Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin dẫn thông báo của ông Hoàng Phúc Lâm- phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Việt Nam thì vào rạng sáng ngày 29/10 Đài khí tượng Nhật Bản đã phát tin phía Đông Philippines hình thành cơn bão có tên Goni xuất hiện và đang cách Biển Đông khá xa. Dự báo ngày 1/11 bão Goni sẽ tiến vào Biển Đông.
Ông Lâm thông tin dự báo xa, khoảng cuối tuần sau, bão Goni có khả năng gây mưa lớn ở Trung Bộ trong đó có các tỉnh Trung Trung Bộ. Trong hai ngày tiếp theo không khí lạnh dồn xuống khá mạnh, bão vào hoà với không khí lạnh nên diễn biến cơn bão tương đối phức tạp.
Trước đó, cơn bão Molave đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9.
Bão số 9, Molave, đổ bộ vào miền Trung Việt Nam sáng ngày 28/10, trở thành trận bão lớn thứ tư ập vào Việt Nam trong vòng 1 tháng.
Theo báo cáo của Hội Hồng thập tự Việt Nam, bão Molave ập vào các tỉnh từ Quảng Nam tới Bình Định, với sức gió 165 km/giờ, được coi là một trong những trận bão gây nhiều tàn phá nhất trong nhiều thập kỷ.
Tính đến 4 giờ chiều ngày 28 tháng 10 đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 26 thuyền viên trên hai chiếc tàu đánh cá bị đắm mất tích. Có 56 ngàn ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 53 ngàn căn ở tỉnh Quảng Ngãi.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam vào chiều ngày 28 tháng 10 cho biết mực nước lũ trên các sông từ tỉnh Quảng Trị đến Bình Định, Gia Lai, Kon Tum đang lên. Trong thời gian 12 giờ tới lũ trên Sông Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị có thể lên trên mức báo động 2; lũ Sông Vu Gia ở Quảng Nam và Sông Trà Khúc, Sông vệ ở Quảng Ngãi trên mức báo động 3. Lũ Sông Dakbla ở Kon Tum có thể trên mức báo động 3 chừng 2 mét.
Theo cảnh báo của cơ quan này, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở và ngập lụt đô thị, vùng trũng ở các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Định và ở phía bắc Tây Nguyên.