãnh đạo các công ty công nghệ A.I. và robot, tháng 11, Giáo sư Hawking nhấn mạnh thêm mức độ quan trọng và cần thiết phải có kiểm soát A.I. tại một hội nghị công nghệ ở Lisbon: “Trừ khi chúng ta học được cách chuẩn bị và tránh những nguy cơ tiềm ẩn, A.I. có thể là sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử văn minh của chúng ta. Nó mang lại các nguy hiểm, như các vũ khí tự trị mạnh, hoặc những phương cách mới để một số ít người có thể áp bức nhiều người.”
Cùng tháng đó, đến tháng 11 các chuyên gia A.I. ở Canada và Úc cũng công bố một thư ngỏ gửi chinh phủ Canada và Úc thúc giục ủng hộ của Liên Hiệp Quốc ra quyết định cấm vũ khí tự trị.
Nhưng, như nhà báo Sakalle của mạng Business Insider đã nhận định, “Khi Hawking hay Musk nói rằng chúng ta nên sợ trí thông minh nhân tạo, họ không muốn nói là chúng ta nên ngừng xây dựng các giải pháp thân thiện với con người. Nỗi sợ hãi của họ bắt nguồn từ sự cao ngạo của bản chất con người và những cách hoạt động của các tổ chức trên khắp thế giới.”
“Trí tuệ nhân tạo giống như con cái chúng ta. Những robot này, sẽ thay thế cho con người, thì tốt khi chúng được kiểm soát và hoạt động dựa trên các hướng dẫn của con người. Mặt khác, siêu trí tuệ sẽ cho phép các máy móc vượt qua được khả năng của con người và chúng ta đều biết rằng nó có thể làm được gì. Nếu một con người có khả năng làm được nhiều điều tốt đẹp và xấu xa đến thế, hãy tưởng tượng một máy vô cảm có thể làm được gì.”
Đỗ Quân