Bạn gái nhỏ to

HỎI:
Bình thường tôi là một người hơi nệ cổ nên từ khi tới Mỹ, chưa bao giờ thoải mái với tục lệ ôm hôn trong nhiều trường hợp theo văn hóa của người bản địa. Có thể nói rõ hơn là tôi rất kỵ chuyện này. Nỗi khổ của tôi là tôi luôn bị hiểu lầm. Những người tôi có cơ hội tiếp xúc và từng được họ mở rộng vòng tay với mình, dường như đều ngỡ ngàng nhận ra tôi không thật sự hưởng ứng và đáp trả cử chỉ hữu ái của họ. Trong những trường hợp này, tôi thường bối rối tìm cách xin lỗi và giải thích là tôi không quen với cách bày tỏ như vậy, điều đáng tiếc là tôi chỉ càng làm cho tình hình tệ hại hơn khi mọi người đánh giá tôi là người kỳ dị, lãnh đạm và khó chịu. Càng éo le hơn nữa khi tôi hiện làm việc trong lãnh vực truyền thông và giải trí, được nhiều người ái mộ nên mỗi khi có dịp nhìn thấy tôi trên đường phố, trong siêu thị, tiệm ăn hay nhà thờ, các khán thính giả/độc giả thường vui vẻ đến gần tôi, tự giới thiệu và các bà, các chị thường muốn ôm tôi để bộc lộ tình cảm mến. Tất nhiên tuy miễn cưỡng nhưng tôi vẫn đón nhận cử chỉ thân ái này, có điều bất tiện là người tôi cứng đơ như thể phải giả dại qua truông, lấn cấn cho cả đôi bên.
Tôi thiết nghĩ nếu tôi luôn luôn hòa nhã, có nụ cười chân thật trên môi và chuyện trò lễ độ với mọi người thì đã đủ trong phép giao tế, đâu cần thêm gì nữa phải không ạ? Tôi rất sợ có ai nghĩ là tôi “chảnh,” làm phách hay cao ngạo, không muốn thân thiện trong khi lòng tôi thật sự không phải vậy. Tôi trân trọng khán thính giả và độc giả của tôi, họ cho tôi động lực để tiến bước, sự khích lệ, niềm hạnh phúc được chia sẻ, thậm chí làm nên tôi và cuộc sống của tôi như hiện nay. Có lẽ do mặc cảm hoặc do kinh nghiệm nhiều lần vô tình chứng kiến từ khi mới khôn lớn, tôi rất chán ghét sự giả dối, những hình thức hay câu nói hoa mỹ chỉ có tính cách chiếu lệ, không phản ảnh thật ý nghĩ hay tư tưởng của một người. Tôi ao ước phải chi tôi có thần nhãn, nhìn thấy mọi mặt của tình đời và nhân thế thì cuộc sống sẽ bình yên và an vui biết bao!
Trong khi mơ tưởng hão huyền, tôi hy vọng bà có thể chỉ giúp tôi cách nào diễn đạt được tâm trạng không giống ai của tôi để những ai đã hay sẽ có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với tôi không bị buồn vì hiểu lầm tôi lạnh nhạt, không biết ơn.
Cám ơn bà rất nhiều và chúc bà mùa Giáng Sinh sắp tới được nhiều ân điển.
Xin cho phép giấu tên.

TRẢ LỜI:
Ngày tôi mới đến Mỹ cách nay hơn ba thập niên, cũng như bà, tôi hoàn toàn chưa quen với cử chỉ bày tỏ mỹ cảm hay quý mến từ người gặp gỡ lần đầu bằng vòng tay ôm. Tuy nhiên, ở sân bay một tỉnh lỵ nhỏ giữa đêm gia đình đoàn tụ trong chương trình ODP, mẹ con, anh em chúng tôi đã bất ngờ ôm nhau với cười khóc mừng vui ngỡ như giấc mơ. Ở Việt Nam cho tới tuổi trưởng thành, chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội như thế. Cảm giác hạnh phúc giây phút ấy ở lại với tôi đến tận bây giờ và chắc còn lâu nữa. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi đã quen ngay với phong cách bày tỏ này trên đường hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ những ngày sau đó. Có điều, bản tính dễ thích nghi, tôi không có khó khăn tâm lý nào khi phải đáp trả lịch sự trong giao tế xã hội bình thường.
Một hôm, tôi tình cờ có được cuốn sách nhỏ, khổ bỏ túi, nhan đề HUG THERAPY. Tôi đọc, hiểu ra được nhiều điều. Nói ngắn gọn, tôi hiểu được sức mạnh của cái ôm đúng nghĩa trong nhiều trường hợp. Nói cho thật chính xác, sức mạnh tôi ngụ ý ở đây là năng lượng tích cực trong cử chỉ này. Với người trong cơn tai biến, cái ôm là một vỗ về cho biết họ không một mình; với người vừa thoát hiểm, cái ôm là lời phủ dụ: bạn sống rồi và bạn vẫn có tôi. Sứ giả đem tin xấu cho gia đình luôn luôn sẵn sàng giang hai tay đỡ cho người nhận tin không khuỵu xuống, tiếp sức cho họ, v.v…
Phản ứng đề kháng đối với cái ôm có nhiều nguyên nhân: dị ứng, kinh nghiệm xấu, bản năng đề phòng, giáo dục và văn hóa, cá tính độc lập…Thế hệ phụ nữ tuổi chúng ta, không ít các bà có cùng ứng xử như bà. Bà nói đúng, chỉ cần một nụ cười chân thật, một ánh nhìn cho thấy thiện cảm và sự tôn trọng, người đối diện sẽ không hiểu lầm bà và sẽ tự điều chỉnh nếu còn có lần gặp sau. Thú thật với bà, cho tới lần tạm biệt gần đây nhất ở ga hàng không, anh em chúng tôi cũng chỉ trao nhau mắt nhìn buồn bã, chút bối rối khi quay lưng lại nhau, bàn tay anh tôi để lên vai tôi một giây rồi buông ra. Chúng tôi vẫn chưa có thói quen ôm từ giã. Có lẽ tình máu mủ tự nó đã cao hơn mọi hình thức bày tỏ bên ngoài.
Căn bản là chúng ta thành thực với mình, với người, cử chỉ nào diễn đạt điều gì và lúc nào, thật sự không quan trọng. Nếu có ngoại trừ, đó là lúc vĩnh biệt.
Cảm ơn bà đã viết thư. Kính chúc bà một mùa Giáng Sinh an bình.

Bùi Bích Hà

Xem thêm

Nhận báo giá qua email