Ăn để sống hay là sống để ăn.
Trước tiên ăn để sống cái đã. Sau khi tồn tại sống rồi mới quay sang thưởng thức món ăn.
Nhưng ăn gì để sống?
Dĩ nhiên để lấp đầy bao tử là lương thực rồi đến thực phẩm. Nhớ ngày xửa ngày xưa hồi bao cấp, mọi thứ đều mua theo phân phối, gạo mỗi tháng mười hai hay mươí tám ký tùy theo từng người. Tuy không phải gạo tấm nhưng hạt gạo bấy giờ đen, gẫy, đầy sạn và đầy bông cỏ, nhà nào cũng xúm vào nhặt mỏi tay, mỏi mắt. Không có đàn chim của cô Tấm nên dần dần người ta cũng sinh ra lắm “sáng kiến kinh nghiệm”. Người nhặt gạo thường thấm nước vào đầu tăm hay que nhang để dính sạn và bông cỏ, nhanh hơn nhặt tay rất nhiều. Bây giờ gạo không còn ẩm mốc và hôi mùi cứt dán nữa mà thơm lừng do được bón bằng phân hữu cơ hay… phun hương liệu. Gạo nào cũng trắng trẻo, thơm ngon, thậm chí gạo huyết rồng thực sự, diện tích trồng ra đâu có bao nhiêu, cũng được chấm lên mấy cái chấm nâu nâu nhân tạo để thỏa mãn cho thị trường trong nước, ngoài nước lúc nào cũng hút hàng. Thành thử gạo chỉ nên vo sơ sơ thôi, không phải sợ mất cám mà vo kỹ quá thì bay hết… mầu huyết rồng.
Nước tương nước mắm… om xòm lên một dạo, ông này đưa bằng cớ đổ lỗi ông kia, ông kia trưng văn bản đổ thừa ông này, rồi lại trở lại tình trạng bình thường. Ung thư… xa lắc, khi nào bệnh xa vời chưa biết chứ còn trước mắt, dân lao động vào quán cơm vẫn xịt “nước tương lít”, “tương cà, tương ớt” chứa trong chai nước suối, chưa thấy ai hô hoán lên ngộ độc hoặc bệnh tật gì cả. Bởi vì một đĩa cơm bình dân giá hai mươi lăm, ba chục ngàn đồng và cơm chay bình dân giá mười lăm ngàn thì không thể thiếu nước tương lít. Dân có tiền vào siêu thị mua chai nước tương có dán nhãn “nước tương sạch” đàng hoàng sản xuất theo kiểu mới và cũ là kết hợp công nghệ lên men với hóa giải để hạn chế tối đa hàm lượng 3- MCPD… Vì sản xuất theo kiểu đời xưa đó, việc lên men tốn nhiều thời gian hơn nên giá “sạch” cao hơn giá “bẩn” tới 30%. Thành thử biết độc nhưng nước tương rẻ tiền vẫn được tiêu thụ mạnh mẽ. Vả lại nhiều người đa nghi cái nước tương “sạch” đó không biết có sạch hoài không hay chỉ sạch một năm, một tháng, một tuần, thậm chí sạch mỗi một đợt lúc cần thiết lấy mẫu đi kiểm nghiệm mà thôi rồi “mèo cũng hoàn mèo”. Ăn nước tương “bẩn” phải trả tiền nước tương “sạch” thì ấm ức lắm.
Nước mắm với hình ảnh những thùng chượp cá cao đụng mái nhà để cả năm mới “nhỉ” ra từng giọt nước mắm sóng sánh chỉ thấy xuất hiện trong phim ảnh. Còn theo mô tả của chính phái đoàn kiểm tra thì nước mắm trong thành phố được sản xuất trong các hồ ciment loang lổ, bong tróc từng mảng. Có nơi chẳng thèm đậy điệm làm chi mất công, cứ lộ thiên cho thằn lằn, gián, mối tha hồ nhảy vào tự vận, và cũng chẳng ai thèm vớt khiến xác “lũ ấy” cứ nổi lềnh bềnh một cách vui vẻ đầy quen thuộc, không hù dọa nổi ai. Tin nước mắm sản xuất bằng cá ươn và phân u-rê được khẳng định là có thật. Ngoại thành đất đai còn rộng rãi chứ những công ty sản xuất ở ngay trong nội thành thì tấc đất, tấc vàng chỗ đâu mà xây hồ, xây bể. Công nghệ sản xuất nước mắm được tinh giản tối đa. Giám đốc kiêm kế toán, thủ quỹ, kiêm luôn công việc vô chai, đóng nút… Chỉ mua ít nước mắm cốt về pha thêm nước lã, tức là nước phông-tên. Ý quên, bây giờ làm gì còn phông-tên nữa, sẵn có rô-bi-nê tốt chán khỏi đun sôi tốn phí củi lửa, nhiều khi cũng không cần rô-bi-nê đâu. Nhà máy nước khử trùng nước, chạy đường ống, nhân viên được trả lương đọc công-tơ nên giá thành nước cũng đắt. Tốn tiền một lần thuê thợ đào giếng là dùng nước thoải mái. Giếng đào vô tội vạ nên mới đây nhà nước hoảng hốt báo động mạch nước ngầm khai thác quá mức trở nên kiệt quệ và khiến mặt đất bị… lún! Dẫu sao nước giếng vẫn còn là sạch. Gần đây người ta mới phát giác có những nơi sản xuất nước sạch đóng bình lấy từ nước mương bẩn mới ghê.
Hỗn hợp chín phần nước lã, một phần nước mắm này mới là sơ chế. Sau đó gia muối, bột ngọt, thêm phẩm màu và… hương nước mắm là xong. Nhớ hồi xa xưa, nhờ người quen ra mua thùng nước mắm Phú Quốc về để dành ăn mấy năm. Càng để lâu, nước mắm càng keo lại óng ánh màu hổ phách. Nếm một giọt đầu lưỡi, vị ngọt đậm đà đọng mãi trong cuống họng. Còn bây giờ nước mắm đóng chai chỉ có hạn sáu tháng. Đồng thời theo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu, sợ Tây không ăn được, nên nước mắm chỉ có màu vàng nhạt và hơi mằn mặn chứ không có mùi và vị nước mắm đặc biệt như trước kia. Đành chịu thua không thể đánh giá nước mắm theo những tiêu chuẩn cổ truyền, chỉ có thể căn cứ vào độ đạm trên nhãn nhưng thứ này cũng bị coi là… vô giá trị vì nhãn in sao kệ nhãn, chất lượng nước mắm thế nào là hai vấn đề riêng rẽ, không chút dính líu gì với nhau.
Nước chấm là thứ không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày mà còn vậy nên nhiều người quay ra dùng bột nêm. Hoàn toàn không biết thực sự trong bột nêm là gì khi một gói bột thịt heo, thịt gà… được quảng cáo là chiết xuất từ tủy xương và cốt thịt e rằng thành phần chính chỉ có bột ngọt và muối thường, không phải muối iod trong khi ai cũng biết Nhật Bản là xứ sản xuất bột ngọt bán ra khắp thế giới, lại không hề đụng tới nó trong bữa ăn của họ.
Thứ gì cũng báo động đỏ, nhất là thực phẩm. Lúc trước, khi thịt thà tôm cá mang về chợ người ta mới “làm hàng” nhưng bây giờ hàng được săn sóc từ đầu nguồn. Tôm tiêm hóa chất để đẻ nhiều và nặng cân. Heo cho ăn thuốc tăng trọng của heo là lẽ đương nhiên nhưng tôm cá cũng buộc xơi thuốc tăng trọng của heo luôn. Trời đất, con tôm nhỏ xíu bằng ngón tay, con cá bảnh bao hơn, to bằng bàn tay đều ăn thuốc vỗ béo dành cho “chú Trư” nặng cả tạ thì làm sao chịu nổi, cho nên miếng phi lê cá bở bục, bở rời. Khoảng bốn mươi phần trăm trọng lượng của tôm là nước và tạp chất. Mua tôm về làm là rau câu rớt ra từng mảng, khi chiên xào, nước ra òng ọc, con tôm tọp hẳn đi. Còn như không tọp thì dòn dòn, dai dai và trong suốt như là ăn thứ gì đó có hình dạng con tôm chứ không phải tôm.
Có người cẩn thận không ăn tôm nuôi – như tôm sú chẳng hạn – vì sợ nuôi bằng thức ăn tăng trọng đặc biệt, cám heo, cám gà… mà chuyển sang xơi tôm biển tức là tôm bắt tự nhiên như tôm thẻ… Tuy nhiên tôm tươi lưới từ thiên nhiên thực sự thì làm sao có đủ nhiều để cung cấp cho thị trường.
Dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi khiến nguồn thịt của thành phố bị giảm sút trầm trọng. Trâu bò heo dê gà… đều lâm “kiếp nạn”. Cho đến trại giống nhà nước tưởng chừng là nơi bất khả xâm phạm cũng bị nhiễm dịch huống hồ vịt, ngỗng, bồ câu… là thứ chim trời cá nước lang bang đây đó càng đáng e dè hơn. Dịch heo tai xanh từ miền Trung khốn khó đã tạm thời lắng xuống. Có thời heo chết rồi vẫn rao bán. Hoặc thậm chí không tốn tiền mua, heo bệnh chôn xuống đất rồi, chỉ cần tốn công “đào mồ, quật mả” mang lên… giã làm nem, giò chả, nêm thật nhiều gia vị là xong, ngũ vị hương thơm lừng, hành, tỏi, tiêu, ớt… nếu thịt tím bầm thì trộn thêm mầu hột điều khó ai phát hiện được. Hay nhắm mắt giả tảng, làm ngơ mua thịt heo đã luộc chín bán sẵn ngoài chợ về xắt ra cuốn bánh tráng, chấm mắm mêm… thì ôi thôi heo nào cũng như nhau.
Bổ xung vào nguồn thực phẩm thành phố với giá rẻ mạt từng là trứng gà Trung quốc luôn luôn có lòng đỏ đỏ thắm tốt tươi. Dân VN ăn chán chê mới phát giác trong lòng đỏ có chất Sudan gây ung thư. Chất này cũng dùng làm son môi giúp đôi môi chị em ta đỏ thắm cả ngày. Chỉ khổ nhà nước lại vất vả tất bật la lên dân chúng đừng có ăn trứng gà Trung quốc nữa. La lên thì rõ rồi nhưng không có biện pháp cấm cản, ngăn chặn nên trứng Trung quốc nhập lậu vẫn tràn lan chợ búa. Dĩ nhiên “người trần mắt thịt” thì không cách nào phân biệt nổi quốc tịch của các quả trứng giống nhau như đúc nằm lẫn lộn trong cùng một giỏ. Lẩu cũng thế, ngay cả các nhà hàng lớn chỉ cần mua gói bột lẩu giá từ 10 đến 30 ngàn đồng thả vào nước sôi là có ngay nồi lẩu kim chi, lẩu cay Tứ Xuyên, lẩu hải sản… thơm ngon với mùi vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Thôi thì đừng dùng thịt, trứng nữa. Thức ăn từ động vật nên chuyển sang thực vật, tránh xa được các thức độc hại và theo đúng xu thế ẩm thực hiện đại. Thế nhưng thời buổi tới rau cỏ cũng sinh chuyện. Dạo này loại rau thủy sinh tức là rau mọc dưới nước như rau muống, rau cần, rau nhút… đang báo động là trồng ở những nơi mà nguồn nước từ các khu công nghiệp thải ra chứa đầy kim loại chì. Rau bầy ở chợ láng mướt, xanh tươi, to cọng, đẹp lá nhờ cấp kỳ nhúng thuốc, bơm hóa chất, phun thuốc trừ sâu chỉ vài giờ trước khi hái. Ngay cả rau bày trong siêu thị cũng được cảnh báo là chưa chắc đã “sạch” bởi lấy thử mẫu rau trong siêu thị, sau khi rửa bằng nước thường, mang đi xét nghiệm thì cũng có một phần nhiễm trùng lông, trùng roi, ấu trùng giun, giun trong đất, giun đũa, giun đũa chó mèo, giun móc, giun lươn, sán chó… đủ thứ giun sán trên cõi đời này ký sinh trên rau ăn.
Rau được khuyến cáo nên “nấu sôi” để chắc chắn tiệt trùng. Tức là nên ăn chả giò, bánh xèo, hột vịt lộn… kèm với rau xà lách, cải xanh, rau răm, tía tô, húng quế, húng lủi… đã… luộc chín cẩn thận hay là trụng qua giống như trụng giá khi ăn phở vậy! Chắc ăn nhất kiếm rau mọc hoang ở bờ sông dưới quê, vùng xa, sâu tuốt trong rừng nơi chưa có nhà máy nào ở gần như rau càng cua, sơn, xăng máu, chạy, vạn thọ, cóc, ổi, lá lụa, quế vị, soi nhái… Kẹt một nỗi mấy quán ăn thuộc loại “hương quê” độc quyền thu mua hết loại “đặc sản” này lấy đâu lọt ra ngoài. Nảy sinh ra một số người tự động chia nhau hùng cứ từng đoạn sông rạch để bứt rau dại bán với giá mối hai chục ngàn đồng một ký, không còn dư rau để bán lẻ!
Ngành nông nghiệp luôn hô hào tăng năng suất cây trồng và gia súc. Rau đạt năng suất hai mươi lăm đến ba mươi tấn, lúa từ bốn đến năm tấn, trái cây mười lăm đến hai mươi tấn trên một hecta. Heo con tách mẹ chỉ nuôi bốn tháng xuất chuồng hơn một trăm ký, cá nuôi năm tháng cân nặng hai ký ăn vừa khô vừa bã. Vì thế, hầu hết cá xuất khẩu đều bị trả về do không đủ các tiêu chí vệ sinh thực phẩm; một số thương lái mua mít xanh với giá rẻ rồi tiêm thẳng vào trái mít Ethepol, là hóa chất kích thích cây cao su ra nhựa, một hai ngày sau mít chín bán giá cao… Mọi kết quả đạt được một cách hối hả. Cấp trên vỗ tay rào rào, khen thưởng lia chia… Miễn thành tích lẫy lừng được loan báo rộng rãi, còn chất lượng ra sao thì đừng có… nhắc tới.
Sữa tăng giá khiến nhiều người lo ngại nếu giảm uống sữa sẽ gây nên hậu quả trẻ em bớt thông minh, bớt chiều cao. Giải thích cho việc tăng giá sữa này, một chuyên viên kinh tế cao cấp đã giải thích: Thực phẩm dùng cho bữa cơm hàng ngày chứa nhiều độc tố nên dân chúng e ngại, nhu cầu về sữa tăng đột biến do họ (nhất là người già yếu) chuyển sang sống bằng… sữa!!! Ngay cả các vị thuốc Bắc ở Chợ Lớn cũng bị rút hết hoạt chất để khi nhập vào VN đã trở thành rác.
Những hóa chất trong lương thực, thực phẩm được khuyến cáo không nên dùng bởi tích tụ lâu ngày trong cơ thể sẽ gây ra ung thư nhất là ung thư đường ruột. Ai mà chẳng biết điều ấy. Ai mà chẳng biết vào shop mua thịt bò Úc, thịt gà Mỹ, cá hồi Canada, nho Nhật, rau quả “hữu cơ”, thực phẩm xanh… là bảo đảm. Chỉ có điều là đắt thôi. “Đắt” nghĩa là có gì ăn nấy chớ lôi thôi, cho nên nói tới đó, dân nghèo cụt hứng, hết chuyện nói tiếp!!!
SGCN