Bảo vệ tình yêu muộn màng

HỎI:
Tôi hy vọng điều tôi sắp viết ra trong lá thư này không làm cho các bậc đồng tuế với tôi cau mày phiền trách, nhẹ nhất thì cũng chép miệng xếp tờ báo lại. Còn các bậc con cháu thì nên tự hỏi lòng cho kỹ, xem các cô cậu cấm cản cha mẹ là vì lý do gì ngoài lý do sợ của cải của cha mẹ qua tay người khác? Cũng nên tự hỏi khi cha mẹ ngày một già yếu, liệu cô cậu có trông nom cha mẹ được một giờ, một buổi hay một ngày nào không? Cô cậu có vui lòng bán cái nhà di sản của cha mẹ để lấy tiền cho các cụ vào cái nursing home nào tử tế để các cụ đỡ cơ cực cả hồn lẫn xác hay không?
Tôi từng chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh ngộ cha mẹ già, nhất là các cụ khi đã quá yếu hoặc lú lẫn ít nhiều, bị con cái cho vào nursing home chờ chết, không người thăm viếng thường xuyên, phải đối đầu với sự chăm sóc tối thiểu của những người gọi là chuyên viên nên họ chỉ làm như máy, lạnh lẽo, không có chỗ và cũng không có thời giờ cho tình người. Được cho ăn, cho uống theo đồng hồ; được khô ráo không ướt át, hôi hám là quá mừng rồi.
Tục ngữ nước ta có câu “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông.” Tôi bạc phước nên vợ tôi chết trước. Đứa con này, đứa con kia mời bố về ở cho khỏi đơn chiếc, bảo bố bán nhà đi cho tiền vào CD. Rút kinh nghiệm bạn bè, tôi trả lời chúng là hãy để từ từ. Thật ra, tôi biết thân lắm, chẳng dại gì đang ở biển lại chui vào ngòi. Mai mốt gần gũi quá, sinh chuyện, nhức đầu, điếc tai hàng xóm. Chưa kể chúng biết bố có tiền để nhà băng, sẽ hỏi vay mượn làm việc này việc nọ, đưa thì cầm bằng mất mà mất cũng không yên vì hết tiền nó nhục lắm nhưng nếu không đưa cũng chết, chúng sẽ gầm gừ đuổi đi, trắng mắt ra, già gần xuống lỗ không ai dám cho mướn phòng, chỗ đâu mà chui ra chui vào?
Cho nên, tôi phải tìm một bà bạn già để bầu bạn, chăm sóc, an ủi nhau trong buổi hoàng hôn đời người, lúc viên thuốc, lúc chén trà, lúc xoa bóp hộ cái lưng hay cái chân, cái tay đau, vừa đỡ cô quạnh, vừa không làm phiền đến con cái. Thế nhưng ba cô tiểu thư nhà tôi nhất định phản đối, nói ở tuổi 73, bố già quá rồi, đừng bon chen nữa người ta cười. Thế nào là già quá, tôi thực sự không biết mà cho dẫu tôi có già quá như chúng nói thì người nào tới với tôi sẽ đặt vấn đề chứ mắc mớ gì chúng? Tôi vẫn lái xe xa lộ, vẫn thích ăn ngon, vẫn thích vui đùa vô tư, vẫn thỉnh thoảng đi nhảy đầm cho giãn gân cốt, vẫn đi nghe nhạc thính phòng để lòng nhớ lại Sàigòn những năm tôi mới 30 tuổi. Nghĩa là tôi vẫn thấy mình khỏe mạnh, sáng suốt, tràn đầy sinh lực, tất nhiên không phải cái sinh lực thời trai tráng nhưng của một người cao niên còn khả năng sống có ý nghĩa cuộc đời về chiều của mình, cớ gì mấy cô con gái của tôi chồng con đề huề cứ nhắc nhở vào tai tôi mỗi ngày là tôi già rồi, không nên làm gì nữa, cứ ngồi một chỗ chờ chúng sắp đặt mọi việc cho và chờ chết?
Chúng dặn dò bạn bè tới rủ tôi đi chơi: “Các bác làm ơn xem chừng bố tụi con giùm. Ổng không biết sức mình đâu, sung lắm rồi mang họa lúc nào không hay đó bác!” làm các ông bạn tôi chột dạ, chùn chân, không tới nhà nữa mà hẹn tôi ở ngoài. Các bà thì khỏi nói. Không một bà nào không biết con gái ông Long mũ đỏ dữ như chằn tinh.
Tuy vậy, mọi sự cũng do số trời. Có một bà 70 góa bụa, hoàn cảnh tương tự như tôi và không biết sợ gì cả, sẵn lòng kết bạn với tôi để cùng vui buồn lúc tuổi già. Bà trông trẻ hơn tuổi nhiều, ăn uống kỹ lưỡng nên ngoại hình thon thả. Bà trước có đi làm, nay về hưu, được hưởng hưu bổng của chính phủ và của hãng cũ, có savings riêng nên rất an nhàn. Bà chỉ có một con trai và hai cháu nội một đứa đã vào đại học, con dâu đối xử tử tế nên bà hiện đang ở với gia đình này. Bà cho biết bà ở góa đã lâu, không có nhu cầu xây dựng một gia đình mới nhưng nếu hợp nhau và mến mộ nhau, hai chúng tôi có thể họp thành một đôi để cùng đi chơi, đi du lịch, hưởng những thú vui tao nhã và săn sóc nhau khi cần. Chúng tôi đã có mối quan hệ tuyệt vời này chừng nửa năm nay, cả hai đều chân thành, thoải mái và rất vui khi ở bên nhau. Tuy bà không đòi hỏi hay muốn thay đổi cuộc sống của cả hai nhưng là người đàn ông, tôi muốn chủ động hơn một khi đã thực lòng yêu quý con người rất tư cách của bà nên tôi hết sức muốn đề nghị bà về sống chung và vì danh dự của bà, sẽ hợp thức hóa việc ấy. Đến đây, tôi biết mình sẽ vấp phải sự cản trở của mấy cô con gái. Nhượng bộ thì tôi không nhượng bộ vì tôi đã làm xong bổn phận với chúng và cả với bà vợ vắn số của tôi với 6 năm bà nằm bệnh trước khi qua đời. Nay đến lượt chúng trả hiếu nếu chúng muốn chứ tôi không có bổn phận nào thêm nữa. Nỗi khổ tâm của tôi là dù muốn dù không, với lũ con ích kỷ của tôi, tôi cũng sẽ lôi kéo bà vào một cảnh ngộ bất xứng với bà nên cảm thấy bất nhẫn, không biết nên cư xử thế nào cho phải và cho vẹn mọi bề?
Biết bà thường có cách giải đáp hợp tình hợp lý nhiều trường hợp khúc mắc, tôi mong được bà giúp cho ý kiến trường hợp của tôi và cảm ơn bà nhiều lắm. Kính chúc sức khỏe.
Long.

TRẢ LỜI:
Cũng xin cảm ơn lòng tin cậy của ông vào công việc tôi đang làm trên trang báo này gần ba thập niên qua.
Trước hết, chúc mừng ông đã may mắn gặp được người bạn tri kỷ mà qua thư ông mô tả, tôi cảm nhận bà là phước báu rất hiếm quý trong quãng đời bảng lảng bóng chiều rơi của ông. Chỉ là ông bối rối vì vui mừng và lo âu, ngay cả vì bản năng muốn quyết định của người đàn ông nên ông không thấy tất cả “giải pháp hợp tình, hợp lý” cho trường hợp ông không ở đâu xa mà đã nằm sẵn trong “con người rất tư cách” của bà bạn ông. Ông hãy nói chuyện với bà ấy cùng một cách như ông viết lá thư cho tôi và để bà giúp ông. Trong khi chờ đợi, tôi chép tặng ông mấy câu thơ của Hàn Mặc Tử nói về phép lạ huyền hoặc trong tình yêu:
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.
(Đà Lạt Trăng Mờ)
Không có một người như bà ấy, sẽ chẳng có cách nào “vẹn toàn” trong cuộc chiến giữa lòng tham của những đứa con và hạnh phúc riêng của ông bố bị ràng buộc bởi nền văn hóa nước mắt chảy xuôi. Cần một bên hy sinh, tôi chắc người tri kỷ của ông sẽ sẵn lòng hy sinh và “của cải” lớn nhất mà ông trao tặng bà không là một phần hay tất cả ngôi nhà (nên nhớ trong đó có cả phần của người mẹ quá cố tất nhiên muốn để lại cho con cháu của mình) mà chính là những gì quý giá nhất trong tâm hồn và trái tim của riêng ông. Mong là đã góp đủ ý cho ông và kính chúc ông mọi điều thỏa nguyện.

Bùi Bích Hà

Xem thêm

Nhận báo giá qua email