Người đàn ông bán vé số da sạm nắng, đội chiếc mũ màu vàng đã cũ vì mưa nắng, đứng nhìn chăm chăm vào một ông già đang thao thao trước vài người đang ngồi uống bia ở một quán bên thềm dọc hè phố Nguyễn Đình Chiểu.
Ông già cầm một mẻ tổ ong từ trong chiếc thùng nhựa màu trắng vàng mới tinh, không đậy nắp, để dưới chân. Mảnh tổ ong đặc sệt mật vàng óng nhểu nhảo xuống bàn rượu, ông ta nói:
– Tôi ở rừng U Minh Thượng chuyên nghề bắt ong và lấy mật mấy chục năm nay vừa coi rừng, vừa trông chừng nạn chặt cây, phá tổ chim. Nay tôi đem mật ong về thành phố để bán. Giá chỉ hai trăm ngàn một lít tốt nhất.
Vừa nói ông ta vừa giở miếng sáp tổ ong lên cao, qua cái giọng rất đắc ý vừa nhìn người đàn ông bán vé số, nói thêm:
– Đây là mật ong vò vẽ.
Người đàn ông bán vé số lắc đầu:
– Vò vẽ mà chích thì trâu cũng chết, ngâm rượu thì có, làm gì có mật. Cả ong làm tổ trên cao cũng ít mật. Chỉ có ong lỗ, ong đất đóng tổ dưới đất và gần mặt đất, trong bọng cây là nhiều mật. Người ta vào rừng bắt ong lỗ về làm giống.
Chưa mở hàng đã có người nói ngang, ông già cãi lớn:
– Bậy! Ong ruồi mới có mật.
Anh bán vé số đã toan đi lại dừng bước. Thấy người bán vé số định cãi lẫy với ông già bán mật ong, tôi đang uống cà phê gần anh ta, bèn can:
– Thôi, đem vé số qua đây cho tôi lựa vài tấm.
Người bán vé số đi lại phía tôi, kéo cái ghế trống gần đó nghỉ chân. Có vẻ anh ta đi bộ nhiều đã mỏi chân. Anh đưa sấp vé số cho tôi lựa.
– Mấy con số liền tù tì giống nhau ai mà mua, chỉ có công ty xổ số trúng. Bây giờ dân nghèo thất nghiệp nhiều quá, ngày có khi chỉ kiếm được vài chục, mua tờ vé số cầu may chứ còn cầu gì cho có cơm gạo đây?
Ông già bên cạnh vẫn cố mời chào:
– Mua đi mật ong thứ thiệt, lâu lâu mới có.
Anh bán vé số vẫn nhất định cãi:
– Ông già nói sai rồi, ong vò vẽ chỉ đi ăn rồi làm tổ thôi.
Mật ong thứ thiệt có khi giá tới bảy, tám trăm ngàn một lít. Đâu có rẻ. Mật ong nuôi công nghiệp phần nhiều họ cho ong ăn thêm đường nên không tốt lắm.
Tôi hỏi:
– Muốn biết thiệt hay giả thì làm sao.
Người đó nói:
– Muốn biết mật thiệt tốt thì ngắt cọng hành bỏ vào mật, nó héo ngay thì tốt. Mật thiệt khi nhễu xuống thành cục chớ không chảy ròng ròng như mật của ông già đó. Gọi mật giả chứ thật ra cũng có chút mật ong nhưng người ta pha thêm vào đó đủ thứ: nước đường, mạch nha… tùy mỗi nơi gia giảm các thứ nguyên liệu khác nhau. Đủ các thử nhưng nhiều khi cũng chẳng phân biệt được đâu. Bởi vậy cũng một lít mật ong mà giá nào cũng có người bán và người mua chỉ cần hợp túi tiền chứ chẳng quan tâm mấy đến chất lượng ra sao..
Tôi hỏi:
– Anh ở đâu sao rành dữ vậy?
Người bán vé số kể:
– Tôi ở Bình Định. Nhà chỉ có hơn công đất. Một công chỉ có 500m vuông thôi. Mùa rồi thất bát. Cứ năm hạn hán, năm bão lụt, trời hành liên miên không đủ ăn nên nhiều người phải xuôi Nam, tôi để ruộng đó cho vợ coi, vào đây bán vé số để nuôi hai thằng con đi học, xem may ra có việc gì thì làm thêm. Chỗ tôi ở có một số người nuôi ong lấy mật nữa.
– Nuôi ong dễ không.
– Người ta vào trong rừng tìm lấy giống ong bọng ở bọng cây hay ong lỗ đất dưới đất đem về để trong thùng cho chúng đóng tổ làm ra mật. Muốn gây đàn phải mất công bắt ong chúa.
Con ong chúa khác với ong thợ là đầu đuôi cách xa nhau ngược với ong thợ đầu đuôi đều gần nhau. Ong chúa được để trong ống tre khoét lỗ cho sinh trứng, nở ra quân. Thùng nuôi ong kê trên hai tấm gạch, đặt chỗ kín gió. Một mặt khoét lỗ trống cho ong chui ra bay đi ăn.
Ong than làm tổ canh cửa. Nó như cảm tử quân cắn chết mấy con ong lười biếng không chịu đi lấy mật. Khi ong chúa bị chết hay không có ong chúa, ong than sẽ sinh ra ong chúa.
Vào mùa mưa bão, ong không tìm được nhụy hoa nở để hút mật được thì người nuôi quậy dĩa đường đặt vào thùng cho chúng ăn.
Nuôi ong ngoài việc kín gió, còn coi chừng kiến. Ong đi ra ngoài rớt xuống đất bị kiến ăn. Cứ ba tháng kiểm soát lại một lần coi có mật hay còn quân không.
Có loại ong thế đóng ở Cao Nguyên. Trên cây cao, ong làm tổ bằng tấm phản, to như chiếc chiếu rộng, vô số quân. Người đi rừng đội mũ che kín, đốt lửa hun khói vào tổ để xua ong bay đi rồi lấy cả tấm sáp ong xuống, đem về vắt mật ra bán. Tổ ong to như cái nia. Mật cắt ra từng miếng ăn rất bổ.
Khi ta bắt ong chúa về, cắt cánh bỏ vô ống tre trong thùng. Nếu để ong chúa bò ra, rớt xuống đất thì làm mồi cho kiến thôi.
Tuy nhiên bây giờ rừng bị phá nhiều, thợ ong gặp tổ ong nào tàn sát tổ đó nên tổ ong rừng dần dần hiếm. Muốn nuôi thì người ta mua ong giống. Có hai loại là ong Ấn và ong Ý chứ không ai lặn lội vào rừng kiếm ong tự nhiên về nuôi như xưa. Sản phẩm từ ong làm ra tới đâu đều được mua hết ngay. Mật ong bổ dưỡng nên đây là thứ hàng không bao giờ sợ ế.
Tôi hỏi:
– Sao anh không làm nghề nuôi ong mà xuống đây?
Anh bán vé số thở dài não nuột:
– Nhìn thấy người ta nuôi ong dễ dàng nhưng nhiều người vẫn gặp rủi ro trong đó có tôi. Tôi đi vay tiền mua ong giống về nuôi, lần thì ong chết, lần bị bệnh, lần thì không hiểu sao chúng bỏ tổ bay đi hết. Vay mấy lần nợ chồng chất lên nợ, vay hoài sao được đành bỏ trốn vào Saigon.
Không biết làm gì đành quay sang bán vé số đỡ chờ thời chứ tôi đâu có muốn làm nghề này. Đây là công việc dành cho phụ nữ, trẻ em, người già chứ nam giới còn sức vóc ít ai đi bán vé số. Coi như công việc lúc thất nghiệp vậy thôi. Không đâu có người đi bán vé số đông như Saigon.
Có điều nhìn thấy người ta bán mật ong giả trước mặt thật bực mình không thể không nói.
Đó là không kể ở ngoài chợ hay có người tự xưng trên núi xuống trải tấm bạt dưới đất bày ra bán thổ sản núi rừng. Trong đó ngoài đống củ mài, tam thất… còn da rắn, cao khỉ, dầu tràm… thế nào cũng có mật ong, sáp ong. Mấy chục ngàn một mảnh sáp nhỏ bằng lòng bàn tay cũng có người mua về ngâm rượu uống. Mà cũng không biết có phải sáp ong thật không hay là cái thứ gì chẳng biết.
Các sản phẩm từ ong: mật ong, phấn ong, sáp ong, sữa ong chúa… mặc dù rất nhiều công ty chuyên khai thác, nhiều siêu thị, vô số cửa tiệm, sạp hàng trong chợ… khắp nơi đi chỗ nào cũng có bán nhưng người ta vẫn rỉ tai, mách nhau để mua “hàng thật”. Chai mật ong bán ngoài vỉa hè té ra lại được mọi người tin tưởng hơn cả cửa tiệm lớn.
Ông già bên cạnh sau khi bán được mớ hàng độc là mấy trăm gram nhộng ong cho dân nhậu ngâm rượu đã bỏ đi tìm mối khác.
Anh bán vé số bỗng bật cười:
– Có mấy thanh niên bạn tôi không có vốn nuôi ong nên làm thuê cho người ta. Cứ theo chỗ nào đang mùa hoa thì mang thùng ong di chuyển tới đó. Khi cao su, nhãn, điều… hết mùa hoa tàn lại đi nơi khác. Đi suốt tháng suốt năm từ Nam ra Bắc theo ong nên những người làm nghề này toàn độc thân, khó lập gia đình. Nhà ai có vườn trái cây thì gầy vài tổ ong trong vườn nhà, khỏi cần lang bạt đi đâu.
Tôi không đất đai vườn tược, không vốn liếng. Bây giờ đi bán vé số không biết tới bao giờ mới dành dụm để về trả nợ và gầy dựng được đàn ong.
Duy Thức