Bạn Gái Nhỏ To

HỎI:
Cháu không nhớ rõ từ bao giờ nhưng ở tuổi lên 7 hay lên 8, cháu thường phải chứng kiến cảnh cha mẹ cháu cãi vã to tiếng với nhau gần như vài ba ngày một lần và lần nào cũng rất ồn ào trong nhà. Một hôm, cha mẹ cháu kêu cả ba chị em cháu, hai gái đầu và một trai út, cùng ngồi xung quanh bàn ăn và thông báo là hai ông bà sắp ra tòa ly dị. Hai em cháu còn nhỏ, có lẽ chưa biết ly dị là thế nào nên chỉ ngồi yên, ngơ ngác hết nhìn cha lại nhìn mẹ nhưng cháu thì òa ra khóc rồi trong lúc quá sợ hãi, cháu bắt đầu nói lung tung, trách cha mẹ ích kỷ, không có trách nhiệm, không thương con cái nên đẻ ra chúng mà không muốn nuôi… Mẹ cháu ôm chặt cháu, luôn nói xin lỗi để an ủi và cố làm dịu cơn tức giận của cháu nhưng cháu dùng hết sức xô mẹ ra và bỏ chạy vào phòng, đóng cửa lại. Sau này mỗi khi nhớ đến cảnh tượng bữa đó, cháu hiểu ra rằng gia đình cha mẹ thường xuyên xào xáo đã gây ra trong cháu những dự cảm lo âu về sự chia lìa khó tránh khỏi nên khi sự việc xảy ra, cháu nổ tung.
Vì phản ứng bất ngờ của cháu nên sau việc này, dường như cha mẹ cháu bàn tính sao đó và thôi không nói tới ly dị nữa. Thay vì cãi nhau ầm ỹ, cha mẹ cháu thường mỗi người một nơi, tránh tới gần nhau nên những cuộc cãi lộn cũng bớt dần. Sau cùng, hai ông bà chỉ còn nói với nhau những gì cần nói, có lẽ vì không muốn làm chúng cháu buồn nhưng cả cha lẫn mẹ cháu cư xử với nhau tử tế hơn.
Cháu ra trường trung học thì hôn nhân của cha mẹ cháu tròn 20 năm. Trưởng thành và biết yêu lần đầu, cũng trải qua cãi vã rồi chia tay người tình vì không hợp nhau, cháu bỗng hiểu cha mẹ hơn và cảm thấy có lỗi với ông bà. Giả như khi cha mẹ cháu muốn ly dị mà cháu đủ hiểu biết và có kinh nghiệm như bây giờ, chắc cháu sẽ không ngăn cản vì một khi giữa hai vợ chồng có sự khác biệt quá nhiều, không giải quyết được mà cứ phải sống với nhau thì quá khổ, quá sai, quá tội nghiệp.
Mặc dầu tới giây phút này, một mặt cháu mừng cha mẹ cháu vẫn còn bên nhau nhưng mặt khác, cháu hối hận với ý nghĩ có thể cháu đã vì sự an toàn của mình khi còn là một đứa trẻ mà lấy đi của cha mẹ những năm tháng họ có thể hạnh phúc hơn là bị trói buộc vào một hôn nhân không tình yêu. Để cho công bằng, cháu muốn nói với cha mẹ một điều gì để bù đắp lỗi lầm của mình nhưng không biết bằng cách nào và có nên không hay cứ nín thinh luôn, đàng nào thì thời gian qua đã lâu và cuộc sống của cha mẹ cháu dù xấu hay tốt, nay có lẽ cũng đã thành nếp cho cả hai ông bà? Cháu xin ý kiến của cô để được yên tâm hơn, không những cho quá khứ mà còn cho tương lai nếu mai này chẳng may cháu thấy mình rơi vào cảnh ngộ phải ly dị, cháu sẽ nói thế nào với cha mẹ?
Hồng Trắng

TRẢ LỜI:
Cô đồng ý với cháu là phản ứng quyết liệt của cháu năm lên 7 hay lên 8 (hoặc của bất cứ đứa con nào trong hoàn cảnh cháu) trước tin cha mẹ sẽ ly dị đều ít nhiều ảnh hưởng tới ý muốn chia tay của các bậc sinh thành nhưng nó không bao giờ là yếu tố quyết định. Nhiều lắm, nó chỉ làm chậm lại dự tính của cha mẹ cháu với lý do các con còn thơ dại, ông bà cần cố gắng giữ cho gia đình yên ổn thêm một thời gian để chu toàn trách nhiệm với con cái đã trót sinh ra. Thế nhưng đến khi cháu đủ 18 tuổi, có thể tự lập, thì cuộc hôn nhân của cha mẹ cháu không những đã không kết thúc mà xem ra còn xoay chiều và hứa hẹn bền vững.

nhungdieumachiphunulyhonmoihieu.10

Sự hy sinh ban đầu của hai ông bà, cuối cùng, được thời gian giúp họ hiểu thêm về nhau, đem họ tới gần thêm với nhau qua các giá trị nhân sinh mà họ cùng chia sẻ. Cháu cảm thấy có lỗi vì đã trẻ con, chỉ biết lo cho mình mà đẩy cha mẹ vào cảnh cam chịu sống bên nhau không tình yêu. Theo cô, suy nghĩ ấy không đúng đâu. Xét một sự việc là phải xét nó tại thời điểm nó xảy ra. Một đứa bé sợ hãi, phản ứng theo bản năng khi biết cha mẹ sẽ ly dị là rất bình thường, cháu không thể khôn ngoan như bây giờ để biết tự xét mình nên làm gì lúc đó, chưa kể chính là nhờ sự hồn nhiên của cháu ở tuổi lên 7, lên 8 mà cuộc đời cha mẹ cháu thoát được cảnh chia tay. Sau nữa, nhờ thời gian trú ẩn an toàn trong tình thương yêu và sự bảo bọc các con mà cha mẹ cháu có cơ hội nhìn lại mình và người bạn đời, thấy ra những điểm chung lớn lao hơn những dị biệt nhỏ khiến họ tranh cãi om xòm trước đó và họ chọn ở lại bên nhau. Đấy mới là chân dung của tình yêu đích thực, đã trải qua thử thách của mỗi bên đấy cháu ạ!
Đúng như cháu viết trong thư, nhiều năm tháng đã trôi qua, mọi sự bây giờ đã ổn thỏa, cháu có thể nín thinh hoặc có thể lựa một lúc thuận tiện, tâm sự với mẹ cảm xúc của riêng cháu như một lời tạ lỗi (và cả sự chuẩn bị nếu mai này cháu rơi vào cảnh ngộ phải ly dị chồng). Cô nghĩ câu chuyện gia đình cháu có một kết cuộc êm đẹp, cháu không có lý do gì để phải thắc mắc và tự trách mình. Tuy nhiên, nếu vì một lẽ gì cháu vẫn không thôi bị chuyện cũ ám ảnh thì cháu nên đi gặp cố vấn tâm lý để được giải tỏa cho lòng thanh thản. Cô chúc cháu sớm tìm lại sự an vui, mong rằng trường hợp “think twice” của bố mẹ cháu sẽ là một kinh nghiệm hôn nhân quý giá giúp cháu giữ được hạnh phúc cho mình sau này.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email