Bắc Hàn tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018

Lý Anh
Sau 3 cuộc hội đàm ngày 09, 15 và 17/01/2018, Bắc và Nam Hàn đạt được thỏa thuận lịch sử: Bình Nhưỡng đồng ý đưa một đoàn lực sĩ, hàng trăm cổ động viên cùng Dàn nhạc Giao hưởng và ca vũ Samjiyon đến Nam Hàn trình diễn và tham dự Thế vận hội Mùa đông ở PyeongChang từ 09 đến 25/02/2018.
Dư luận cho rằng, đây là tuyệt chiêu “Ngoại giao thể thao” Kim Jong-un đưa ra để giải tỏa những khó khăn Bắc Hàn đang gặp phải khi bị cộng đồng quốc tế trừng phạt do liên tiếp thử hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn nguyên tử. Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng, có thể dân Nam Hàn không đón chào Bắc Hàn như trước đây, bởi họ phản đối chương trình nguyên tử cùng những hành vi ngày càng hiếu chiến của Bình Nhưỡng …

Thông cáo báo chí

Ngày 17/01/2018, Nam – Bắc Hàn họp cấp thứ trưởng, thông qua một thông cáo báo chí liên quan đến việc miền Bắc tham gia Thế vận hội Mùa đông 2018. Trong đó, hai miền Nam Bắc Hàn thỏa thuận: Hai đoàn lực sĩ Nam và Bắc Hàn cùng diễu hành trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông lần thứ 23 diễn ra vào tối 09/02/2018. Dẫn đầu là lá cờ chung có hình Bán đảo Triều Tiên. Lá cờ này lần đầu tiên được hai miền sử dụng tại Giải vô địch Bóng bàn Thế giới năm 1991, sau đó được dùng tại Thế vận hội Mùa hè Sydney 2000 (Úc). Thế vận hội Mùa hè Athens 2004 (Hy Lạp). Thế vận hội Mùa đông Torino 2006 (Ý Đại Lợi).
Hai bên tổ chức một đội Khúc côn cầu trên băng (Hockey) nữ thi đấu với đội Hockey nữ của các nước đến tham dự. Nữ cầu thủ Hockey hai miền Nam-Bắc sẽ tham dự các đợt huấn luyện tại khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Masikryong ở Bắc Hàn.

Trước đây, hai miền Nam Bắc Hàn từng 2 lần tổ chức đội tuyển chung thi đấu tại Giải vô địch bóng bàn thế giới 1991 và Giải vô địch bóng đá Thanh thiếu niên thế giới 1991. Đây là lần thứ 3 Nam và Bắc Hàn thành lập đội tuyển chung thi đấu tại Thế vận hội Mùa Đông 2018. Tuy nhiên, việc thành lập đội tuyển Hockey nữ gồm cầu thủ Nam và Bắc Hàn lần này đã bị phản ứng dữ dội. Một viên chức trong Hiệp Hội Hockey Đại Hàn cho rằng: Tổ chức như thế này quả là điều bất công đối với đội tuyển Hockey nữ Đại Hàn mới huấn luyện từ Mỹ về. Trả lời ký giả hãng thông tấn Reuters, viên chức này nói: “Cầu thủ chúng tôi cảm thấy ý kiến đó thật phi lý… Chúng tôi đã lặng người khi chính phủ đột nhiên quyết định như vậy và yêu cầu chúng tôi chơi cùng với những người hoàn toàn xa lạ …”. 

Bắc Hàn còn cho biết sẽ gửi 30 lực sĩ đến biểu diễn môn võ Taekwondo tại Hán Thành và Pyeongchang, một đoàn cổ động viên trên 200 người đến cổ vũ tại Thế vận hội Mùa đông 2018.
Các đại biểu, đoàn lực sĩ, đội cổ động viên, đoàn biểu diễn môn võ Taekwondo, Dàn nhạc Giao hưởng và ca vũ nhạc Samjiyon cùng đoàn ký giả của miền Bắc sẽ nhập cảnh vào miền Nam bằng đường bộ.

Đoàn cổ động gái đẹp

Đây không phải lần đầu Bắc Hàn cử cổ động viên là gái đẹp đến tham dự các cuộc thi đấu thể thao quốc tế. Năm 2002, tại Giải vô địch Thể thao Châu Á tổ chức ở Busan, Đại Hàn, một đội cổ vũ của Bắc Hàn khoảng 300 người đã đến Busan trong trang phục hanbok truyền thống với màu sắc sặc sỡ đã thu hút sự hiếu kỳ của hàng trăm người dân địa phương. Hình ảnh những cô gái miền bắc Bán đảo Triều Tiên xinh đẹp nhanh chóng lên trang nhất các tờ báo Đại Hàn. Truyền thông nước này ca ngợi kỹ thuật uyển chuyển và động tác chính xác của đội cổ vũ. Năm 2003, Bắc Hàn lại cử 303 cổ động viên đến cổ động cho Thế vận hội Sinh viên tổ chức tại Daegu (Đại Hàn).
Trong các cuộc thi tài đọ sức giữa các lực sĩ năm 2004 và 2005, đội cổ vũ được dư luận thế giới chú ý, khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Hàng loạt đoạn clip ghi lại hình ảnh đội cổ vũ đăng trên trang mạng Youtube, với các tiêu đề “Đội cổ vũ Bắc Hàn hút hồn” hay “Cổ động viên xinh đẹp trẻ trung” đã thu hút rất nhiều dân mạng.

Ban tổ chức Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang thừa nhận: Sự xuất hiện của “đội gái đẹp” Bắc Hàn sẽ thu hút khán giả tới xem các trận thi đấu. Phát ngôn viên của Ban tổ chức nói: “Với sự có mặt của đội cổ vũ Bắc Hàn, doanh thu vé sẽ tăng lên nhiều.Không những thế, còn giúp chúng tôi đạt nguyên vọng đã tổ chức một Thế vận hội hòa bình”.

Dàn nhạc Giao hưởng và ca múa Samjiyon

Ngày 15/01/2018, tại lầu Tongil (Thống nhất) trên lãnh thổ Bắc Hàn, trong khu phi quân sự Panmunjom, đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Nam và Bắc Hàn bàn thảo việc Bắc Hàn cử một đoàn nghệ thuật đến Nam Hàn trình diễn. Đó là Dàn nhạc Giao hưởng và ca vũ nhạc Samjiyon gồm 140 nghệ sĩ đến Nam Hàn trình diễn tại thành phố Gangneung, thuộc tỉnh Gangwon, gần Pyeongchang, nơi diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2018. Ngoài thành phố Gangneung, đoàn còn đến thủ đô Hán Thành biểu diễn.
Lần biểu diễn này cách lần biểu diễn trước của một đoàn nghệ thuật Bắc Hàn là 15 năm 6 tháng, thời cựu Tổng thống Đại Hàn Kim Dae-jung (1998 – 2003) từng xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa Nam và Bắc Hàn.
Dàn nhạc Giao hưởng và ca vũ nhạc Samjiyon thành lập năm 2012 theo lệnh của Kim Jong-un, sau khi đã thừa kế “ngai vàng” vương triều họ Kim do Kim Jong-il truyền lại. Người cầm đầu đoàn ca vũ nhạc này là Hyon Song-wol (38 tuổi). Năm 2013 từng có tin đồn cô ta và một số đoàn viên khác bị tử hình do lộ hình trên một cuốn video lõa thân.
Hai năm sau (2015), Hyon Song-wol bất ngờ xuất hiện trong chuyến dẫn đầu Dàn nhạc Giao hưởng và ca vũ Samjiyon đến Bắc Kinh trình diễn.

Khi truyền thông loan báo Hyon Song-wol dẫn đầu Dàn nhạc Giao hưởng và ca vũ Samjiyon đến thành phố Gangneung, và Hán Thành trình diễn, một người từng làm việc trong đoàn ca nhạc, nay đào tẩu về Nam Hàn, nói cho báo giới: “Kim Jong-un và Hyon Song-wol cùng học với nhau tại Đại học Kim Nhật Thành từ năm 2000 đến 2006. Tuy đã có bạn trai, khi lọt vào ‘cặp mắt cú vọ’ của Kim Jong-un, không bao lâu sau nàng Song-wol trở thành bạn gái của ‘Thái tử’. Tiếc rằng, khi thân phụ của Kim Jong-un là Kim Jong-il biết được con trai mình và Hyon Song-wol yêu nhau, ông ta không đồng ý, chàng Kim và nàng Hyon mới phải chia tay. Tuy vậy, Hyon Song-wol vẫn được chế độ trọng dụng”.
Sau cuộc họp ngày 15/01, Hyon Song-wol dẫn đầu 1 đoàn đại biểu tới Nam Hàn xem xét địa điểm biểu diễn trong dịp diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2018 tại Pyeongchang.

Cũng trong ngày 15/01, ký giả và nhà văn Andrew Salmon, viết bài đăng trên tờ báo tiếng Anh Asia Times, trụ sở chính ở Hương Cảng: “140 nghệ sĩ trong Dàn nhạc giao hưởng và ca múa Bắc Hàn không chỉ trình bày các bản nhạc phương Tây thuộc trường phái cổ điển, các giai điệu từ phim nước ngoài mà còn có nhiều tiết mục đặc trưng của nước họ. Đó là những bài hát ca ngợi chế độ cộng sản Bắc Hàn như: ‘Cô gái bên hoa’, các màn nhảy múa bốc lửa mang tựa đề ‘Tổ quốc tôi đẹp nhất thế giới’, ‘Tiến lên, tiến lên’. ‘Đây là trận đánh quyết định’ … Hiện chưa rõ thái độ của phía Nam Hàn khi các tiết mục lộ rõ ‘dòng nhạc đỏ’ tuyên truyền cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, có thể thấy Bắc Hàn đã kiểm soát nghị trình ca múa nhạc tại Thế vận hội Mùa Đông 2018”.

Andrew Salmon là người Anh, hiện nay là một cư dân Hán thành, gương mặt quen thuộc tại Trung tâm Châu Á ở Đại Hàn. Ông là ký giả, phát thanh viên và là tác giả từng xuất bản một số cuốn sách viết về Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953).

Dư luận
Trong mấy chục năm qua, Bắc Hàn vẫn sử dụng biện pháp gia tăng căng thẳng và đối thoại đan xen, vì thế việc họ cử đại diện dự Thế vận hội Mùa đông 2018 chưa thể khẳng định có phải dấu hiệu mềm mỏng hơn hay không. Đối với người Đại Hàn, sau khi chứng kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và người đứng đầu Bắc Hàn là Kim Jong-un khẩu chiến hùng hồn suốt năm qua, cuộc gặp giữa hai miền bàn về Bắc Hàn tham gia Thế vận hội Mùa đông 2-018 có thể giúp họ thở phào, cho dù một số nhà phân tích cảnh báo điều này có thể không lâu dài. 

Một số nhà bình luận cho rằng, vẫn phải chờ xem chiêu “ngoại giao thể thao” của Kim Jong-un hiệu quả đến đâu? Viễn cảnh tốt nhất là tạo nên không khí thuận lợi để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sáu bên.
Ông Jon Rainwater, giám đốc điều hành tổ chức hòa bình Peace Action, trụ sở tại Mỹ, cho rằng, Thế vận hội Mùa đông 2018 tạo cơ hội hoàn hảo để Mỹ và Đại Hàn hoãn tập trận quân sự chung, từ đó “dọn bàn để các bên đối thoại”. 

Ông Scott A. Snyder, nhà nghiên cứu lâu năm về Bán đảo Triều Tiên, Giám đốc chương trình Chính sách Hoa Kỳ – Đại Hàn tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations (CFR) ở Hoa Thịnh Đốn, nói rằng, không có gì ngạc nhiên khi Kim Jong-un cử đại diện dự Thế vận hội vì nhà lãnh đạo này rất thích thể thao. Ông Snyder nói với ký giả báo The Sunday Times, Anh Quốc: “Dù Bắc Hàn chỉ đạt thành công nhỏ trên đấu trường quốc tế cũng có lợi cho ông ta về di sản đối nội và tự hào quốc gia”.
Trong khi đó, bà Balbina Hwang, giáo sư giảng dạy tại Đại học Georgetown (Mỹ), cảnh báo: “Không nên lạc quan quá về việc Bắc Hàn tham dự Thế vận hội có thể thay đổi thái độ hay chính sách của nước này. Trên thực tế, chiêu “ngoại giao thể thao” không có tác động đáng kể hay lâu dài ở Đông Bắc Á”.

Phát biểu trong 1 cuộc họp chính phủ, Tổng thống Moon Jae-in, tuy luôn ủng hộ đối thoại với Bắc Hàn cũng nhấn mạnh, việc cải thiện các mối quan hệ song phương cần phải đi kèm với những biện pháp hướng tới phi hạt nhân hóa. Ông nói: “Cải thiện các mối quan hệ giữa Nam và Bắc Hàn không thể tách khỏi việc giải quyết những vấn đề liên quan đến chương trình phát triển nguyên tử của Bắc Hàn. Bởi vậy, Bộ Ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và ủy ban quốc tế về vấn đề này. Bộ Thống nhất, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thể thao và Du lịch cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp nhằm khôi phục các cuộc đàm phán Nam Bắc và hỗ trợ để Bắc Hàn có thể tham gia Thế vận hội Pyeongchang”.
Chúng ta cùng chờ xem tuyệt chiêu “ngoại giao thể thao” của Kim Jong-un sẽ ra sao?
Lý Anh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email