Bác Trai…

Càng ngày tôi càng thấy cô em làm chung giống Lý Mạt Sầu vì cứ ưa ngồi chau mày nhìn về xa xăm bên ngoài cửa sổ như nghĩ cách trả thù những kẻ phụ tình cô, ánh mắt xa xôi thoảng nụ cười mềm theo dòng suy tưởng trên gương mặt đẹp như mùa thu. Có bao nhiêu người nói mùa thu đẹp thì cũng có bấy nhiêu người nói mùa thu buồn man mác, nên nhìn mặt em tôi như thấy cả trời thu với vẻ đẹp trầm mặc của tạo hoá, thấy man mác buồn như chiếc lá vàng rụng trên mặt hồ thu trong veo như mắt em trong cho người trẻ đứng tròng, người già còng lưng lau mắt kiếng… “Thôi anh cứ thấy em mờ mờ như vậy cho em vui, vì anh lau mắt kiếng sẽ thấy tóc bạc của em chưa kịp nhuộm. Sao anh không giàu tiền của cho em út có của hồi môn mà anh giàu lãng mạn quá, thấy anh là em nhớ câu thơ anh đọc cho em nghe, rất đúng với anh là: nhà thơ ở cạnh nhà thờ/ nhà thơ tắt thở nhà thờ rung chuông…”

Hai anh em tôi cà khịa với nhau thay lời chào buổi sáng. Buổi sáng tươi mát sau trăm ngày không mưa, việc làm lưa thưa như đầu thu lá rụng, mưa thu mới về còn thẹn thùng rơi nhẹ ngoài hiên. Bỗng dưng cô kể cho tôi nghe câu chuyện đã làm cô nhìn về xa xăm, “Mẹ em mất khi trời vào thu, năm em mới mười lăm tuổi. Em muốn hỏi anh chuyện này, nhưng hôm nay mới rảnh.

Sau tang lễ, cha em đưa cái điện thoại của mẹ cho em dùng. Em nói, con còn chưa xong trung học, chưa cần đến điện thoại riêng và điện thoại riêng còn mắc quá. Ba trả lại cho công ty điện thoại để tiết kiệm tiền hay hơn. Nhưng ba em nói, cũng tới lúc con cần có vì trước đây ba gọi mẹ thì bây giờ gọi con chứ gọi ai để lo chuyện nhà. Em con là còn nhỏ thì nó biết gì để phụ ba…

Vậy là cái điện thoại trong ba lô em đi học vì bỏ trong người là chảnh, là con nhà giàu trong trường thời điện thoại còn hiếm, em không muốn. Trong điện thoại có sẵn hết số của bà con, ai cần đến em thì gọi. Vài số điện thoại của bạn bè mẹ em, người biết mẹ em đã qua đời thì không gọi nữa. Những người bạn ở xa hay ít gặp của mẹ vẫn thỉnh thoảng gọi, nhưng em trả lời lần gọi đó là thôi, họ không gọi nữa.

Một thời gian không lâu, cái điện thoại đã hoàn toàn thuộc về em, không còn ai em không quen biết gọi vào hay nhắn tin. Nhưng cứ đến ngày sinh nhật mẹ em là em nhận được một lời chúc sinh nhật của người không quen biết. Bác trai đó là ai, em hoàn toàn không biết, chưa từng nghe mẹ nói về bác ấy. Nhưng cứ đúng ngày sinh nhật mẹ là em nhận được tin nhắn của bác ấy từ sáng sớm. Lời chúc sinh nhật đơn giản nhưng nói lên tình sâu nghĩa nặng, lai láng ân tình theo em cảm nhận. Bác cũng không nhắc lại kỷ niệm nào nên em cũng không rõ quan hệ ra làm sao với mẹ em? Em xem lại những tin nhắn trước đó thì đúng là mỗi năm một lần vào ngày sinh nhật mẹ em. Chỉ có một năm hơn lời chúc sinh nhật bình thường, bác cho biết thời tiết năm đó không bình thường, bác nhắc mẹ em bảo trọng sức khoẻ. Em đoán quan hệ của hai người trên mức bạn thân, nhưng có duyên không nợ. Bây giờ hai bên đều đã có gia đình nên chỉ còn giữ liên lạc qua việc chúc mừng sinh nhật như báo tin cho nhau hay là tôi còn sống. Biết nhau còn sống đã đủ rồi…”

Tôi hỏi, “Nhưng mẹ em có trả lời tin nhắn của bác trai đó không, lời lẽ thế nào?”

“Có chứ anh, nhưng thường là hôm sau, không trả lời ngay… Cũng là một thắc mắc mà em không hiểu.”

“Theo anh là quan hệ hơn bình thường một chút. Nhưng lời lẽ của mẹ em ra sao?”

“Đứng đắn, chân tình. Mẹ em dùng từ ‘cảm ơn’ hơi quá lố. Chúc bình an cho bác trai và gia đình bác rất chân tình nhưng hoàn toàn không nhắc gì đến quan hệ hay kỷ niệm gì giữa hai người. Nên em hồi tin, hồi không tin những suy đoán của mình về quan hệ của mẹ em với bác trai không biết mặt…

Khi còn là con nhóc, em suy nghĩ có phần phá phách nên em đọc kỹ những tin nhắn của mẹ cảm ơn bác đã chúc mừng sinh nhật mẹ, rồi em trả lời hệt như mẹ em là dùng từ ‘cảm ơn’ nhiều lần. Nên bác ấy không hề biết mẹ em đã qua đời cho tới năm sau bác lại gởi tin nhắn chúc mừng sinh nhật mẹ. Năm sau, năm sau, cũng những lời chúc chân tình không thay đổi, không hồi âm lời cảm ơn chân tình của mẹ em bao giờ. Cả lời xin lỗi của mẹ em là đã quên ngày sinh nhật của bác để chúc lại. Bác cũng không nhắc lại ngày sinh nhật của bác.”

“Đã bao nhiêu năm rồi”

“Năm đó em mười lăm, nay em có tóc bạc rồi anh. Buồn.”

“Buồn gì? Buồn làm chi em ơi, lá xanh rồi cũng phai màu… Hôm anh đang lái xe, nghe đài Việt nam hát vậy đó! Không ra thính phòng cũng không giống nhạc sến. Anh hết hiểu nhạc Việt bây giờ…”

“…”

“Có gì đâu mà khóc?” Tôi hỏi.

“Buồn chứ anh. Buồn em sống cũng đâu có tệ với ông xã em. Từ hồi chưa cưới thì sinh nhật em, anh ấy lo như lo đám cưới. Cưới rồi thì chỉ lo ăn nhậu bí tỉ với bạn bè ông xã tới say xỉn hết biết. Bỏ lại cho em cái nhà như bãi chiến trường, em dọn dẹp có lần tới sáng không xong. Em không cho tổ chức sinh nhật em nữa thì ông xã em quên luôn ngày sinh nhật em… Sao người hồi xưa nặng tình quá ha anh?”

“Bộ người đời nay tệ lắm sao em?”

“Anh nhớ sinh nhật bà xã anh không?”

“Anh nhớ hết sinh nhật của những người đi qua đời tôi, chỉ cảm nhận vui buồn khác nhau với từng ngày sinh nhật vì người ấy bây giờ hơn mình thì vui, nếu người ấy bây giờ cần giúp mà mình không làm được gì thì hơi buồn. Người bặt vô âm tín đôi khi làm anh cũng lo lo vì anh cũng đâu muốn ai xảy ra chuyện gì không may. Thường anh cũng gởi lời chúc mừng sinh nhật, chúc bình an đến những người không đổi số điện thoại, nhưng anh không chúc ai hạnh phúc cả vì ngày sinh nhật người ấy mà không có anh thì lời chúc hạnh phúc là không thật. Anh suy ra từ những ngày sinh nhật anh chỉ nhận được lời chúc mừng sinh nhật mà không thấy người chúc ở bên anh thì hạnh phúc nỗi gì?”

“…”

“Anh quá đáng. Một lời chúc là tình cảm lắm rồi, còn nhớ đến nhau như vậy là qúy rồi. Em kể chuyện cho anh nghe để hỏi anh là em đúng hay sai, cần hay nên làm gì bây giờ? Bởi vài năm sau khi mẹ em mất, em cũng lớn rồi nên muốn cho bác ấy biết là mẹ em đã không còn, nhưng em sợ làm tổn thương bác ấy, làm tổn thương tình cảm của bác với mẹ em khi hai người đã lâu không gặp lại hay tin buồn.

Thời gian qua đi nhưng cứ đến ngày sinh nhật của mẹ em, em thường dậy sớm để đọc tin nhắn của bác, biết bác ấy còn sống là một niềm vui trong em từ hồi nào em cũng không biết. Em thực sự thương bác ấy, muốn tìm gặp bác một lần. Nhất là từ hôm ba em không lái xe được nữa vì sau khi mổ mắt vẫn không thể lái xe. Thấy lờ mờ trong nhà nên sinh hoạt cá nhân không có vấn đề gì nhưng lái xe thì nguy hiểm. Ba em bây giờ muốn đi đâu thì con cháu chở đi, đón về. Nhiều lần em chở ba em ra Hội cao niên, đi bác sĩ, em lái xe mà đầu óc cứ nghĩ đến bác trai không biết có khoẻ không, có ai chăm lo cho bác ấy không? Em không biết mình cần làm gì, nên làm gì với bác ấy chứ không thể im lặng hoài. Lại sắp tới sinh nhật mẹ em nữa rồi, em định cho bác ấy biết sự thật. Em tính lần này sẽ cho bác biết mẹ em đã qua đời lâu lắm rồi. Em có thể giúp đỡ được gì cho bác trong tuổi già không? Anh thấy em có nên không?”

“Thật là khó. Em đúng là phụ nữ, sống giàu tình cảm hơn anh. Hay tình cảm của đàn ông không cụ thể được như đàn bà chứ không phải đàn ông sống không có tình cảm. Bác trai ấy sống đã bao năm theo nghĩa tồn tại cùng gia đình, nhưng trong lòng vẫn chỉ có mẹ em. Hay bác ấy đơn giản chỉ là một người giàu tình cảm, tuy không còn quan hệ, không gặp gỡ, nhưng một lời chúc sinh nhật hàng năm với người bạn cũ cũng làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ngược lại mẹ em là người như thế nào? Cũng là người giàu tình cảm chứ không thì đã không trả lời tin nhắn để cắt đứt quan hệ. Nhưng mẹ em đúng ở chừng mực khi đã có gia đình. Hai người họ là bạn cũ, bác trai có quyền chúc mừng sinh nhật hàng năm, và người được chúc viết lời cảm ơn cũng chân thành như lời chúc là văn hoá. Chả có gì mờ ám trong quan hệ này hết.”

“Em nói ra với anh khi tự thấy mình đã không phải, không đúng với sự giả dối mà em đã tin là nên làm và đã làm nhiều năm. Nếu anh là bác trai đó, anh có trách em không khi anh biết ra sự thật bằng cách tình cờ nào đó như bác gặp bạn cũ cho hay mẹ em đã mất lâu rồi! Vậy người cảm ơn lời chúc sinh nhật của bác hằng năm là ai? Ai lại đùa giỡn trên tình cảm của bác ấy?”

“Trong cuộc sống có những việc hoàn toàn đúng hôm nay nhưng ngày mai không còn là chuyện đúng nữa. Em không cần phải mang mặc cảm tội lỗi đã đùa giỡn trên tình cảm của người khác. Cuộc sống của chúng ta có những việc đã làm, không còn cách nào khác là lãnh chịu hậu quả. Nếu điều ấy đến ắt sẽ đến, và hãy để sự việc tự giải quyết sự việc theo tự nhiên của sự việc. Em không khéo lại biến mình thành người làm cho bức tường trắng vấy bẩn khi khui ra chuyện này. Người đầu tiên là ba em, ông ấy nghĩ gì về người vợ đã qua đời của ông khi sinh tiền? Bà ấy đã có chồng con nhưng vẫn còn liên lạc với người xưa, mà chưa chắc là người xưa hay chỉ là bạn bè chung lớp, có tình cảm với nhau hơn những người bạn khác nên giữ liên lạc. Người thứ hai bị em ném lựu đạn là bác trai bên kia, vợ bác nghĩ gì với ông chồng già vẫn mơ hình bóng cũ.

Làm làm chi cái chuyện nhức đầu cho đôi bên? Chẳng qua là em đã tình cờ, rồi đi từ tò mò của tuổi mới lớn về chuyện tình cảm của người lớn nên đã giả mẹ em đã qua đời để cảm ơn những lời chúc sinh nhật. Anh thấy có sự cảm mến của em với người bác không biết mặt nhưng em tin ông ta là người tình cảm chân thành, từ đó bắt qua em tin ông ta là người tử tế không khó. Và khi em đã trưởng thành, va chạm với đời mau quên em càng thấy bác trai nọ là người đáng quý, em thương mến bác là lẽ tự nhiên…

Trở lại với mẹ em lúc sinh tiền. Bà không làm gì sai với chồng con, gia đình và bạn bè. Không ai cấm ai chúc mừng sinh nhật người khác, chỉ trách người được chúc không biết cảm ơn cho tử tế. Nhất là bây giờ bà đã ra thiên cổ từ lâu, thậm chí bà đã siêu độ phương nào cũng không ai biết. Em khơi lại làm gì chuyện xưa khi không lường được hậu quả?

Anh không phủ nhận lòng tốt của em muốn quan hoài đến bác trai nọ khi đã về già qua hình ảnh ba em bây giờ. Anh tôn trọng tình cảm của em với một người không quen biết nhưng dù gì cũng là bạn của mẹ em, nhưng không nên đâu vì vụ việc rất dễ ngoài ý muốn. Anh cho là mẹ em có tình cảm với hai người bạn trai khi bà còn trẻ, nhưng duyên nợ của bà thuộc về cha em nên bà cũng chọn cư xử không để bác trai kia buồn, không làm cho ba em khó chịu trong đời sống vợ chồng. Nhờ vậy hai gia đình đã vuông tròn tới con cái trưởng thành thì hà cớ gì bây giờ em làm cho hai gia đình có chuyện khó nói về một người đã ra đi là mẹ em. Cuộc sống đâu nhất thiết phải nói ra tất cả những gì mình biết, người tử tế chỉ nói ra những điều tốt đẹp cho mọi người. Chuyện mẹ em với bác trai ấy chỉ xem như một bài học ở đời về đối nhân xử thế. Cảm ơn tiền nhân về bài học ấy là đủ. Trả ơn tiền nhân bằng cách đối xử tử tế hơn với người xung quanh trong thời đại thờ ơ là văn minh bây giờ…

Giả sử bác trai không biết mặt biết tên tình cờ đọc được trang báo kể chuyện giống mình. Đó là cách sự việc tự giải quyết sự việc theo tự nhiên.

Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email