Bản chúc thư trên đất lạnh Ngũ Hồ

Phan Tấn Thiện
Tiếp theo Thời Báo Thứ Năm 2497 ngày 04/01/2018

Xin lưu ý: Đây chỉ là những thông tin có tính cách tổng quát. Nếu quý độc giả có vấn đề riêng xin hãy tham khảo ý kiến với luật sư của mình để được cố vấn thêm.

Làm thế nào để có thể nhận được bản sao di chúc của một người đã chết?
Những thành viên trong gia đình không được thừa hưởng di sản và những người được thừa hưởng di sản nhưng không cảm thấy hài lòng về sự thừa hưởng di sản này của người quá cố, thường bị ngăn chận không cho trực tiếp truy cập hay có được trong tay bản sao của di chúc do người quá vãng đã lập ra.
Người được thừa kế hay không được thừa kế tài sản thường muốn biết mặt mũi di chúc của người quá cố ra sao? Qui định những điều gì? Chia chác tài sản ra làm sao? Ai được bao nhiêu? Nếu di chúc được đưa ra Tòa để xác nhận, bổ nhiệm người đứng ra thực hiện di chúc thì chúng ta nên tiếp xúc với người Thủ Hộ (Registar) tại Tòa Án nói trên trong địa hạt nơi người chết cư trú. Tòa Án sẽ cho phép chúng tra xem hồ sơ và ta có thể sao chụp lại bản di chúc mà chúng ta muốn có.

Nếu một bản di chúc chưa được đưa ra Tòa để xác nhận người thực hiện di chúc thì những ai nghĩ rằng mình có quyền lợi trong di chúc này có quyền thỉnh cầu Tòa cho mình được xem di chúc. Thỉnh cầu này không cần phải thông báo cho người được ủy quyền thực hiện di chúc. Thỉnh cầu này áp dụng theo Điều 9 của Luật Thừa Kế (the Estate Act, R.S.O. 1990, c. E. 21 and Rule 74,15(1)) theo qui định của Thủ Tục Tố Tụng Dân Sự 1990, Reg.194.

Nghĩa vụ và bổn phận của người được ủy thác thi hành di chúc, người được tín nhiệm phân chia tài sản?
Trong một bản di chúc, người lập chúc có quyền chỉ định, bổ nhiệm một người mà mình tin cậy, tin tưởng để người này sẽ thực hiện những điều mà mình dặn dò trong di chúc mà mình muốn thực hiện nếu nhỡ mai kia mình có chết đi. Nếu không có di chúc để lại thì Tòa Án có quyền chọn một người thực hiện phân chia tài sản của người quá cố. Người được chỉ định trong di chúc hay người được chỉ định bởi Tòa Án có trách nhiệm thu thập các tài sản của di sản, thanh toán các khoản nợ của người quá cố (bao gồm cả thuế), chứng thực di chúc (nếu cần) và phân phối các tài sản của bất động sản phù hợp với các điều khoản của di chúc. Nếu không có di chúc, thì tài sản của di sản phải được phân phối theo quy định theo pháp luật được nêu trong Đạo Luật Thừa Kế Cải Biên, Ontario, RSO Năm 1990, c. S.26.
Khi nào tòa án có quyền loại bỏ người được ủy thác thi hành di chúc, người được tín nhiệm phân chia tài sản?

Trong lịch sử tư pháp tại tỉnh bang Ontario, đôi khi chúng ta cũng thấy có những trường hợp khi bản di chúc tranh tụng trước Tòa, nếu cần thiết Tòa cũng có quyền loại bỏ Người được ủy thác thi hành di chúc hay Người được tín nhiệm phân chia tài sản nếu thấy có bằng chứng về những hành vi sai trái của những người này khi thực hiện phân chia tài sản của người quá cố hoặc giả có sự thù địch giữa người những Ủy Thác Thi Hành Di Chúc, có sự thù địch, đối nghịch giữa người phân chia tài sản và người được hưởng thụ tài sản hoặc Người Thực Hiện Di Chúc đã không thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hoàn toàn vô tư khách quan.

Điều gì sẽ xảy ra nếu di chúc bị mất?

Tại Ontario, trường hợp di chúc bị mất được dự liệu, qui định theo Nguyên Tắc 75,02 và 75,06 của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự – RRO Năm 1990, Reg. 194.
Người yêu cầu phải nộp đơn ra Tòa và phải chứng minh di chúc đã bị mất. Nếu tất cả những người có lợi ích tài chính trong bản di chúc đồng ý chấp nhận các nội dung nêu ra trong bản di chúc của người quá cố Tòa Án sẽ dựa vào những lời tuyên thệ của những người trong cuộc.

Nếu không có sự đồng thuận giữa những người có quyền lợi tài chính trong tài sản của người quá vãng, người nào muốn khiếu nại di chúc bị mất phải nộp đơn lên Tòa và yêu cầu Tòa có phương hướng giải quyết, hướng dẫn. Trong trường hợp này, bằng chứng bản khai tuyên thệ sẽ không đủ sức thuyết phục Tòa Án. Điều quan trọng hãy nhớ rằng các Tòa Án thường cho rằng nếu người lập di chúc đã từng có lập di chúc và bị mất và không ai có thể tìm thấy nó sau đó và nếu không có bằng chứng rõ ràng thì Tòa có thể kết luận rằng người lập di chúc đã thu hồi hoặc hủy bỏ di chúc của mình.

Khi nào người thực hiện di chúc cần nộp đơn xin chứng thực di chúc tại tòa?

Di chúc có hiệu lực pháp lý ngay tức khắc khi người lập chúc qua đời. Người được chỉ định thi hành di chúc có quyền phân chia tài sản theo ước vọng ghi trong di chúc của người quá cố. Vậy thì tại sao đôi khi chúng ta vẫn cần có sự can dự của Tòa Án làm gì?

Vấn đề này xảy ra cũng tùy thuộc vào loại tài sản mà người quá cố đã để lại. Nếu là bất động sản, nhà cửa, ruộng đất hay những tài sản có giá trị cao đôi khi người thực hiện di chúc có thể phải nạp đơn ra Tòa để xin chứng thực di chúc. Khó khăn phát sinh do bên thứ ba có các giao dịch tài chính với bất động sản hay tài sản để lại của người quá cố, họ muốn có bằng cớ chắc chắn rằng người thực hiện di chúc là đại diện hợp pháp, chính thức được ủy quyền thi hành di chúc. Nếu không thực hiện chặt chẽ như vậy, bên thứ ba, bên giao dịch có thể phải chịu những rắc rối xảy ra nếu về sau có sự tranh chấp về tài sản trong di chúc để lại. Như vậy, nhiều tổ chức như ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các công ty công cộng và văn phòng đăng ký đất đai đòi hỏi người thực hiện phải có chứng chỉ bổ nhiệm của người quản lý bất động sản. Chứng chỉ bổ nhiệm này được xác định bỡi Tòa Án cho chắc ăn. Chứng chỉ, tài liệu về bản di chúc này được sự chứng thực bởi Tòa Án sẽ củng cố niềm tin rằng di chúc lập ra là hợp pháp và người được chỉ định phân chia tài sản đã thực hiện đúng với qui trình, hợp với nguyện vọng của người quá cố.

Người thực hiện di chúc có cần cung cấp cho những người thừa kế bản thông tin về sự phân chia tài sản?

Một số trường hợp người được hưởng tài sản để lại trong di chúc có quyền đòi hỏi người thực hiện di chúc chuyển tài sản mà mình được hưởng trong di chúc qua cho mình. Người Thực Hiện Di Chúc phải có trách nhiệm bảo quản hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản của người quá cố cho thật chu đáo, nhưng họ không có nghĩa vụ pháp lý phải chuyển tài sản cho người thừa kế. Nếu người thụ hưởng đồng ý với sự phân chia của người Thực Hiện Di Chúc thì không nói làm gì. Chuyện cũng êm. Nhưng nếu người thừa kế, người thụ hưởng không đồng ý với sự phân chia của người Thực Hiện Di Chúc thì người này có thể làm đơn xin Tòa Án phê duyệt các tài sản mà mình được chia là đúng với ý nguyện của người lập chúc. Hoặc giả, người thừa kế, người thụ hưởng tài sản nếu không đồng ý với sự chia chác của người Thực Hiện Di Chúc, họ cũng có quyền đưa nội vụ ra Tòa để giải quyết theo ý họ mà không cần phải thông báo cho người khác biết. Quá trình này được thực hiện theo khoản R. 74,15 (1) (h) của Qui Tắc Tố Tụng Dân Sự – RRO Năm 1990, Reg. 194.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chẳng may người thực hiện di chúc chết trước người lập chúc
?
Một bản di chúc được soạn thảo cẩn thận phải có sự bổ nhiệm người thực hiện và quản lý tài sản và sau đó cũng nên nêu tên một người hay nhiều người khác thay thế nếu vì một lý do nào đó người đầu tiên được ủy nhiệm chết trước hay từ chối hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình về việc quản lý tài sản và phân chia tài sản theo ý nguyện của người quá cố. Trong một Di Chúc nếu không đề cử ứng viên thay thế cho khoảng trống này, hay có sự tranh chấp, tòa án sẽ xem xét tất cả các hoàn cảnh và quyết định. Đôi khi một người ta cũng chọn một công ty phụ trách về tài chính tin cậy, ví dụ như nhà Bank chẳng hạn, nếu những người được hưởng lợi trong Di Chúc đều đồng ý. Không có quy tắc cố định nào trong trường hợp nhiều người ai cũng muốn làm người được ủy thác để phân chia bất động sản, nếu gặp trường hợp này thường thì Tòa Án ưu tiên cho những người gần gũi nhất với người quá cố. Ví dụ, nếu người quá vãng có vợ hoặc chồng, hay con cháu mà ai cũng muốn dành quyền làm người phân chia tài sản, bao gồm bất động sản. Tòa Án thường chọn là những người theo thứ tự ưu tiên: Vợ hoặc chồng sau đó mới đến con và nếu không được nữa thì là cháu.

Người phối ngẫu không có hôn thú có được quyền thừa kế như vợ chồng kết hôn chính thức hay không?
Nếu hai vợ chồng sống với nhau mà không có hôn thú nếu chẳng may người phối ngẫu của mình chết đi mà không cho mình thừa hưởng chút xíu nào trong gia tài để lại thì người còn sống chỉ có quyền kiện ra Tòa xin trợ cấp như một người phụ thuộc (Dependant) mà thôi. Quyền thừa kế và quyền chia đôi tài sản cho người phối ngẫu không có hôn thú chính thức không được luật pháp bảo vệ. Như vậy rõ ràng rằng hai vợ chồng sống chung với nhau mà không có hôn thú thì ít có quyền hơn là kết hôn chính thức. Có một vụ kiện đưa ra Tối Cao Pháp Viện của Canada, luật sư lý luận rằng vợ chồng có hôn thú và không có hôn thú nếu đối xử như vậy thì có tính cách kỳ thị, không được công bằng, vi phạm Hiến Chương Nhân Quyền và Quyền Tư Do của Canada, vi phạm Hiến Pháp Canada (The Charter of Rights and Freedoms.) Tòa Tối Cao Pháp Viện của Canada phán rằng trường hợp này không có vi phạm nhân quyền hay kỳ thị gì ráo trọi.
Hợp đồng hai vợ chồng ký tuyên bố từ bỏ quyền thừa kế của mình theo luật thừa kế có hiệu lực pháp lý hay không?

Câu trả lời cho câu hỏi này là: – Có thể! Theo Luật Gia Đình của Canada một hợp đồng như vậy, tùy theo hoàn cảnh, tình tiết của sự kiện, Tòa có thể xếp qua một bên và cho rằng hợp đồng không có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, theo Luật Thừa Kế Cải Biên như đã dẫn phần trên, đối với những hợp đồng thỏa thuận từ bỏ quyền thừa kế của mình đối với tài sản của người phối ngẫu sau khi chết, Tòa có thể xem xét rằng người đã ký hợp đồng trên tuy từ bỏ quyền thừa kế của mình nhưng có thể hưởng gia tài theo quyền lợi của người phụ thuộc (Dependant.)

Trường hợp cha/mẹ có tài khoản ngân hàng chung với một trong những người con
Vậy khi cha/mẹ chết đi thì người con đứng chung được hưởng trọn tài khoản? Hay trương mục này sẽ thuộc vào di sản của cha/mẹ để lại chia đều cho các con?
Trường hợp này Tòa Án sẽ xem xét kỹ lưỡng ý định của Cha/Mẹ khi cho người con đứng tên chung với trương mục, tài khoản ngân hàng với mình, hay ý định của Cha/Mẹ khi lập Chúc Thư. Tất cả đều phụ thuộc vào ý định của Cha/Mẹ. Phải chăng Cha/Mẹ cần sự giúp đỡ của người con này để quản lý tài chính và thực sự muốn số tiền này sẽ để lại theo Di Chúc và được phân phối theo các hướng dẫn được nêu trong Di Chúc. Hoặc Cha/Mẹ muốn cho riêng người con này? Tòa Án sẽ xem xét các bằng chứng và phán quyết cho phù hợp với ý nguyện của người quá cố. Nếu bằng chứng không rõ ràng Tòa Án sẽ cho rằng chủ tài khoản chung, người con còn sống đang nắm giữ tiền để giao lại cho Di Sản và sẽ chia đều cho các con sau. Trong pháp lý người ta gọi đây là Kết Quả của Sự Tin Tưởng (Resulting Trust.)

Lời nói của người trước khi chết thường được coi là lời nói phải. Thực tế cho thấy, nhận định này không hoàn toàn đúng. Không phải người nào trước khi chết cũng nói lời nói phải. Sau đây chúng ta sẽ xem một số chúc thư kỳ lạ nhất để thấy rằng những người sắp chết có nói lời nói phải hay không.
Chúc thư dài nhất
Bức chúc thư dài nhất thế giới thuộc về người đàn bà nội trợ Fredericka Evelyn ở Mỹ. Fredericka không có tài sản lớn, chỉ một căn nhà và ít tiền bạc, nhưng chồng bà trong suốt cuộc đời có quá nhiều bạn bè cũng như nhiều kẻ thù, vì lo sợ cho chồng và tránh “hậu họa”, nên khi qua đời năm 1925 bà để lại bức chúc thư dài 95,940 từ. Chưa có ai đọc hết chúc thư này, nhưng những người biết Fredericka nói rằng bà viết chúc thư trong 20 năm, giống như cuốn tiểu thuyết dành cho phụ nữ và nếu xuất bản thì nhiều khả năng sẽ đem lại thành công.
Chúc thư ngắn nhất

Kỷ lục bức chúc thư ngắn nhất thuộc về ông Karl Tausch, người Đức. Vào ngày 19-7-1967, trước người công chứng Tausch chỉ viết vỏn vẹn mấy từ: “Tất cả cho vợ”.
Chúc thư giận vợ nhất
Là chúc thư của Francis Lord, người Áo khi ông này viết rằng, của cải cho hết các tổ chức từ thiện, bạn bè, người phục vụ, còn với vợ thì ông ta chỉ cho 1 schilling để “mua vé tàu điện đến đâu đó và chết chìm”.
Chúc thư hào phóng nhất
Hào phóng nhất là bản di chúc của nhà văn người Scotland Robert Louis Stevenson. Ông này tặng một trong số những người bạn gái ngày sinh nhật của mình. Người này sinh vào ngày Giáng sinh, ngày 25 tháng Mười Hai (25-12), vì thế luôn bị bạn bè quên lãng. Stevenson tặng bạn gái ngày sinh của mình là ngày13 tháng Mười Một (13-11), để thay đổi tình thế, tòa án cho rằng nhà văn không phải là chủ sở hữu ngày 13-11 nên từ chối quyền tặng ngày sinh.
Luật quyết định di sản thừa kế
Tại nhiều nước, hiện có điều luật hạn chế đối với chúc thư thừa kế tài sản để đảm bảo quyền lợi cho người thừa kế. Tại Iran, luật quy định 2/3 số tài sản của người chết được những người thân phân chia, chỉ 1/3 là phân theo ý nguyện người chết. Ở Pháp, Tây Ban Nha có điều khoản “quyền thừa kế 50%” và chỉ kẻ phạm tội giết người thì không được viết di chúc để lại tài sản cho người thân thích.
Luật Cấm Thừa Hưởng Di Sản
Thời Napoleon còn có điều luật 909 đến nay vẫn có hiệu lực tại Pháp, nhiều nước châu Âu và Mỹ Latin cũng như một số nước thuộc Pháp trước đây. Theo đó “bác sĩ, y tá, người bán thuốc cho người bệnh trong quá trình điều trị trước khi chết, cấm nhận quà tặng, tiền cho từ người này”.
Di sản bị cấm

Cũng có trường hợp khá lạ là tại thành phố Springfield, bang Oregon, Mỹ, một người chết để lại chúc thư yêu cầu lấy da của mình để làm bìa tập thơ của ông ta nhưng bị từ chối vì trái với luật hiến xác và cho các cơ quan của cơ thể tại đây.

Chúc thư để di sản cho súc vật
Người ta cũng không thực hiện chúc thư của bà quả phụ giàu có Mary Murphy ở California khi bà muốn để lại tài sản cho con chó yêu Saido để “tránh những mất mát tinh thần khi mất chủ” vì cũng phạm luật của California. Còn tại Iran và Bỉ thì nhìn chung không được viết di chúc trao quyền thừa kế cho chó hoặc mèo. Tại Anh, Mỹ hay một số quốc gia thường có chúc thư kỳ lạ và ngớ ngẩn vì họ cho rằng không hạn chế quyền viết chúc thư vì đó là ý nguyện cá nhân. Chỉ trường hợp không “lành mạnh” thì các cơ quan hành pháp mới xem xét.
Chúc thư lách luật
Tuy có sự cản trở của luật pháp nhưng vẫn có trường hợp “lách” được. Thậm chí tại các bang ở Mỹ, nơi cấm trao quyền thừa kế cho chó, mèo thì người chết vẫn thành lập quỹ từ thiện, hay cơ sở mà nhiệm vụ duy nhất của chúng là quan tâm đến con chó, hay mèo của mình. Đấy là trường hợp của bà Leona Helmsley, tuy không viết chúc thư cho con chó yêu có biệt danh “hoạn nạn” của mình, nhưng lại chia tài sản 12 triệu USD để nuôi dưỡng nó.

Tiện thể nói thêm, người đầu tiên viết chúc thư cho động vật là Jonathan Jackson ở thành phố Columbus, Mỹ. Ông này để lại chúc thư xây chung cư cho mèo, có cả phòng ngủ, phòng ăn, thư viện, thính phòng và cả… sân đi dạo chơi.

Con vật giàu có nhất theo di chúc
Động vật giàu nhất là con chó mang tên Gunther IV. Vào năm 1991, nữ bá tước triệu phú Karlotta von Liebenstein để lại 139 triệu mark Đức cho con chó yêu Gunther III và “con trai” duy nhất của nó chính là Gunther IV được hưởng trọn số tiền này.
Chúc thư để tài sản cho thượng đế
Nhưng chó, mèo chưa phải là “những người thừa kế đặc biệt”. Một bà nào đó ở quận Cherokee bang Bắc California, Mỹ còn viết chúc thư trao tất cả tài sản của mình cho Thượng đế. Tòa án không tìm thấy cơ sở để bác bỏ chúc thư này nên đề nghị người quận trưởng thực thi quyền này. Sau đó vài ngày Cherokee nổi danh là địa phương công nhận sự tồn tại của Thượng đế. Trong báo cáo của quận trưởng viết: “Chúng tôi đã tìm kiếm kỹ mọi nơi, nhưng không thấy có Thượng đế trên địa bàn quận”. Nghĩa là ông quận trưởng tìm không ra, không thấy, không gặp Thượng Đế, trong địa hạt của mình nên Tòa Án đã bác bỏ chúc thư này.
Chúc thư để tài sản cho qủy sứ

Không hiểu ở Phần Lan có sự hiện diện của quỷ sứ hay không mà một người ở đây viết chúc thư cho quỷ Santana. Nhà nước đã kịp sung tài sản của người này vào công quỹ.
Chúc thư đến nay chưa thực hiện được
Người ta vẫn chưa thể thực hiện chúc thư của một người Pháp, vì người này để lại tài sản của mình cho “bất cứ người đầu tiên nào có cuộc tiếp xúc với công dân của các hành tinh khác, ngoại trừ sao Hỏa”.
Chúc thư buộc thừa kế phải có điều kiện
Không ít những người chết muốn kiểm soát con cháu của mình trên trần gian. Một người đàn bà theo đạo Do Thái ở London để lại của cải cho con cháu mình với điều kiện: “Không bao giờ trở thành thành viên của nghị viện; không chơi chứng khoán; không gia nhập đạo khác và không được cưới người không phải là Do Thái”.
Một người Pháp để lại tài sản để hằng năm tổ chức cuộc thi mũi đẹp. Cuộc thi này “cho phép đại diện của mọi dân tộc, da màu, nhưng người tham dự phải có tóc hung và lông mày màu đen”. Còn một triệu phú người Hungary sợ bóng tối nên để lại chúc thư yêu cầu trên mộ ông lúc nào cũng phải có ngọn nến cháy.
Một nhà hát ở Buenos Aires đã nhận hàng chục ngàn đô từ cựu nghệ sĩ Joan Potomaki khi đồng ý thực hiện chúc thư của ông: Lấy chiếc xương sọ của Potomaki để sử dụng trong vở Hamlet.
Khi ly dị thì chúc thư của bạn còn có hiệu lực hay không? Hiện nay trả lời cho câu hỏi này ở Canada cũng là vấn đề phức tạp!

Tóm lại:
Viết di chúc khi còn sống chính là bạn đã cho những người thân còn lại một lời giải, còn không, chính bạn đã để lại một bài toán khó cho họ.

Phan Tấn Thiện

Xem thêm

Nhận báo giá qua email