Bận Rộn

Nhiều người trong chúng ta có lẽ đã từng có cảm giác này là cuộc sống dường như ngày càng bận rộn hơn trước. Nếu bạn là một trong những người đó thì cũng không có gì là bất bình thường vì đó là hiện tượng chung của xã hội ngày nay. Theo một nghiên cứu về việc sử dụng thời gian của Đại học Maryland, rất nhiều người Mỹ hiện nay nằm trong nhóm người đang đi làm, có gia đình và có con cái luôn cảm thấy là lúc nào họ cũng thiếu thốn thì giờ so với những người giống như họ sống cách đây nhiều thập niên trước. Đặc biệt là những bà mẹ đang đi làm và những người làm việc theo ca thì lại càng cảm thấy bận rộn hơn bao giờ hết.

Cũng theo cuộc nghiên cứu trên, có hai lý do khiến cho cuộc sống của nhiều người Mỹ bận rộn hơn: thứ nhất, ngày càng có nhiều người vừa đi làm lại vừa phải lo hoàn thành trách nhiệm gia đình; thứ hai, họ đặt kỳ vọng cho chính họ cao quá. Cuộc sống của họ ngày càng bận rộn hơn là vì vừa cảm thấy có nhiều công việc hơn cần phải làm lại vừa cảm thấy là phải hoàn thành công việc một cách tốt nhất, nếu không thì coi như là một người thất bại.

Người Mỹ từ lâu vẫn cảm thấy là họ lúc nào cũng bận rộn, công việc lu bù làm không hết; tuy nhiên trong vài thập niên trở lại đây, cảm giác trên dường như ngày càng trở nên phổ biến hơn và tăng cường độ hơn, trong khi nhiều loại công việc mới xuất hiện và nguồn năng lượng tinh thần có hạn của người ta suy giảm đi phần nào do những thay đổi của nền kinh tế thời hiện đại. Đối với nhiều người, danh sách các công việc cần làm (to-do list) đó, cho dù có được viết rõ ràng trên giấy trắng hay chỉ là danh sách nằm trong trí tưởng, thì nay giống như một tờ chiếu lệnh dài vô tận mà không có cách gì có thể làm cho xong hết được.

Lý do chính khiến cho danh sách công việc cần làm cứ ngày càng dài ra đó có lẽ đơn giản là vì ngày càng có thêm nhiều công việc mới đẻ ra đến nỗi có tác giả như Craig Lambert đã viết nguyên một cuốn sách liệt kê ra cả hàng trăm loại công việc mới đã xuất hiện trong thời đại được gọi là tiến bộ kỹ thuật từ ba, bốn chục năm qua. Loại công việc mà tác giả Lambert gọi là những “công việc vô hình” và không được trả lương như: Đọc xóa email mỗi ngày,kiểm soát và thay đổi mật khẩu trên máy tính và trên mạng,tự đặt mua vé du lịch cho mình, tự tìm hiểu tình trạng sức khỏe ở trên mạng, tự tính tiền và trả tiền lấy khi đi chợ, trả lời các cuộc khảo sát khách hàng theo yêu cầu sau khi mua hàng trên mạng, tự làm thủ tục kiểm tra vé và gửi hành lý tại phi trường, v.v… 

Nếu ta thử đo thời gian khi phải làm những công việc kể trên thì thấy ngay chúng lấy mất đi một phút ở chỗ này, năm phút ở chỗ kia, mười phút ở chỗ nọ, và đến cuối ngày tính sổ lại, ta thấy ngay trước mắt là đã bị mất đi một hay hai tiếng đồng hồ dễ như chơi.

Theo tác giả Lambert, rất nhiều trong số những chút thời gian bị mất đó xâm nhập, len lỏi vào trong cuộc sống mà ta ít khi nào để ý tới không phải là điều ngẫu nhiên mà thực ra là cả một sự tính toán rất khôn ngoan: Các doanh nghiệp và các tổ chức được hưởng lợi từ chính khoảng thời gian rảnh của ta thay vì họ phải mướn thêm nhân viên để làm những công việc trên. Dần dà những kiểu sáng kiến “tự phục vụ” đó đã đẻ ra cơ hồ bao nhiêu công việc mới mà ta không hề hay biết.

Và trong khi kỹ thuật có thể mang lại nhiều tiện nghi hơn cho cuộc sống thì nó cũng có thể lấy đi thì giờ của chúng ta bằng nhiều cách mà chính ta không để ý tới. Chẳng hạn như mua hàng trên mạng – là một việc hết sức tiện lợi, nhất là trong thời đại dịch – nhưng đâu phải lúc nào ta cũng mua đúng được món hàng mình muốn. Đôi khi món hàng không đúng như mô tả trong hình chụp hoặc không vừa ý lại phải gửi trả lại. Mỗi lần gửi đi, trả lại là mỗi lần mất thì giờ và phải chờ ít nhất một, hai tuần thì mới nhận lại được món hàng thay thế. Trước đây khi chưa có internet và chưa có mua hàng trên mạng, mỗi khi muốn mua món gì thì ta chỉ cần tới cửa tiệm lựa, ngắm và khi thấy món hàng vừa ý thì mua ngay. Nghĩa là chỉ mất độ một vài tiếng chứ không phải chả cả tuần như ngày nay.

Những công việc mới vô hình kia cũng làm căng thẳng tinh thần giống như những công việc thực sự được trả lương vậy, và đôi khi lại còn trầm trọng hơn bởi một điều thực tế là internet thường cho phép ta làm bất cứ công việc vô hình nào đó bất cứ lúc nào. Thậm chí cả khi ta đang không làm gì cả thì trong suy nghĩ ta vẫn biết rằng nó luôn sẵn sàng và đang chờ ta. Cái cảm giác bị thúc dục đó lúc nào cũng canh cánh trong lòng là vậy. Riêng với các cửa tiệm truyền thống thì thường vẫn đóng cửa vào ban đêm, điều này cho ta biết chắc chắn rằng cửa tiệm sẽ không mở cửa lại cho đến sáng mai và lòng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì biết là mình không thể làm gì khác hơn được.

Thường thì sau một ngày làm việc ở sở về người ta đã cảm thấy mệt mỏi lắm rồi, nay còn thêm những công việc vô hình kia nữa thì rất dễ làm cho người ta có cảm giác bị kiệt sức, từ đó đưa đến một chuỗi hậu quả khác. Có người đã đưa ra nhận định rằng kiệt sức gây ra tình trạng tê liệt công việc vì nó khiến tâm lý người ta kiệt quệ: Căng thẳng và làm việc quá sức khiến trí óc không còn khả năng để giải quyết bất cứ điều gì khác. Và hơn nữa, tâm lý là càng kiệt sức thì lại khiến người ta cảm thấy càng cần phải làm việc có hiệu quả hơn, và cứ ráng thêm nữa thì tới một lúc nào đó không chỉ sức khoẻ tâm lý mà sức khoẻ thể chất cũng bị sụp đổ theo.

Thế nên, người ta cần nhìn vào cái danh sách những việc cần làm và bỏ bớt đi những việc không quan trọng, không hấp dẫn. Bỏ bớt đi một vài việc thì cũng chẳng thiệt hại gì mà lại có hy vọng có thể hoàn tất được danh sách những việc cần làm đó.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy công việc ở sở làm ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng để hoàn tất danh sách những công việc cần làm ở nhà. Mà sự ảnh hưởng không chỉ vì số giờ làm ở sở, mặc dù con số này có tăng đều đặn trong mấy thập niên qua đối với người làm việc ở Mỹ, mà còn vì số công việc được giao phải hoàn tất trong ngày cũng tăng đáng kể. Làm nhiều giờ và nhiều việc thì đương nhiên người ta phải cảm thấy mệt mỏisau một ngày làm việc. Sự mệt mỏi đó sẽ khiến cho những công việc cần làm ở nhà khó thực hiện hơn, vì khi mệt mỏi thì tâm lý người ta chỉ muốn nghỉ ngơi chứ đâu ai muốn đụng tay thêm vào một công việc nào khác. Không còn năng lượng để làm việc thì cái danh sách những việc cần làm cũng phải xếp qua một bên chờ ngày mai hay một ngày nào khác, và do đó nó có khả năng sẽ không bao giờ hoàn tất được.

Để có thể hoàn tất danh sách những việc cần làm mà không nhất thiết phải gạch bớt những công việc ghi trong đó, một số nhà nghiên cứu khuyên rằng hãy ráng mỗi ngày làm một chút những công việc nho nhỏ không đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Riêng những công việc lớn đòi hỏi nhiều năng lực thì nên vạch trước một kế hoạch rõ ràng và sắp xếp làm những công việc này khi có nhiều thì giờ hơn, chẳng hạn như vào cuối tuần, và nhớ là hãy cứ làm từ từ, đừng quá vội vã, chậm nhưng chắc. Điều này cũng có nghĩa là ta phải làm chủ được thời khoá biểu của mình và sắp xếp công việc một cách khôn ngoan.

Lời khuyên này nghiệm ra cũng giống từa tựa như một trong những lời khuyên của Dale Carnegie, tác giả cuốn “How to Stop Worrying and Start Living” (Quẳng gánh lo đi và vui sống – do Nguyễn Hiến Lê dịch) rằng đừng nhìn quá xa và ôm đồm nhiều việc cùng một lúc mà hãy nên nhìn gần ngay trước mặt và mỗi ngày làm cho xong một hai công việc nho nhỏ. Đến một ngày nào đó tổng kết lại, khi những công việc nho nhỏ làm mỗi ngày trước kia được gom lại thì nay đã không còn là nho nhỏ nữa.

Làm chủ được thời khoá biểu và biết sắp xếp công việc không chỉ giúp ta hoàn tất được những công việc cần làm mà còn khiến cuộc sống của ta bớt bận rộn.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email