Trên khắp nẻo đường phố Saigon cơ man hàng rong.
Dân bán hàng đến từ khắp nơi trong cả nước. Người từ Bắc vào bán rau cỏ thịt cá chất trên xe đạp, Bình Định đẩy ba gác thu mua ve chai, Phú Yên bán vé số… Hoặc không cần họ cất tiếng để nghe giọng nói của miền nào mà cứ nhìn món hàng đặc biệt là biết ngay chủ nhân của chúng từ đâu đến.
Người đổ vào thành phố đông quá, nhất là sau những đợt thiên tai lũ lụt. Có những ngôi làng toàn người già, trẻ em vì thanh niên, người đang tuổi làm việc đều bỏ đi xa kiếm ăn cả.
Người đàn bà mặc bộ đồ đen hơi sờn cổ, đẩy chiếc xe đạp chứa nhiều loại bánh kẹo trong chiếc thúng ràng ở yên sau, đầy có ngọn ở giỏ xe đằng trước và treo từng chùm chen chúc ở hai tay xe.
Thoạt nhìn cách ăn mặc ngỡ dân quê miền Nam lên nhưng thật ra chị ta là người Quảng Ngãi. Cứ nhìn món bánh nổ vuông vắn trong bao nylon xếp ngay ngắn từng chồng trong thúng thì biết.
Người Nam bán bánh tét, bà Bắc bán bánh khúc, chị Quảng Ngãi bán cốm nổ… Mỗi người bán món đặc sản quen thuộc của quê mình.
Chị bán hàng gạt chống xe, dừng chân trước phòng y tế, ý muốn đón mấy bệnh nhân thưa thớt từ đó ra.
Một người ghé lại nhấc phong bánh lên ngắm nghía, hỏi:
– Ủa, không phải cốm à?
Chị giải thích cặn kẽ:
– Nếp, tẻ, bún, mì, bắp…Thứ nào rang lên đều gọi chung là cốm cả. Chính tay tôi làm bánh nổ bằng lúa nếp khô rang nguyên hạt, để nồi trên bếp lò than hay củi đốt lên rồi dùng đũa cái đảo đều. Sau khi hạt nếp nổ bung, đổ ra để sàng cho hết sạch trấu.
Trong lúc người khác lo sên đường cát trắng trộn với gừng thái mỏng. Hạt nếp rang chín nổ được trút vào nồi lớn để trộn đều với đường. Sau đó đổ ra khuôn vuông hay chữ nhật bằng độ ba ngón tay, ép lại, bỏ bao đem vào Sài Gòn bán. Mỗi chuyến bán cả tháng mới về cất thêm hàng.
Lúc này trên lề đường, mọi người quây nhau trên chiếc bàn uống cà phê. Tôi cũng ngồi chờ cô bán vé số quen mua cầu may vài tờ, để qua thời buổi giá hàng đắt đỏ, lạm phát nặng nề và người dân nghèo suốt ngày cặm cụi tất cả mọi việc gì có thể kiếm ra tiền mà vẫn không đủ sống.
Chị bán bánh nổ thấy tôi ngồi gần, mời thân mật:
– Hay là chú đổi món bánh quy Quảng Ngãi mới vô.
Cốm vốn là món tôi ưa thích nhất từ lúc còn ở trường Tiểu Học. Gần như cứ có tiền tôi mua cốm, ăn vừa no, mùi vị lại ngon ngọt. Nay già rồi, buổi sáng thấy các loại bánh quê hương đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ của bà bánh kẹp, chị cốm bún cốm bắp là tôi mua liền. Vừa nhâm nhi vừa uống với ly cà phê đen đậm không đường vì cốm đã ngọt lắm rồi.
Bánh nổ thật ra không phải là loại bánh đắt khách lắm vì gạo nếp dẻo hơi dính, ăn không dòn như cốm bún, cốm mì, không thơm sầu riêng như bánh pía, không béo nước dừa như bánh da lợn…
Tôi thấy trên xe đạp, trong cái giỏ để sau ngoài chồng bánh nổ màu trắng hình chữ nhật còn có bánh in, mấy hũ mật ong, lon mạch nha, các loại bánh kẹo từ xứ Quảng như kẹo gương, bánh mè… và cả thứ đường phổi nổi tiếng để vừa ăn vừa uống trà.
Cũng có chị Quảng khác chỉ chuyên bán các loại cốm. Trên xe gác một giàn gỗ đủ để treo năm mươi phong cốm đủ loại như cốm gạo, cốm dừa, cốm nếp…
Tôi chưa kịp nói gì thì chị đã mau mắn mời chào:
– Chạy vòng vòng từ sớm mà chưa bán được đồng nào. Bán cho người ta hai mươi sáu ngàn một bịch. Tôi lấy chú hai mươi ngàn thôi.
Tôi do dự vì trong túi chỉ còn 50 ngàn. Nếu mua ba tờ vé số, chỉ còn hai chục ngàn chẳng lẽ mua cả bánh nổ. Chẳng hiểu sao gói bánh lẻ hai mươi sáu ngàn, rồi lại bớt một ngàn.
– Chị đến gặp hôm tôi hết tiền. Để khi khác được không?
Chị bánh nổ tỏ vẻ thiểu não:
– Lâu lâu mới gặp chú. Coi như mua mở hàng dùm tôi vậy.
Bán rong cũng có mở hàng. Trưa trờ trưa trợt vẫn còn kêu mở hàng. Tôi ái ngại nói:
– Tôi còn có 20 đó thôi. Chị bán bao nhiêu cũng được.
Chị ta đưa ngay tôi hai bịch:
– Tôi lấy 20 ngàn hai phong cũng được.
Bánh nổ bán nhiều ở khu Tân Bình nơi nhiều người Quảng dạt vào sinh sống. Bánh miền Trung không có nhiều vị béo và mùi thơm của dừa nên không hợp lắm với khẩu vị đa số người miền Nam.
Thành phố mấy năm gần đây ngày càng du nhập nhiều loại bánh mứt phương xa. Các thương hiệu bánh của Pháp, Đại hàn… tràn ngập Saigon, đánh bạt ngay cả các hiệu bánh Tàu quen thuộc. Giới trẻ chuộng các thứ bánh kẹo mới mẻ ấy. Người thành phố quên loại bánh nổ khô khan màu trắng xinh xinh này, chỉ có người lớn tuổi, nhất là dân xa xứ Quảng nhớ như nhớ về mì Quảng, bún cá ngừ….
Chỉ có điều các loại bánh kẹo miền Trung đều xuôi Nam chứ không ngược Bắc. Người Trung xuôi Nam làm ăn kiếm sống. Đặc sản từng vùng cũng đi theo chân họ, vừa làm nguôi nỗi lòng người xa xứ, vừa góp phần phổ biến, làm phong phú thêm các món ăn cho Saigon, nơi ngừng chân của dân tứ xứ.
Chị bán bánh thường xuyên rảo ở khu vực này. Ngày nào chị cũng đứng khoảng một tiếng hơn vì chỗ này gần chợ nhỏ và trường tiểu học. Hàng hóa của chị là những phong bánh quê lành và đơn giản, không màu mè hóa chất nên bà mẹ đến đón con cũng ghé mua phong bánh cho trẻ nhỏ. Sau khi học sinh tan học hết, chị mới đạp xe đi. Buổi trưa chị ghé ăn cơm miễn phí ở chùa hoặc các quán cơm từ thiện. Tiền ráng dành dụm gửi về quê cho ông bà nội trông hai con. Chị đạp một xe bánh ở Saigon, chồng chị cũng một xe bánh nhưng ngược lên Lâm Đồng. Hết một đợt bánh, hai vợ chồng lại hẹn nhau cùng về quê cất hàng. Tính ra cũng sung sướng hơn vợ chồng Ngâu nhiều lắm.
Đám người đang ngồi đón gió ở lề đường, chợt thấy người đàn ông cụt một chân, cầm vé số đi qua. Tôi gọi ông già còm bán vé số lại gần, ông lò dò đến, mắt không thấy rõ đường đi.
Tôi rút ra ba tờ vé số trên tay ông rồi bảo:
– Hễ thần tài gõ cửa thì tôi sẽ tìm ông nhé!
Ông bỏ nhanh tiền vào túi và nói:
– Cầm tiền lo le, mấy thằng du đãng nó giật hết.
Tôi vỗ vai, đưa cho ông bịch bánh nổ và nói:
– Đây là bánh nổ Quảng Ngãi đấy.
Ông già cười:
– Ăn cái bánh, uống một ly trà đá thì không còn lo gì đói nữa. Tôi biết bánh nổ rang gạo nếp cho nổ vỏ trấu ra. Còn bây giờ có nhà máy làm, không biết còn thơm ngon như trước không.
Ông già nhai bánh nổ nghe dòn dòn trong lớp răng còn lại, nhưng lại than phiền ngay:
– Bây giờ cái gì cũng dở hết. Coi cải lương cũng vậy. Bánh bò, bánh ít, bánh khoai lang cũng thế. Ăn để đỡ đói hoặc món quà vặt rẻ tiền vui miệng thôi.
Chị bán bánh vội vàng đính chính ngay:
– Bánh nổ cùng lắm có vài thứ máy móc nho nhỏ tiểu thủ công nghiệp như rang nếp bằng nồi điện, đóng bánh bằng máy điện… Như vậy một mẻ mau chóng cho ra nhiều bánh, đỡ sức người cực nhọc thôi và không sợ rang cháy, rang non. “Tổ hợp” thì có chứ làm gì sản xuất nhiều tới mức lên nhà máy!
Bánh nổ cổ truyền không có gì cải tiến nhiều. Cả trăm năm nay, xưa sao nay vậy. Chỉ mới đưa một ít máy móc vào việc sản xuất mà nhiều người đã kêu ca giảm đi mùi vị tự nhiên!
Một thời từng có vụ phát giác cốm làng Vòng có chứa chất gây ung thư. Dân làng Vòng than thở thuốc trừ sâu khiến cốm nhợt nhạt, muốn giữ màu xanh mướt thuở nhổ cỏ bằng tay thì phải nhuộm bằng chất hóa học. Mà chất hóa học lại gây ung thư. Bị phát giác, khách hàng tẩy chay khiến cốm Vòng khốn khổ mãi.
Không cạnh tranh với bánh tây. Các loại bánh cốm cổ truyền vẫn âm thầm có khách riêng của mình là giới bình dân. Người Bình Định cũng bắt đầu xuất hiện bán bánh cốm nhưng không chạy xe đạp. Họ gánh càn khôn trên hai đầu gióng đi rong ruổi suốt từ sáng đến chiều dãi dầu mưa nắng. Mỗi ngày lời độ 50 000.
Họ lấy hàng ở Gò Vấp. Nguyên cách đây mấy năm, một người Bình Định vào Gò vấp mở lò. Từ đó, đồng hương của ông lũ lượt vào lấy cốm tỏa đi bán dạo khắp nơi.
Bây giờ có nhiều người đi bán xôi khúc, bánh mì, khoai lang, bắp luộc… Chỉ mười ngàn có thể thay thế cơm được hơn thứ cốm nổ này. Tôi nhìn theo chị bán cốm nổ dắt xe đi. Cái giỏ nhỏ, mấy phong bánh in, một chai mật ong, năm ba bịch bánh nổ trông như cái nhà lá xiêu vẹo, lổ đổ mưa nắng bốn bề liệu qua nổi mùa mưa nắng cuộc đời.
Duy Thức