ĂN TẾT GIỮA NĂM

Theo âm lịch, tết Nguyên Đán là cái tết đầu năm (mùng 1 tháng Giêng) và cái tết giữa năm là tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng Năm).

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là tết Đoan Dương, tết Mùng 5 tháng Năm, tết Giết sâu bọ. “Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày này đều lên đến tột bậc) (Wikipedia) nên phải giết sâu bọ trong người bằng cách ăn rượu nếp vào lúc sáng sớm, tắm nước lá mùi, ra biển tắm “tẩy trần” vào sáng sớm tinh mơ hay giữa ngọ để lấy may.

Việc giết sâu bọ hiện nay chẳng ai tin nhưng dù sao đối với người Việt, “mùng năm tháng năm” vẫn là một cái tết to, chỉ sau tết Nguyên Đán. Cùng phải thôi, chờ đằng đẵng mười hai tháng mới đến tết quá lâu. May sao lại có một cái tết xen vào khoảng giữa năm để có dịp xả hơi một chút chứ ít ai tìm hiểu ý nghĩa thật sự của ngày tết này.

Đoan Ngọ kém Trung Thu vì không có bánh nướng, bánh dẻo để biếu. “Đặc sản” của Tết này chỉ là bánh tro, bánh ú. Nếu thêm vào trứng muối, lạp xưởng, nấm đông cô… thành bánh bá trạng của người Hoa. Dù sao vẫn là chiếc bánh gói lá tre, lá chuối hay lá dong, dù gói khá to vẫn chưa đủ trịnh trọng và mắc mỏ để làm thức biếu xén. Không kể bánh nhân đậu ngọt ăn mau ngán, mà bánh không nhân chấm với đường thì không hấp dẫn. Khu vực người Hoa lại ít ăn bánh tro mà rộn ràng toàn bánh bá trạng để ăn, cúng và biếu tặng.

Các siêu thị cũng có quầy gồm những mặt hàng riêng dành cho ngày Đoan Ngọ. Năm nay do ảnh hưởng dịch Covid nên các hàng bánh tro than thở bán chỉ bằng khoảng một phần mười năm ngoái. Dù sao các vựa bánh ở quận 8, Hóc Môn… cũng tất bật tập trung lá tre, lá dong, đậu xanh… từ cả tuần trước đó để kịp làm bánh giao các nơi.

Ở những gia đình đông người hay đông họ hàng, đây là dịp anh chị em, bà con dòng họ xum họp để cúng bái, ăn uống.

Việc lễ nghi cúng bái ở thành phố nhẹ dần, người ta chẳng cần treo bó lá xông trước nhà, tiện lúc nào cúng lúc đó chứ không nhất thiết cúng vào đúng ngọ, càng không tắm lá mùi vì đơn giản bây giờ ngoài chợ hiếm bán. Kiếm mua một bó lá mùi xong, phải bắc nồi nấu nước nhiêu khê, may ra bà già nhớ nhung hoài cổ chứ các cô thiếu nữ chẳng chịu thử mất công như vậy. Hẳn là giới trẻ đã quen thuộc với các chai sữa tắm nồng nặc hương hóa học mang danh hoa bưởi, hoa nhài, oải hương, táo xanh… Vì thế xem chừng tết Đoan Ngọ, nhất là dân thành phố, khi mất đi các nghi lễ, chỉ còn chùm bánh tro, chén cơm rượu, chén chè trôi nước đại diện. Mâm cúng xum xuê vì đây là mùa trái cây dịp hè. Trái cây đầy chợ, đầy các xe đẩy rong. Nào chôm chôm, vải, mít, sầu riêng, đào, cam. quýt, xoài, bưởi, dưa lưới, bơ… Và trong miền Nam buổi ăn nhậu không thể thiếu thịt heo quay, vịt quay…

Tuy mang danh tết nhưng Đoan Ngọ lại không nằm trong danh sách nghỉ lễ. Nếu tết “mùng năm tháng năm” may mắn trùng ngày thứ Bảy, Chủ nhật cuối tuần thì hay biết mấy, tha hồ gài độ chẳng ai ý kiến gì, Kẹt là nhiều khi rơi vào ngày giữa tuần trong khi cuộc vui đợi chờ không thể bỏ qua. Vì thế từng có mấy trường hợp “điển hình” xui xẻo sao bị đưa lên báo cho mọi người mặc tình bàn tán.

Số là cán bộ một xã dưới miền Tây không ngại ngần rủ nhau đồng loạt nghỉ ăn tết.

Xã nhỏ nên nhìn đi quay lại toàn quen biết nhau. Với lại tỉnh, quận, huyện… gần mặt trời sợ nóng chứ thôn xã nhỏ bé xa lắc xa lơ, có ai người lạ nhìn ngó vào đâu nên các nơi bảo nhau nghỉ một hơi. Các ban, bệ chỉ làm việc vào buổi sáng, còn buổi chiều đóng cửa, nghỉ ở nhà… ăn tết. Mỗi năm chỉ có một ngày Đoan Ngọ, chẳng lẽ vì là người của nhà nước mà không được nghỉ một buổi ăn Tết góp vui với bà con sao!

Dân chúng tới trụ sở xã thấy cửa đóng then cài tức là cửa bóp ổ khóa đàng hoàng, đành quay về. Kêu điện thoại hỏi, ông này trả lời: “Mắc họp ấp”, ông kia đang ở nhà vì nhức đầu…

Làm việc ở xã không khí thân thuộc như ở nhà. Mệt thì tà tà về nghỉ, mai khỏe ra làm tiếp có mất mát gì đâu. Quanh quẩn toàn bà con gần xa. Nhân viên nhà nước tới giữa buổi hễ xong việc thường là quẹo về nhà hoặc đi buổi sáng, chiều về nhà còn bận chăm lo đàn heo, đàn bò, ao cá… Quay lại cơ quan dở dang giữa giờ làm chi cho mất công. Giờ tự nhiên lôi ra bắt bẻ!

Đặc biệt ở nông thôn, đi làm việc trong một ngày lễ về mặt quốc gia, chưa đủ nặng như ngày Giỗ Tổ… để công chức chính thức nghỉ làm mà chỉ nhè nhẹ ngang với Thanh Minh, Nguyên Tiêu, Trung thu… để vẫn đi làm như mọi ngày bình thường. Trong không khí của ngày lễ cổ truyền vẫn in dấu đậm đà làng quê thì ngồi ở cơ quan, lòng dạ đâu mà làm việc, nghỉ quách nửa buổi cho rồi.

Có năm, sau tết một ngày, giảm đốc sở mời cán bộ trong sở và các đơn vị phụ thuộc đến ăn giỗ cha, đồng thời tới chơi cho biết nhà! Không nghe nói nhà mới xây, mới sửa hay nhà cũ và giỗ cha thì hàng xóm lẻo mép cho biết tới tháng 9 lận. Ngạc nhiên quá chẳng hay giám đốc lại làm giỗ cha sớm bốn tháng à?

Một ông nói nhỏ:

– Đó là ổng ăn muộn tết mồng năm tháng năm chứ giỗ chạp gì đâu.

Chẳng lẽ dời mừng Đoan Ngọ vào cuối tuần trước hay cuối tuần này thì xa quá. Thôi thì đôn giỗ cha lên tuy cách mấy tháng nhưng nghe ra thuận tai, hợp lý, hợp tình đầy lòng hiếu thảo hơn. Tuy nhiên hỏi kỹ ra thì té ra không giỗ chạp, cũng chẳng Đoan Ngọ, càng không tân gia mà chính xác do ông mới nhậm chức. Đó là tiệc khoản đãi ra mắt để anh em trên dưới biết nhau kết thân vậy mà.

Đúng là không tang ma hiếu hỉ thì Đoan Ngọ đưa ra là cái cớ quá đẹp để ăn uống. Nhưng chẳng lẽ đưa lý do ăn tết Đoan Ngọ thì cũng không xuôi vì tuy tục lệ vẫn theo nhưng ngày lễ này đã có phần phai nhạt. Ở thành phố rất hiếm nhà treo bó lá xông dù với lý do trang trí là chính và bánh tro bán mỗi năm ít dần.

Đa số người dân kém mặn mà với loại bánh cổ truyền này trong khi bánh chưng, bánh tét, bánh ít… vẫn thông dụng. Không kể bánh tro khá đắt. mỗi cái bánh không nhân nhỏ xíu phải chấm với đường giá năm ngàn, bánh có nhân đậu xanh giá trên dưới trăm ngàn một chục.

Vụ ăn tết mồng năm tháng năm này, khá nhiều cơ quan ăn uống kín đáo, cũng như cứ Vu Lan, nhiều nơi âm thầm cúng bái rồi ngả ra ăn uống… Khi có dịp ăn nhậu, thông thường cơ quan treo bảng “đi họp”, “đi công tác” rồi kéo nhau ra nhà hàng. Hay tụ tập tại nhà một người nào tương đối rộng rãi. Công xa chỉ chở đến điểm hẹn rồi quay về cơ quan, đến giờ khi sếp alô mới tới đón…

Ai cũng rõ mời tiệc tùng trong giờ hành chánh rất thuận tiện. Thứ nhất ngồi trong sở sẵn xe nhà nước, xăng nhà nước,  tài xế chở đi đón về. Thứ nữa ngày nghỉ dành riêng cho gia đình và các sinh hoạt riêng tư, dứt ra để đi việc công dù là tiệc tùng chẳng ai muốn. Vì thế thay vì ngồi bó giò trong công sở với công việc hàng ngày nhàm chán, vừa trốn việc vừa đi chơi một cách đàng hoàng hợp pháp ai không ham.

Mời mọc ngoài giờ hành chánh người ta ngại đi lắm. Dân Saigon thường mời tiệc đám cưới vào buổi tối. Thời gian lúc đó rộng rãi, không khí mát mẻ và người dự tiệc có lý do lên quần áo đẹp đi dự tiệc. Ngược lại rất nhiều nơi ở miền Bắc, đám cưới ưa tổ chức vào buổi trưa. Khách mời quáng quàng đi ăn cưới thay cho bữa ăn trưa để khỏi mất thời gian riêng chiều tối. Nếu mời buổi tối, sẽ rất nhiều người không dự vì ngại xa, ngại chạy xe hay khó đặt xe, ngại trời nóng, trời rét, ngại thay quần thay áo…

Trở lại Sở của ông giám đốc nói trên có nhiều đơn vị phụ thuộc ở tỉnh lân cận nên theo xã giao thông thường, các đơn vị cấp dưới này ngoài chuyện đi chơi không tốn thời gian còn có bổn phận bày tỏ tình cảm nồng hậu bằng cách có mặt đầy đủ. Vì thế không lạ có đến năm mươi xe ô tô các loại đậu chật kín bên hông nhà sếp.

Công cuộc tới nhà giám đốc chia thành ba đợt: 3g chiều rồi sau đó 3 giờ rưỡi, 4 giờ, các xe hơi lần lượt rời Sở khởi hành, trực chỉ nhà sếp. Thật ra 5g tan sở thì 3 giờ, không khí chợ chiều cận giờ về lắm rồi. Ai cũng rời rạc mong ngày nghỉ cuối tuần đang cận kề đến nên tinh thần đâu còn hăng hái làm việc. Nhiều nước trên thế giới đã nghỉ cuối tuần tính từ chiều thứ Sáu, ngồi thêm một, hai tiếng trong sở cũng chẳng làm được gì nhiều. Thành thử về sớm chiều thứ Sáu xem chừng công việc hành chánh cũng chẳng thiệt hại gì mấy.

Giờ hành chánh nói cho ngay chỉ ăn bớt có hai tiếng thôi nhưng xe công thì bị trưng dụng đến tàn tiệc.

Không biết bao nhiêu người ăn Đoan Ngọ vào giờ hành chánh nhưng xui quá vì đưa tin trên báo, ông giám đốc chưa kịp vui ngồi ghế mới đã bị khép vào hai tội: Bỏ việc trong giờ hành chánh và dùng xe công.

Ôi đủ cách dùng ké thời gian và tài sản  công. Xe công, xăng công, tài xế công thì xài bao la. Đưa con quan đi học, đưa vợ quan đi siêu thị, cho bạn mượn đi nghỉ mát… Hỏi quan sao nghỉ cả buổi, ông trợn mắt: “Tối hôm qua, tôi đã thông qua một tập số liệu trên bàn nhậu rồi!!!”

Tết Nguyên đán, giờ hành chánh bị ăn bớt mới ghê. Theo nguyên tắc, người lao động chỉ được nghỉ bốn ngày: 30 và ba ngày, mùng 1,2,3. Nhưng thực sự thiên hạ uể oải làm việc và ăn chơi cho tới rằm tháng Giêng.

Tính ra Đoan Ngọ lè phè như vậy còn là ít, giờ hành chánh hao hụt chỉ bớt chút đỉnh mà cũng đâm ra ồn ào.

Thì vậy mới gọi là Tết chứ.

SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email