ARMED TO THE TEETH

Nguyễn Thơ Sinh
Chúng ta từng nghe nói đến thuật ngữ trang bị tận răng (armed to the teeth) của quân đội Mỹ. Thực ra điều này đúng cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Những ai từng khoác áo lính phục vụ trong quân đội Mỹ hiểu rất rõ khái niệm này. Lính Mỹ được chăm sóc sức khỏe chu đáo, trong đó khâu khám răng và chăm sóc răng là một kinh nghiệm ấn tượng không dễ dàng quên được.
Lần này khái niệm trang bị (armed) được Tổng thống Trump nói đến trong một bối cảnh khác. Người được trang bị ở đây không phải lính mà là thày cô và nhân viên trường học (với) công việc chính là giảng dạy, hỗ trợ học sinh học tập, nhưng giờ họ được trang bị vũ khí để chiến đấu với những kẻ “có vấn đề đầu óc” đem súng tấn công trường học Mỹ.
Thoạt nghe hướng xử lý này khá thông minh, đúng không? Dễ hiểu, ông là Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ: Một commander in chief nên cách ông nghĩ có phần võ đoán. Tất nhiên ý kiến của ông đưa ra nhanh chóng thu hút sự chú ý đông đảo những ai quan tâm đến biến cố “bắn tập thể” tại Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas, Florida hôm 14 tháng 02.
Gợi ý của ông đúng sai, chắc bạn đã nghĩ qua. Thực tình tìm câu trả lời không dễ vì (khá đơn giản) đây là một vấn đề phức tạp, thậm chí phức tạp hơn nhiều vấn đề gai góc khác như phá thai, hôn nhân đồng tính, án tử hình, cấm tôn giáo tại học đường, xóa bỏ chính sách di trú của Mỹ, hay đơn phương tấn công Bắc Hàn… Bởi lẽ súng đạn là vấn đề không có ranh giới rõ ràng và có quá nhiều tác nhân mập mờ để đổ thừa. Kết quả: Nếu bạn ngồi nghe một bên “thuyết pháp” từ đầu chí cuối bạn sẽ xiêu lòng. Nhưng nếu bạn nghe hai bên đấu khẩu, tiếng bấc, tiếng chì; bạn sẽ bị phân tâm, bị cuốn vào vòng xoáy rối rắm lẩn quẩn cuối cùng trở thành người ba phải.
Tổng thống Trump hy vọng ý tưởng “arm the teacher” sẽ giảm thiểu những vụ bắn học sinh tập thể. Theo ông, chỉ cần 20% thày cô giáo và nhân viên của trường được trang bị súng (lập tức) nạn bắn học sinh tập thể sẽ chấm dứt. Như vậy, chuyện các thày cô muốn (hay không muốn) trang bị súng đạn đều không sao cả, sẽ có những đồng nghiệp của họ đứng ra đảm trách vấn đề này, nên nhớ, chỉ cần 20% thày cô là đủ!
Giải thích của Tổng thống Trump khá thuyết phục. Theo ông, trung bình một vụ bắn tập thể thường diễn ra trong vòng vài phút. Lực lượng an ninh nếu được khởi động mất trung bình ít nhất gần chục phút; một khi trường có thày cô và nhân viên trang bị súng (đố những tay súng, kể cả súng tự động AR-15 “có vấn đề đầu óc” dám cả gan bước vào trường học) bởi sẽ bị ăn “kẹo đồng” liền trong vòng vỏn vẹn hai phút! Nếu lệnh này được ban hành, kẻ xấu sẽ ngán, ít nhất khi biết trường học không thụ động khoanh tay đứng yên để họ bắn người hàng loạt, ngược lại sẽ sẵn sàng phản kháng, họ sẽ chùn tay lại.
Thực hiện chương trình này không hề tốn kém hay phức tạp. Thày cô yêu trẻ và nhân viên nha học chánh (không quá e ngại súng đạn) sẽ tham gia các lớp tập huấn đặc biệt. Họ được cấp súng. Họ được phép đem theo súng vào trường học. Và để khuyến khích họ – Những cá nhân này sẽ được nhận bonus, được hỗ trợ phụ cấp, hưởng đãi ngộ ngày phép… Ít nhất họ sẽ cảm thấy oai hơn so với các đồng nghiệp vì có thêm kỹ năng mà những “kỹ sư tâm hồn” khác không có.
Lý lẽ của Tổng thống Trump khá thuyết phục. Thậm chí những ai yêu mến ông còn thấy “phục lăn” hơn nữa kìa. Có câu: Yêu nhau yêu cả đường đi, ông nói gì họ cũng nghe. Nhất là từ xưa đến nay điều ông nói luôn đi ngược công thức bài bản truyền thống. Thoạt đầu chúng có vẻ khó nghe, chõi tai, có phần lập dị và ngông cuồng, kẹt nhiều cái có vẻ rất lập dị ấy xem chừng có vẻ “work” khá hữu hiệu.
Vài thập niên trở lại thiên hạ quá quen với lề thói làm việc đánh trống bỏ dùi. Chuyện gì cũng hô hào ầm ĩ nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở vạch kẻ thỏa thuận mang tính “tạm thời biết vậy”. Sau đó mọi cái trở nên yên lặng, chìm xuồng. Riết, chẳng chóng thì chày “người có lòng” sẽ nhụt chí bởi những cố gắng tâm huyết chẳng đem lại bất cứ kết quả khả thi nào.
Câu hỏi được đặt ra: Có bao nhiêu thày cô trên đất Mỹ tán thành ý kiến của Tổng tư lệnh Trump? Có bao nhiêu thày cô cảm thấy điều ông nói là ngụy xảo, thoạt nghe rất có lý, nhưng thực tế chứng minh là điều bất khả. Nghề sư phạm bản thân nó là nghề ươm nuôi, cái nghề của chữ tâm, trường học không phải là chiến trường. Trong bối cảnh “đòi hỏi cao” của hệ thống học đường Mỹ, nhiều thày cô cảm thấy quá tải, nay phải quán xuyến thêm trách nhiệm cầm súng bảo vệ đàn em thân yêu có vẻ như asking for too much!
Hiển nhiên ý kiến của Tổng thống Trump chỉ là một ý kiến. Tất nhiên nhiều người chẳng ngại gì mà không cáo buộc ông từng gian díu với NRA, trót xơi oản nhà Chùa nên không thể không quét lá, gõ chuông. Thuận với đông đảo dư luận thì trở mặt với NRA. Mà ủng hộ NRA lộ liễu quá thì sợ chọc vào tổ ong dư luận quần chúng. Đằng nào cũng kẹt cả.
Nhưng không. Gần đây người ta thấy ông có vẻ không ngán NRA nữa. Thậm chí ông còn đề nghị tịch thu súng trường rồi mới điều tra sau (kiểu tiền trảm, hậu tấu) – điều mà NRA cảm thấy rất nhức nhối.
Còn bạn, bạn nghĩ sao? Bạn có thấy điều ông đề nghị arming the teachers nghe hợp nhĩ. Hay bạn quá bận rộn với biu bọng nên chỉ dỏng tai nghe ngóng chút thút chiếu lệ, không có ý kiến, ý cò gì hết. Thực ra nạn súng đạn – Nếu chiết tự (nhè nhẹ thôi) – “súng” là trọng tâm, nên cứ theo đó mà xử, không cần lôi thôi vòng vo chi xa xôi. Súng là vũ khí, là phương tiện trực tiếp, có hai cách xử lý ở đây: (a) cấm hẳn súng và (b) lấy súng trị súng (độc trị độc); theo bạn, cách nào dễ thực hiện, bớt rắc rối hơn?
Của đáng tội Tổng thống Trump đã có những nhún nhường nhất định. Nói gì thì nói, ông không thể cả nể NRA mãi mà không ngượng. Ông hứa tăng cường thắt chặt thủ tục mua bán súng đạn, cấm thiết bị tự động (bumper stocks), tăng khoảng thời gian chờ đợi bắt buộc trước khi mua súng, thắt chặt kiểm tra tâm thần người mua súng… Song nhiều người bán tín bán nghi, cho rằng ông nói thế để giảm xú-bắp vì dân tình đang phẫn nộ. Khi lắng xuống, ông sẽ đánh lận con đen, đổ thừa vào đánh tháo rồi thậm thụt “cửa sau” với NRA. Ai cũng biết Đảng Cộng hòa nghiện súng. Họ có mối quan hệ gần gũi với NRA nên trong tình thế này, nếu được, bằng mọi giá, họ sẽ lèo lái chữ nghĩa để chứng minh súng không phải là mấu chốt các thảm họa hiện nay (mà) mấu chốt nằm ở chỗ xã hội phải tìm cách thích ứng, sống “dĩ hòa vi quý” hơn trong môi trường đầy súng đạn hiện nay.
Trước vấn nạn bắn học sinh hàng loạt tại trường học, Bộ Giáo dục không thấy nói gì. Trong khi đó Nhà Trắng uy tín kém, thiếu khả năng lãnh đạo nên nhiều tiểu bang chủ động tiếp cận vấn đề này qua những phiên bản cấp địa phương khác nhau. Thành ra nơi nào hợp ý Tổng thống Trump sẽ theo ông (như Texas), còn nơi nào không ưa ông (California hay New York) sẽ làm khác đi.
Và như vậy, sẽ có nhiều trào lưu phản đối trang bị súng cho thày cô và nhân viên nha học chánh? Hay vụ này rồi đây (lại) không được giải quyết dứt khúc: Cấm triệt để các loại vũ khí tấn công, trong đó có AR-15 và các dòng súng tự động tương tự?
Chưa biết Quốc hội sẽ làm gì với nan đề súng tấn công tại những nơi công cộng, trong đó có học đường. Tháng 11 năm nay bầu cử nhiều ghế tại lưỡng viện Quốc hội. Rất có thể hiện nay (tạm thời) người ta chẳng vội kỳ vọng gì nhiều. Thay vào đó họ sẽ chờ xem Quốc hội sẽ do đảng nào kiểm soát. Nhà Trắng (vì vậy) xem ra còn mệt mỏi nhiều với quốc nạn súng đạn, từ nay cho đến mùa phiếu tháng 11 sắp tới, nhiều hoạt động tại sân khấu chính trị Mỹ về chuyện “cấm hẳn súng” hay “lấy súng trị súng”; có lẽ chỉ cần thêm một vài vụ nổ súng bắn tập thể nổ ra, nhất định dư luận Mỹ sẽ không để yên cho NRA nữa…
Mà điều này, không nhất thiết phải là một chiêm tinh gia bạn mới biết trước bức tranh tương lai súng đạn và số phận của NRA rồi đây sẽ ra sao.
Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email