Đối với nhiều người Việt Nam, ô nhiễm không khí là mối quan tâm lớn hơn so với đại dịch COVID-19.
Tờ South China Morning Post vào ngày 27 tháng 1 đưa tin như vừa nêu về nạn ô nhiễm không khí tại thủ đô Việt Nam. Tin trích dẫn những chỉ số trong các tuần trước đó tại Hà Nội lên ngưỡng cảnh báo cao nhất, báo động có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chỉ số AQI theo AirVisual của Hà Nội có thời điểm ở mức kém hơn một số thành phố khác như New Delhi, Ấn Độ và Bắc Kinh, Trung Quốc.
Còn theo Chỉ số Hiệu suất Môi trường năm 2020 của Đại học Yale, Việt Nam xếp thứ 115 trong số 180 quốc gia trên toàn cầu về chất lượng không khí, thấp hơn nhiều so với nhiều nước ở Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Timor-Leste.
Tờ SCMP trích thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát giác rằng hơn 60.000 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí, gấp khoảng sáu lần số người chết vì tai nạn giao thông. Theo WHO, chất bụi mịn bao gồm sunphat, nitrat, amoniac, bụi khoáng và nước, có thể xâm nhập sâu vào phổi và máu và trong thời gian lâu dài có thể làm tăng phát triển các bệnh tim mạch và hô hấp cũng như ung thư phổi.
Các quan chức môi trường Hà Nội nói ô nhiễm không khí là do các hoạt động công nghiệp quy mô lớn xung quanh thành phố, giao thông gia tăng, quá tải rác và các công trường xây dựng.
Hôm 25 tháng 1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhận định rằng tình trạng ô nhiễm tại Việt Nam rất nghiêm trọng và là một vấn đề rất đáng lo ngại.
Truyền thông trong nước thường xuyên khuyến cáo người dân tránh đi ra ngoài đường nếu không cần thiết, và có biện pháp bảo vệ bằng cách trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính đen.