Bài học về nạn đói

Child&Vulture

Huy Lâm

 

Phóng viên ảnh Kevin Carter nổi tiếng nhờ chụp được một bức ảnh được cho là hãi hùng nhất của thế kỷ 20. Trong bức ảnh đó ghi lại hình ảnh đứa bé gái đói trơ xương, yếu đến không còn sức sống đang cố gắng bò lê trên mặt đất. Phía sau lưng đứa bé là con kên kên đang lạnh lùng đứng chờ, có lẽ nó đợi cho đến khi đứa bé gục xuống tắt thở thì nhào tới mổ xác để ăn thịt. Nhưng thân hình của đứa bé tiều tụy kia chỉ còn lại da bọc xương thì chắc cũng chẳng còn bao nhiêu thịt cho con kên kên đủ no.

Đó là tháng 3 năm 1993, Carter đi theo chuyến máy bay chở thực phẩm cứu trợ của Liên hiệp quốc đến miền nam Sudan, nơi đang có chiến tranh và nạn đói xảy ra.

Theo lời Carter kể lại, ông đã phải chờ suốt 20 phút, hy vọng con kên kên sẽ vươn đôi cánh lên như muốn vồ lấy đứa vé. Con kên kên đã không làm điều đó mà chỉ im lìm đứng đợi. Carter không thể chờ đến giây phút có thể sẽ không xảy ra và đã bấm máy. Bức ảnh trở thành một sự ám ảnh rợn người về cái đói, về nỗi đau đớn âm thầm và không khí của thần chết bao phủ lên mảnh đất khô cằn sỏi đá ở châu Phi

Bức ảnh được bán cho tờ The New York Times và lần đầu xuất hiện trên số báo ra ngày 16 tháng 3 năm 1993 như là ‘nét ẩn dụ cho niềm tuyệt vọng của Phi châu’. Ngay hôm sau có nhiều độc giả đã gọi vào toà soạn hỏi thăm xem đứa bé gái đó có còn sống hay không, và vì lẽ đó đã buộc tờ báo phải cho chạy thêm một bài viết nói rằng đứa bé đã đủ sức để bò ra xa con kên kên, nhưng số phận của nó sau đó thì không ai biết. Thực ra, theo lời Carter kể lại, thì sau khi ông chụp bức ảnh xong ông đã đuổi con kên kên đi khỏi, và mặc dù phóng viên Tây phương được dặn dò khi đến Sudan là không nên đụng chạm vào nạn nhân của nạn đói vì có thể bị truyền bệnh, tuy nhiên, Carter vẫn bị chỉ trích vì chỉ lo chụp hình mà không giúp gì cho đứa bé gái đó.

Một năm sau, Kevin Carter được trao giải Pulitzer cho bức ảnh, nhưng ông không còn đủ tâm trí để ăn mừng về thành quả đạt được. Vì công việc mà Carter đã phải chứng kiến nhiều cảnh bạo lực, và vì bị ám ảnh bởi những câu hỏi dồn dập về số phận của đứa bé gái, chỉ ba tháng sau khi nhận giải, Kevin Carter đã tự vẫn bằng hơi độc, để lại lá thư tuyệt mệnh, mở đầu bằng câu: “Tôi thành thật xin lỗi. Nỗi đau đớn của cuộc sống đã phủ lấp niềm vui đến độ niềm vui không còn hiện hữu.”

Nhưng dù sao bức ảnh cũng chỉ nói lên được một phần rất nhỏ của nạn đói hoành hành khủng khiếp ở khắp nơi trên thế giới, từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Nơi nào có chiến tranh và thiên tai thì nơi đó người dân sẽ bị đói.

Việt Nam cũng từng có nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945  làm chết khoảng hai triệu người, xác chết nhiều đến không kịp chôn: xác người ăn xin gục chết bên lề đường, người nông dân lết được đến gốc tre bên con đường làng thì hắt ra hơi thở cuối cùng.  Nhưng khủng khiếp nhất có lẽ là nạn đói tại Trung Quốc những năm 1959-61 do chính sách sai lầm Bước nhảy vọt của Mao Trạch Đông cộng thêm với hạn hán đã làm chết hơn 40 triệu người. Nhiều tác giả đã kể lại những câu chuyện hãi hùng người ăn thịt người vì đói quá. Trong nhà có người chết thì xác chết không đem chôn mà người nhà xúm lại xẻ thịt mà ăn. Có người còn đang hấp hối chưa chết liền bị hàng xóm đập cho chết để ăn thịt. Có tác giả cho biết ông đi tìm tài liệu để viết cuốn sách về nạn đói đó và càng đọc ông càng thấy quá nhiều câu chuyện kinh hoàng đến nỗi thần kinh ông bị tê liệt. Sau đó ông chỉ còn biết làm việc như cái máy để hoàn tất cho xong cuốn sách.

Nhưng nói đến những nạn đói trong mấy chục năm qua người ta thường liên tưởng ngay đến Phi châu, vùng đất của thần chết: Sudan, Ethiopia, Malawi, Somalia v.v…   Nhưng điển hình nhất có lẽ là Ethiopia, nơi nạn đói tiếp nối nạn đói triền miên bất tận. Ví dụ trong khoảng thập niên 1980 với hạn hán kéo dài và theo sau đó là nạn đói đã giết chết ít nhất 600,000 người. Nhưng nguyên nhân không chỉ do hạn hán mà trước đó hai thập niên là chiến tranh liên tiếp xảy ra làm đất nước kiệt quệ và đời sống của người dân, đa số là nông dân, đã sẵn cùng khốn.

Mặc dù đến nay Phi châu vẫn là vùng đất nghèo nhất thế giới và nạn đói vẫn còn xảy ra tại đây, hoặc ở những khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như tại Syria nơi cuộc nội chiến vẫn đang tiếp diễn chưa biết bao giờ dứt và người dân ở nhiều thị trấn bị cô lập không liên lạc được với bên ngoài nên cũng đang gặp nạn đói nặng nề. Nhưng theo số liệu của viện nghiên cứu International Food Policy Institute, nạn đói toàn cầu nói chung đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay, và kể từ thập niên 1990 mức độ đói đã suy giảm rõ rệt. Trong năm 1990, trên thế giới có 17 quốc gia, trong đó có Ethiopia, có mức độ đói bị xếp loại “báo động cao nhất”, và 25 quốc gia khác trong tình trạng đói bị xem là “báo động”. Năm 2015, con số đó rơi xuống chỉ còn tám quốc gia có mức độ đói loại “báo động”.

Sự sụt giảm nạn đói trên thế giới xảy ra cùng lúc khi mà càng ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới đi theo thể chế dân chủ. Kể từ giữa thập niên 2000 đến nay, con số những quốc gia theo thể chế dân chủ trên thế giới đang ở mức cao nhất. Và một số nhà nghiên cứu cho rằng đây không hẳn là hiện tượng ngẫu nhiên: Càng có thêm nhiều những chính quyền có trách nhiệm với người dân và với chính sách của họ, thì thường chính quyền đó sẽ không để cho người dân phải gặp cảnh bị đói.

Hiện nay Ethiopia đang phải đối diện với cơn hạn hán nặng nề nhất trong ba thập niên qua làm cho gần 20 triệu người dân tại quốc gia này, hay một phần năm dân số, đang bị thiếu lương thực. Tuy nhiên lần này người dân Ethiopia tuy có bị đói thật nhưng không hẳn là bị chết đói.

So với nạn hạn hán năm 1984 và sau đó là nạn đói đã làm chết khoảng 600,000 người, làm cho nền kinh tế quốc gia co cụm mất 14% và biến danh từ “Ethiopia” thành đồng nghĩa với hình ảnh của những đứa bé còm cõi, da nhăn nheo và đôi mắt mở lớn hãi hùng.

Vậy, câu hỏi là tại sao cũng cùng một loại thiên tai là hạn hán mà hậu quả lại quá khác nhau như thế? Tại sao lần này người dân Ethiopia lại tránh được cảnh chết đói như nhiều năm trước?

Theo nhà nghiên cứu Alex de Waal, một phần là nhờ may mắn, nhưng phần lớn là vì có hoà bình, chính quyền minh bạch hơn trước, có chính sách khôn ngoan hơn và có kế hoạch tiên liệu trước. Với sự thành công của Ethiopia lần này đã ngăn chặn được cơn thảm họa, cũng theo de Waal, nó xác minh điều này là nạn đói nếu có xảy ra là do người ta chọn bởi vì, ở điểm cốt lõi của nó, nạn đói là một món cổ vật và là công cụ để chính quyền sử dụng nhằm đàn áp chính trị.

Nếu ta đem nhận định này áp đặt lên chế độ Bắc Hàn thì quả thật đúng chứ không trật đi đâu.

Có một điều nghịch lý là khi nạn đói xảy ra, nhất là ở những nơi đang có chiến tranh, thì thế giới phương Tây lại mở hầu bao tận tình giúp đỡ, tổ chức nhiều cuộc quyên góp. Nhưng những việc làm thiện nguyện đó cũng chỉ là miếng băng keo vá víu chứ không thể giải quyết vấn đề tận gốc. Theo một số nhà nghiên cứu ghi nhận, khi chiến tranh xảy ra thì thường nó tàn phá nền kinh tế ở khu vực nông thôn trước hết làm cho thực phẩm khan hiếm và đói kém xảy ra, và khi thực phẩm cứu trợ được đưa tới thì lại rơi vào tay quân đội hay những nhóm dân quân của chính phủ chứ không tới được tay của người dân.

Năm 1987, một nhóm nghiên cứu cùng với Alex de Waal đi đến khu vực Tigray thuộc miền bắc

Ethiopia để nghiên cứu về những ngôi chợ thực phẩm địa phương. Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận: Khi người nông dân có thể mang nông sản tới một tụ điểm nào đó để bán – khi mà các con đường không có trạm gác của quân đội kiểm soát, khi mà chợ được họp vào ban đêm để tránh nguy cơ bị bỏ bom – thì nền kinh tế địa phương hoạt động đủ hữu hiệu, việc sản xuất hoa màu tại địa phương gia tăng, và giá thành thực phẩm hạ thấp đủ để người dân có đủ khả năng để mua.

Cũng có những bằng chứng cho thấy sau khi những quốc gia vượt qua được ngưỡng cửa của sung túc và phát triển, có được hoà bình, tự do chính trị và một chính phủ phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình – thì đó là những bức tường thành ngăn chặn nạn đói. Không một quốc gia dân chủ nào trên thế giới lại để cho dân chết đói cả.

Theo một nghiên cứu của tổ chức World Peace Foundation, trong khoảng thời gian hơn một trăm năm từ 1870 đến 1980, trên thế giới có gần 115 triệu người chết vì đói, gần 90% trong số đó là do kết quả của những cuộc chinh phục thuộc địa, chiến tranh toàn diện hoặc bị đàn áp dưới những chế độ toàn trị. Kể từ khi những vụ xung đột quốc tế tầm cỡ lớn không còn và nền dân chủ lan ra ở nhiều nơi trên thế giới thì nạn chết đói cũng giảm đi nhiều.

Như vậy, để chấm dứt nạn đói đòi hỏi người ta không gây chiến tranh, cho người dân nhiều quyền tự do hơn, chính quyền phải minh bạch và có trách nhiệm. Một bài học không quá khó, vậy mà nhiều chính phủ trên thế giới vẫn học không xong.

 

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email