AstraZeneca: Loại vaccine nhiều chuyện

Vậy là vài hôm nữa, mà có lẽ là khi bạn đọc những dòng chữ này, những kiện vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên từ Hoa Kỳ đã vào đến Canada. 

Có người bảo đây là kết quả của tình hữu nghị giữa ba nước Canada – Hoa kỳ – Mễ tây cơ, thường được gọi là “The Three Amigos”, ba người bạn trên phần lục địa Bắc Mỹ, với anh chàng ở giữa giàu nhất và cũng khó chơi nhất.

Lòng tốt của Hoa kỳ
Một phòng bào chế của Emergent BioSolutions ở Baltimore, Maryland (HK) nơi đã sản xuất hàng chục triệu liều vaccine AstraZeneca. Photo: M. R.Chavez/ The Washington Post via Getty Images

Cũng có người bảo đây là bằng chứng về sự khác biệt giữa ông tổng thống mới và ông tổng thống cũ của nước Mỹ. Ông Biden đã thể hiện ít nhiều mặt tốt, hào phóng của người Mỹ.

Lại có người bảo đây là tài năng ngoại giao khéo léo của ông thủ tướng trẻ Justin Trudeau và hoạt động tích cực của những viên chức mẫn cán trong chính phủ Canada. 

Nhưng nếu nhìn vào bối cảnh của tình hình, chắc người ta không thể không trông thấy những điều sờ sờ trước mắt, bổ túc rất nhiều và cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về hành động “từ bi bất ngờ” này của Hoa kỳ.

Thứ nhất, những liều vaccine đó là loại thuốc chưa được FDA, cơ quan quản lý và cấp phép các loại dược phẩm của Hoa kỳ, chấp nhận cho sử dụng ở Mỹ.

Thứ hai, mặc dù chưa được chấp nhận, Hoa kỳ vẫn đã có sẵn trong kho hàng chục triệu liều vaccine này (công ty sản xuất cho hay ít nhất là 30 triệu liều vào đầu tháng 4), vì Mỹ có xưởng sản xuất và đã đặt hàng 300 triệu liều. 

Thứ ba, một phần lớn kho vaccine đã có đó sẽ hết hạn sử dụng, tức là trở thành phế liệu dược phẩm phải “xử lý” trước khi được phép đổ xuống cống vào tháng 5 tới.

AstraZeneca COVID-19 

Thuốc chủng ngừa được phát triển bởi Viện Jenner của Đại học Oxford và Tập đoàn vaccine Oxford với sự hợp tác của nhà sản xuất Ý Advent Srl đặt tại Pomezia, nơi đã sản xuất lô vaccine COVID-19 đầu tiên để thử nghiệm lâm sàng.

Hiện AstraZeneca COVID-19 (ChAdOx1-S) được sản xuất ở hai nơi:

Tại Anh quốc và Thụy điển:  dùng tên thương hiệu là AstraZeneca COVID-19

Viện Dược phẩm và Huyết thanh Verity của Ấn Độ (SII) phối hợp với AstraZeneca, sử dụng tên thương hiệu COVISHIELD

Vaccine AstraZeneca COVID ‐ 19 (do AstraZeneca sản xuất) và COVISHIELD (do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất) là vaccine tái tổ hợp (recombinant) do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. 

Không giống như Pfizer-BioNTech và Moderna, sử dụng RNA thông tin (mRNA), vaccine AstraZeneca dùng adenovirus ChAdOx1-S, một loại virus cảm lạnh tấn công khỉ chimpanzee (tinh tinh) nhưng không gây hại cho người, để làm vật chuyên chở (vector). Các nhà khoa học loại bỏ một số gene quan trọng của loại virus đó và thay thế vào đó bằng gene protein đột biến của SARS-CoV-2.

Sau khi được tiêm, vaccine này chỉ cho cơ thể chúng ta cách tạo ra phản ứng miễn dịch cần thiết để ngăn ngừa nhiễm ivrus COVID-19.

Một số người có thể thấy các dấu hiệu bên ngoài của phản ứng miễn dịch ngay lập tức với vaccine. Các phản ứng phụ tương tự như thường thấy với các loại vaccine khác, như đau tại chỗ tiêm, mẩn đỏ, sưng tấy và thậm chí là sốt, nhưng điều đó, theo các chuyên gia, có nghĩa là vaccine đang có tác dụng.

Vaccine của AstraZeneca có lợi thế là có thể được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường, không giống như Pfizer-BioNTech phải giữ ở -70 độ C  và Moderna, ở -20 độ C. 

Thêm vào đó, vaccine AstraZeneca lại có giá thành hấp dẫn: khoảng 4 đô la Mỹ một liều. Theo Công ty AstraZeneca, mục tiêu của họ là sản xuất ba tỷ liều vào năm 2021. Công ty cũng cam kết cung cấp sản phẩm của họ với giá thành rẻ trên toàn thế giới cho đến ít nhất là tháng 7.

Thứ tư, giá cổ phiếu của công ty sản xuất loại vaccine đó đã nhích lên được kha khá sau khi các hãng thông tấn đưa tin về cử chỉ thân hữu của Hoa kỳ: cho Canada và Mễ tây cơ mượn. Canada 1,5 triệu liều và Mễ 2,5 triệu liều. Cho mượn thôi nhé.

Thứ ba, biên giới Canada – Hoa kỳ đã bị đóng vừa tròn một năm nay, và “hy vọng” sẽ bị đóng thêm ít lâu nữa ít ra là cho đến khi cả hai nước đều đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Và miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được khi ít nhất 60 phần trăm dân chúng của mỗi nước đã được chích ngừa. Tỷ lệ chích ngừa ở Mỹ hiện là trên 35% và ở Canada chưa đến 10%

Loại vaccine đó có tên là ChAdOx1-S, do tập đoàn vaccine AstraZeneca và Đại học Oxford của Anh quốc hợp tác phát triển và sản xuất, thường được gọi bằng tên vaccine AstraZeneca.

Hiệu quả, dễ vận chuyển và sử dụng, lại giá rẻ: Loại vaccine của thế giới 

Đúng một năm sau ngày WHO công bố Covid 19 là đại dịch, thế giới đã có nhiều loại vaccine, có loại đã được đưa vào sử dụng và hàng trăm triệu người đã được chích ngừa. Đây là một thành tựu rất lớn và rất nhanh, ở mức độ lịch sử vì trước nay, để có được một loại vaccine, thời gian phát triển và sản xuất, rồi thử nghiệm, thường phải mất ít nhất nhiều năm.

So sánh các loại vaccine, có dấu V là đã được Anh quốc và Canada chấp thuận cho sử dụng. Nguồn: BBC

Trong số những loại vaccine đã được các quốc gia tiên tiến chấp thuận cho phép sử dụng, hiện có thể kể tên chừng 7 loại: Nổi tiếng nhất là PfizerBiontec, Moderna, AstraZeneca và Johnson& Johnson. Bên cạnh đó là Gamalaya (tên thông dụng hơn là Sputnik V) của Nga và Coronavac của Trung cộng.

Hoa kỳ mới chỉ cấp phép cho vaccine của PfizerBiontec, Moderna và Johnson& Johnson trong khi Canada cho phép dùng PfizerBiontec, Moderna và AstraZeneca.

So với hai loại vaccine của PfizerBiontec và Moderna, AstraZeneca – do Anh nghiên cứu và phát triển, sản xuất ở Thụy điển, Anh và sau này ở Ấn độ,  ra đời trễ tràng hơn, được thử nghiệm sau. Kết quả thử nghiệm – hồi tháng 11 năm 2020, với thành phần tình nguyện viên dưới 55 tuổi, cho thấy mức độ hiệu quả thấp hơn. Kết quả ngày đó cho thấy thuốc này ngăn được 70% số người được chích phát triển các triệu chứng Covid -19.

(Trong lúc đó, PfizerBiontec xác nhận là trên 90% và Moderna là đến 95%).

Thế rồi ngay sau kết quả này, vaccine AstraZeneca lại có kết quả hấp dẫn hơn khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh liều lượng thử nghiệm. Khi những người tình nguyện được tiêm hai liều “cao” thì khả năng bảo vệ là 62%, nhưng con số này tăng lên đến 90% khi người tình nguyện được cho dùng một liều “thấp” sau đó là một liều “cao”. Không rõ tại sao lại có sự khác biệt này nhưng  Giáo sư Andrew Pollard, người dẫn đầu cuộc thử nghiệm vaccine AstraZeneca ở Anh quốc và Brazil nói với BBC rằng dữ liệu về hiệu quả 90% là “hấp dẫn” và ông thực sự hài lòng. (BBC)

Sau kết quả các thử nghiệm ở Âu châu, Brazil và duyệt xét của các cơ quan trách nhiệm dược phẩm của các quốc gia, Anh quốc trở thành nước đầu tiên cấp phép cho AstraZeneca vào cuối năm 2020. Đến đầu năm 2021, nước Anh bắt đầu tiêm chích cho dân chúng.

Sau đó, cuối tháng 1, 2021, Cơ quan Dược phẩm Âu châu (European Medicines Agency/EMA) chấp thuận cho sử dụng vaccine AstraZeneca cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, Ủy hội Âu châu (EU) chấp nhận đề nghị của EMA.

Một ngày sau,…Bộ Y tế Việt Nam chấp thuận cho phép dùng vaccine AstraZeneca để chích ngừa cho dân chúng, trước nhiều nước Á châu khác và Nam Mỹ. 

Trong lúc đó, tuy FDA chưa chấp thuận cho phép sử dụng, Hoa kỳ vẫn đã thỏa thuận mua của Astra Zeneca 300 triệu liều với giá 1,2 tỷ Mỹ kim. Trước đó, trong chiến dịch Operation Warp Speed, các công ty AstraZeneca và Emergent BioSolutions (ở Hoa Kỳ) đã ký một thỏa thuận 82 triệu đô để sản xuất và cung cấp vaccine cho Mỹ trước cuối năm 2020. Công ty Catalent chịu trách nhiệm công đoạn hoàn tất đóng gói, phần lớn công việc sản xuất sẽ là ở Vương quốc Anh. 

Cái giá trên dưới 3 bảng Anh một liều, mức độ hiệu quả có thể lên đến 90% cộng thêm với yếu tố dễ dàng bảo quản và vận chuyển của nó đã khiến cho vaccine AstraZeneca trở thành loại vaccine của thế giới.

Giữa năm 2020, cơ sở COVAX (COVID-19 Vaccines Global Access) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mua đợt đầu 300 triệu liều từ AstraZeneca để cung cấp cho các nước có thu nhập thấp đến trung bình. Ngoài ra, AstraZeneca và Viện Huyết thanh của Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận cấp phép cung cấp 1 tỷ liều vaccine của Đại học Oxford cho các nước có thu nhập trung bình và thấp, bao gồm cả Ấn Độ. 

Quỹ Bill và Melinda Gates đã tài trợ cho COVAX đủ tiền đề mua thêm 100 triệu liều vaccine từ AstraZeneca hoặc từ Novavax với giá 3 đô la Mỹ mỗi liều. 

Tháng 8 năm 2020, Ủy hội Âu châu đã thay mặt toàn thể EU tiến hành các cuộc đàm phán, ký một thỏa thuận vào cuối tháng 8 với AstraZeneca để cung cấp tới 400 triệu liều cho tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu.

Vào tháng 8 năm 2020, AstraZeneca đã thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các chính phủ Mexico và Argentina và đồng ý sản xuất ít nhất 400 triệu liều thuốc để phân phối khắp Châu Mỹ Latinh. Vào tháng 9 năm 2020, AstraZeneca đồng ý cung cấp 20 triệu liều cho Canada. .

Đến tháng 10 năm 2020, Thụy Sĩ đã ký một thỏa thuận với AstraZeneca để đặt hàng trước lên đến 5,3 triệu liều. 

Vào ngày 5 tháng 11 năm 2020, chính phủ Bangladesh, Viện Huyết thanh của Ấn Độ và Beximco Pharma của Bangladesh đã ký thỏa thuận mua 30 triệu liều vắc xin Oxford-AstraZeneca. 

Cũng trong tháng 11, Philippines đã đồng ý mua 2,6 triệu liều. Đến tháng 12, 2020, Đại Hàn đã ký hợp đồng với AstraZeneca mua 20 triệu liều. AstraZeneca cũng thỏa thuận với SK Bioscience của Đại Hàn để sản xuất vaccine tại Nam Triều tiên. 

Ngoài việc đặt mua 70 triệu liều vaccine, Thái Lan cũng đã ký thỏa thuận với AzstraZeneca để cho Siam Bioscience, một công ty thuộc sở hữu của nhà vua Thái lan sẽ nhận chuyển giao công nghệ, và sản xuất vaccine để xuất cảng sang các nước ASEAN.

Myanmar đã ký hợp đồng với Viện Huyết thanh của Ấn Độ để bảo đảm 30 triệu liều vào tháng 12 năm 2020. Và sẽ bắt đằu tiêm chích cho dân từ tháng 2 năm 2021.

Nam Phi đặt mua 1 triệu liều đầu tiên từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ rồi đến tháng 2 đặt thêm 500.000 liều nữa.

Chuyện lùm xùm

Nếu không kể đến vaccine Sputnik 5 của Nga và Coronavac của Tàu thì AstraZeneca COVID-19 Vaccine của Anh – Hoa kỳ là loại vaccine được bàn ra tán vào nhất.

Đầu tiên là chuyện tranh chấp giữa EU và Anh quốc.

Hồi cuối tháng 1 năm 2021, AstraZeneca thông báo rằng trong trường hợp Liên minh Châu Âu phê duyệt vaccine của họ, nguồn cung ban đầu sẽ thấp hơn dự kiến ​​do các vấn đề sản xuất tại Novasep ở Bỉ. Chỉ 31 triệu trong số 80 triệu liều được dự đoán trước đó sẽ được chuyển đến EU vào tháng 3 năm 2021. Pascal Soriot, CEO của AstraZeneca cho biết lịch trình phân phối thuốc ở Liên minh châu Âu đã chậm hơn hai tháng so với kế hoạch. Lý do, theo ông là năng suất thấp từ việc nuôi cấy tế bào ở một địa điểm quy mô lớn ở Châu Âu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson xăn tay áo đi chích vaccine AstraZeneca

Chuyện chậm trễ này khiến cho EU nổi giận vì trong thời gian đó, lượng vaccine mà AstraZeneca đang cung cấp vaccine cho Anh vẫn đều đặn.

Hôm 17/3 Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, lại cáo buộc công ty AstraZeneca giao thuốc không đủ. Bà  von der Leyen và dọa EU sẵn sàng sử dụng quyền hạn khẩn cấp, điều 122 luật Hiệp ước EU, để cấm xuất cảng vaccine sản xuất ở các nước trong EU sang Anh.

Tranh chấp tuy là giữa EU và AstraZeneca nhưng lời qua tiếng lại nổ ra giữa Anh và EU sau tranh cãi, thương thuyết kéo dài bốn năm ròng về các điều khoản “ly hôn” Brexit.

Trước đó khi EMA mới phê duyệt AstraZeneca thì có tới 12 quốc gia EU đã tạm ngưng tiêm vaccine này cho người trên 65 tuổi với lý do thiếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng ở nhóm tuổi này.

Những quốc gia đó đã bất chấp khuyến cáo từ WHO, EMA và MHRA (cơ quan quản trị thuốc men và các sản phẩm y tế của Vương quốc Anh) nói vaccine sử dụng được ở mọi lứa tuổi từ 16 trở lên. 

Thủ hiến Ontario ông Doug Ford tại một nhà thuốc tây có dịch vụ chích vaccine Covid-19. Photo: Global News

Đầu tháng 2 năm 2021, Nam Phi đã bị đình chỉ việc tiêm chích vaccine AstraZeneca cho dân chúng sau khi các nhà nghiên cứu từ Đại học Witwatersrand cho biết rằng vaccine AstraZeneca “chỉ có khả năng bảo vệ tối thiểu” chống lại sự lây nhiễm bệnh nhẹ hoặc trung bình ở những người trẻ tuổi. Dầu vậy, cả WHO lẫn Anh quốc đều khẳng định rằng vaccine của AstraZeneca “có ảnh hưởng đáng kể” và “có nhiều khả năng” có tác động lên biến thể virus ở Nam Phi.

Kế đó là vấn đề …tôn giáo.

Trong số những chỉ trích nhắm vào vaccine AstraZeneca có những ý kiến của một số giám mục Thiên chúa giáo La Mã (Catholics).

Từ năm 2020, Đức Hồng y Antonio Canizares Llovera (Valencia, Tây ban nha) đã lên tiếng cảnh báo việc sử dụng sử dụng mô bào thai bị phá bỏ để phát triển vaccine chống virus là “công việc của ma quỷ”. 

Hồi đầu tháng 3, Hội đồng Giám mục Công giáo Canada (Canadian Conference of Catholic Bishops (CCCB) gửi một thông điệp đến các tín đồ Công giáo Canada. Thông điệp của CCCB khuyên tín đồ tránh xa vaccine AstraZeneca vì vẫn có những thắc mắc về “sự cho phép đạo đức của việc nhận các loại vaccine mà việc phát triển, sản xuất và / hoặc thử nghiệm có liên quan đến việc sử dụng dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai.’

Sơ đồ Trung tâm chích ngừa Covid-19 tại Toronto Congress Centre, Toronto. Nguồn: City of Toronto

Nhưng đến tuần rồi, CCCB đã ra một tuyên bố kế tiếp, giải thích: “Vì hiện tại không có sự lựa chọn vaccine nào được cung cấp, những người Công giáo có lương tâm trong sạch, có thể nhận loại vaccine sẵn có và được cung cấp cho họ”. 

Ý kiến của CCCB cũng tương tự như ý kiến của một số giám mục Hoa kỳ. Hồi tháng 12, 2020, Giám mục Kevin C. Rhoades của Fort Wayne-South Bend, chủ tịch Ủy ban Giáo lý của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB) và Đức Tổng Giám mục Joseph F. Naumann của Thành phố Kansas ở Kansas, chủ tịch Ủy ban Các hoạt động vì sự sống của USCCB, đã ban hành một tuyên bố về vaccine COVID-19 mới. Trong tuyên bố, các giám mục giải quyết những lo ngại về đạo đức do thực tế là ba loại vaccine dường như đã sẵn sàng để phân phối ở Hoa Kỳ đều có một số mối liên hệ với các dòng tế bào có nguồn gốc từ mô được lấy từ việc phá thai.

Trong tuyên bố này, các vị nói vaccine của Pfizer và Moderna có thể tạm chấp nhận được tuy có mối liên hệ từ xa của chúng với các dòng tế bào bị tổn hại về mặt đạo đức. lý do để biện minh là “Việc nhận một trong các loại vắc xin COVID-19 phải được hiểu là một hành động từ thiện đối với các thành viên khác trong cộng đồng của chúng ta. Theo cách này, việc chủng ngừa COVID-19 một cách an toàn nên được coi là một hành động yêu thương người chung quanh và là một phần trách nhiệm đạo đức của chúng ta đối với lợi ích chung”.

Về phía vaccine AstraZeneca, các giám mục nặng lời hơn, cho rằng nó “bị tổn hại nhiều hơn về mặt đạo đức” và do đó kết luận rằng “nên tránh” nó nếu có các lựa chọn thay thế.

Dầu vậy, các vị nói rằng nếu trong các trường hợp thực sự không có sự lựa chọn, “và để không làm chậm trễ việc chủng ngừa, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của một người và sức khỏe của những người khác” thì “… có thể chấp nhận vaccine AstraZeneca.”

Trong một tuyên bố, AstraZeneca đã cãi. Họ cho biết vaccine của họ được sản xuất bằng quy trình sản xuất sinh học sử dụng dòng tế bào thông thường của con người, HEK293, được chọn bởi Đại học Oxford vì nó dễ sử dụng, phát triển và duy trì. HEK293 được sử dụng rộng rãi trong tiêm chủng.

Carlo Mastrangelo, phát ngôn viên của tập đoàn dược phẩm Anh-Thụy Điển, cho biết: “Dòng tế bào ban đầu được lấy từ các tế bào thận của phôi thai người từ năm 1973 và đã được duy trì trong các ngân hàng tế bào trên khắp thế giới để giúp các nhà nghiên cứu phát triển các phương pháp điều trị y tế mới.

“Các dòng tế bào HEK293 được phát triển trong phòng thí nghiệm, tạo ra các bản sao từ các tế bào ban đầu và không giống với mô của bào thai. Một số dòng tế bào hiện tại của con người đã xa mô bào thai ban đầu hàng ngàn thế hệ. Không có mô bào thai bổ sung nào được thêm vào dòng tế bào kể từ khi được tạo.”

Mastrangelo cho biết các dòng tế bào có nguồn gốc từ con người chỉ có thể được sử dụng nếu các nhà phát triển “tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc đạo đức.” 

Cần nhắc lại rằng vào cuối năm 2020, Vatican đã lên tiếng, xác nhận việc sử dụng vaccine Covid-19 được phát triển bằng dòng tế bào gốc lấy từ những bào thai bị phá bỏ trong thế kỷ trước là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được, miễn là không có giải pháp thay thế nào. Bản thông cáo của Văn phòng giáo lý của Vatican nói “nhu cầu ngăn chặn sự lây lan vượt trội hơn các vấn đề đạo đức do vaccine gây ra, vì mối liên hệ của chúng với việc phá thai là xa vời.”

Tòa thánh Vatican đã cung cấp vaccine (do Pfizer Inc. sản xuất) từ đầu năm 2021cho các nhân viên, cư dân cũng như thành viên gia đình của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân phối vaccine Covid một cách công bằng. Ngài nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp quốc vào tháng 9, 2020: “Nếu có người nên được ưu tiên, hãy để đó là những người nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất, những người thường bị phân biệt đối xử vì họ không có quyền lực cũng như nguồn lực kinh tế”, 

Bản thân Đức Giáo hoàng cũng đã chích ngừa trước chuyến tông du Iraq đầu tháng 3 vừa qua.

Cũng phải nói thêm một chút nữa, vaccine Jansseen – do Johnson&Johnson phát triển sản xuất, cũng đang vướng vào hệ lụy có liên quan đến phá thai. Vaccine của Janssen sử dụng kỹ thuật tương tự như vaccine của Janssen sử dụng kỹ thuật tương tự như Oxford, nhưng quan trọng là được tiêm dưới dạng một mũi tiêm, thay vì hai mũi Vắc xin của Janssen sử dụng kỹ thuật tương tự như Oxford-AstraZeneca, nhưng hấp dẫn hơn là được chỉ cầm chích một mũi tiêm, thay vì hai mũi. 

Vaccine AstraZeneca gây chứng máu đông vón? 

Các chuyện lùm xùm trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc sử dụng, và quyết định của người đi hay không đi chích ngừa vaccine, ít nhất là ở các nước hiện vaccine AstraZenecca đang được lưu hành.

Nhưng cái chuyện lùm xùm nhất, và có ảnh hưởng lớn nhất, đã và hiện vẫn còn, là tác dụng phụ (hay có thể nói tai hại?) của vaccine AstraZeneca: chứng máu đông vón (blood clot), có thể làm chết người.

Sau khi Đan mạch và Na uy báo cáo có các trường hợp máu vón/ đông cục và lượng tiểu cầu thấp ở những người đã được chích AstraZeneca, 13 nước Âu châu trong khối EU, ngoại trừ Bỉ (và dĩ nhiên  Anh quốc) lần lượt tạm dừng việc chích ngừa bằng vaccine AstraZeneca mặc dù con số người mắc dịch tiếp tục tăng. 

Ở Đức cũng có một số trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch não sau khi tiêm vaccine AstraZeneca (7 người trên tổng số 1,6 triệu liều đã được chích).

Theo một cuộc thăm dò của Odoxa cho Backbone Consulting, Le Figaro và franceinfo, hơn 50 phần trăm dân số Pháp không muốn chích ngừa với vaccine AstraZeneca.

Cả đến các quốc gia Á châu, như Indonesia, cũng ngưng. Tuy nhiên Thái lan hùng dũng hơn, cả Thủ tướng lẫn các thành viên nội các Thái đều xung phong ra nhận những mũi vaccine đầu tiên.

Hai tổ chức y tế WHO của thế giới và EMA của EU cùng với các tổ chức y tế của những quốc gia Âu châu đã thực hiện các nghiên cứu và ghi nhận rằng – cho tới giữa tháng 3, có cả thảy 18 trường hợp đông máu dạng hiếm trong số 20 triệu người đã tiêm vaccine tại châu Âu, tức nguy cơ khoảng một phần triệu.

Con số này thấp hơn con số những trường hợp mắc chứng trên trong quần thể rộng rãi, và không có liên hệ gì giữ chứng này và vaccine cả.
Công ty AstraZeneca cho biết cho đến nay (15/3/2021) có 17 triệu người đã được chích vaccine của họ và 15 ca huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis / DVT) được ghi nhận là ‘thấp hơn nhiều so với dự kiến sẽ xảy ra một cách tự nhiên trong tổng số dân số’.

Còn EMA nói có 25 trường hợp máu đông vón trong tổng số 20 triệu người đã chích vaccine AstraZeneca.

Trong khi với người trên 75 tuổi nếu nhiễm Covid thì nguy cơ tử vong là 1/9, còn ở độ tuổi 40 thì nguy cơ tử vong là 1/1000. Vì thế lợi ích của việc tiêm AstraZeneca vẫn là hơn hẳn.

Thế nên cả WHO lẫn EMA đều ra khuyến nghị tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca. 

Sau khi có quyết định của EMA, nước Pháp tiếp tục cho chích vaccine AstraZeneca, chẳng những thế, Pháp còn đảo ngược quyết định không sử dụng vaccine này cho người trên 65 trước đây. Nay, họ khuyến nghị “nam, phụ, lão, (chưa có “ấu”) đều dùng được cả.  

Cái tình hình đó khiến cho chính quyền (và cả người dân) Canada phải loay hoay. Cho đến giữa tháng 3, với lượng vaccine COVISHIELD (AstraZeneca được sản xuất tại Ấn độ cho chương trình COVAX) sắp sửa hết hạn sử dụng, các cơ quan y tế quyết định không sử dụng cho người trên 65 tuồi. Nhưng để xài cho hết, khỏi phí, mà vẫn ưu tiên cho người “hơi lớn tuổi”, họ cho chích thả ga cho những công dân từ 60 đến 64 tuổi, những người mà theo ưu tiên sẽ rớt vào đầu giai đoạn 3, tức là phải chờ đến cuối tháng 6. 

Rồi sau đó, NACI (Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng) đảo ngược khuyến cáo “không” thành “có thể” sử dụng cho người trên 65.

Đến hôm thứ Sáu 19 tháng 3, các nhà nghiên cứu ở Đức và Na Uy cho biết họ đã tìm ra cơ chế có thể khiến vaccine AstraZeneca-Oxford tạo ra cục máu đông trong những trường hợp rất hiếm gặp, Chứng này gọi là huyết khối xoang tĩnh mạch não (cerebral venous sinus thrombosis CVST) – khi các tĩnh mạch dẫn máu từ não bị tắc nghẽn và có thể làm xuất huyết gây tử vong. Ba trong số 7 người ở Đức mới được chích ngừa gần đây đã chết vì chứng này. Hầu hết các trường hợp đã xảy ra trong vòng 14 ngày kể từ ngày chích AstraZeneca, và phần lớn là ở phụ nữ dưới 55 tuổi. Điều đáng chú ý là loại cục máu đông này phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt là trong và sau khi mang thai và khi đang trong dùng thuốc ngừa thai.

Thế là chuyện chích AstraZeneca như thế nào lại trở nên một câu hỏi khó, mặc dầu người đứng đầu cơ quan y tế công cộng vẫn nói rằng với vaccine AstraZeneca, lợi vẫn nhiều hơn hại.

Cộng thêm vào đó là 1,5 triệu liều mà Hoa kỳ vừa đồng ý cho mượn và có thể sẽ về đến Canada trong tuần này, sẽ …hết hạn vào tháng 5 và tháng 6! 

Kết quả là một bát canh hẹ!
Trong lúc chính phủ Ontario công bố người trên 75 bắt đầu ghi tên chích ngừa vào ngày 21 tháng 3, 2020 – sớm hơn lịch trình cho Phase 2 hơn một tuần thì cũng lại có thông báo những người trên 60 có thể ghi tên chích ngừa ở những nhà thuốc tây có dịch vụ vaccine!

Khó hiểu cái từ “trên 60”, vì trước các thông báo đó, như đã nói, các nơi này đã và đang cung cấp vaccine AstraZeneca cho người từ 60 đến 64. 

Có người nói như thế, có vẻ như là người dân Canada, ít ra là người dân Ontario, hiện đang được quyền chọn lựa loại vaccine ngừa COVID-19. 

Có người lại bảo không có đâu.

Nhưng theo các chuyên viên về dịch tễ và y tế công cộng, loại vaccine tốt nhất là loại vaccine mà bạn có thể được chích sớm nhất! 

Và dù cho có chích loại nào, bạn cũng chưa biết được chừng nào bạn sẽ được chích liều thứ hai. 

Khuyến cáo của các nhà sản xuất là từ 3 đến 4 tuần lễ sau mũi thứ nhất, nhưng tất cả các tỉnh bang nay đã đều đồng ý rằng có thể kéo dài khoảng cách này đến 4 tháng. Lý do giản dị nhất (và đúng nhất) là tùy vào số lượng thuốc, hiện vẫn còn là vấn đề ngoài tầm tay của chính phủ.    

Trong khi đó, hãng Pfizer hiện đang thả bong bóng thăm dò việc tăng giá thuốc. Phát biểu với các nhà đầu tư trong Hội nghị chăm sóc sức khỏe toàn cầu Barclays vào tuần trước, Frank A.D’Amelio, Giám đốc tài chính của Pfizer và phó chủ tịch điều hành cung cấp toàn cầu, cho biết cái giá 19,50 đô la cho mỗi liều mà họ đang bán hiện nay là “giá đại dịch”: “Rõ ràng, đó không phải là mức giá bình thường như chúng ta thường nhận được cho một loại vaccine, 150 đô la, 175 đô la cho mỗi liều.”

Tính đến ngày 21 tháng 3, đã có 3.840.298 liều vaccine các loại được chích cho dân chúng Canada. Số người được chích một liều bằng 6,1% dân số và số được chích cả hai liều là 1,7%.

Đỗ Quân

Xem thêm

Nhận báo giá qua email