Người Mỹ đang chia rẽ. Hai phe bênh Trump và chống Trump cãi nhau loạn xạ về việc Nga làm lợi cho ai khi can thiệp vào cuộc tuyển cử của Hoa Kỳ năm 2016. Ông Trump nhất định tìm đủ mọi cách để cãi cho bằng được (nhưng không chứng minh được) rằng ông ấy không có toa rập với người Nga trong cuộc tuyển cử này. Nhưng mọi người không ai phủ nhận việc Nga có tìm cách lũng đoạn cuộc tuyển cử bầu Tổng thống, và nhiều cuộc bầu cử khác của Hoa Kỳ. Và, cho dù sự lũng đoạn đó có thực sự làm thay đổi được kết quả các cuộc tuyển cử hay không, nó đã có kết quả đào sâu thêm hố chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ. Nói theo kiểu một ông cựu tổng bí thư của đảng CS Việt Nam, nước Mỹ đã bị “phân hóa nội bộ”.
Thế nên, để trả đũa, chính phủ Hoa Kỳ vừa đưa ra những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga. Lập tức, Nga lên tiếng phản đối. Điện Kremlin tố cáo rằng các biện pháp này nhằm ảnh hường đến cuộc bầu cử tổng thống Nga sắp tới.
Ngày Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2018, dân chúng Nga sẽ đi bầu tổng thống.
Trừ ra ông Alexei Nalvany bị loại vì “không đủ tiêu chuẩn”, hiện đã có 6 ứng cử viên tiến hành vận động. Đây là những ứng cử viên sáng giá, được các đảng phái đề cử và ủng hộ. Trong số đó, trội nhất là Pavel Grudinin và Vladimir Zhgirinovsky.
Liệu Mỹ có phá được cuộc tuyển cử của Nga hay không?
Tính ra, từ khi được Borsi Yeltsin đặt lên ghế thủ tướng năm 1999, đến nay, Putin đã lãnh đạo nước Nga hơn 17 năm trời,với 2 nhiệm kỳ thủ tướng, và 3 nhiệm kỳ tổng thống. Thắng cử kỳ này, ông ta sẽ làm tổng thống thêm 6 năm nữa. Và không biết đến trong nhiệm kỳ sắp tới, ông ta có sẽ vẽ ra chuyện gì, như đổi luật hoặc vận động dân chúng suy tôn, để trở thành… lãnh tụ muôn năm chẳng hạn.
Putin, từ du đãng đến mật vụ rồi thành tổng thống
Vị tổng thống có nét mặt lạnh lùng – đương nhiên, vì là gốc mật vụ, lại mật vụ cộng sản nữa, có lý lịch rất thích hợp cho nghề công an mật vụ.
Ra đời (7 tháng 10 năm 1952) với tên đầy đủ Vladimir Vladimirovich Putin và sống trong một ‘kommunalka’ – khu tập thể ở Petersburg, (thời đó còn gọi là Leningrad), cha làm trong một nhà máy, ông nội là đầu bếp, và ông cố là nông nô, Putin lớn lên ngoài sân khu nhà bên cạnh những chú bé hung hăng. Mọi người biết chú nhóc Volodya Putin thời đó đều biết chú thấp người nhưng sẵn sàng đánh nhau với những đứa cao, to hơn. Hơn thế nữa, chú thường tìm đến các vụ đập lộn, và là người tung quả đấm trước.
Chính Putin đã xác nhận với các nhà báo về mình thời thập niên 1960 ở Leningrad: “Tôi là một tên du đãng, không phải là một thiếu niên tiền phong.” Đúng thế, theo hồ sơ của ông ta, Putin chỉ được kết nạp vào đội năm 12 tuổi, trong khi tuổi “vào đội” ở Nga lúc đó là 9.
Putin yêu võ thuật – ban đầu là quyền Anh, rồi đến môn võ tự vệ tay không Sambo của Nga và sau đó là nhu đạo.
Putin cũng mê nghề tình báo ngay từ nhỏ. Ông say mê loạt phim truyền hình về các hoạt động ly kỳ của ngành này, kiểu như Ván bài lật ngửa của Việt cộng. Ông ta kể lại sau này về sự hấp dẫn của ngành tình báo : “Nỗ lực của một người có thể đạt được những gì cả những đạo quân không thể làm được. Một gián điệp có thể quyết định số phận của hàng ngàn người.”
Trong lúc còn đi học, Putin đã mò đến văn phòng của cơ quan KGB trên đại lộ Liteiny Prospekt ở Leningrad để hỏi làm cách nào để được nhận vào đây.
Sau khi tốt nghiệp ngành luật ở Đại học nhà nước Saint Petersburg năm 1975, Putin đầu quân cho KGB. Ông được huấn luyện rồi hoạt động trong ngành tình báo suốt 16 năm, trong đó có nhiều năm ở Đông Đức và đã chứng kiến sự sụp đổ của Cộng hòa Dân chủ Đức.
Năm 1991, Putin rời khỏi KGB khi đang mang lon Trung tá để nhảy vào chính trị. Ông ta theo phò Anatoly Sobchak, Thị trưởng St. Petersburg, cựu giáo sư luật của mình.
Chỉ trong 10 năm, sự nghiệp của anh cựu sĩ quan tình báo Vladimir lên như diều. Năm 1997, Putin được Boris Yeltsin bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Federal Security Service of the Russian Federation (FSB, cơ quan an ninh liên bang Nga, hậu thân của KGB) rồi 2 năm sau, thủ tướng.
Trong cái rối mù của nước Nga sau khi cộng sản sụp đổ, chỉ chưa đầy 2 năm trời, Yeltsin phải đổi thủ tướng xoành xoạch. Putin là thủ tướng thứ 5. Thoạt đầu, ông ta không được cảm tình của dân chúng vì là nhân vật trong chính quyền Yeltsin và cái gốc mật vụ. Tuy nhiên, sau đợt đánh bom ở Nga – mà người Chechen của xứ Chechnya bị coi là thủ phạm, Putin nổi lên như một lãnh đạo cứng rắn, có thể đối đầu với cuộc nổi dậy của Chechen.
Ngày đầu năm 1999, Yeltsin chỉ định Putin làm quyền tổng thống sau khi từ chức một ngày trước đó.
Lúc ấy, Boris Yeltsin không biết rằng mình vừa đặt nền tượng đài cho một lãnh tụ …kinh niên. Putin đã giữ vững vị trí quyền lực cao nhất nước Nga từ đó cho đến nay, thậm chí sẽ còn lâu hơn nữa.
Cùng ngày ông Putin công bố quyết định tái ứng cử – hôm 7 tháng 12, 2017, một cuộc triển lãm tranh nghệ thuật mang tên SUPERPUTIN đã khai mạc ở viện bảo tàng Ultra Modern Art Museum (UMAM) tại Moscow.
Triển lãm trưng bày tranh của 30 nghệ sĩ Nga. Trong bài giới thiệu được phổ biến online, phòng trưng bày nói các nghệ sĩ có nhiệm vụ minh họa cho “sự nổi tiếng độc đáo” của Putin và đi đến tận cùng “hình ảnh mà người dân Nga có về ông ta.”
Tại sao dân Nga ủng hộ Putin?
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, Putin – ứng cử với tư cách độc lập, thắng cử với trên 39 triệu bảy trăm ngàn phiếu, 53% . Gennady Zyuganov của đảng Cộng sản người về nhì chỉ đạt 29.5% với gần 22 triệu phiếu.
Ở cuộc bầu cử tổng thống lần thứ hai, năm 2002, Putin thắng với 71% phiếu.
Vì không được ứng cử tổng thống lần thứ ba, Putin lãnh đạo nước Nga bằng vị trí thủ tướng, được Tổng thống Dmitry Medvedev bổ nhiệm.
Đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, khi được Quốc hội Nga chấp thuận cho ứng cử theo đề nghị của Tổng thống Medvedev, Putin thắng cử với tỷ lệ 63.6% tổng số phiếu bầu. (Nói cho đúng, cuộc bầu cử này bị chỉ trích là có nhiều gian lận).
Wikipedia trong bài về Vladimir V. Putin nhận định: “Nguyên nhân sự ủng hộ ông Putin là do Tổng thống Putin đã giúp tình hình kinh tế ổn định trở lại sau 10 năm hỗn loạn thập niên 1990, mang lại cho đất nước Nga “ánh sáng hưng thịnh” và trong suốt 14 năm, thu nhập thực tế của người Nga đã tăng gấp 7 lần. Với sự kiện sáp nhập Crimea và đem quân hỗ trợ Chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, người Nga đã lại có cơ hội cảm nhận về vị trí siêu cường như thời Liên Xô.”
Bên cạnh đó, Putin lại có kỹ thuật cao trong việc tạo cho mình hình ảnh hấp dẫn của một lãnh tụ đầy nam tính, cường tráng, mạnh mẽ: cởi trần cưỡi ngựa ở Siberia, lái phản lực cơ chiến đấu trên bầu trời Chechnya năm 2000, và tham dự cuộc diễn hành vời băng đảng mô tô Sói đêm ở Hội liên hoan Hắc Hải… Đó là chưa kể đến cái đai đen judo của ông.
Với một lãnh tụ cứng cỏi như thế, người có những quyết định “đánh trước cái đã” như ở Crimea, Ukraina, Syria… nước Nga sớm muộn gì cũng sẽ phục hồi vị trí được kính nể – siêu cường hạng thứ hai của thế giới.
Putin …muôn năm
Nói gì thì nói, những chi phí, công sức của cả chính phủ lẫn người dân cho cuộc bầu cử này là phí phạm, vì ai cũng biết trước rằng đương kim tổng thống nước Nga, ông Vladimir Putin sẽ “đắc cử” với kết quả “long trời lở đất”.
Bảy cuộc thăm dò ý kiến trong tháng 1, 2018, do nhiều tổ chức khác nhau thực hiện, đã ghi nhận mức ủng hộ ông Putin từ con số tối thiểu (cuộc thăm dò ngày 8 tháng 1, của WCIOM, Trung tâm nghiên cứu Ý kiến Công chúng Nga)) là 54.3% đến tối đa (cuộc thăm dò ngày 15 tháng 1, cũng của WCIOM) là 73.2%. Kết quả cuộc thăm dò mới nhất được đăng trên wikikedia, do FBK (Anti Corruption Foundation, Sáng hội chống tham nhũng) thực hiện ngày 26 đến 31 tháng 1, là 60%. Cũng trong các cuộc thăm dò đó, ông Pavel Grudinin và ông Vladimir Zhgirinovsky là hai ứng cử viên có mức ủng hộ cao nhất, chỉ đạt … 7% và 6%.
Và cho dù Hoa kỳ có “phân hóa nội bộ” nước Nga mức nào đi chăng nữa, cũng chẳng có ai có thể thắng nổi siêu nhân của nước Nga.
Trở lại với cuộc triển lãm SUPERPUTIN, những tác phẩm trưng bày ở đây “mô tả vị đương kim tổng thống như là một siêu anh hùng tân thời … với những tài năng và kỹ năng phải coi là siêu tài năng (supertalents) và siêu năng lực (superpowers).
Trong các tấm tranh, ông Putin xuất hiện ở rất nhiều dạng. Ông là hoàng đế La mã, là Ông già Noel, siêu anh hùng chống khủng bố, là lực sĩ thế vận đang bắn khẩu thần công Putinblaster. Ông còn được vẽ ngồi ve vuốt một con báo hay mặc áo giáp sáng choang cưỡi … gấu. Dĩ nhiên phải có tranh vẽ ông ta quật ngã đối thủ bằng một đòn judo.
Tờ báo kinh doanh Vzglyad trích dẫn lời bà Yulia Dyuzheva, một nhà tổ chức triển lãm, nói: “Không có tác phẩm nào được đặt vẽ cả, tất cả đều do cảm hứng của tác giả mà ra .”
Cuộc triển lãm do Alexander Donskoy, một cựu thị trưởng của thành phố Arkhangelsk đỡ đầu.
(Có một chi tiết vui vui cần kể thêm ở đây: để kiếm thêm tài trợ và quảng bá, Donskoy đã tung ra một đợt quyên góp theo kiểu crowdfunding. Kết quả cuộc vận động này là … ba người hưởng ứng hiến tặng với tổng số tiền là 200 rubles, tương đương với 3 đô la).
Mà không phải chỉ đến cuộc triển lãm ở Moscow trong tháng 1 vừa rồi. Superputin đã xuất hiện ở Nga từ tháng 5 năm 2011.
Họa sĩ người Nga Sergei Kalenik đã xuất bản hẳn một tiểu thuyết bằng tranh trên mạng, đặt tên là “Superputin, Một Người Như Mọi Người”
Đỗ Quân