Bảo bọc con đến bao giờ?

HỎI:

Em có cậu con trai duy nhất năm nay 26 tuổi, đang vừa học hậu đại học vừa đi làm bán thời gian để sống tự túc.

Vợ chồng em thuộc thế hệ di tản tới Mỹ thế hệ thứ hai nên đã trải qua hơn 40 năm hội nhập vào Mỹ so với chỉ hơn mười năm lớn lên và trưởng thành ở Việt Nam. Em nói điều này để chị hiểu rằng chúng em không thuộc lớp người bảo thủ, theo xưa nhiều quá tới nỗi không biết dạy con ăn theo thuở, ở theo thời. Trái lại, cả hai vợ chồng em đều chủ trương hướng dẫn con tự lập ngay từ khi còn bé, không muốn bảo bọc cháu quá sợ sẽ tạo cho con tâm lý ỷ lại. Chúng em cũng tập cho con biết quan sát và có ý kiến riêng ngay khi cháu bắt đầu biết đặt câu hỏi. Nói tóm lại, chúng em bỏ nhiều thời giờ giúp con tự rèn luyện để lớn lên có cá tánh và bản lãnh tự bảo vệ mình khi không có cha mẹ bên cạnh. Trong cuộc sống gia đình em lúc đầu có bà nội, phải nói là em rất may mắn có mẹ chồng hiểu biết, thương yêu và hòa đồng với con cháu nên không khí trong nhà rất dễ chịu, mọi người chấp nhận và tôn trọng nhau trong sự cư xử hàng ngày.

Cảnh nhà như vậy nên con trai em được tự do hoặc bày tỏ, hoặc hành động theo ý riêng ngoại trừ khi nào cậu cần tham khảo thêm với cha mẹ. Em rất hài lòng và yên tâm là đã gần như hoàn tất bổn phận làm mẹ đối với con trai em, chỉ chờ đến khi nào cậu có cuộc sống đôi lứa và tất nhiên sẽ phải tách rời gia đình cha mẹ để lo cho  tiểu gia đình của cậu thì vợ chồng em sẽ liệu cách giúp con bước đi cuối cùng này nữa là trọn vẹn.

Thế nhưng, xong 4 năm đại học, con trai em đùng đùng dọn ra thuê apartment ở chung với 3 roomates của cậu. Em rất buồn, hỏi con: “Tại sao con phải làm vậy? Dọn ra, con vẫn ở cùng thành phố, đâu có vì lý do gần hay xa trường và nơi làm việc? Nhà cha mẹ rộng rãi, tiện nghi, con có phòng riêng đi về thoải mái, mẹ nấu nướng cho ăn, lành mạnh, sạch sẽ, ngon miệng, để dành tiền mai mốt có đủ thì downpayment mua nhà rồi dọn ra lo tương lai, mẹ sẽ không phàn nàn gì hết!” Con em trả lời: “Mẹ ơi, con lớn quá rồi, không ở với cha mẹ được!” Em hỏi lại: “Quá lớn là bao lớn? Chưa có gia đình riêng thì con vẫn chưa lớn, vẫn là con của cha mẹ.”  Cháu trả lời: “Thì con vẫn là con của cha mẹ nhưng con không ở trong nhà cha mẹ được. Bạn con không  đứa nào ở như vậy hết mẹ à! Mẹ nói nữa con trốn luôn đó!”

Chị cho em hỏi có phải con em chịu ảnh hưởng của bạn bè hơn là nghe lời cha mẹ không? Nếu cho rằng ở với cha mẹ là phụ thuộc cha mẹ, vậy ở với bạn bè không phải là cũng phụ thuộc người khác sao? Em phải làm gì để con em biết suy nghĩ độc lập, đừng a dua, như em đã từng dốc hết tâm trí hướng dẫn cháu và tưởng là em đã thành công rồi?

Tại sao các cô cậu thời nay làm như tự đặt ra luật lệ rồi rủ rê bạn bè làm theo? Các cô cậu có thật thấy chuyện này là hay, là đúng không, làm ơn cho biết hay và đúng ở chỗ nào để các cha mẹ như cô chú đây được thấy và thôi không quan tâm nữa?

Xin chị giúp em đem vấn đề này ra bàn, để các bậc cha mẹ cùng lên tiếng cho em được học hỏi, em cám ơn chị rất nhiều.

V.Lan

TRẢ LỜI:

Xin phúc đáp như sau:

1.- Không phải câu hỏi nào cũng nhận được câu trả lời. Thường thì trong mỗi câu hỏi đều hàm chứa sẵn câu trả lời từ chính người hỏi, chỉ cần thời gian để câu trả lời được chấp nhận.

2.- Em dạy con suy nghĩ độc lập, sống không ỷ lại. Giờ đây con em là mẫu mực mà em mong muốn nhưng em thì lại dùng dằng…không dứt được con ra?

3.- Đời người có ba lằn ranh rõ rệt: tuổi nhỏ sống với/sống cho cha mẹ; tuổi trẻ sống với/sống cho bạn bè (có cả bạn đời;) tuổi già sống với/sống cho thân tâm.

4.- Em dạy con biết làm quyết định cho bản thân. Vậy, hãy tôn trọng quyết định của cháu, chớ hỏi nhiều.

5.- Chị đồng ý là em đã thành công tốt đẹp trong việc nuôi dạy cháu trong 26 năm qua, có cá tính, có bản lãnh. Bây giờ là lúc để thấy cháu đi một mình tới thành công của cháu em nhé!

6.- Em đã qua tuổi tri thiên mệnh, ắt hiểu rằng hay/dở, đúng/hay sai trên đời không hề là chân lý bất di dịch mà như nắng mưa, khi này khi khác. Bởi vậy, thích nghi là chính.

Mong là đã giúp em giải tỏa phần nào mối bận tâm của em về con trai mình.

Chúc em thân tâm an lạc và bằng lòng với những gì mình có.

Cảm ơn em đã viết thư.

Bùi Bích Hà

Xem thêm

Nhận báo giá qua email