ĂN QUẢ NHỚ KẺ TRỒNG CÂY

Việt Nam là xứ nhiệt đới nắng nóng nên trái cây phong phú, quanh năm suốt tháng nối tiếp nhau hết vụ quả này quả sang mùa trái khác.

Trái cây được dùng vào nhiều việc. Ngoài ăn quả tươi, quả phơi khô thì còn phật thủ bày bàn thờ ngày tết quả sấu, me, thanh trà… lấy vị chua nấu nướng, táo phơi khô dùng trong thuốc Bắc…

Nhiều loại trái cây có quanh năm như chuối, đu đủ, mận, cóc… Có loại xuất hiện theo mùa. Tết nhất định phải có dưa hấu và thơm để chưng, sau đó là vú sữa, tháng Năm măng cụt, mãng cầu, bơ; tháng Sáu có vải, chôm chôm… Hè nắng nóng gay gắt là mùa nhiều trái cây nhất mà toàn thứ “nóng” ăn nhiều dễ nổi mụn nhọt như xoài, sầu riêng, mít… Cho nên ăn trái cây nóng cùng lúc lại phải uống nước sâm, nước đắng để trung hòa. Miền Bắc mùa thu có bưởi đón trăng, có na, hồng, quýt… làm quà dẫn cưới.

Mỗi miền, tùy theo khí hậu, thổ nhưỡng hợp với từng loại trái cây. Miền Bắc không trồng xoài được mà chỉ có quả muỗm vị hơi chua để nấu canh; vải, nhót… không hợp với đất phương Nam; khu vực Nam Trung bộ khô khan thích hợp với nho, thanh long… cao nguyên trồng bơ, sầu riêng…

Những năm gần đây, do kỹ thuật canh tác được cải tiến nhiều, nông dân có thể trồng rải vụ, ép trái vụ, nên trái cây nghịch mùa thường được bày trên sạp, dĩ nhiên đắt hơn chính vụ.. Thanh long đã trồng ở miền Tây. Miền Trung đã trồng xoài giống Úc…

Trước kia dưa hấu chỉ có vào dịp Tết, xoài rực lên vào đầu hè nhưng bây giờ xoài cát, dưa hấu ruột đỏ và vàng bán suốt năm. Miền Bắc do thời tiết nóng lạnh thay đổi rõ rệt nên vẫn phải theo mùa, khó trồng nghịch vụ như miền Nam. Trái cây hàng ngày theo đường xe lửa, xe đò thậm chí máy bay  nườm nượp xuôi Nam, ngược Bắc. 

Trước kia, dân miền Nam còn xa lạ với táo, lê, vải, đào… là những thứ hoa quả xứ mát. Quả lệ chi phương Nam mà An Lộc Sơn phải trải qua bao dặm đường phi ngựa mang về cho Dương Quý Phi chỉ biết qua đồ hộp. Nay đến mùa, vải chất ê hề trên sạp, dưới lề đường, xe bán rong… đến nỗi chôm chôm gặp ngay mùa vải đành thất thế, nông dân phải tìm cách hãm trái ra muộn sau mùa vải mới tiêu thụ được. Cũng y như vậy, xoài từng là đặc sản hiếm hoi làm quà ngược ra Bắc thì nay chỉ là loại trái cây bình thường ở thị trường phương Bắc. Tháng 4, tháng 5 mùa mơ Chùa Hương, mận Lạng Sơn, vải Bắc Giang… đóng thùng lạnh vào Nam trong lúc sa-bô-chê, chanh dây, bơ… theo tàu ra Bắc…

Lúc nào cũng có sẵn trái cây mới hái còn cuống lá: ổi, mận, dâu da, cam, mãng cầu xiêm, bưởi… Nhiều người xa quê kêu chán trái cây nhiệt đới đông lạnh hay đóng hộp mà chỉ mê về VN ăn trái cây tươi. Thế nhưng ở VN ngược lại, nhiều người không mua trái cây ngoài chợ mà thích vào shop. Ở đó bán đa số là trái cây ngoại quốc, hàng VN được lựa chọn loại to, đẹp. Shop có máy lạnh, tủ lạnh nên trữ trái cây lâu, nếu nhìn kỹ có lúc bắt gặp cuống nho ủng, vẩy thanh long ngà vàng… Lấy ra khỏi tủ lạnh, mang ra khỏi shop một lát, gặp trời nóng là bịch trái cây đọng mồ hôi, dễ lộ vẻ bèo nhèo trong khi trái cây ngoài chợ buổi sáng tươi ngon, không lạm dụng hóa chất giữ lâu, trưa chiều hàng héo đến đâu, chủ hàng giảm giá đẩy đi ngay tới đó.

Nhiều loại trái cây đặc biệt nổi tiếng như vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, bưởi Da Xanh Bến Tre, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn, quýt tiều Lai Vung, bưởi đường An Phú Đông, cam sành Vĩnh Long, mãng cầu Bà Đen Tây Ninh… 

Đặc sản trong nước dồi dào như vậy nhưng trái cây ngoại quốc vẫn ồ ạt đổ vào VN. Siêu thị và các shop trái cây bày táo Chi-Lê, kiwi Úc, lê Hàn, nho Mỹ… Đó là những xứ xa xôi diệu vợi, trái cây phải phun thuốc, đóng thùng, di chuyển bằng đường hàng không qua nhiều chặng hải quan. Còn ở các xứ hàng xóm thì trái cây ào ạt tuôn qua biên giới. Miền Nam, nhiều người tìm mua măng cụt, xoài, sầu riêng, bòn bon, me ngọt… của Thái Lan trong khi người khác lại kêu tuy “cơm” dầy, giá có thể rẻ hơn nhưng không thơm bằng. Sau này nhiều giống Thái Lan được trồng tại VN nhưng khi mang ra thị trường bán vẫn gọi là Thái.

 Riêng hàng Trung quốc từ miền Bắc: lê, táo, lựu… tuột thẳng xuống miền Nam. Trái cây Trung quốc to, nhìn bề ngoài đẹp mắt, có thể để hàng tháng mà bên ngoài không hề suy xuyển, chỉ khi bổ ra mới thấy xốp xộp, ruột ủng hoặc vết thâm, vết sâu ăn luồn bên trong. 

Bị bóc mẽ, người bán hàng không dám quảng cáo hàng Trung quốc nữa. Mà đàng đánh tráo giới thiệu cam Mỹ, dưa hoàng kim Úc, nho Pháp… 

Thời buổi cạnh tranh nên ngoài giống tốt, trái cây còn cần nhiều yếu tố khác để lôi cuốn khách hàng. Bắt chước Úc trồng quả dâu hình trái tim, Nhật trồng dưa hấu vuông, nông dân VN cũng tìm cách tạo hình dưa hấu hình vuông, hình nón, dưa hấu nổi hình chữ Thọ, chữ Phúc… bưởi hình hồ lô rượu… Tuy nhiên hàng còn ít và giá cao. Hàng tuy lạ chỉ vài năm chẳng mấy chốc thành… quen. 

Trái cây nhiều chủng loại, số lượng và chất lượng đều gia tăng. Cung cấp thị trường nội địa vẫn dư thừa nên trở thành một trong những loại hàng hóa xuất cảng nhiều hứa hẹn nhưng lại bấp bênh.

Bởi trái cây VN tuy sản xuất nhiều nhưng manh mún chứ không tập trung. Chỗ này trồng ít xoài, chỗ kia trồng ít vú sữa… với những nguồn giống khác nhau. Tiếng cũng có vùng chuyên canh nhưng trong vùng chuyên canh đó, diện tích vườn của từng gia đình vẫn nhỏ hẹp, rời rạc, xen lẫn nhà ở và một số loại cây khác chứ không tập trung thành những vườn ăn trái chuyên canh rộng lớn. Thành thử việc trồng trọt của từng mảnh vườn cũng tùy thuộc vào từng chủ nhân. Trái cây vất vả thu gom các nơi cũng không đủ chuyến hàng. Đủ số lượng thì không đạt chất lượng, đạt chất lượng thì không đạt kích thước đồng đều. Quả to, quả nhỏ, quả tròn, quả méo, quả xấu, quả đẹp, quả ngọt, quả nhạt, quả phun nhiều hóa chất…

Mất mùa đã mệt nhưng được mùa còn… mệt hơn! Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ lập đi lập lại cho nên hì hà hì hục, loay hoay lẩn quẩn đốn nhãn trồng cam, đốn cam trồng ổi, đốn ổi trồng quýt… giống như câu chuyện hài hước “tiêu, điều” đốn tiêu trồng điều, chặt điều lên nọc tiêu nghe hài hước nhưng đã trở thành chuyện bình thường của nông dân.  

Nam nay, khách hàng nhập khẩu phần lớn trái cây VN là Trung quốc không còn dễ tính nữa. Họ siết chặt các quy định nhập khẩu trái cây. 

Thế nên trái cây bày bán ê hề với giá rẻ. Nhưng năm trước sầu riêng 6 Ri vào chính vụ thường bán với giá hơn trăm ngàn/kg thì nay chỉ còn giá 40- 50 ngàn đồng. Nhãn xuồng hạ giá 50%, chỉ còn 40 ngàn đồng/kg, bơ, xoài cũng thế… Bà Tú ngày nào đi chợ cũng xách về giỏ đầy sầu riêng, na, chôm chôm, mít, xoài… chắc lưỡi kêu trái cây gì mà rẻ quá. Cô con gái xuýt xoa: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, má ơi. Mình được ăn rẻ thì người nông dân điêu đứng vì phân bón, công lao động cao mà thu hoạch không kiếm ra người mua”.

Trồng cây ăn trái dù không vất vả đến nỗi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như gieo mạ trồng lúa nhưng cũng lắm gian nan: Chi phí lên vườn, lên rẫy cao, thời gian từ lúc trồng đến lúc thu bói khá lâu, nhiều loại sâu bệnh chưa có thuốc chữa… Vượt qua tất cả những khó khăn trong trồng trọt thì đến lúc thu hoạch lại rơi vào sự may rủi của thị trường tiêu thụ. may mắn đến lúc kiếm được “mối” xuất đi Tây, đi Mỹ, qua biên giới thì cũng lắm gian nan. Nào là phải cạnh tranh với các nước châu Á và Nam Mỹ. Nào là phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, công nghệ bảo quản sau khi thu hái…

Nông dân trồng theo kiểu cá thể, không họp thành hợp tác xã, tổ hợp để bảo vệ quyền lợi chung nên lúc nào cũng nơm nớp bị phá sản. Ngày nào Bình Thuận mới phát triển cây thanh long. Quả này hình dáng lạ, màu sắc đẹp đẽ, vị lại thanh mát nên được ngoại quốc ưa chuộng. Đầu tiên bán sang Đài Loan với giá năm mươi ngàn đồng một ký. Thế là nông dân đổ xô trồng thanh long chẳng mấy lúc cung cao hơn cầu, giá hạ xuống chỉ còn năm trăm đồng, bỏ cho bò ăn…

Thay vì ngồi lại giải cùng bài toán trái cây, các đại gia tranh mua, giành bán áp đảo đến nỗi từng xảy ra án mạng do dùng xe hơi cán đối thủ “dằn mặt”… 

Do vị trí nằm cạnh nhau, trái cây VN xuất cảng nhiều sang Trung quốc nhưng không bền. Mỗi đợt đưa hàng sang nhiều khi kéo theo thiệt hại. Trung quốc thường mua một mặt hàng khiến VN tập trung chỉ cung cấp mặt hàng ấy. Sau một thời gian lại ngừng mua hoặc ép giá, hàng VN đọng lại, trái cây hỏng, đổ bỏ ngay biên giới hoặc quay về bán tháo thị trường trong nước kêu cầu “giải cứu”. Nông dân loay hoay đốn cây này trồng cây khác. 

Giải cứu hoài thành nhàm. Người ta chẳng còn dễ động lòng như trước kia nữa khi mít Thái cho cá ăn, dưa hấu, thanh long… trâu bò chẳng buồn gặm, chất đống lề đường. 

Mặt hàng VN ít ỏi, chất lượng không ổn định. Mạnh ai nấy bán, vừa tự chèn ép nhau vừa bị thương nhân TQ chèn ép. Hàng xuất nhưng không có nguồn gốc rõ ràng và không có hợp tác xã hay hiệp hội để đưa tin trong việc sản xuất và phân phối hàng hóa. Mặt hàng nào bán được thì rủ nhau ùn ùn nhào ra thị trường bất kể các điều căn bản trong kinh tế: Không có hợp đồng mua bán, không có tin tức giá cả, cung cầu… Cho nên thanh long, chuối, dưa hấu… cứ tới mùa lũ lượt đổ lên biên giới xếp hàng trông mong vào… vận may. Ngay cả vải thiều luôn được hút hàng ở TQ nay cũng ráng tìm cách chen chân vào các nước Âu Mỹ để tránh lệ thuộc vào một thị trường nhưng số lượng cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Một số người trồng chán cảnh giá cả, nhu cầu tiêu thụ lên xuống thất thường, đã bảo nhau mở khu “du lịch sinh thái”, kiểu vườn cây Lái Thiêu, Bình Dương. Vào vườn cắm trại rồi chỉ chùm trái nào, chủ vườn hái trái đó. Một ông ở Củ Chi được mấy mùa nhãn da bò hốt bạc, nhưng sau đó “da bò” mau chóng rớt hạng, tới phiên nhãn xuồng lên ngôi. Chẳng biết phải chạy theo trái cây nào bây giờ, ông phá bớt nhãn, trồng thêm bòn bon, dâu da… dựng lên cái chòi lá, cầu khỉ, cây dừa, cây cau… cho khách thành phố đứng nghiêng qua, nghiêng lại chụp hình, thêm ao cá câu lên con nào chiên xào nấu nướng mở bữa nhậu liền con đó. Có vẻ hốt bạc cắc nhưng xem chừng lại chắc ăn hơn trồng trọt cây ăn trái nhức đầu quá thể! 

Khai thác du lịch kiểu này rộ lên thành mốt. Thoạt tiên bán vé vào cửa cho du khách tự hái trái nhưng nhiều người chọc phá, hái trái cây phí phạm, sau này nhà vườn bày trái cây ra bán ký lô.  Du khách phản ứng, người ta không thể đi đường xa đến tận vườn để mua trái cây đắt hơn cả ngoài chợ. 

Đã có nhiều cuộc họp đề ra phương cách giúp đỡ nông dân bằng cách liên kết chặt chẽ giữa nông dân, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Nhà nước giúp vốn và đưa ra các chính sách nâng đỡ; nhà khoa học giúp kỹ thuật, giống má, thuốc bệnh… doanh nghiệp giúp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng với giá có lợi. Hội họp, bàn cãi rất nhiều nhưng thực tế người nông dân sản xuất nhỏ vẫn tự bơi giữa thị trường đầy bất trắc. Đất đai dễ bị đưa vào quy hoạch, nhiều loại sâu bệnh chưa có thuốc chữa đôi lúc phải đốn cả vườn cây làm củi như bọ vòi voi ở cây dừa, rệp sáp ở cây sầu riêng… Mưa bão gây ngập úng, nắng hạn đến chết khô. Săn sóc cây như săn sóc con nhỏ đến lúc thu hoạch xong, đưa ra thị trường lại bị “dội chợ”.  Thành thử một số chủ vườn đành đốn cây ăn quả quay về trồng lúa, tuy giá thành thu vào thấp hơn nhưng chắc chắn có gạo ăn chứ không phập phà phập phù như trái cây. Nhiều vườn dừa, khóm, cam… lưu niên đã biến vườn khoai, luống rau…. Đốn cho tới khi nào trái cây lên giá thì tính sau, lúc đó cắc ca cắc củm trồng lại… 

Một phần do trái cây Việt chưa tìm ra cách giữ được lâu khi di chuyển đường xa hoặc chế biến đóng hộp, đóng lon… Trái cây tươi chỉ để được trong thời gian rất ngắn vì thế chỉ quanh quẩn tiêu thụ nội địa hoặc xuất qua thị trường rộng lớn là Trung quốc. 

Đến chừng nào nông dân hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng tiến lên như nông dân các nước tiên tiến hay gần nhất là Thái Lan? Chẳng biết khi nào!!!

SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email