Bão lũ, Bão giá

Từ đầu năm nay, kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Từ khi VN gia nhập vào mậu dịch toàn cầu thì một cái hắt hơi, nhảy mũi của thế giới cũng khiến nền kinh tế VN vốn ọp ẹp càng trở nên chao đảo, khốn đốn. Kinh tế khó khăn ở nước này ảnh hưởng dây chuyền đến nước khác. Hơn nữa đây lại là đại dịch lan rộng trên 215 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tính đến ngày 15/11, VN có 1265 ca mắc bệnh, điều trị khỏi 1103 ca, tử vong 35 ca. Và trong 74 ngày gần đây không có ca mắc mới.
Thất nghiệp vẫn tràn lan. Nhiều hoạt động kinh tế đình trệ, từ du lịch, nhà hàng, khách sạn, giao thông, giáo dục… Từ sản xuất lớn đến buôn bán nhỏ, hàng rong… Từ đóng cửa, giải thể đếu thu hẹp buôn bán… giảm giờ làm việc, nghỉ phép không lương… Hàng loạt công ty cắt giảm nhân sự do dịch COVID-19.
Nói khốn khổ là hầu hết dân chúng chứ còn tai to mặt lớn vẫn sống sung túc, du lịch ở Úc, nghỉ hè ở Âu châu, sang Nhật xem hoa anh đào nở… con cái ra nước ngoài muốn học thì học muốn chơi thì chơi tùy ý vì tiền bạc phá mấy đời không hết. Con quan lớn đi du học ở Mỹ, Úc, Canada… con quan bé du học Singapore, Thái Lan, Malaysia… Covid-19 khiến các hoạt động này tạm thời nghỉ ngơi một thời gian.
Giá vàng trong nước được dịp lại tăng nóng, hiện nay vàng SJC đã trở lại mốc 56,3 triệu đồng/lượng. Giá đô-la Mỹ tăng chút ít, giảm chút ít rồi đứng yên.
Xăng khi tăng khi giảm. Thế nhưng dù tăng hay giảm thi vật giá vẫn leo thang và tiền xăng vẫn là một trong những thứ cần phải tiết kiệm hàng đầu trong chi tiêu gia đình.
Vì thế không còn chuyện chạy xe vòng vòng, không ra ngoại ô cuối tuần, không ra tuốt Bình Dương, Long An để nhậu, không đi tắm biển Vũng Tàu…
Hàng xe điện tung ra nhiều mẫu mới vì bán chạy. Trước kia, người ta đi xe đạp điện vì muốn né việc đội mũ bảo hiểm nhưng giờ đây thì vì tiết kiệm xăng. Và hưởng ứng phong trào dùng phương tiện di chyển sạch, thân thiện với môi trường!!! Xe đạp điện không đơn giản như trước kia mà nhanh chóng thay đổi mẫu mã. Tùy theo hình dáng mà mỗi kiểu xe điện đều có tên riêng nhái kiểu Attila, Spacy, Dylan… Xe máy điện kiểu cọ như xe máy xăng đã có giá gần bằng xe xăng.
Tuy đua nhau đi mua xe điện nhưng cách dùng và giữ gìn ra sao, chọn xe như thế nào thì hầu hết khách hàng không nắm chắc. Vì bắt chước kiểu xe tay ga nên khi hết điện thì chủ nhân đành dắt bộ vì xe không có bàn đạp hoặc chở nặng, đường ngập nước đều phải tránh cả, nhất là không có sẵn thợ sửa xe điện góc phố.
Mới đầu, một cửa hàng bán mỗi ngày cả trăm chiếc xe đạp điện càng thúc đẩy sự phát triển hàng hóa của… Trung Quốc, Đài Loan bởi vì nhu cầu thị trường cao như thế thì VN mới bắt đầu sản xuất món hàng này. Cũng như nhà nước hạ lệnh cấm xe ba gác khiến xe tải nhẹ của Trung Quốc ào ạt đổ vào VN. Thành thử VN ngày càng hữu hiệu trong việc nhập siêu, tích cực đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế nước ngoài.
Sau tiết kiệm xăng đến điện và nước. Máy nước nóng năng lượng mặt trời, quạt gió gắn trên nóc nhà, tủ lạnh model tốn ít điện, máy tính tiết kiệm điện… đều được tận dụng. Những sản phẩm này tuy tiết kiệm điện nhưng đầu tiên đã phải bỏ tiền ra mua với giá cao hơn máy thường.
Dịch heo, cúm gia cầm rình rập và bão lụt kéo dài gây tác hại lên ngành nông nghiệp khiến thực phẩm rủ nhau tăng giá. Loại thực phẩm thông dụng nhất trong bữa cơm người Việt là thịt heo. Nhưng giá thịt heo cao chót vót, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Một phần do đàn heo giống trong nước đã bị thiệt hại nặng trong đợt dịch tả heo châu Phi vào năm 2019.
Nhà nước trấn an, họp với ngành chăn nuôi, chế biến, phân phối thực phẩm…đề ra nhiều biện pháp hạ giá thịt heo như kiểm tra giá thịt heo hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, hạ chi phí trung gian, nhập thịt heo đông lạnh của Mỹ, Brazil, Ba Lan… thịt heo sống (heo nguyên con) từ Thái Lan, Kampuchea …
Người dân phản hồi ngay: “Không nên để suốt thời gian qua dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt heo giá rẻ trên tivi”.
Nhà nước khuyến cáo dân chuyển sang ăn thịt bò, thịt gà, vịt, cá… Nhưng quanh đi quẩn lại thịt heo là món hảo nhất, vừa dễ ăn từ người già đến em bé vì có thể chế biến ra nhiều món, nhiều nạc hơn gà, lại rẻ hơn thịt bò… Một đĩa thịt heo kho mặn có thể xong bữa cơm của gia đình.
Người xưa có câu “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Nghĩa là rau là thứ rẻ tiền có thể cứu đói. Nhưng vào thời điểm cuối năm trùng với mùa bão lũ, cũng hiếm và đắt đỏ. Tăng nhẹ thì gấp rưỡi, gấp đôi. Tăng mạnh thì gấp 3, gấp 4. Có loại không có hàng để mà bán. Người bán giải thích vì mưa nhiều nên rau bị ngập úng, vì có bão nên cây bị ngã đổ…
Giá cả tăng nhưng lương lậu một số người không tăng còn giảm. Người lao động bị giảm giờ làm việc, bị yêu cầu nghỉ phép không lương… Còn đỡ hơn là bị sa thải. Như công ty cổ phần giày da Huê Phong đã giảm 2.000 công nhân, và tiếp tục giảm tiếp để chuyển về cơ sở 2 ở Trà Vinh vì ảnh hưởng của COVID-19.
Mức thu nhập cơ bản của công chức và người về hưu được tăng mỗi năm khoảng 6-7% nhưng năm nay thì không, lãi suất tiền gửi tiết kiệm sụt giảm thê thảm, nhiều người có nhà cho thuê bị trả lại nhà…
Chị giáo viên mặc dù rất bận rộn với 2 buổi ở trường và lớp dạy thêm ở nhà nhưng bây giờ phải tính toán rất nhiều khi đi chợ. Trước kia mua sắm dễ dàng nhưng nay chị phải suy tính từng món, cò kè trả giá để có thể tiết kiệm từng chút.
Chị đi chợ gần nhà chứ không đi siêu thị nữa. Biết là siêu thị bảo đảm thịt sạch không sợ heo bệnh tai xanh, gà cúm, rau bẩn… nhưng vào đó nhiều hàng hóa tập trung, nhìn vào thật ngứa mắt, ngứa tay: mua cá hồi Na Uy, tôm hùm Alaska chứa nhiều vatamin tốt cho sức khỏe phụ nữ, mua sôcôla cho lũ con, mua hũ yaourt phô mai cho ông xã… Đi ra chợ đâu có mấy thứ hấp dẫn đó nhưng đồ đoàn chắc chắn giá rẻ hơn siêu thị một chút vì không có chi phí cho máy lạnh, cho đồng phục, đèn đuốc… Nếu chịu khó mất công canh giờ đi chợ muộn, mua hàng thừa thì lại rẻ chút nữa. Thành thử siêu thị phải đặt ra khuyến mãi liên tục để giữ khách trong tình trạng mọi thứ nhất loạt tăng vọt.
Mặc dù một số bà nội trợ chọn chợ gần nhà để mua sắm nhưng rõ ràng mãi lực giảm hẳn. Chợ chỉ đông đúc đến khoảng chín giờ, chín rưỡi, tới mười giờ mặc dù hàng nào hàng nấy còn đầy ăm ắp nhưng khách hàng thưa thấy rõ. Hai sạp thịt trong chợ đã phải đóng cửa sạp. Bà bán rau ở chợ cóc kêu trời
– Người đi đâu hết rồi! Nếu tôi mua hàng nhiều thì bị ế, còn như mua ít thì không đủ sở hụi. Hàng bán chưa vơi chợ đã tàn.
Chị bán quần áo “sida” ngồi bên cạnh chêm vào:
– Ế quá, hàng cua, hàng phá lấu, hàng sương sa hột lựu đã nghỉ bớt. Bây giờ người ta chỉ mua thực phẩm thiết yếu cần thiết, không còn xài sang nữa. Bà bán trái cây trước kia bán từ sáng sớm đến chiều tối, bây giờ chỉ còn bán buổi sáng và hàng thu hẹp lại một nửa.
– Hàng trái cây dẹp bớt, còn hàng rau thì bán thêm trái cây…
Đúng vậy, do quá đắt đỏ nên các hàng đều bán cặp thêm. Hàng vịt sống bày thêm vịt quay ngay bên cạnh, sạp thịt sống bán thêm lạp xưởng tươi, mâm cá tươi bán thêm rổ cá khô… Cứ hàng sống bán chung với hàng chín. Tay bà bán hàng cầm qua bốc lại nhìn hoài cũng quen!
Một anh bán nồi niêu xoong chảo, mặt chảy dài:
-Mướn chỗ ngồi cặp bên hông nhà người ta hết 30 ngàn mà nguyên buổi không bán được món nào.
Bà mẹ đơn thân nuôi một con, dù lương hơn chục triệu cũng than:
– Đắt đỏ quá. Phải bớt tiền chợ, tiền sữa, tiền quà mới đủ sống.
Mất việc, giãn việc. Ai có công việc trong tay đều nhẫn nhịn, miễn sao có công việc, có đồng lương là may mắn rồi.
Đơn vị tiền tệ không phải đồng mà là năm ngàn, mười ngàn, năm chục ngàn đồng .
– Bó bông này bao nhiêu?
– Bốn chục.
– Thôi bớt, lấy ba chục nhe.
Cái gì cũng tăng, dịch vụ cũng tăng. Sửa cái máy bơm nước từ một trăm lên hai trăm ngàn đồng, Đi cuốc xe ôm từ bảy chục lên bạc trăm. Tiền học thêm tại nhà cô từ bốn trăm lên năm trăm…
Giá sữa lên cao nên chỉ một số trẻ em thành phố còn được uống sữa, trong đó nhiều gia đình đã phải giảm bớt số lượng. Đi xuống miền quê dễ dàng nhận thấy trẻ em rất còi cọc. Không lạ khi thành tích thể thao của VN không thể lên cao và vóc dáng thanh niên VN vẫn quá thấp bé. Trong tình hình lo miếng ăn hàng ngày đã bở hơi tai thì sữa cho trẻ em là điều gì như quá xa xỉ.
Dù thu nhập giảm, thậm chí chỉ còn con số không nhưng có thứ chi tiêu tới bạc tỷ không giảm mà còn tăng là giá căn nhà, căn hộ. Tại Saigon, giá bán căn hộ trong quý III/2020 tăng từ 15 đến 20% so với quý II.
Gần đây, giá cả gia tăng chóng mặt với mức sống cao của thành phố đã chặn bớt làn sóng nhập cư từ thôn quê và miền núi đổ về. Công nhân trong các nhà máy xí nghiệp lâu lắm lương mới ngắc ngoải bò lên vài trăm ngàn trong khi thực phẩm, tiền thuê nhà tăng vùn vụt. May mắn còn được tăng ca, dù nhược cả người nhưng có thêm ít tiền để gửi về quê nuôi gia đình.
Họ đã tiết kiệm tới mức không còn thể tiết kiệm hơn nữa. Những người nông dân bỏ ruộng vườn tìm lên thành phố mong đổi đời nay lại khăn gói trở về quê cũ. Tính ra bây giờ làm công nhân cho xí nghiệp gần nhà dù lương bổng thấp vẫn còn chịu đựng được hơn. Nhưng quê lại bão lụt trắng trời biết sao bây giờ…
Nhưng dấu hiệu cho cuộc sống trước mắt sẽ ngày càng khó khăn…

SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email