Theo BBC Việt ngữ, truyền thông Việt Nam đưa tin đậm nét trong ngày 14/3, đánh dấu 30 năm xảy ra đụng độ với Trung Quốc ở bãi đá Gạc Ma, Trường Sa, làm 64 người Việt chết.
Hôm đó, 14/3/1988, ít nhất 64 bộ đội Việt Nam thiệt mạng. Sau đó Trung Quốc đã chiếm và hiện xây đảo nhân tạo ở Gạc Ma.
Điều khiến người ta phẫn nộ là khi đó, bộ đội Việt Nam bị cấm không được chống trả. Người ra lệnh là Bộ trưởng quốc phòng thời đó Lê Đức Anh.
Vụ Gạc Ma bị bưng bít trong nhiều năm, không hiểu sao nay báo chí lại được rầm rộ nói tới.
Sự kiện Gạc Ma còn đang được xem xét đưa vào sách giáo khoa Việt Nam.
Ông Trần Trung Hiếu, thành viên Hội đồng góp ý và phản biện Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử của Bộ GD-ĐT được truyền thông Việt Nam trích lời, cho hay:
“Chương trình giáo dục môn Lịch sử phổ thông mới dự kiến đưa sự kiện Gạc Ma, cũng như cuộc hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974, bổ sung đầy đủ hơn sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới Tây – Nam (1975-1978), chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989)… vào chương trình và SGK.”
Cũng bắt đầu có các tuyên bố “mạnh miệng” hơn được đăng trên truyền thông Việt Nam về vụ Gạc Ma.
VTC viết: “Cả thế giới cần biết đầy đủ, chính xác hành động xâm lược tàn bạo của Trung Quốc.”
Đô đốc Lê Kế Lâm nói với VietnamNet: “Đây không phải là trận hải chiến mà là một cuộc thảm sát và xâm lược có chủ đích của Trung Quốc.”
Năm ngoái, sách Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử của nhà sách First News – Trí Việt bị 13 nhà xuất bản từ chối.
Sau đó có thông tin Ban Tuyên giáo cấp phép xuất bản sách để kịp in kỷ niệm 29 năm trận chiến Gạc Ma, nhưng đến nay sách vẫn chưa lên kệ.
Một nhóm nhỏ gồm 20 nhà hoạt động có mặt ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội vào khoảng 9 sáng ngày 14/3 để tiến hành lễ tưởng niệm.
Tuy nhiên, cây bút độc lập Huỳnh Ngọc Chênh cho hay trên Facebook cá nhân rằng nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, vợ ông, bị công an đưa đi sau khi ra thắp hương tưởng niệm các tử sĩ Gạc Ma tại tượng đài vua Lý Thái Tổ.
“Đến khi chuẩn bị ra về thì một nhóm nhiều người lạ mặt vòng trong vòng ngoài ập đến mời Thúy Hạnh về đồn công an làm việc vì lý do ‘gây rối tại khu vực tượng đài.”
“Tôi và Thúy Hạnh hỏi giấy mời đâu nhưng họ không nói, cứ lầm lỳ vây chặt lấy cô ấy không cho lên xe.”
“Giằng co một lát thì một chiếc xe 16 chỗ ập đến, cưỡng chế cô ấy lên xe.”
Sau đó, ông Chênh thông tin rằng bà Thúy Hạnh gọi điện thông báo đang ở phòng cảnh sát điều tra bộ công an.
Hoạt động dâng hương tưởng niệm 64 tử sĩ ở Gạc Ma cũng được một nhóm nhà hoạt động tổ chức trong sáng 14/3 tại Nghĩa Trang Tây Tựu, Hà Nội.
Buổi lễ tưởng niệm này được cho là ‘diễn ra tương đối suôn sẻ, không bị ngăn cản’.