Phan Tấn Thiện
Xin lưu ý: Đây chỉ là những thông tin có tính cách tổng quát. Nếu quý độc giả có vấn đề riêng xin hãy tham khảo ý kiến với luật sư của mình để được cố vấn thêm.
Chết là một chuyện buồn, không ai muốn xảy ra nhưng có ai tránh khỏi! Sau cái chết, ai biết rồi mình sẽ phiêu diêu ở vùng trời nào? Buồn hơn là không biết rằng sau khi nhắm mắt xuôi tay mình cũng không biết tài sản của mình rồi sẽ về đâu? Tài sản dầu lớn hay nhỏ cũng chính là công lao khó nhọc của mình đã tạo dựng lên khi mình còn sống. Một căn nhà, một chiếc xe, một bức tranh đẹp, những món nữ trang mà mình yêu thích… sẽ trôi dạt đến bến bờ nào nếu khi mình còn sống mà mình không chỉ định trước ai sẽ là chủ của những tài sản này! Luật về di chúc ở những quốc gia Tây Phương đã và đang chia sẻ được phần nào những lo lắng đó.
Luật di chúc và phân chia tài sản là một trong những bộ luật dài dòng mà một bài viết ngắn không thể nào gói cho trọn vẹn. Ở đây xin đề cập một phần nhỏ của bộ luật này là làm thế nào để có được một di chúc được luật pháp công nhận. Khi bản di chúc được luật pháp công nhận rồi thì từ đó mới có cơ sở để phân chia những tài sản trong di chúc mà người quá vãng muốn để lại cho hậu duệ của mình với tất cả tình thương.
Di chúc là gì?
Định nghĩa này chỉ là một định nghĩa thông thường, mang tính tổng quát, áp dụng ở đâu cũng được. Di chúc là một văn kiện có hiệu lực pháp lý do người lập chúc thảo ra để lỡ mai kia người lập chúc chết đi thì tài sản của họ sẽ được phân chia, phân phối theo ý họ ngay lúc còn sống. Trong di chúc này họ có quyền chỉ định ai sẽ là người đứng ra thực hiện di chúc.
Người thực hiện di chúc ở đây là người có trách nhiệm quản lý tài sản của người quá cố theo ước muốn của người quá vãng được ghi trong những điều khoản của bản Di Chúc.
Di Chúc là một văn bản viết được ký tên xác nhận bởi người lập chúc để lại. Trong đó, sau khi chết, tài sản sẽ được phân chia theo ý muốn của họ như lúc còn sống. Lắm khi, có người còn muốn dặn lại rằng khi chết đi thì “tấm thân tứ đại” này sẽ được phân xử làm sao? Mai táng theo tục lệ hay tôn giáo nào, địa táng hay hỏa táng và tro cốt này được giữ lại nơi nào hay rải ở đâu!
Ở những quốc gia phương Tây, di chúc rất dễ làm, mẫu di chúc thường được bán sẵn. Riêng tại xứ tuyết Canada thì di chúc kiểu “mì ăn liền” này dẫy đầy. Di chúc này căn cứ theo luật Anh và đều được các tỉnh bang trong toàn cõi Canada thừa nhận là di chúc có giá trị.
Một bản di chúc có giá trị phải hội đủ 5 điều kiện sau đây:
1. Phải là văn bản viết (lời nói dặn dò trước khi lâm chung không được luật thừa nhận là di chúc.)
2. Người lập chúc thư phải là một người minh mẫn không còn tuổi vị thành niên, nếu còn dưới tuổi thành niên hay đầu óc không được minh mẫn khi lập chúc, hay bị bệnh tâm thần thì di chúc không có giá trị.
3. Người lập chúc phải ký tên xác nhận cuối bản di chúc.
4. Khi ký tên vào cuối bản di chúc phải có sự chứng kiến của 2 người chứng trưởng thành, và 2 người chứng này xác nhận họ đã chứng kiến khi người lập chúc ký tên.
5. Người chứng không phải là một trong những người được hưởng tài sản trong di chúc hay chính là người phối ngẫu của người lập chúc.
Cuối cùng tuy không bắt buộc khi lập di chúc phải có ghi ngày tháng rõ rệt, có tỉnh bang đòi hỏi phải có chữ ký tắt của người lập chúc và người chứng ngay từng cuối mỗi trang của bản di chúc.
Di chúc tự viết (Holograph Will) do người lập chúc viết ra và ký tên là một ngoại lệ. Di chúc này không cần nhân chứng và do chính tay người lập chúc viết ra theo thủ bút thường ngày của mình. Để cụ thể hơn về di chúc tự viết (Holograph Will) xin tham khảo thêm về Đạo Luật Thừa Kế Cải Biên của Ontario (Ontario’s Succession Law Reform Act, R.S.O. 1990, c. S.26.)
Cần di chúc để làm gì?
Di chúc trở thành một phần thiết yếu trong việc hoạch định tương lai tài chánh cho mỗi con người. Ai sẽ là người đứng ra phân chia tài sản, quản lý tài sản của mình sau này? Ai sẽ là người thụ hưởng tài sản của mình để lại? Làm thế nào để sự quản lý tài sản và sự phân chia nói trên có lớp có lang, có hiệu lực và đúng lúc dầu rằng mình không còn hiện diện trên cõi đời này nữa?
Chết mà không có di chúc thì sao?
Nếu một người chết mà không có di chúc hay có để lại di chúc nhưng di chúc không có hiệu lực pháp lý thì khi chết coi như là không có di chúc. Người chết không di chúc thì tài sản của họ không ai được quyền quản lý cả. Theo Luật Tố Tụng Dân Sự muốn quản lý tài sản này phải làm đơn nộp Tòa rồi Tòa sẽ chỉ định ai là người có thẩm quyền quản lý tài sản của người quá cố. Thường thì Tòa sẽ chỉ định những người gần gũi với người quá vãng theo thứ tự sau đây: Người phối ngẫu, con, cháu, chắc, cha, mẹ hoặc anh chị em.
Người ta thường hiểu lầm rằng nếu chết đi mà không có di chúc thì tài sản của mình sẽ bị sung công! Thật ra, không phải thế. Theo Phần II của Luật Thừa Kế Cải Biên (LTKCB) thì tài sản của người quá cố được phân chia theo thứ tự và theo qui định của bộ luật này. Trừ phi không còn ai là người thừa kế thì Luật Sung Công mới được áp dụng.
Như vậy một người chết đi, gia sản của họ để lại sẽ được chia như thế nào và chia cho những ai? Câu hỏi này được trả lời theo thứ tự sau đây:
– Nếu người quá cố chỉ có người phối ngẫu (hôn phối) mà không có con thì người phối ngẫu sẽ thừa hưởng toàn bộ gia sản. Cần phải lưu ý rằng theo định nghĩa người phối ngẫu qui định theo điều 1 của Luật Thừa Kế Cải Biên giới hạn hoặc nam hoặc nữ kết hôn chính thức. Như vậy, người phối ngẫu sống chung (common-law) và cùng phái tính (same sex partner) không thuộc định nghĩa này. Nếu hai vợ chồng ly thân thì được kể là người phối ngẫu, nhưng nếu đã ly dị thì không được.
Nếu người quá cố để lại người hôn phối và một hay nhiều con thì người hôn phối được nhận phần trội hơn, theo luật ở tỉnh bang Ontario hiện nay là $200,000, phần còn lại sẽ được chia cho người hôn phối còn sống và các con. Nếu người quá cố chỉ để lại người hôn phối và 1 con, thì phần còn lại sẽ chia đều cho người hôn phối, tức mỗi người một nửa. Nếu để lại người hôn phối và hai con trở lên, thì 1/3 của phần còn lại sẽ thuộc về người hôn phối, 2/3 kia sẽ chia đều cho các con. Nếu người quá cố không có hôn phối mà chỉ còn lại con thì tài sản sẽ được chia đều cho các con. Nếu trong các con có người nhỏ hơn 18 tuổi thì phần tài sản của người con này phải đổi thành tiền trả cho Tòa Án và dưới sự quản lý của Luật Sư của trẻ em đó. Nếu em nhỏ cần tiền trước 18 tuổi thì người Giám Hộ (Guardian) phải nạp đơn cho văn phòng của Luật Sư quản lý xin rút tiền ra. Em bé được chia, tài sản của em sẽ được trả cho em toàn bộ khi em được 18 tuổi.
Bạn cần lưu ý rằng, theo Luật Gia Đình của Canada có một ngoại lệ trong trường hợp này. Nếu người quá cố có người phối ngẫu thì người phối ngẫu này có quyền chọn quyền lợi của mình theo điều 5 của Luật Gia Đình hay Phần II của LTKCB.
Nếu người quá cố không có vợ, chồng hay con cái thì tài sản của họ sẽ được trả cho theo thứ tự sau đây: cha/mẹ, anh chị em, cháu, hay người bà con gần nhất.
Những lợi ích khi có di chúc
Di chúc có hiệu lực tức khắc sau cái chết của người lập di chúc. Người được chỉ định quản lý tài sản hành xử quyền của mình bằng hiệu lực của Di Chúc chứ không phải bằng phán quyết của Tòa Án. Do đó trước cái chết của người lập chúc người được chỉ định quản lý tài sản có quyền hành xử quyền của mình tức khắc sau khi người lập chúc qua đời mà không cần sự chỉ định của Tòa, trừ phi tài sản ấy thật đặc biệt hay có giá trị rất cao.
Như vậy, nếu không có di chúc, người ra đi sẽ để lại tài sản và gia đình mình nhiều khó khăn hơn. Nếu không để lại di chúc thì có lẽ của sẽ đi theo của mà người thì về miền đất lạnh âm u! Tài sản của mình để lại sẽ được chia tam xẻ tứ theo qui định của luật địa phương.
Càng chậm làm di chúc thì vấn đề càng khó khăn hơn. Cứ làm trước đi rồi từ từ sửa thì đỡ thiếu sót và bản di chúc sẽ rõ ràng minh bạch hơi nhiều. Tài sản ít thì di chúc ngắn gọn. Tài sản nhiều thì di chúc nhiêu khê, còn biết bao nhiêu chuyện phải cần bàn cãi với luật sư trước khi mình hạ bút.
Nên cân nhắc những gì trước khi lập chúc?
Theo luật Canada, nếu bạn chết đi mà căn nhà hay những tài sản chung với vợ chồng hoặc ai đó theo qui định là tài sản chung tạm dịch là Chủ Quyền Cộng Hưởng, (Joint Tenancy) thì khi chết đi tài sản đó sẽ tự động thuộc về người còn sống mà không cần phải xác định bởi Tòa và khỏi bị đóng thuế di sản.
Trước khi lập di chúc nên chọn một người hay nhiều người mà bạn tin cậy để làm người thực hiện di chúc của mình, nếu cần thì trả lệ phí cho người này để khi mình chết đi họ có chút đỉnh tiền để trông coi công việc phân chia tài sản.
Hãy nghĩ rằng bản chúc thư của mình để lại cho đời sau là một công cụ tạo sự đoàn kết gia đình. Tài sản để lại cho đời không phải chỉ là những gì qui ra tiền được mà còn là những người thân mà mình bỏ lại sau lưng. Xin lấy một ví dụ nhỏ để làm minh chứng. Giả tỷ trong nhà có hai người con, một đứa thì phát đạt thành công, đứa còn lại thì nghèo hèn rách rưới. Tâm lý cha mẹ nào cũng vậy đều muốn cho con mình có được cuộc sống về sau đỡ khổ hơn. Trong ví dụ trên đây cha mẹ sẽ để của cải lại cho người con nghèo nhiều hơn là đứa con giàu. Điều này có thể gây cho người con thành công một vết thương buồn vì có thể anh ấy sẽ nghĩ rằng mình thành công là do sự cố gắng của bản thân mình, ngày nay sự cố gắng ấy không được cha mẹ khuyến khích mà còn tước đoạt đi những gì đáng lẽ mình phải được, như vậy cha mẹ mình khi để lại di chúc đã không có sự công bằng và cảm thấy rằng như vậy sự cố gắng thành công của mình cha mẹ chẳng ngó ngàng gì tới.
Khi nhắc đến ý niệm công bằng nơi đây, tôi xin tạm mở một dấu ngoặc cho khái niệm công bằng để cùng các bạn suy nghĩ.
Bill Gates, tỷ phú Mỹ, đã từng nói rằng: “Cuộc sống vốn không công bằng, chúng ta phải tìm cách thích nghi và vượt lên nó”.
Trong luật pháp để đạt đến sự công bằng người ta thường dùng những phương pháp thỏa thuận và thương lượng. Qua thỏa thuận và thương lượng, những người trong cuộc đều đồng ý với đáp án cuối cùng và dẫu rằng họ có cảm thấy mình thiệt thòi chút đỉnh cũng không sao! Chúng ta sẽ đi đến một đáp án công bằng một cách tương đối. Như trên đã dẫn, cuộc sống vỗn dĩ không có công bằng tuyệt đối, thôi thì chúng ta đi tìm một cái gì tương đối chấp nhận được là điều đáng mừng rồi.
Cũng vậy, có người sẽ hỏi gia tài của bạn sau khi chết đi còn lại là gì? Chắc hẳn ai cũng mường tượng ra được gia tài của mình để lại chính là những gì mình có được khi từ giã cõi đời. Nhưng không trên phương diện pháp lý câu trả lời này chỉ trúng được một phần ba. Theo pháp lý gia tài của một người quá cố để lại cho đời sau gồm có 3 phần: Thứ nhất là những gì mình có được khi chết đi, thứ hai là những nợ nần gì khi mình xuôi tay nhắm mắt, và thứ ba là những gì dính líu đến mình vẫn còn chưa kết liễu xong, tỉ dụ như những dự án hay những hợp đồng mà mình đang thực hiện dở dang.
Khả năng của người quản lý tài sản
Một trong những ích lợi của việc làm di chúc là mình có quyền chọn người theo ý mình có khả năng để quản lý tài sản của mình sau khi chết hơn là để Tòa Án chọn.
Mình có thể chọn một hay nhiều người hay cũng có thể chọn một luật sư hay một công ty mà mình tín nhiệm (như nhà băng chẳng hạn) cùng làm việc chung với người mình chọn.
Mặc dù được người quá cố chọn, người quản lý tài sản cũng có nhiều trách nhiệm trong khi hành xử công việc, cho nên người quản lý tài sản phải có cái nhìn chính xác và có bản lãnh về công cuộc làm ăn của người quá cố cũng như có mối quan hệ tốt đối với những thừa kế của người lập chúc thư.
Người lập chúc cũng nên hỏi ý kiến của người được chỉ định để quản lý tài sản cho mình xem thử họ có đồng ý làm công việc này không.
Khả năng chọn người thừa tự
Thông thường mà nói, người lập chúc có quyền tự do chọn ai được hưởng tài sản của mình và hưởng như thế nào. Người lập chúc có quyền yêu cầu tài sản của họ được cho người hôn phối, hay nói cách khác có thể cho lại trong vòng gia đình, bạn bè và các cơ sở bác ái theo cấp độ nào tùy người lập chúc. Hay người lập chúc có thể quyết định tài sản của họ để lại được giữ trong một tài khoản nào đó hoặc cả hai phương pháp nêu trên.
Cũng cần lưu ý rằng, tuy người lập chúc có quyền tự do phân chia tài sản để lại của mình nhưng cũng có đôi khi luật không cho phép muốn làm gì thì làm. Một trong những bộ luật có liên quan đến quyền tự do này là Luật Gia đình và LTKCB. Ngoài ra trong lúc còn sống người lập chúc có thể bị ràng buộc bởi những hợp đồng về hôn ước, những thoả thuận ly dị hay những ưng thuận về cổ phần mà họ đã ký trong lúc còn sống. Những vấn đề này sẽ được lần lượt trình bày trong những phần sau.
Khả năng chọn người nuôi dưỡng hay người giám hộ
Nếu người lập chúc có con tuổi vị thành niên, dưới 18 tuổi, trong di chúc cũng nên thêm vào điều khoản ai sẽ là người chăm sóc cho các đứa trẻ vị thành niên này trong trường hợp người hôn phối của mình cũng chết cùng lúc với mình hay chết trước mình. Dĩ nhiên nếu người hôn phối còn sống thi họ sẽ là người chăm sóc cho các trẻ vị thành niên này.
Theo luật Nhi Đồng Cải Biên thì sự chỉ định người chăm sóc trẻ em vị thành niên chỉ có giá trị trong vòng 90 ngày. Người được chỉ định phải nạp đơn ở Tòa trong vòng 90 ngày sau cái chết của người lập chúc. Trong trường hợp có sự tranh chấp ai sẽ là người nuôi dưỡng trẻ này thì Tòa sẽ căn cứ trên di chúc mà chỉ định người chăm sóc cho trẻ. Trừ phi người đi khiếu kiện chứng minh được rằng người được chỉ định trên di chúc không phù hợp với ích lợi của đứa trẻ.
Thực hiện di chúc
Khi thực hiện di chúc cũng nên rõ ràng. Khi một bản di chúc đã làm xong và của cải tài sản được phân chia cho những người thừa kế như thế nào thì nên có một bản tóm tắt không đánh số trang để phát cho mỗi người thừa kế một bản. Bằng cách này mỗi người thừa kế đều được thông báo rõ ràng khi người lập di chúc còn sống và như vậy tránh được sự tranh cãi về vấn đề di chúc về sau, và nếu bản di chúc này có chỗ không ổn hay có chỗ không được công bằng thì người lập chúc sau khi nghe phản ảnh từ những người thừa kế còn có thì giờ sửa chữa cho thật hoàn hảo trước lúc lâm chung.
Lập một bản di chúc là một quyết định quan trọng trong đời, chuẩn bị di chúc nhiều khi mất thì giờ và làm cho người lập di chúc trăn trở nhiều đến những vọng ước của mình nếu một mai kia mình phải xuống tuyền đài để đi thăm ông bà tiên tổ, cho nên càng sớm chuẩn bị thì càng hoàn hảo thêm hơn.
Phân chia tài sản chỉ có ý nghĩa khi con cái mình còn nhỏ. Khi con cái đã trưởng thành rồi thì đôi khi những tài sản mà mình cố tâm để lại cũng không mang ý nghĩa nhiều hơn nhất là những tài sản tùy theo từng dạng. Những tài sản như những tài sản đầu tư hay tiền mặt thì dễ phân chia nhưng những tài sản mang nhiều giá trị tinh thần khác đôi khi khó xử. Lấy thí dụ như một công cuộc kinh doanh hay một căn nhà nghỉ mát thật khó phân xử sao cho được công bằng đối với những hậu duệ của mình. Thường thì người lập di chúc cố gắng trung hoà những dị biệt khi lập chúc sao cho cân bằng với nhu cầu sử dụng và cố gắng làm sao cho công bằng với những người mà mình yêu thương trong gia đình. Muốn được vậy hãy suy nghĩ thêm và vận dụng những trăn trở của mình để kiếm cho ra được một lời giải mà mình cho là hoàn mỹ nhất.
Phân chia tài sản cho những người thừa kế vị thành niên
Di chúc là một văn bản quan trọng khi nói về sự thụ nhận di sản cho những người vị thành niên. Như các bạn đã biết, nếu một người chết đi mà không có di chúc thì luật qui định rằng nếu người vị thành niên thừa kế di sản của người quá cố thì di sản đó phải được thanh khoản và trả cho Tòa án giữ cho đến khi vị thành niên đó đúng 18 tuổi. Còn nếu có di chúc thì người quá vãng có thể thành lập quỹ thác tín cho trẻ vị thành niên và hoãn sự chia phần cho đứa bé khi quá 18 tuổi. Thí dụ trong quỹ thác tín lập cho đứa bé có thể qui định rằng phần gia tài của đứa bé sẽ được nhận khi em bé này đúng 25 tuổi. Trước thời gian đó người quản lý tài sản có thể được ủy nhiệm trả lợi tức hay tiền bạc cho em bé theo ý niệm có ích lợi cho bé này. Cũng có thể nhiều khi trong điều khoản của quỹ thác tín lập cho em bé người ta có thể qui định rằng một nửa gia tài để lại cho em bé sẽ được chuyển giao cho em khi được 21 tuổi và nửa còn lại sẽ giao nốt khi đứa trẻ tròn 25 tuổi. Điều này có lợi cho đứa trẻ, bảo đảm cho em được nhận phần gia tài của mình khi đến tuổi biết quản lý tài sản một cách có trách nhiệm.
Còn tiếp
Phan Tấn Thiện