Tôi chú ý người đàn ông đi bán bong bóng, không những vì dấp dáng phong trần, đầu đội mũ lưỡi trai, mặc chiếc áo thun màu xám và chiếc quần kaki đã bạc màu, mà còn do những thứ treo đầy trên chiếc xe đạp cũ kỹ của anh. Các món hàng rong đều lên đời trên chiếc xe máy để chạy nhanh, chạy xa đến nhiều nơi nhưng bong bóng bao giờ cũng trung thành với chiếc xe đạp cọc cạch.
Anh ta đổi món hàng luôn. Có lúc bày các thứ đồ chơi nhựa sặc sỡ, vặn chốt thì chúng kêu và chạy lật bật dưới đất rất thu hút trẻ con.
Đồ chơi là thứ bán thêm, còn chính vẫn là bong bóng. Trước kia bong bóng đơn giản nhưng bây giờ kiểu dáng, màu sắc và chât liệu rất phong phú và bán cho nhiều trường hợp chứ không phải chỉ thuần dành cho con nít cầm chơi: trang trí sảnh hội nghị hay đám cưới, sinh nhật, khai mạc cửa hàng… Khi cần trang trí vào các dịp lễ hội hay ngay cả ngày thường siêu thị, tiệm sách… cũng treo các chùm bong bóng. Từ khi nhà nước cấm đốt pháo thì trong bữa tiệc, người ta hay chích vào chùm bong bóng để phát ra các tiếng nổ dòn tan thay tiếng pháo và bong bóng vỡ xẹp đi như xác pháo.
Bong bóng cắm vào chiếc sào dài, nhìn từ xa đã nhìn thấy màu sắc rực rỡ. Đủ hình thù lớn nhỏ, nào tròn, dài, trái tim, trái xoan; nào cá bay, siêu nhân, nào là hình con rồng màu hồng, bươm bướm màu xanh. Sườn xe còn lủng lẳng một cái bàn bơm hơi. Mỗi lúc hàng gần cạn thì anh ta lại để bàn đạp xuống mặt đất xì xụp bơm bong bóng móc lên xe, thường là cắm vào que dài, khi đưa lên cao, bóng bay dặt dìu theo gió lộng, chứ không thắt vào sợi dây dài như ngày xưa rất dễ tuột tay bay lên trời mất dạng. Cũng có loại bong bóng dài ngoằng như ruột tượng đủ màu, anh ta vừa bơm vừa vặn chéo vào nhau thành nhiều hình dạng bắt mắt.
Tôi thấy chiếc xe bán bóng xuất hiện khu vực này đã lâu. Anh ta thường chạy từ đường cái vào khu cư xá mới xây gần bờ sông. Vùng này đông dân, có chợ chồm hổm, trường học và hàng ăn dưới những cây bàng trồng lâu năm. Trước cổng trường xúm xít nhiều hàng quà, anh ta đến đó để bán cho các lớp học sắp tan, chứ sáng sớm học sinh không thể mua bong bóng mang vào lớp.
Hôm qua lại nhìn thấy chiếc xe bán bong bóng của anh đạp thoáng nhanh qua, rồi khuất vào các hẻm nhỏ có mấy lớp mầm non. Chỗ nào có đám trò nhỏ là anh ta đảo qua không bỏ sót.
Tôi vì không chỉ ngắm chùm bong bóng nhiều hình thù ngộ nghĩnh mà còn muốn mua hai cái cho hai đứa cháu ngoại cứ vòi hoài mấy bữa nay.
Mấy lần kêu hụt, vì chưa kịp gọi thì anh ta đã vụt mất. Anh chuyên bán trước cổng trường nơi tập trung nhiều trẻ con hơn là đi rong từ từ qua các xóm hẻm
Lần này tôi tình cờ bước ra để nhìn qua trạm y tế gần đó. Trạm y tế chỉ độc có một bà bác sĩ mà gần như một tuần bác sĩ làm việc chỉ có một hai ngày. Hôm nay là đợt chích ngừa. Đông đúc các bà mẹ đưa con tới trạm. Anh chàng bán bong bóng trờ tới, chiếc xe bỗng trợt bánh. Buông cho xe đổ như thế nào cũng cóc cần, anh ta đứng lên rồi dựng xe vào cột đèn đường gần đó.
Tôi ngó chăm chú rồi lấy hai cái bong bóng màu xanh mướt hình con cá và con rồng.
Anh ta mắc bóng vào que lớn đưa tôi. Giờ chiều tan học, phụ huynh đi đón con em về. Đám trò nhỏ nhìn thấy xe bong bóng bu lại đòi mẹ mua.
Hai bà mẹ đến gần lựa chọn. Tùy cái nhỏ mười ngàn, lớn hơn mười lăm ngàn một cái, ba chục ngàn to nhất. Loại bong bóng dài xoắn lại rẻ nhất, giá chỉ năm đến bảy ngàn. Bong bóng bán rong
Lũ trẻ cầm bong bóng nhảy nhót hò reo. Các bé trai thường chọn bong bóng siêu nhân, người dơi, người nhện là những hình ảnh theo phim hoạt hình bán rất chạy.
Các bà mẹ theo thói quen trả giá cò kè bớt một, hai ngàn.
Nhưng anh chàng bán hàng nói dứt khoát, tôi đi bán bong bóng để chơi thôi. Không đáng bao nhiêu mà nói thách làm gì với đám con nít.
Con nít mua nhiều. Còn một bong bóng hình con ngựa cũng vừa được bán luôn. Anh chàng cứ phải xì xụp bơm thêm loại bong bóng ruột tượng rẻ tiền. Anh bện chúng quấn lại như cái khăn choàng qua đầu của thằng cuội có sừng hai bên.
Lát sau, đám học sinh cầm bong bóng tản đi hết.
Anh chàng lúc này mới thảnh thơi dựng lại chiếc xe ngay ngắn, sửa lại mấy cái giỏ đựng bong bóng chưa bơm, rồi lấy trong túi ra một gói thuốc loại dỏm quấn bán ở các sạp trên lề đường!
Anh thong thả đốt thuốc, hút vài hơi, nhìn tôi đon đả:
– Bác mở hàng buổi chiều tốt lắm.
Tôi cười hỏi:
– Anh bán như vậy mỗi ngày kiếm được bao nhiêu?
Anh ta không dấu diếm, kể ngay:
– Mỗi ngày kiếm độ sáu, bảy chục ngàn đủ ăn cơm, khá hơn là một trăm. Gặp lúc ế thì chẳng có đồng nào cả.
Tôi nhận xét:
– Nghề bán bong bóng kiếm ăn khá lắm, ở gần nhà tôi có thằng Vui, nó ngọng líu, tật nguyền, nhưng mấy ngày lễ thường đẩy xe đặt bình hơi to như quả bom đi bán bong bóng, lời cả triệu.
Anh ta trả lời:
– Thỉnh thoảng mới có ngày lễ đặc biệt đắt hàng, có khi tụi thiếu niên cũng mua, bán suốt không nghỉ chứ ngày thường thì đây không phải mặt hàng bán chạy. Trẻ con bây giờ có nhiều loại đồ chơi mới lạ thay đổi thường xuyên nên chúng chẳng còn mặn mà với chiếc bong bóng quá đơn giản. Các xe bong bóng bay ưa có bình ga lớn, tôi không xài loại đó.
– Tại sao anh phải xài thứ ống bơm xịt xì như vậy mỏi chân mỏi tay?
– Tôi không dùng loại ga và bình hơi đó vì nguy hiểm lắm. Đã nhiều lần bình ga nổ tung làm chết người đứng gần. Trường hợp đó, người bán bong bóng chỉ có hốt thịt mà thôi. Tôi chịu khó bơm chân thế này tuy mệt nhưng an toàn, và lại tôi bán bữa được bữa không, trung bình đủ ăn thôi.
Tôi nhìn cái đầu tóc cắt ngắn gọn, anh ta lại bỏ áo vào quần chỉnh tề, không có vẻ gì lam lũ, lời nói dứt khoát tỏ vẻ không cần xin xỏ chút tình cảm hay lấy lòng yêu thương của khách để mong bán hàng. Những người bán bong bóng đều kiệm lời. Khách thích món hàng nào, chỉ tay, anh ta rút que bong bóng ra đưa khách. Đây là món hàng đặc biệt không cần chào mời, quảng cáo.
Tôi hỏi:
– Trước đây anh làm gì?
– Tôi làm ruộng. Thiên tai bão lụt mùa màng thất bát nên bỏ ruộng. Quê tôi nhiều người xin làm công nhân cho các công ty trong Khu chế xuất nhưng tôi không thích vào đó. Gò bó lắm.
Thấy giọng nói hơi cứng, tôi hỏi tiếp:
– Thế anh từng làm gì?
– Đủ nghề. Tôi vá xe đạp, bán sữa đậu nành, phụ hồ, cũng có khi làm thợ hớt tóc. Cuối cùng thấy bán bong bóng vui nên dừng lại, đi bán chơi đến nay. Thực ra thì bán bong bóng có bao nhiêu lời đâu. Đâu có ai khá bằng nghề này. Chỉ làm tạm trong lúc đợi kiếm công việc khác tốt hơn thôi. Nghề chơi mà, chỉ tội mấy đứa con nhà nghèo làm lụng đủ nghề không đủ nuôi thân nên thành dốt cả.
Rồi anh ta phì phà khói thuốc, tựa hẳn lưng vào chiếc cột điện mà nói:
– Cứ đi bán thế này mà thực ra có tự do. Muốn bán thì bán, muốn nghỉ thì dựa xe vào bờ tường của trường học, tối ghé đến công viên nơi các cặp vợ chồng đưa co nhỏ tới chơi. Vào ngày lễ, các cô cậu thiếu niên cũng thích mua bong bóng tặng bạn bè, người yêu.
Tôi hỏi:
– Còn bà xã anh. Ờ, có được mấy con rồi.
– Tôi có sáu đứa, Chúng lớn cả rồi, làm đủ mọi nghề tự lo thân. Tôi không thích bi quan. Đời còn nước còn tát mà, lo gì phải không bác! Bà vợ tôi vẹo cột sống nên chẳng làm ăn gì được cả. Đôi khi cũng nghĩ có người nghĩ tới mình, giúp chút ít vốn làm ăn thì tốt quá! Tôi sẽ trở về quê nuôi ong. Nghề đó cũng rong ruổi đưa bầy ong đi khắp nơi.
Rồi anh ta cười lớn:
– Cùng quá nghĩ quẩn. Chứ thời này có ai tự nhiên cho mình đâu.
Người bán bong bóng hút xong mấy hơi thuốc, quăng tàn thuốc ra ngoài đường, trong điếu thuốc tàn còn chút lửa ánh sáng lên lần cuối.
Anh ta leo lên xe đạp, khập khễnh đạp xe đi về hướng cầu. Có lẽ chiều nay anh ra tụ tập với đám bán bong bóng ở các công viên nơi người ta mang con cái ra hóng gió. Mùa mưa công viên ướt đẫm nước đành nằm nhà khàn.
Tôi nhìn theo. Một con người khá lạc quan, tin tưởng ngày mai sẽ tươi sáng và biết đâu lại bay bổng như mấy quả bong bóng bay. Còn bây giờ cuộc sống của anh có lẽ đang chôn chân như mấy que bóng cắm chặt trước xe đạp này, có thả ra cũng chỉ rơi lăn vài vòng trên mặt đất mà thôi.
Duy Thức