Ăn giỗ ngoài hồ…

Khi còn là trẻ con, tôi mong hai lần ăn chơi thả cửa trong năm là tết và đám giỗ ông nội tôi. Nhiều người hỏi tôi là thuở nhỏ sống ở dưới quê hay ở Sài gòn mà đọc bài tôi viết thấy tôi tả cuộc sống dưới quê cũng như trên Sài gòn đều rất thực. Có lẽ thực nhất là gia đình tôi có căn nhà dưới quê, được xem như nhà tổ nên tết và đám giỗ ông nội đều về quê. Khi tôi còn nhỏ thì suốt mùa hè tôi sống dưới quê với bà vú vì cha mẹ làm ăn ở Sài gòn, chín tháng đến trường thì tôi sống ở Sài gòn để đi học.Tết thì khỏi nói rồi, ngày xưa gọi là tất niên chứ không gọi là liên hoan như bây giờ. Sau bữa tất niên với bạn bè trong lớp là bữa tiệc tưng bừng của tuổi nhỏ vì được uống nước ngọt, ăn bánh kẹo, mứt tết đã đời. Còn đã điếu là gì thì tới nay tôi cũng không biết nhưng đúng là đã điếu với thèo lèo cứt chuột, cả bọn trẻ cứ ném nhau chứa ăn sao hết, mặc cô giáo cứ cốc yêu lên đầu, nhéo tai… “các em không được phung phí”. Cuối cùng là cô giáo tuyên bố, “Từ ngày mai các em được nghỉ tết đến mồng sáu tết phải trở lại trường học.”

Ôi, tôi yêu lời tuyên bố đó của cô giáo suốt thời tuổi nhỏ hơn yêu cô giáo với mái trường vì từ tuyên bố đó là không phải học cửu chương, học bài, làm toán, tập làm văn ở nhà gì nữa hết. Cứ ngủ dậy là đi bắt dế khi sương đêm còn trắng trên ngọn cỏ. Buổi trưa tha hồ mò cua bắt ốc, tắm sông, giăng câu, đào chuột… đủ trò. Chiều vơi nắng thì chơi thả diều, đá banh, hay đánh trận giả bằng súng gỗ trên những cánh đồng tranh bạt ngàn từ xóm nhà ra sông. Những ngày cận tết càng vui với tiếng pháo đầu trên xóm dưới, tối tới bập bùng ánh lửa nhà này nhà kia nấu bánh chưng, bánh tét làm cho cả xóm vui theo nhạc xuân nhà nào cũng mở máy nhạc thật to cho cả xóm nghe. Tới khuya khuya, khi đàn anh đàn chị bập bùng bên ánh lửa nấu bánh với cây đàn ghi ta vang vang xóm làng những xuân khúc “ly rược mừng”, “xuân này con không về…” thì đàn trẻ thơ ngây cỡ tôi đã ngủ khò từ hồi nào. Tết là vậy đó, ăn chơi từ mở mắt tới ngủ ngồi, ngủ gục ở sân nhà ai trong xóm cũng không cần biết, chỉ biết chơi hết mình với tết là tết.

Và lần ăn chơi thả cửa thứ hai trong năm là đám giỗ ông nội. Cha mẹ tôi cho xe chở về căn nhà tổ không biết bao nhiêu là nước ngọt hiệu con nai hồi xưa, ngon nhất là chai nước xá xị, nhưng tôi lại thích chai bạc hà, quậy với sữa ông thọ rồi đập nước đá cho thật nhuyễn bỏ vào ly thì thôi sung sướng. Uống một hơi hết nửa ly, mát lạnh tới trong bụng. Ngọt, béo sữa tới liu riu đầu lưỡi và đã đời nhất là mùi bạc hà xông lên mũi tới đê mê… Rượu bia được chở về cũng nhiều nhưng không phải cho trẻ con nên tôi không quan tâm. Chỉ thích xem người lớn mổ heo như xem phim kinh dị của tuổi nhỏ, sợ nhưng lại muốn xem. Xem cả xóm xúm lại làm gà, vịt nói cười vui cả khu vườn. Vui nhất là cha tôi đã xin phép cô giáo cho tôi được nghỉ học vài ngày để về quê ăn giỗ. Đám giỗ ngày xưa vui nhất là ngày tiền đám. Cả xóm xúm lại giúp tháo giỡ hàng rào của hai nhà hai bên nhà tôi cho rộng sân đãi khách làng trên xóm dưới. Đàn ông lo dựng rạp, kê bàn ghế, đàn bà lo nấu bếp đều vui. Vui nhất là trẻ con không cần biết đám giỗ nhà đó là nhà ai, trẻ con cứ thấy có đám là vui vì được ăn chơi thả cửa. Từ nhỏ, tôi đã đãi bạn bè hào sảng nên bạn cùng xóm rất thương tôi, nước ngọt tôi cho uống tùy thích, muốn mấy chai cũng được. Bánh trái cứ tự nhiên, nếu người lớn không cho lấy thì nói với tôi là có ngay. Đặc biệt mấy thằng bạn thân thì tôi tha nguyên cây chả lụa ra bờ ao, nhậu xá xị với tụi nó tưng bừng; gà luộc cũng chơi nguyên con, không cần chặt, heo quay vác cả tảng đi ăn chơi với bạn bè. Cha tôi không nhỏ mọn với láng giềng, mẹ tôi không tính toán với hàng xóm nên ai cũng tự tới giúp tay để có ngày chánh đám hôm sau thật như ý.

Hôm sau nữa là ngày hậu đám cũng vui không kém. Đàn ông lo giỡ rạp, đi trả bàn ghế cho những nhà hàng xóm mà gia đình tôi đã mượn vì mấy chục bàn ăn thì nhà ai đủ bàn ghế cho khách ngồi. Đàn bà dưới bếp lo tái chế biến thức ăn hôm qua còn cho mọi người cùng ăn, còn dư nữa thì chia cho hàng xóm đem về nhà ăn, mỗi người ít trái cây ăn lấy thảo. Họ hàng là cô chú tôi cũng được nhiều quà của hàng xóm gia đình tôi tặng để đem về Sài gòn ăn lấy thảo.

Tôi vẫn nhớ đêm trước hôm chánh đám, khi chỉ còn người nhà là cha tôi và các cô chú ruột thì thể nào cha tôi cũng giở cuốn gia phả của họ ra trước ban thờ tổ tiên để nhắc nhở các cô chú và con cháu về gia tộc nhà mình, những ai đã di cư vào nam, những ai còn ở lại ngoài bắc. Với trí nhớ nhóc con nhưng tôi đã được xem qua hình vẽ cây gia phả, tôi nhớ ông cụ tổ được cha tôi gọi là ông cụ Nghệ nhưng không phải tên là Nghệ. Ba trăm năm trước, tính đến nay đã ba trăm năm mươi năm. Người đàn ông mang họ nhà tôi đã một mình đi từ Nghệ an ra bắc lập nghiệp, lấy vợ sinh con ngoài bắc và sống luôn ngoài ấy đến khi qua đời. Các đời con cháu sau không dám gọi tên ông cụ nên đời thứ ba là người có học chữ Hán, đã lập gia phả của gia đình và không biết tên ông cụ nên gọi là ông cụ Nghệ. Đến đời cha chú tôi, một nửa anh chị em chú bác đã di cư vào nam năm 1954 – gồm những ai, những ai còn ở lại quê nhà…

Cha tôi giải thích hết cho cô chú tôi những thắc mắc về nhánh gia đình cô họ của tôi, tức ông chú của tôi đã lấy vợ làng nào, cùng tỉnh hay khác mà sao cô họ tôi không nói tiếng bắc rõ được như cha chú tôi? Tôi chưa phân biệt được giọng nói của cô họ khác cha tôi với chú ruột ở điểm nào, nhưng ký ức về cô chú, cha tôi khi giở cuốn gia phả ra trò chuyện trước ban thờ gia tiên thì ai cũng rất thành kính, đăm chiêu và cảm động. Tôi vẫn nhớ người cô họ của tôi có chồng con và nhà ở trước Viện Hoá Đạo ngày xưa trên đường Trần Quốc Toản. Cô ngân ngấn nước mắt khi nghe cha tôi giải thích những thắc mắc về nhánh gia đình cô. Song, cô khều cha tôi ra sân nói chuyện cho đừng ai nghe. Ngoài sân, thằng ranh con tôi đã chui gầm bàn ngày mai đại tiệc đám giỗ và nghe lén được cha tôi nói với cô, “Cái khoản anh vay của cô thì cho anh thư thả đến tháng sau anh sẽ gởi lại. Đừng cho chị cô hay sẽ rắc rối cho anh…” Cô tôi trả lời, “Em không khều anh ra đây đòi nợ, em chỉ muốn nói với anh khoản nợ ấy anh không cần phải trả cho em nữa. Nhưng từ nay anh bớt ăn chơi lại. Em xin anh đấy. Đừng để chị dâu em buồn…”

Tôi không nói lại cho mẹ tôi hay đâu vì con trai không nhiều chuyện nên tới già tôi mới hiểu anh chị em trong nhà khi giở cuốn gia phả ra trước ban thờ gia tiên thì chín bỏ làm mười cho nhau vì tình cốt nhục. Cô tôi không thuận mắt mẹ tôi vì cô hơi tân thời, lúc cô học trường luật thì cô cỡi xe solex như cỡi ngựa ô. Mẹ tôi không ưng. Khi đã có gia đình thì cô mặc áo dài cổ bà Nhu đi chùa làm mẹ tôi không vui nên chị dâu em chồng không mấy thuận mắt nhau, nhưng cô vẫn thương và lo cho mẹ tôi như chị ruột của cô, cô không muốn mẹ tôi buồn khi biết cha tôi ăn chơi tới phải mượn tiền của cô.

Hôm nay thắp mấy nén hương lên bệ lò sưởi cho Phật bà Quan âm, thắp mấy nén hương trên bàn ăn với mâm cơm tự nấu, tự cúng để tưởng nhớ ngày cha tôi chết trên tay tôi sau khi ở tù về được hơn tháng, họ cho về nhà để chết ở nhà khi nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đã bị thế giới lên tiếng về việc có quá nhiều tù cải tạo chết trong trại cải tạo, tù chính trị chết trong khám Chí hoà.

Khói hương lung linh trong căn nhà vắng như lòng tôi trống vắng quê cha đất tổ, họ hàng người thân. Đời anh em tôi cũng chia đôi như đời cha chú di cư và ở lại, đời tôi anh em chia đôi một nửa ra nước ngoài, một nửa ở lại. Gia đình có gởi sang cho tôi đếm mấy cái dĩa quay đám giỗ mẹ tôi tới sáu trăm người tham dự vì sáu mươi bàn ăn. Tôi chỉ nhìn di ảnh mẹ tôi ở phút mở đầu những thước phim dài, nhìn lại anh em đã già cho vơi nỗi nhớ và lòng nguội đi những giận hờn vì trái ý nhau. Tôi biết mẹ tôi không muốn ồn ào náo nhiệt, không thích rình rang khoe mẽ nên tôi cũng thường giỗ mẹ một mình trong căn nhà mình tôi với mấy món chay vì mẹ ăn chay trường. Giỗ cha không thể thiếu món giả cầy và bê thui.

Ngồi nhìn khói hương lan toả như gia phả một gia tộc, làn khói chính lớn hơn, mạnh hơn, bay cao, bay xa hơn rồi cũng tan loãng đến biến mất như những làn khói nhỏ. Biết được xuất xứ, xuất thân của mình cũng hay trong những lúc bế tắc vì nhìn lại tiền nhân thì con cháu phải vươn lên, không được cúi đầu cam phận. Nhưng ở mặt nào đó, biết quá nhiều về mình cũng hụt hẫng nhiều. Giỗ cha lại nhớ đến anh tôi là người giỏi nhất nhà, anh biết trên dưới mười thứ tiếng nên cả nhà chỉ còn anh đọc được chữ Hán nên anh giữ cuốn gia phả của gia đình. Và ba muơi năm không về thì anh tôi đã ghi trong cuốn gia ấy về gia đình tôi ở Mỹ. Anh muốn tôi là người giữ cuốn ấy sau khi anh qua đời anh đã lớn tuổi. Nhưng tôi có muốn ghi tiếp thì được bao nhiêu năm nữa là hết đời tôi khi thế hệ con cháu bây giờ xem cuốn sổ chằng chịt chữ Hán, chữ Nôm, rồi chữ Quốc ngữ trong khi chúng dùng ngôn ngữ chính của chúng là tiếng Anh.

Nhang tàn như tất cả được sinh ra để tàn lụi đi. Khói đậm đến đâu cũng loãng dần tới tan biến. Tôi không muốn gậm nhấm thêm sự cô độc trong tâm tưởng nữa nên bưng đĩa bê thui ra xe, lái thẳng ra hồ và gọi ông bạn câu ra ăn đám giỗ với tôi ngoài hồ.

Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email