Một tuần trước đây, người ta đã thoáng nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm sau khi một nhóm nghị sĩ thuộc cả hai đảng ở Thượng viện Mỹ đã thông báo họ đồng ý trên nguyên tắc dự thảo luật Protecting Our Kids.
Nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Thượng viện Hoa Kỳ ra tuyên bố: “Hôm nay, chúng tôi công bố một đề xuất hợp lẽ thường của lưỡng đảng để bảo vệ trẻ em Mỹ, giữ an toàn cho các trường học và giảm nguy cơ bạo lực trên khắp đất nước của chúng ta”.
“Mọi gia đình đều đang sợ hãi, và nhiệm vụ của chúng ta là phải cùng nhau làm được một điều gì đó sẽ giúp khôi phục cảm giác an toàn và an ninh trong cộng đồng của họ.”
“Bảo vệ con em chúng ta” là dự luật gồm khá nhiều điểm liên quan đến việc kiểm soát súng và sở hữu súng đạn, được đưa ra và thông qua ở Hạ viện, xuất phát từ sau vụ thảm sát 19 học sinh và 2 giáo viên ở một trường tiểu học Robb tại Uvalde, Texas.
Thủ phạm vụ thảm sát này đã sử dụng một khẩu súng AR-15, loại súng bán tự động được mệnh danh là “America’s Rifle” – khẩu súng trường của nước Mỹ.
AR-15: Đạn
Cô bé nữ sinh 10 tuổi Maite Rodriguez là một trong những nạn nhân ở trường Tiểu học Uvalde.
Gia đình và các giảo nghiệm viên đã phải nhờ đến đôi giày vải màu xanh lá cây mà em yêu thích vẫn còn được mang ở đôi chân của thi thể em để nhận dạng Maite.
Viên đạn bắn vào người em đã gây ra sự tàn phá khủng khiếp đến mức không thể nào nhận ra em nếu không có đôi giày vải đó.
Tại buổi họp báo ở Bạch ốc hôm thứ Ba 7 tháng 6, tài tử Matthew McConaugley nói rằng trường hợp em Maite Rodriguez vẫn còn là dễ. Thi thể của nhiều nạn nhân nhỏ bé khác trong vụ thảm sát này chỉ có thể được nhận diện nhờ xét nghiệm DNA.
“Do vết thương của đạn thoát ra đặc biệt lớn của một khẩu súng trường AR-15. Hầu hết các thi thể bị phá nát đến nỗi chỉ có xét nghiệm DNA và đôi giày Converse xanh lục mới có thể xác định được chúng.”
So sánh sự tàn phá giữa một đầu đạn súng ngắn với đầu đạn AR-15, Peter Rhee, một y sĩ phẫu thuật chấn thương tại Đại học Arizona nói: “(vết thương do đạn AR-15) trông giống như một quả lựu đạn đã nổ ở đó. Vết thương kia (đạn 9mm) trông giống như một bị vết thương do dao gây ra.”
Bác sĩ Heather Shear đã làm việc ở một trong những trung tâm chấn thương bận rộn nhất Hoa Kỳ mười ba năm nay. Là một bác sĩ chuyên môn về quang tuyến, bà quen thuộc với những vết thương do đạn gây ra, và từng chẩn đoán các thương tích do đạn ở óc, phổi, gan, lá lách, ruột và những cơ quan quan trọng khác. Bà Shear tưởng rằng mình đã biết hết về những vết thương do đạn bắn, nhưng bà đã lầm.
“Với một chấn thương do súng ngắn gây ra điển hình mà tôi chẩn đoán gần như hàng ngày, một viên đạn để lại một đường rách xuyên qua một cơ quan như gan. Một bác sĩ quang tuyến nhìn thấy một đường đạn màu xám, đi thẳng, mỏng xuyên qua cơ quan. Có thể có chảy máu và một số mảnh đạn.
Nhưng khi xem ảnh chụp CT của một trong những nạn nhân của vụ xả súng hàng loạt ở trường trung học Marjory Stoneman Douglas (ngày 14 tháng 2 năm 2018) đã được đưa đến trung tâm chấn thương trong ca trực của bà, Shear thấy lá gan của nạn nhân trông giống như một quả dưa quá chín bị đập bằng một chiếc búa tạ, và đang chảy nhiều máu. Làm thế nào mà một vết thương do đạn bắn lại có thể gây ra nhiều thiệt hại như vậy?”
Không chỉ với bà Shear. Ở phòng cấp cứu, khi một trong những bác sĩ phẫu thuật chấn thương mổ cho một nạn nhân trẻ tuổi, ông chỉ còn thấy thấy những mảnh nội tạng bị xé nát. Chẳng còn gì để vá, để cứu chữa. Không còn cách nào để cứu vãn. Vết thương đã giết chết nạn nhân.
Thương tích đó được gây ra bởi một viên đạn bắn từ một khẩu súng trường bán tự động AR-15.
Súng trường AR-15 sử dụng đạn cỡ nòng .223 với viên đạn có đường kính bằng một cục tẩy bút chì. Do có vỏ lớn hơn và dài hơn phía sau viên đạn, có nhiều thuốc hơn, đầu đạn AR-15 được bắn ra với sức đẩy và một tốc độ khủng khiếp.
Nó rời khỏi nòng súng với tốc độ bay gấp ba lần tốc độ của một đầu đạn súng ngắn.
Với súng ngắn, viên đạn đi vào và ra khỏi cơ thể qua một đường thẳng, lỗ đạn vào và ra cùng với con đường đạn đi qua cơ thể có kích thước gần bằng viên đạn. Nếu đạn không trúng trực tiếp vào một thứ gì đó quan trọng như tim hoặc động mạch chủ, và nạn nhân không bị chảy máu đến chết trước khi được chuyển đến trung tâm chấn thương, rất có thể người đó sẽ sống. Với AR-15 thì khác: đạn bắn từ một khẩu AR-15 bay với vận tốc cao hơn và có khả năng sát thương hơn nhiều. Thiệt hại mà chúng gây ra là một tác dụng của năng lượng mà viên đạn truyền qua cơ thể. Một viên đạn AR-15 điển hình rời nòng nhanh hơn gần ba lần — và chuyên chở gấp ba lần năng lượng, của một viên đạn 9mm điển hình từ một khẩu súng ngắn.
Những viên đạn tốc độ cao này có thể tàn phá khoảng da thịt cách đường đi của chúng vài inch, do chúng phân mảnh hoặc do một tác động gọi là cavitation – tạo huyệt rỗng. Khi người ta dùng các ngón tay vạch xuống nước, nước sẽ gợn sóng và cuộn lại. Khi một viên đạn tốc độ cao xuyên qua cơ thể, các mô của con người cũng gợn sóng — nhưng dữ dội hơn nhiều. Viên đạn từ khẩu AR-15 có thể bắn trượt động mạch đùi ở chân, nhưng tác động tạo huyệt có thể làm vỡ động mạch, gây tử vong do mất máu. Những mô chung quanh vết thương, bị kéo căng và xé rách cũng có thể chết.
Với AR-15, người bắn súng không cần phải là thiện xạ. Nạn nhân cũng không cần phải rất xui xẻo. Nếu bị đạn AR-15 vào gan, thì chết là cái chắc. Bị bắn trúng gan bằng súng ngắn thường có thể sống sót trừ khi viên đạn bắn trúng nguồn cung cấp máu chính cho gan. Nhưng một viên đạn AR-15 vào giữa gan sẽ gây chảy máu nhiều đến mức bệnh nhân có thể sẽ chết trước khi đến được bệnh viện.
AR-15: Súng
Loại súng bắn ra những viên đạn có sức tàn phá khủng khiếp đó hiện đang là thứ quốc hồn quốc túy của người Mỹ. Thậm chí cái tên tắt của nó – AR, đã được trìu mến giải thích là America’s Rifle – Súng trường của nước Mỹ.
Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), tổ chức cổ động cho quyền mang súng của người Mỹ, đã dùng cái tên đó để gọi khẩu súng AR-15 trên trang blog của họ.
AR-15 là một khẩu súng trường bán tự động hoặc tự nạp đạn, tính đến năm 2019 đã bán ra được hơn 15 triệu khẩu. “Bán tự động” có nghĩa là người điều khiển vũ khí phải bóp cò để bắn từng phát, và “tự nạp đạn” là đạn sẽ tự động được đẩy lên cơ bẩm. Hầu hết các loại vũ khí tự động – tiếp tục bắn khi xạ thủ giữ cò, đã bị cấm ở Hoa Kỳ.
Trong hơn nửa thế kỷ, AR-15 là loại súng được người mua ưa chuộng, có mặt rộng rãi trong các cửa hàng súng và thậm chí trong nhiều năm nó còn xuất hiện trong danh mục của Sears.
Theo NRA, AR-15 là “loại súng trường được sử dụng phổ biến nhất trong các cuộc thi thiện xạ, huấn luyện và để phòng thủ tại nhà.”
Hai chữ tắt AR cũng không phải là America’s Rifle hay automatic rifle (súng trường tự động) hoặc assault rifle (súng trường tấn công). Nó chỉ là hai chữ đầu của ArmaLite Rifle, theo tên của công ty thiết kế ra nó.
AR-15 cũng không phải là một model súng cụ thể, mà là một style – loại. Đó là biến thể dân dụng của ArmaLite AR-15, do Eugene Stoner thiết kế vào những năm 1950 với các đặc điểm rất nhẹ, dễ chăm sóc và có khả năng biến cải cao. ArmaLite đã có thiết kế nhiều AR, từ AR-1 đến AR-17.
Lập tức, cây súng trở nên hấp dẫn và phổ biến. Nó nhẹ, bền, chính xác và tương đối ít giật. Nó lại rất dễ dàng để biến cải, với nhiều phụ kiện/tùng để trở nên chính xác hơn, thoải mái hơn và có nét riêng hơn. Một số người chơi súng thích một vũ khí có thể được biến cải để trông giống như vũ khí quân sự.
NRA cho biết “AR-15 đã trở nên phổ biến” bởi vì nó “có thể tùy chỉnh, thích nghi, đáng tin cậy và chính xác.” Nó cũng rất linh hoạt và có thể được sử dụng trong các tình huống “bắn súng thể thao, đi săn và để tự vệ”. Khả năng rất nhiều thành phần của cây súng này được “cá nhân hóa là một trong những điều khiến nó trở nên độc đáo.”
Brady Campaign to Prevent Gun Violence, một tổ chức cổ động ngăn chặn bạo lực do súng cũng đồng ý với những “ưu điểm” khiến cho AR-15 trở nên được ưa chuộng: tính chính xác, bắn nhanh và rất dễ tùy chỉnh – gần như ai cũng đều có thể tìm ra cách lắp đặt các phụ kiện như tay cầm cò súng để bắn khi giữ súng ở độ cao ngang thắt lưng, ống ngắm laser và các băng đạn chứa nhiều đạn. Nếu dốt quá, vào Youtube, nơi có hàng ngàn video chỉ dẫn.
Khi bác bỏ lệnh cấm vũ khí tấn công của California vào năm 2021, Thẩm phán Roger Benitez đã ca ngợi nó: “Giống như con dao con Swiss Army, khẩu súng trường AR-15 phổ biến là sự kết hợp hoàn hảo giữa vũ khí phòng thủ trong nhà và thiết bị phòng thủ đất nước. Tốt cả (để dùng) ở nhà và trên chiến trường. “
Tuy AR-15 không phải là súng máy, không bắn tự động được, nhưng nó có thể được cải biến để hoạt động như súng trường tự động khi được gắn thêm một cái báng có tên là “bump fire stock” hay ngắn gọn hơn “bump stock.”
Vào tháng 10 năm 2017, một tay súng ở Las Vegas đã sử dụng 23 khẩu súng nhiều loại để sát hại 58 người. Trong số 23 khẩu súng đã được tìm thấy trong phòng khách sạn của hắn có một số cây AR-15 với một cái báng bump stock gắn thêm. Sau vụ đó, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cấm bump stock. Tuy nhiên một thứ phụ tùng khác, có tên là “Hell fire”, một phụ kiện súng cho phép súng trường bán tự động bắn với tốc độ tương tự như súng máy, vẫn còn được bán, với giá rẻ rề và dễ mua. Quảng cáo cho Hellfire món cơ phận kích hoạt cò súng, viết: “Tất cả những gì bạn làm là bóp cò và bắn với tốc độ lên đến 900 viên một phút”. Báo New York Times cho hay cảnh sát đã tìm được một cái hellfire ở một trong hai lớp học nơi vụ thảm sát Uvalde đã diễn ra.
Nhưng một lý do lớn khiến cho AR-15 được phổ biến là giá cả của nó.
Người ta có thể mua được một cây AR-15 mới toanh với giá từ 400 đến 2.000 đô la. Và gần như mọi nhà sản xuất súng lớn đều có sản xuất AR-15. Đạn cho súng cũng rẻ rề và có thể được mua qua mạng với số lượng lớn và các băng đạn có thể dùng chung giữa các khẩu súng của các nhà sản xuất khác nhau.
Còn phải kể thêm một “ưu điểm” nữa: mua AR-15 rất dễ, ở nhiều nơi dễ hơn mua súng ngắn. Muốn mua được một khẩu súng ngắn, người mua phải đủ 21 tuổi và phải chờ 3 ngày kiểm tra lý lịch. Trong khi đó, chỉ cần đủ 18 tuổi và không có tiền án, ai cũng có thể mua được một cây AR-15, khỏi chờ đợi gì cả.
Thủ phạm vụ thảm sát ở Uvalde có đến hai khẩu AR-15. Chú này mua khẩu thứ nhất ngày 17 tháng 5, chỉ đúng một ngày sau khi đủ 18 tuổi và một khẩu ngày 20 tháng 5. Chú mua 375 viên đạn ngày 18 tháng 5. Ở Texas- và một số không ít tiểu bang khác, muốn mua súng trường người ta chỉ cần đủ 18 tuổi (và có thể mang súng đi khơi khơi ngoài đường – open carry, không cần giấy phép.)
Và cũng có thể thêm một lý do nữa khiến AR-15 được ưa chuộng – và để được dùng trong các vụ giết người hàng loạt. Đó là khả năng sát thương cao của nó như đã được nói đến ở phần đầu.
AR-15 được thiết kế để gây ra cái mà một trong những nhà thiết kế của nó gọi là “hiệu ứng vết thương tối đa”. AR-15 có sơ tốc đầu nòng cao và đạn bay ra với tốc độ gần gấp ba lần tốc độ âm thanh gây ra nhiều tổn thương hơn cho xương và các cơ quan. Đạn AR-15 cũng có thể bị vỡ ra bên trong cơ thể, gây ra nhiều thiệt hại hơn.
Nếu không có các sửa đổi, như dùng bump stock, một cây AR-15 semi-automatic chỉ có thể bắn được khoảng 60 phát mỗi phút với ngón tay của xạ thủ liên tục bóp cò. Băng đạn tiêu chuẩn của súng có 30, nhưng không khó để mua loại băng chứa tới 100 viên và có thể thay nhanh trong vài giây. Một số tiểu bang hiện giới hạn dung lượng băng đạn ở 10 hoặc 15 viên.
Theo báo cáo của Violence Policy Center (Trung tâm Chính sách Bạo lực), một tổ chức phi lợi nhuận quốc gia cổ động cho việc kiểm soát súng, trong ít nhất 86 vụ xả súng hàng loạt kể từ năm 1980 đến nay, hung phạm đã dùng các băng đạn lớn, hoặc những băng có nhiều hơn 10 viên.
Khi được hỏi tại sao cần súng, câu trả lời điển hình nhất của một người Mỹ là “để tự vệ, để bảo vệ gia đình và để chống lại chính quyền hà khắc.”
Họ dẫn Tu chính án thứ hai.
Nhưng “để tự vệ, để bảo vệ gia đình” có thực sự cần phải đến một thứ vũ khí có sức sát thương khủng khiếp đến như thế không?
Sau vụ thảm sát học sinh trường tiểu học Robb ở Uvalde, trận chiến đấu giữa phe ủng hộ kiểm soát súng đạn và phe bảo vệ quyền sở hữu súng lại bùng lên.
AR-15 và M16
Nói về AR-15 mà không nhắc đến M16 là thiếu sót.
Vào thập niên 1960, ArmaLite đã bán bằng sáng chế AR-15 cho Colt Firearms để rồi công ty này cho ra đời một phiên bản bắn tự động cho quân đội Mỹ: Khẩu súng trường M16.
Những khẩu M16 đầu tiên được sản xuất cho Không quân và đến năm 1965 trở thành súng trường tiêu chuẩn cho quân đội Hoa Kỳ.
Trên chiến trường Việt Nam, binh sĩ Mỹ được trang bị M16 do Colt sản xuất từ năm 1965 để thay cho những cây M14 to, nặng và chậm chạp không đủ để đối phó với cây AK47 của quân Cộng sản.
Tuy nhiên, M16 gặp một vấn đề lớn trong những năm đầu đời trên chiến trường Việt Nam. Trong lúc Colt Firearms, khoe rằng súng M16 của họ “tự làm sạch” thì M16 dễ, và thường xuyên, bị kẹt đạn. Trục trặc do kẹt đạn thường xuyên đã là nguyên nhân gây thương vong cho các binh sĩ Mỹ trong những ngày đầu súng được đưa vào chiến trường VN.
Một bài báo của tạp chí Time năm 1967 đã dẫn lời một binh sĩ Thủy quân lục chiến nói: “Chúng tôi ra đi với 72 người trong trung đội của mình và quay về với 19 người. Có tin được điều đã giết hầu hết chúng tôi không? Khẩu súng trường của chính chúng tôi. Gần như tất cả những người chết đều được tìm thấy với khẩu (M16) của anh ta bị xé nát bên cạnh anh ta, ở nơi anh ta đã cố sửa chữa nó.”
Những nhược điểm của M16 được sửa chữa sau đó và khẩu súng trở nên hữu hiệu trong cuộc chiến chống Cộng.
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa chỉ được trang bị M16 từ sau năm 1968. Trước đó, họ chỉ có những khẩu súng trường Garant bán tự động, Carbine và tiểu liên Thompson.
Sau năm 1975, khoảng gần tám trăm ngàn khẩu M16 cùng với hàng tấn đạn lọt vào tay quân đội Cộng sản VN. Số súng này sau đó được chuyển cho các lực lượng dân quân địa phương.
Đặc biệt, Cuba đã nhận được hàng ngàn khẩu M16 sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, họ đã chuyển một số súng cùng với đạn dược cho lực lượng cộng sản chống chính phủ Frente Patriótico Manuel Rodríguez (FPMR) ở Chile.
Cộng sản Việt Nam cũng gửi hàng tấn súng M16 đến giúp đỡ các lực lượng “cách mạng” Cộng sản khác trên khắp thế giới, như ở El Salvador, Grenada và Miến Điện. Còn phải tính thêm vào đó một số không nhỏ được bán trên thị trường chợ đen và dường như thường được bọn tội phạm ở Đông Nam Á sử dụng.
Một số lượng đáng kể súng M16 bị bỏ lại ở VN cũng đã được gửi qua Liên Xô để được sử dụng ở Afghanistan và cả ở bên trong Liên bang Xô viết.
Công binh xưởng của CS Việt Nam đã tự sản xuất được các phụ tùng thay thế cho M16, đạn M16 và cả một dạng biến cải của M16.
Sẽ vẫn tiếp tục là
khẩu súng của nước Mỹ
Đã có một giai đoạn người ta tưởng rằng cây AR-15 và những cây súng dễ sợ như nó sẽ trở thành đồ sưu tập ở Mỹ. Đó là khoảng thời gian từ năm 1994 đến năm 2004, với luật cấm vũ khí tấn công dân sự của chính phủ Liên bang đã được Tổng thống Bill Clinton ký ban hành khiến việc sản xuất AR-15 dân sự phải tạm ngưng.
Nhưng AR-15 đã lại hồi sinh vào năm 2004, khi George W. Bush không gia hạn luật này. Năm 2005, ông Bush tiếp tục ký ban hành luật bảo vệ các nhà sản xuất và bán súng khỏi các liên lụy trách nhiệm với những vụ phạm tội bằng vũ khí do họ sản xuất hoặc bán ra.
Kết quả là số bán AR-15 trên thị trường Mỹ tăng vọt, và tiếp tục tăng dưới thời Tổng thống Barack Obama bất chấp những vụ xả súng hàng loạt, điển hình là vụ Sandy Hook với 27 người chết, 20 nạn nhân là trẻ nhỏ từ 6 đến 7 tuổi.
Khi phe Dân chủ kêu gọi tái lập luật cấm, NRA và những người ủng hộ quyền sở hữu súng – phe Cộng hòa, đã tuyên truyền là Obama muốn cấm và rồi sẽ tịch thu hết vũ khí của người Mỹ. Thế là người Mỹ đổ xô đi “thâu gom”AR-15 – giống y như những ngày sau vụ thảm sát ở Uvalde vừa rồi.
Kinh nghiệm trước nay cho thấy nhiều thất vọng/hy vọng dự luật Protecting Our Kids – mặc dầu chỉ với những quy định nửa mùa, yếu xìu đối với chuyện mua súng và sở hữu súng, sẽ chết yểu ở Thượng viện.
Để rồi khẩu súng AR-15 vẫn tiếp tục là America’s Rifle.
Đỗ Quân