Bà Hậu…

Bà Hậu luôn nói câu mở lời, “Tôi người nhà quê, lại ít học nên biết gì đâu? Xin các vị chỉ dạy cho.” Người quen kẻ thuộc với bà đã nghe quen câu ấy nên ai cũng tự nâng mình lên một cấp để chỉ dạy bà nhà quên hiền hậu như cái tên của bà. Bà hiền hậu hơn cả cái tên gọi ấm áp của người vùng châu thổ sông Hồng, sau bao năm xa lìa cố thổ nhưng giọng bắc của bà vẫn đầm ấm, nhẹ nhàng đến du dương. Bà vừa nói, “Phong cách người bắc xưa không láu táu như người bắc bây giờ sang đây du học, du công…” Từ “du công” của bà lại làm mọi người cười vui thêm nữa. Theo bà, người sang Mỹ để đi học thì gọi là “du học”, nhưng người sang Mỹ để làm neo, đi bưng phở, không gọi là du công thì gọi là gì?Thảo nào các vị nguyên thủ quốc gia đi ra ngoại quốc để ký hợp đồng trao đổi, mua bán, kiếm việc làm cho dân của nước mình thì người ta gọi là “công du”. Có người lý luận như thế thì bà lại không chịu vì theo bà, Tổng thống các nước đi công du nghĩa là đi công khai, đi làm việc công, đi lo việc nước, còn người đi du công là đi du lịch nhưng không sang đây chơi mà đi làm để kiếm tiền cho mình. Người đi làm để kiếm tiền là người lương thiện, không có gì sai, sao cứ phải nói khác đi về mục đích đúng đắn ấy chứ?

Té ra cái bà nhà quê này hay chữ hơn cả ông bác vật của hãng điện tử Texas Instruments. Ông bác vật diễn tả cái nón nỉ được vợ mua cho hôm Lễ tình yêu thật khó ai hiểu nổi là cái nón hay cái nồi, ông càng làm mọi người vui nhộn hơn khi ông nói ra, “Không mặc thì sợ nhà tôi buồn, nhưng mặc lên đầu cứ như chơi trò bịt mắt bắt dê thuở nhỏ. Tôi đầu đội trời, chân mặc giày đã quen.” Ông dùng từ như con nít sanh đẻ bên đây mặc nón, mặc giày, mặc áo, mặc quần… Sau một ngày đi học về, chúng không đi tắm mà đi wát-bo-đì (wash body), giặt cái đầu chứ không phải gội đầu.

Hoá ra trò chuyện với những người đã có tuổi mới thấy vốn từ mất mát theo thời gian lưu vong thật đáng kể. Người càng giỏi Anh ngữ thì lại càng quên nhiều Việt ngữ vì dùng tiếng Anh thường hơn tiếng Việt trong công sở Mỹ, giao tiếp xã hội với người Mỹ nhiều hơn người Việt nên dần quên tiếng Việt. Thêm nữa, về nhà rầy la con cái bằng tiếng Việt thì chúng không hiểu nên nói tiếng Mỹ luôn cho đỡ mất thời gian của ông bố bận rộn và luôn thiếu thời gian nghỉ ngơi như ông bác vật ở trên. Nhưng trách người quên tiếng Việt thì cũng khó thương nổi bà nhà quê không biết tiếng Anh nhưng tiếng Việt của bà cũng thuộc loại hiếm gặp. Bà nói với chủ nhà, “Ơ, khi em ra khỏi nhà, trời trong veo như nước suối. Thế mà mới lái qua khỏi xa lộ 35 thì trời đã mưa lún phún, rồi cứ thế mưa lùn phùn đến đây…” Làm mọi người cười ngất ngây. Dù hôm nay không phải tiệc tùng, chỉ là những người bạn hẹn nhau đến thăm một người bạn vừa thoát được đại dịch trong gang tấc tử thần. Anh chị em hẹn nhau đến một lượt cho gia chủ tiện bề nghỉ ngơi hơn tiếp khách viếng thăm cả ngày.

Cuộc trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt cho đỡ nhớ quê nhà vì không khí Tết hãy còn trên nhánh đào, cành mai trong phòng khách của những gia đình người Việt tỵ nạn mà bạn tôi là một. Họ thay nước mỗi tuần, còn bỏ thêm phân hoá học nên mai, đào có khi sống tới nửa năm trong bình cắm hoa mới chịu khô héo. Nhà anh bạn tưởng có tang cuối năm không ngờ trời thương phật độ tai qua nạn khỏi nên đến nay hãy còn nguyên những khay trà, bánh mứt đẹp đẽ trong những chiếc hộp lè loẹt là quà tết biếu qua biếu lại cho tốn tiền nhau chơi chứ ăn uống gì? Nhưng người Việt ra đi mang theo nhiều thứ không cần thiết và nhất quyết không bỏ như sui gia với nhau thì năm hết tết đến cũng biếu qua biếu lại hộp bánh, hộp trà xanh xanh đỏ đỏ cho ra vẻ thông gia. Nhiều khi bên nội bên ngoại có hai tiệm nail gần nhau nên giành thợ, giật khách trắng trợn cỡ nào thì cuối năm cũng ngồi lại với nhau để khoe hột xoàn trên tay năm nay to hơn năm ngoái, trò chuyện thông gia chẳng qua lấy tin tình báo để đối phó sang năm. Rồi bánh mứt với trà thuộc loại hàng chợ bán tết để biếu xén ấy đi về đâu thì ai cũng biết rồi!

Nhưng hôn nay anh chị em đi thăm bệnh chứ chủ nhà đâu có mời tiệc. Thế là anh chị em chúng tôi tự mời nhau bánh mứt tha hương. Người nhắc lại miếng mứt gừng quê tôi không cay xé họng như mứt gừng Thái Lan, đặc biệt mứt gừng Trung quốc thì không thể ăn được. Nên ngoài chợ người ta mới dán nhãn “Made in Vietnam” đè lên “Made in China”, rồi xơi xởi mời chào “Bảo đảm hàng Việt nam”. Nói tóm lại là nhịn thèm cho nó lành vì chẳng tin ai nổi.

Người kia lại thèm miếng mứt mãng cầu, nhưng phải đúng mãng cầu Cao Lãnh của tôi thì mứt dai nhưng không ngọt gắt, ngọt đường, cái ngọt tự nhiên của mãng cầu trồng trên đất giồng là ngọt dịu, ăn một lần rồi không quên…

Có người đang ăn mứt tết mà lại thèm măng khô Vĩnh Phú mới lạ lùng mùa xuân. Rừng quê tôi thuộc vùng trung du Bắc phần, được thiên nhiên ưu đãi cho những búp măng giòn, ngọt thanh hơn măng ở vùng tây nguyên Trung phần…

Tôi ngồi nghe những giả tưởng không căn cứ đến ông bạn người Quảng nói là sợi mì Quảng phải làm bằng nước giếng ngoài Quảng mới ra đúng sợi mì Quảng!

Ông Nam bộ trêu ngươi, “Đúng đúng đúng… sợi mì Quảng thì phải dai như người Quảng nói, giòn như người Quảng mở đài về Ngũ Phụng Tề Phi, thơm như người Quảng tả món bánh đập… Thật ra có mẹ gì đâu, lấy miếng bánh ướt dán lên cái bánh đa rồi gập lại, đập đúng ba cái rưỡi cho bánh đa vỡ ra và dính vào bánh ướt. Sau đó chấm mắm tôm với một bụm ớt hiểm xắt khúc mới ghê. Ăn như vậy thì còn mùi vị gì ngoài mùi mắm đầu xóm ăn cuối xóm biết với vị cay xé họng của ớt hiểm đỏ lềnh chén mắm…”

Thế là họ cãi nhau…

(Cuộc chiến ba miền không có hồi kết từ thời vua Hùng vì sau khi cãi thì người Việt quê tôi rất rộng lòng xin lỗi nhau, mời nhau đi nhậu vì “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” là truyền thống dân tộc, con cháu dù tha hương cách mấy cũng phải giữ gìn truyền thống dân tộc. Nhưng tổ tiên quên dặn anh em bay đi nhậu là để hoà thuận lại chứ không phải nổ ra một trận tranh cãi mới đó nha. Nên điều chắc chắn xảy ra ngoài quán nhậu để xé nháp mấy lời xin lỗi trước khi nhậu thì mới có chỗ cho những lời xin lỗi sau khi nhậu ỏm tỏi ngoài quán.)

Chuyện trước tết là bà Quảng tả món bánh đập quê hương làm bà thèm đến không ngủ được. Nghe bà nói qua về món bánh không dầu mỡ làm ai cũng muốn ăn. Nhưng hôm bà đãi món bánh đập ấy cho mọi người thì chỉ hai người tấm tắc khen ngon là vợ chồng bà. So với bà Hậu, “Tôi người nhà quê, lại khó nhọc từ bé nên biết nấu nướng gì đâu? Đây, hôm nay tôi nấu khay bánh đúc, đãi các vị. Người ăn được mắm tôm thì chấm mắm tôm. Tôi xin lỗi những vị không ăn được mắm tôm. Tôi người nhà quê nên cũng không biết làm món chấm gì khác.”

Cái lối nói chuyện của bà cứ như cua bò ngang mà tỉnh rụi, không ai trách được mới tài. Khác món bánh đập như nói ở trên, bánh đúc dễ ăn hơn với khẩu vị miền Nam vì có tí béo béo khi cắn trúng hạt đậu phộng, nồng thoảng mùi vôi mà nhớ mẹ ăn trầu. Thôi thì ăn uống bớt thịt cá cũng tốt, nhưng giá như người ta đừng quá thương quê mình rồi đâm ra nói thách về món quê hương như thịt rồng gân phụng thì cũng hơi kỳ. Mà kỳ nào hơn Nam kỳ, ăn không được thì về nhà ăn, có cần phải nói toạc móng heo ra cho khó nghe, có cần châm biếm đập đúng ba cái rưỡi chứ hơn thì bánh đa nát bét ra, mà đập thiếu thì bánh đa với bánh ướt không dính…

Bà Hậu như được quý mến nhờ lời ăn tiếng nói, cách đối xử với mọi người. Ai nói quá thì bà Hậu cười, ai nó khó bà thương, muốn giúp đỡ. Bà thương thật chứ không thương đùa như người ta thương Chúa, thương Phật. Chuyện của bà khi có tiệc là giúp gia chủ dọn ăn lên, ăn xong thì lại phụ dọn dẹp xuống, phụ rửa bát chứ không bình đẳng với nam giới như các bà Mỹ hoá, thích nói chuyện chính trị nhưng chẳng nhớ tên ai là nguyên thủ quốc gia, nước nào ở cạnh nước nào thì thuở nhỏ quên học điạ lý. Rồi thì bà Hậu ngồi hóng chuyện khi xong việc, vì tôi người nhà quê, lại ít học nên biết gì đâu? Xin anh, chị (ông bà) chỉ dạy cho. Kỳ thực bà mới là người chỉ dạy cho mọi người cách đối nhân xử thế.

Chuyện của bà hôm nay rù rì với bà chủ nhà lại thành chủ đề chung cùng bàn thảo của những người đã mỏi đường trần. Câu chuyện bắt đầu từ việc con gái bà đã có gia đình, sống riêng với chồng con, nhưng hôm cô ta trở về nhà mẹ để lục tìm những hình ảnh cũ cho bạn bè cũ nhờ tìm lại. Cô không ngờ biết ra bí mật của mẹ chẳng phải là có tài khoản bao nhiêu, di chúc để cho ai. Điều làm cô điếng hồn là bà Hậu ký giấy tờ hẳn hoi, khi bà qua đời, lục phủ ngũ tạng bà cho hết, luôn cả đôi mắt cũng cho luôn. Hành vi của mẹ làm cô thương cảm, kính nể mẹ. Nhưng tâm tư thầm kín làm cô thấy mẹ thiếu công bằng với cô vì đôi mắt bà Hậu thật đẹp, không những thế lại tốt đến không ngờ là đã bảy mươi mà cả đời bà chưa hề mang cặp kính nào. Trong khi mắt cô là mắt con gái thì lại giống bố, mắt một mí lại còn cận lòi. Cô hỏi mẹ, “Mẹ ạ, sao mẹ lại quyết định thế này?” Bà đã trả lời, “Bố của con là một người mạnh khoẻ, không những thể chất ông ấy to lớn, không bệnh hoạn gì. Tinh thần cũng cường tráng như thế, nhưng chết trận khi con mới vài tuổi. Bác của con không được khoẻ như bố của con thì nay bác cũng đã xấp xỉ tám mươi, nhưng là một người bệnh hoạn từ bé, cả đời bác giai dường như không ngày nào không uống thuốc. Mẹ thấy mình may mắn được ơn trên cho sức khoẻ, lại cho sống lâu nhờ cơ thể không bệnh hoạn, mắt sáng, răng chắc để ăn biết ngon hơn người răng long… Việc mình cứ giữ mãi những phần tốt đẹp đã không phải lắm thì phải, khi chết lại không cho lại ai cần, thì có quá ích kỷ không?”

Bà Hậu kể tiếp câu chuyện mẹ con bà cho mọi người nghe để góp ý vì bà là người nhà quê, tôi có biết gì đâu. Bà kể tiếp cho con gái bà nghe chuyện gia đình, thân bà goá bụa, một nách ba con lênh đênh trên con thuyền vượt biển. Việc đến Mỹ được trọn vẹn mấy mẹ con là điều bà không sao hiểu nổi bàn tay, quyền lực vô hình nào đã che chở vì việc ngoài khả năng, tài cán và cả tài chánh của bà những năm có phong trào vượt biển. Rồi những năm bấm thẻ ăn giờ trên nước Mỹ để nuôi con, lại gặp công việc không có ghế ngồi, bà đứng đến phù chân, không chịu nổi. Sau đó có bà Mỹ làm chung, bà ấy chỉ cho một hiệu giày khá mắc tiền nhưng loại giày này thích hợp cho những người làm công việc phải đứng suốt ngày hay đi liên tục trong hãng xưởng.

Bà Hậu đã tìm đến nơi bán, nhưng không thể mua đôi giày chỉ để đi làm mà mắc gấp năm gấp mười lần đôi giày bà đang mang dưới chân. Thay vì mua một đôi giày, mua sự êm ái cho mình. Biết là không hoang phí vì đôi giày sẽ giúp mình làm việc được lâu dài hơn thì con cái được nhờ hơn, nhưng người nhà quê ấy chỉ đến tiệm giày nhiều lần để đứng nhìn đôi giày trong tủ kính, nhờ nhân viên tiệm giày lấy ra sờ mó cho đỡ thèm. Dù biết giá trước nên tiền chuẩn bị đủ trả nhưng lần nào cũng về tay không, dùng tiền giày đi mua sắm quần áo, giày dép cho con cái. Dành dụm gởi về quê cho mẹ chồng, mẹ ruột vì biết từ khi đi đã là vĩnh biệt…

Ai cũng sốt ruột với kết thúc chuyện đôi giày của bà nhà quê nên hụt hẫng khi nghe bà nói bà không mua, nhưng bà lại đến tiệm giày lần cuối để mua đôi giày mới ly kỳ. Bà đến tiệm giày lần cuối với số tiền thưởng cuối năm của hãng được khá, nhưng bà lại thấy người thanh niên không có cả hai chân. Bà ngộ ra được hạnh phúc của mình là đi trên đôi chân, đứng trên đôi chân đau nhức và sưng vù nhưng đôi chân có liên hệ với khối óc, với trái tim, không phải đôi chân đã mất nên mặc cảm như người thanh niên kia. Bà hỏi thăm anh mới biết anh là thương binh nên bà biếu anh số tiền mà bà đã quyết định mua đôi giày để anh mua quần áo lành lặn hơn, chứ tiền đôi giày không thể mua được cái xe lăn tốt hơn một chút như bà thầm mong…

Từ đó về sau, những đôi giày trị giá bốn chục nhưng hạ giá một nửa còn hai chục cũng không nỡ làm đau chân bà nữa vì mỗi lần cảm thấy đau chân do đứng lâu, bà lại nghĩ đến anh thương binh. Cũng từ đó, bà muốn cho người thương binh bị mù khác, đôi mắt của bà, muốn cho người mất tay bớt một cánh tay của bà vì mỗi người có một tay cũng đỡ khổ hơn cho người cụt hai tay…

Chuyện bà nhà quê đưa ra hỏi ý kiến bạn bè khi bạn hữu đang vui mừng một bạn hữu thoát khỏi Covit-19 nhờ cầu nguyện hơn là sức khoẻ, sức đề kháng của một ông già uống thuốc nhiều hơn ăn cơm mỗi ngày. Sao hôm nay không nghe ai đả kích bà nhà quê, hay ai cũng thấy thẹn nên nín thinh. Hiếm hoi người lên tiếng lại đồng tình với bà, “Tôi cũng có ý nghĩ như chị, chỉ sợ khi mình chết rồi thì lục phủ ngũ tạng của mình cũng đã thuộc hàng phế thải thì ai xài được nữa, mà cho như thế thì khác nào thoả mãn mình chứ đâu giúp ích được cho ai…”

“Thôi thì cứ cho cái tâm mình trước, người nhận tuy cần nhưng không xài được cái của mình cho thì họ cũng được vui lòng phần nào về việc mình có lòng muốn cho. Còn của cho không phải của mình, chỉ là vay mượn của ơn trên thì trao lại người khác khi mình đã mãn phần.” Bà Hậu kết thúc câu chuyện đi thăm bệnh mà nói lạc đề bằng câu xin lỗi chân thành ông gia chủ mới vừa thoát chết. Không biết đêm nay mọi người có ngủ ngon hay trăn trở với bà nhà quê này?

Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email