Rải rác dọc các phố dọc hàng phố Thị Nghè, Bà Chiểu, quá nhiều người bán rong. Bọn giật dọc cũng rình khách qua đường. Ai đeo vàng, khoen tai, dây chuyền hay xách túi da có vẻ có tiền là chúng cướp, chúng cũng không từ giật vé số của ông già mù chống gậy đi bán bên lề hẻm.
Trong lúc mọi người ngồi quán bên đường vừa đọc báo vừa bàn chuyện tin tức, vừa nhìn trời đang chuyển động mùa giông bão, những câu chuyện từ báo chí luôn thu hút mọi người bình dân ngồi uống cà phê ở quán nước đối diện trường học.
Quán cô Hoa phía trong bày tủ kính bán kính đeo mắt, bên ngoài đặt mấy cái bàn nhỏ, ghế nhỏ bán cà phê lúc nào cũng đông khách. Người đưa con đi học, rước con về cho đến cả khu phố từ ngoài đường đến trong hẻm đều thích uống cà phê thật ngon sạch mà rẻ tiền của cô.
Hai chị em bán không hở tay, cho đến trưa khách bớt lúc đó mới rảnh, chúng tôi về nơi cư xá đang xây nhà cao tầng mới. Trước kia, tôi ra uống cà phê ở quán này lúc cô Hoa còn nhỏ, tôi tình cờ gặp người ta đang chở một chiếc hòm có phủ quốc kỳ về, đó là người lính ĐPQ tử trận, cha của cô Hoa. Ba mẹ con bán cà phê qua ngày từ ấy đến nay đã quá lâu mấy chục năm.
Khi ra quán, khách đã thưa, tôi ngạc nhiên thấy gánh hàng rong của cô Quảng Ngãi lại na ra gần dưới gốc cây điệp, ngồi chùm nhum với hai gánh hàng khác.
Đó là một gánh bán sương sa hột lựu vẫn thấy hàng ngày và một gánh bánh đúc miền Bắc lạ lẫm mới thấy lần đầu.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Sao bữa nay tụ ở đây đông vậy.
Cô Quảng Ngãi quen thuộc nói:
– Hôm nay chủ nhật, hàng trong hẻm bán ế quá nên ra ngoài này.
Người đàn bà mập mạp vừa ghé lại ngồi xẹp xuống chiếc ghế cóc nói:
– Chị cho tôi một chén. Nhìn thấy bánh đúc lại nhớ quê. Sinh sống trong này con cháu đùm đề. Chẳng biết khi nào về thăm quê,
Người đàn bà vừa múc một tô nóng hổi vừa nói:
– Giống như bún mọc, bún thang… Cho một chút mắm tôm mới đậm đà.
Bà già mập miền Bắc ăn một cách ngon lành khiến ai nấy cũng phát thèm. Lâu rồi bà ở kỳ cựu trong xóm này có mấy người con sinh ra đẹp như lai Tây, đều làm nghề cô giáo dạy trẻ hết.
Cô Quảng Ngãi bỗng nói:
– Bánh đúc kiểu này mới thấy lần đầu.
Bà bán hàng như được gãi đúng chỗ ngứa nói:
– Cô biết bánh đúc ngoài Bắc nhiều nơi phải lựa thứ gạo trễ, chứ gạo thường thì bánh dẻo không ngon.
Cô gái Quảng Ngãi vừa cúi mặt đếm từng hột đậu phộng nấu cho vào bao nylon nhỏ, mỗi bịch bán một ngàn:
– Gạo trễ là sao bà!
– Là thứ gạo nấu cơm thì bời rời không ngon, cứ đến mùa lúa, người ta trồng lúa nước, lúa trên cạn, lúa trên gò, đến khi nước rút thì gặt. Còn một ít vũng nước chỗ trũng người ta tiếc nên bỏ mạ mặc tình cho lúa đó mọc lên, coi như lúa trễ, lúa bỏ vậy. Thế mà hạt gạo đó lại dẻo thơm. Dùng bột gạo đó nấu bánh đúc là ngon nhất.
Cô gái nói:
– Miền Nam cũng có bánh đúc gân hai màu trắng và xanh lá dứa chen nhau làm bằng bột năng, bánh đúc mặn pha bột năng với bột gạo.
Bà ta nói:
– Bánh đúc nấu với nước vôi lóng, ngày xưa người ta còn pha thêm hàn the cho bánh được dòn nhưng bây giờ không ai dùng hàn the nữa vì bị cấm. Nước vôi làm bánh dẻo, dai là đủ rồi.
Làm món bánh này mất công ở chỗ dùng đũa cả quấy đều mấy tiếng đồng hồ mỏi tay tới khi bột không dính đũa là được.
Nguyên liệu làm bánh đúc chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng người ta chế biến thành nhiều loại. Ở Saigon, đôi khi ngoài chợ có những hàng chuyên bán thực phẩm Bắc như trà, bột sắn, măng khô… mơ, hồng ngâm, vải thiều… hay bánh đúc, bánh cuốn Thanh Trì, tương Bần… Ở đó thường chỉ bán bánh đúc lạc tức là trộn vào đó đậu phụng hay dừa bào mỏng xắt nhỏ bằng móng tay, người Nam quen loại đó vì dễ ăn và gọn gàng, không cần các thứ gia vị đi kèm.
Còn món bánh đúc của bà hàng đặc sệt miền quê Bắc. Bột gạo không nhân sau khi quấy chín đổ ra sàng lót lá chuối để nguội, đông lại rồi mới cắt thành miếng
Trên gánh hàng của bà có một nồi riêu cua. Thịt cua giã rồi lọc lấy nước. Chỉ thay vì bún thì bà hàng xắt sợi bánh đúc để vào tô cùng với rau ghém, chan nước. Miền Bắc còn nấu thêm dọc mùng tức bạc hà và quả tai chua. Nhưng vào Nam quả tai chua không có và để hợp khẩu vị người miền Nam thì nồi riêu cua chỉ có cua và cà chua nấu giống như nấu bún riêu vậy.
– Nấu có lâu không bà, ừ bà cho con một chén ăn thử coi.
Bà bán bánh đúc vui vẻ kể chuyện quê:
– Bánh và riêu quấy từ khuya vừa nóng thơm ngon đến sáng quẩy lên phố bán. Bây giờ đang mùa mưa nên có cua nấu riêu chứ sang mùa nắng cua đắt, tôi đổi món xào tôm thịt làm nhân rải lên mặt bánh hay chấm với tương Bắc, chấm mắm tôm…
Nghe bà hàng kể chuyện bánh đúc với cua đồng lại ngửi mùi bánh nồng, riêu thơm lừng vị cua khiến ai nấy đều muốn ăn thử một tô.
Cô Hoa chủ quán thường ngày mua một gói xôi khúc năm ngàn ăn no tới trưa. Thấy có món ăn lạ, cô cũng chạy lại, vén áo ngồi chồm hổm trước gánh quà:
– Cho con một bát coi. À bà nấu bánh đúc bằng nồi gì?
Bà hàng vừa xắt bánh thành sợi vừa trả lời:
– Ngoài quê, tôi quấy bột trong cái nồi gang lớn, bếp lò kê bằng mấy cục gạch cũng được, có rơm rạ khô thì đốt, không thì dùng củi lửa. Còn ở đây tôi dùng than tổ ong đun âm ỉ chứ củi thì đắt lắm.
Bánh đúc chỉ là món quà ăn chơi. Người ta ăn bún, cháo, bánh cuốn nhiều hơn. Bây giờ ngoài mấy lò bánh đúc mới, ít ai ở nhà quê làm bánh đúc.
Em cô Hoa cũng chạy ra hỏi:
– Ngon không chị.
Cô Hoa trả lời:
– Ăn thử thì biết.
Bà già miền Bắc hơi gầy, da rám nắng, có vẻ vui vì thêm khách, Cô Hoa chợt hỏi:
– Sao bà không bán ngoài đó khách quen thuộc hơn. Vào Nam dù sao món ăn cũng còn lạ với dân địa phương.
Bà hàng tỏ vẻ buồn:
– Tôi vào Nam cũng hơn một năm nay rồi. Mấy đứa con rủ nhau kéo vào đây hết. Đứa theo công trình làm thợ hồ, đứa làm công nhân khu công nghiệp. Chồng tôi mất từ lâu. Tôi chẳng có ruộng vườn trông nom gì đâu nên đi theo chúng nó. Tôi lớn tuổi rồi không làm công nhân được
– Ở ngoài Bắc khó sống sao bác.
Bà già mỉm cười:
– Vào Sài Gòn đem theo nghề bán bánh đúc được bà con người Bắc nhớ quê thích lắm. Bánh đúc vào Nam thì bánh xèo ra Bắc. Kiếm được khá hơn nhưng tiền thuê nhà, chi tiêu lại cao.
Chợt có chiếc xe ba bánh nhỏ của một anh chàng đội nón cối đẩy qua. Trên xe vang lên toàn những bản nhạc trước 75, nhạc hải ngoại. Anh ta cho xe đỗ lại nhìn bà già bán bánh đúc:
– Bữa nay mẹ bán ở đây sao?
– Đâu có, tao chỉ đậu đây một lúc nghỉ chân rồi gánh đi nơi khác hay vào hẻm kẻo lại bị đuổi
Hai người quen nhau cùng quê cùng vào Nam. Có người thắc mắc:
– Anh đi bán toàn đĩa lậu, đĩa nhạc vàng sao lại đội nón cối.
Anh bán nhạc cười hề hề:
– Đĩa lậu toàn nhạc xưa, toàn nhạc sĩ và ca sĩ hải ngoại. Đội nón cối thì không bị xét hỏi đến! Đĩa hải ngoại được ưa chuộng, ai cũng thích nên bán rất chạy. Mấy chợ chồm hổm cũng bán đầy những đĩa này. Tôi thì chịu khó đẩy xe đi len lỏi các xóm.
Cô Hoa hỏi:
– Có phim mới không.
Anh ta lắc đầu:
– Bán hết rồi. Khi nào có đĩa mới tôi sẽ đem tới.
Đang lúc mọi người chùm nhum dưới gốc cây điệp vàng gần quán Hồng Hoa, thì có chiếc xe cảnh sát chạy qua
Họ nhanh nhẩu tản vào đầu hẻm gần đó.
Bà bán bánh đúc vẫn ngồi lại vì có người đang ăn dang dở chưa xong.
Cô Hoa nói:
– Không sao đâu, bà nép vào lề một chút, thấy có người uống cà phê nên cảnh sát không đuổi đâu.
Bà già than:
– Có lần tôi bị lấy hết gióng gánh và cảnh cáo không cho bán hàng rong ở đường phố nữa, cụt cả vốn đấy.
Cô bán hàng rong ở Quảng Ngãi chuyên bán món bánh tráng trộn với xoài sống học sinh thích lắm nói:
– Nếu vậy họ muốn đuổi mình về quê hết. Ở quê làm gì để sống. Đi bó chổi cả ngày chỉ có độ hai chục đồng làm sao nuôi con ăn học.
Bà già nói:
– Thôi thì ráng sống qua thời, biết đâu kinh tế lại thay đổi mình sẽ đỡ khổ hơn. Bây giờ càng xóa đói giảm nghèo càng mạt rệp. Chỉ có con ông cháu cha là có cả núi tiền để ăn chơi thôi.
Bà già nói xong lấy chén bát úp lại vào thúng, rồi gióng gánh lên vai tiếp tục một ngày rong ruổi kiếm ăn trên hè phố.
Bà đi rồi, hương vị của loại bánh phương xa như còn đọng lại trên cổ họng, chót lưỡi của mọi người.
Cô Hoa nói:
– Không biết loại bánh đúc với nước cua đồng và mắm tôm này có bán ở siêu thị không?
Rồi có ai đó đọc lên mấy câu tục ngữ ca dao cũ:
– Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng
Bỗng dưng bà già bán bánh đúc xứ Bắc vào Nam gieo vào lòng người một thứ ưa muốn có dư vị thơm tho và nồng ấm lạ thường.
Duy Thức