Băng tuyết Bắc Cực tan chảy nhanh nhất trong 1.500 năm

Nghiên cứu cho thấy lớp băng ở Bắc Cực đang tan với tốc độ nhanh nhất trong 1.500 năm.
Tường trình thường niên do Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) công bố chỉ ra rằng năm 2017 đã bớt nóng hơn một chút so với năm nóng kỷ lục 2016. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn lo ngại bởi vì khu vực cực Bắc đang nóng lên nhanh gấp hai lần so với phần còn lại của thế giới và đã đạt đến một mức độ chưa từng có trong thời hiện đại.
Jeremy Mathis, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Bắc Cực của NOAA và là đồng tác giả của bản tường trình dài 93 trang, cho biết: “2017 tiếp tục cho thấy chúng ta đang phải chịu tình trạng ngày càng nghiêm trọng, Bắc Cực giờ đây đã rất khác so với cách đây một thập kỷ”.
Timothy Gallaudet, nhân vật quan trọng số 2 tại NOAA, nhận định: “Điều gì xảy ra ở Bắc Cực không ở lại Bắc Cực, nó ảnh hưởng đến phần còn lại của hành tinh. Bắc Cực có ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới”.
Các hồ sơ cho thấy tầng đóng băng vĩnh cửu với nhiều tòa nhà, đường sá và đường ống được xây dựng phía trên đã đạt mức tan chảy kỷ lục. Những tường trình trước đó thực hiện ở Mỹ và Canada trong năm nay cũng chỉ ra nhiệt độ của tầng đóng băng vĩnh cửu “nóng nhất ở mọi địa điểm” được nghiên cứu ở Bắc Mỹ.
Lượng băng biển năm 2017 cũng đạt kỷ lục thấp nhất đối với giai đoạn băng thường hình thành mạnh mẽ. Đây đã là năm thứ ba liên tiếp mức độ phục hồi băng biển mùa đông đạt kỷ lục thấp.
Nghiên cứu còn cho thấy nhiệt độ đại dương ở Bắc Cực đang tăng lên và lượng băng biển đang giảm xuống mức chưa từng thấy trong 1.500 năm. Và những thay đổi đột ngột đó trùng hợp với sự gia tăng mức độ CO2 trong không khí.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email