***
– Mario hả? Tôi là Jessie đây!
Jessie cho rằng anh chàng mới vào là người thanh niên chị đang đợi, nên chìa tay ra. Hắn lờ đi, mỉm cười theo lối xã giao thôi.
– Tôi biết chắc cô làm công ở đây.
Không chào hỏi, không giới thiệu, chẳng bắt tay, cũng chẳng tỏ ý thân mật. Hắn chỉ liếc sơ qua chị và chỗ làm việc của chị.
OK, anh yêu, cũng được thôi!
– Vâng, tôi làm ở đây – Chị quyết định không cho hắn biết chị đứng chủ.
– Vâng. Hình như người tôi gặp lúc bước vào đây là chủ của cô thì phải. Bà già mặc áo lông đó. Sẵn sàng để đi chứ?
Jessie đã nổi cục. Astrid đâu phải là “bà già”? Bạn của chị đấy!
Hắn có vẻ bực bội không muốn coi trình diễn ở quán Jerry. Nhưng hắn cũng làm hết ly rượu vang đỏ. Hắn kể lể mình là tay soạn kịch, hay đang cố gắng để thành kịch tác gia, và hắn còn xổ tiếng Anh giọng Ăng Lê, pha thêm cả toán học và tiếng Ý. Hắn lớn lên ở Nữu Ước, thuộc gia đình khá giả miền Tây. Hay ít nhất thì cũng là hắn tự khoe như vậy. Nhưng Jessie thắc mắc: hắn có vẻ là dân trung lưu miền Tây, chứ khá giả nỗi gì? Có khi còn là dân ngoại ô không chừng. Chỉ biết rằng bây giờ thấy hắn thô lỗ, khó ưa, và chị thắc mắc đến cả người bạn giới thiệu hắn với chị. Người này là một trong những người bạn quen biết trong việc làm ăn, nhưng vẫn còn… Tại sao họ lại có thể giới thiệu đến chị một đứa như thế này?
– Tốt. Nữu Ước hồi này ra sao? Lâu nay tôi không về thăm.
– Hử? Bao lâu?
– Gần tám tháng.
– Vẫn vậy. Tuần rồi, tôi có tham dự cuộc vui của dân chích choác cocaine lớn lắm. Ở công trường St. Mark đó. Ở đây hoạt động ra sao?
– Cocaine? Tôi không biết đến – Chị nhấm nháp ly rượu vang.
– Bồ không xài thứ đó hả?
Hắn vẫn giữ vẻ bực bội, cố làm ra vẻ bất cần đời. Dân thành phố lớn về tỉnh lẻ mà! Jessie rủa cho hắn gục ngay tại chỗ. Hay ít ra thì cút đâu cho rảnh.
Hắn vẫn đeo đuổi:
– Bồ không xài cocaine?
– Không. Nhưng Nữu Ước là thành phố đẹp đấy chứ. Sống ở đó thì sướng lắm.
– Chán thấy mồ.
Jessie ngước nhìn lên, mỉm cười ngạo nghễ, mong hắn thất vọng. Mario nhà soạn kịch mà là con người khó chịu đến vậy sao?
– Tốt, Mario! Ở đây không hấp dẫn bằng Nữu Ước Miền Tây đâu, nhưng chúng tôi cũng có những chỗ giải trí lành mạnh.
– Nghe nói đây là vùng đất kém văn hoá mà!
– Đúng đấy, cưng ạ! Cũng còn tùy. Mà anh định nói tới người nào mới được chứ? Ở đây cũng có vài văn sĩ, những người giỏi nữa. Rất giỏi – Chị nghĩ đến Ian, muốn đem anh ra để hạ nhục thằng khốn nạn này. Ian giỏi lắm chứ, quyến rũ lắm, xuất sắc lắm, lại đẹp trai nữa. Chị sẽ giải quyết với thằng con heo này ra sao đây? Thằng nhà quê này, thằng…
– Hử? Như những ai?
– Chi? Tâm trí Jessie nhảy từ Mario qua Ian.
– Cô vừa nói là ở đây có một vài văn sĩ tài ba. Tôi muốn hỏi là người nào. Cô định nói tới những nhà văn viết về khoa học giả tưởng?
Hắn nói giọng dè bĩu, và mỉm cười khinh đời khiến Jessie muốn dộng ly rượu vang vào hàm răng hắn.
– Không, không phải những nhà văn viết truyện khoa học giả tưởng. Tôi muốn nói tới tiểu thuyết, tiểu thuyết chân chính, không phải truyện giả tưởng.
Chị kể một dọc mấy tên, tất cả đều là bạn của Ian. Mario nghe mà không bình phẩm tiếng nào. Jessie giận sôi sùng sục.
– Cô biết tôi khâm phục nhất người nào không?
– Không. Nhưng nói mau cho tôi biết coi nào, tôi sẽ tìm ra.
– Chi?
– Một người đàn bà xuất sắc như cô, bán quần áo ở cửa tiệm. Tôi không biết rõ, nghĩ rằng người đó đang làm một việc gì có tính cách sáng tạo.
– Như là viết văn?
– Nghề văn, hội họa, điêu khắc, một thứ gì có ý nghĩa. Một cuộc sống lạ lùng thay: bán quần áo cho bà già mặc áo khoác lông thú!
– Tốt, anh biết điều đấy. Người ta thường làm việc gì người ta có thể làm được.
Jessie cố giữ cho cặp môi khỏi cong cớn khi chị mỉm cười.
– Anh đang viết những loại kịch bản nào?
– Sân khấu mới. Một màn toàn là vai nữ, khỏa thân. Quả thật là một xen vĩ đại đang hoàn thành trong đầu óc tôi, để trình diễn vào hồi thứ hai. Một xen đồng tính luyến ái, tiếp theo xen đàn bà đẻ con. (Thằng cha này bệnh hoạn quá)
– Nghe ngộ ghê!
Giọng chị xoáy vào đầu óc hắn.
– Còn đói không?
Bữa ăn tối còn nguyên trước mặt, vì chị mắc bận ngó hắn. Chị đang định kiếm những câu sắc mắc để cãi lại, cho hắn một mách, một cách nào đó để tống cổ hắn đi. Nhưng chị phải nhịn. Chị đã quen nhịn nhiều lần rồi. Nhiều khi không thể chịu nỗi mà cũng phải nhịn.
– Được. Tôi có thể làm một bữa no say.
Chị gợi ý vài câu, và cuối cùng hắn nhận món ăn kiểu Mexico, vì ở Nữu Ước món ăn Mexico cho ngon rất hiếm. Cuối cùng hắn đã tỉnh táo lại phần nào, và chị sẽ dẫn hắn lại một khách sạn nhỏ ở đường Lombard. Tình bạn sứt mẻ, nhưng món ăn rất ngon.
Sau bữa ăn tối, chị ngáp lớn tiếng vài lần, hy vọng hắn hiểu ý, nhưng hắn lại không chịu hiểu cho. Hắn tỏ ý muốn coi vài cảnh “cuộc sống về đêm”, nếu như ở đây có. Tất nhiên là có, nhưng chị không muốn đi. Tối nay nhất định không đi, với hắn lại càng không được. Chị đề nghị một quán cà phê gần nhà. Chị đã nghĩ ra một chước, cho hắn vào tròng. Chị cần cà phê cho tỉnh táo, vì chị đã uống ba bốn ly rượu vang trong bữa ăn tối rồi. Mario đã uống ít ra cũng gấp đôi chị, chưa kể chầu rượu ở quán Jerry. Hắn đã bắt đầu nói ríu lưỡi.
Hai người vào quán cà phê. hắn kêu cà phê đen, chị kêu cà phê sữa. Hắn liếc nhìn chị qua phần trên chiếc ly cà phê.
– Trông em cũng không đến nỗi xấu xí.
Nghe giọng nói, tôi cứ tưởng người đang phân tích các loại máu vậy. Máu anh chắc hẳn là máu dê rồi.
– Cám ơn anh.
– Nhà em ở đâu vậy?
– Cách đây vài ba căn.
Jessie uống hớt bọt sữa trên ly cà phê, nghĩ cách tính bài chuồn. Chị đã quyết định không cho hắn biết số nhà của chị. Chị đã ngán đến cần cổ rồi.
– Nhà cao tầng hả?
– Trung bình. Sao?
– Vì anh không muốn leo mấy chục tầng lầu, em ạ. Chỉ tại vậy thôi. Anh mệt quá trời rồi. Lại đang say oắc cần câu đây.
Hắn búng ngón tay và mỉm cười, liếc mắt đưa tình, khiến chị nhìn hắn phát nực.
– Không sao đâu, Mario. Chúng ta sẽ đón xe bus, và em hân hạnh đưa anh về tận nhà, dù anh ở đâu cĩng được.
– Em nói “tôi ở đâu cũng được” là nghĩa làm sao?
Trong ánh mắt hắn có tia tức giận, đổi sang bối rối.
– Anh lịch sự lắm. Anh nghe ra sao?
– Nghe dễ thương lắm. Anh nghĩ là em sẽ mời anh ở lại.
Chị muốn nói với hắn rằng chị đã có chồng, nhưng chị không muốn giải quyết cách đó. Vả lại, làm sao chị có thể giải thích chuyện đi ăn tối với hắn cho êm xuôi?
– Anh Mario nè… – Chị mỉm cười thật hiền dịu – Anh tưởng lầm rồi. Ở tỉnh nhỏ, tụi em không làm theo cách ấy đâu. Hay ít ra là em không làm như vậy.
– Thế là nghĩa làm sao?
Hắn ngồi thụt xuống trên chiếc ghế, vẻ mặt khó chịu.
– Nghĩa là cám ơn anh đã cho em hưởng một buổi tối thật vui vẻ.
Chị bắt đầu gài nút chiếc áo khoác, đứng dậy, vẻ ranh mãnh trong ánh mắt. Nhưng hắn đã nhoài qua bàn, nắm cánh tay chị, khiến chị đau nhói ở cổ tay.
– Nghe đây, đồ khỉ gió. Chúng ta đã đi ăn chung bữa tối, phải không? Tôi không hiểu cô nghĩ ra sao mà…
Nhìn vào mặt hắn, chị thấy những nét chị không muốn bao giờ phải nhìn lại nữa, và đột nhiên câu chuyện mới rồi với bà Astrid lóe lên trong đầu chị: “nếu hắn không đàng hoàng, em có thể cho hắn đo ván…”… Và chị vặn cánh tay khiến hắn phải buông ra, và trên nét mặt nghiêm nghị của chị có một điều nhắn nhủ hắn chớ làm tới.
– Thưa ông, tôi không hiểu ông suy nghĩ ra sao, nhưng tôi biết rõ những điều tôi nghĩ. Và tôi cho rằng nếu ông còn đụng tới tôi, thì phiền cho ông lắm đấy. Chào ông!
Chị bỏ đi liền, hắn không kịp phản ứng. Chỉ tội các cô hầu bàn là những người phải chịu đựng cơn giận của hắn: hắn gạt tay ngang bàn, ly tách rớt xuống sàn, vỡ loảng xoảng. Hai cô năn nỉ hắn, nói cho hắn nghe ra điều hắn cần lúc này là chỗ thoáng đãng.
Jessie đã về gần đến nhà. Chị bước mau qua mấy dãy nhà cuối cùng, không khí ban đêm mát lạnh trên mặt, và chị cảm thấy bình thản lạ lùng. Buổi tối mất vui, nhưng đã thoát khỏi hắn, có lẽ không bao giờ gặp lại hắn nữa. Những người đàn ông như thế khiến da thịt chị ngứa ngáy, nhưng ít ra chị cũng biết cách xử sự với họ. Và với bản thân chị. Lúc đầu, những tối như thế này khiến chị khiếp hãi. Nhưng chị đã làm quen đủ mọi hạng người, những thằng khốn nạn trong đám khốn nạn. Những người tử tế đều đã có vợ, hoặc trốn đâu mất. Những đứa còn lại đều cùng một giuộc. Chúng uống như hũ chìm, không hé miệng cười hoặc có cười thì cũng rất khó khăn. Chúng huyênh hoang hoặc thác loạn thần kinh hoặc vui hời hợt. Chúng thuộc nhóm cần sa ma túy hay nhóm yêu vội sống cuồng, hoặc kể lể những chuyện bốn năm về trước các bà vợ trước kia của chúng đã làm những gì mà đến nỗi chúng bị liệt dương. Vì thế chị bắt đầu nghĩ rằng cứ ở nhà lại thấy sung sướng hơn. Cuộc sống trụy lạc chẳng thú vị gì.
– Buổi tối qua của chị thế nào?
Sáng hôm sau, vừa bước vào cửa hàng, Jessie lên tiếng hỏi trước. Chị muốn ngăn chận Astrid, không muốn bà hỏi han lôi thôi. Chị không muốn kể về Mario.
– Hiện thời vẫn là một buổi tối đẹp đẽ. Chị đã bắt đầu ưa thích.
Bà có vẻ vui sướng và thư thái tâm hồn. Trái với Jessie, bà chẳng mong ước được vui vẻ trong một cuộc hẹn hò, nhưng lần này bà thấy vui hơn.
– Buổi tối qua của em ra sao? Hình như chị đã gặp đúng chàng thanh niên của em, lúc chị bước ra thì phải.
– Có lẽ chị đã gặp đúng hắn đấy. Phải chi chị xô té hắn trên đường đi vô, thì đỡ khổ cho em biết mấy.
– Dở lắm hả?
Bà Astrid tỏ cảm tình với Jessie, khiến chị đau khổ thêm.
– Tệ hại lắm. Em đá đít rồi!
Đúng như ý nghĩ của bà Astrid: thằng cha này không tốt.
– Thôi ta quay lại với quầy hàng cho rồi.
Jessie khẽ mỉm cười, chị lục lọi đống thư từ, lọc những bức thư ra khỏi đống hóa đơn. Chị ngừng lại một lát, nhìn một bao thơ khổ rộng, màu trắng, xé làm đôi, vất vào sọt rác. Lại một lá thư của Ian. Mỗi lần thấy Jessie làm vậy, Astrid lại thấy đau lòng, bà thấy có vẻ không tử tế, gần như tàn ác. Bà tự hỏi Ian nghĩ sao, nếu biết, hoặc nghi ngờ thôi, chuyện Jessie không thèm đọc thư của anh. Bà cũng thắc mắc không hiểu anh viết gì trong thư.
– Đừng có vẻ mặt như thế, chị Astrid – Giọng Jessie vang lên, cắt đứt tư tưởng của Astrid.
– Như thế nào?
– Như xé nát tim chị, mỗi lần thấy em liệng bỏ thư của anh ấy.
Chị tiếp tục lọc các lá thư, hầu như dửng dưng. Nhưng không hẳn như thế, và Astrid thấy tay Jessie hơi run run.
– Nhưng tại sao em lại làm vậy?
– Vì giữa chúng em không có điều gì để nói nữa. Em không muốn nghe, không muốn đọc, hay mở cho ảnh một cánh cửa nào. Có thể em sẽ bị lạc hướng. Em không muốn bị thu hút vào một cuộc đối thoại nào với anh ấy nữa.
– Nhưng có lẽ em nên cho chú ấy một cơ hội để nói lên điều suy nghĩ của chú ấy chứ? Cách làm của em có vẻ không đẹp.
Astrid nhìn Jessie với vẻ van nài, nhưng chị đã quay lại với đống thư từ, đáp:
– Không thành vấn đề nữa rồi. Em không cần biết tới ảnh muốn nói gì. Em đã nhất quyết rồi. Ảnh có nói lắm chỉ làm cho câu chuyện nặng nề thêm lên. Ảnh không thể làm thay đổi chuyện gì.
– Em tin chắc là em muốn ly dị?
Trước khi trả lời, Jessie ngước nhìn lên, nhìn thẳng váo mắt Astrid:
– Vâng, em tin chắc.
Dù chán những thằng đàn ông như Mario, ghét cảnh cô đơn và trống rỗng, chị vẫn tin chắc rằng ly dị là chuyện đúng. Nhưng không có nghĩa là nó không làm thương tổn.
Hai bà khách vừa bước vào tiệm, đỡ cho Jessie khỏi bàn cãi. Katsuko ra ngoài có việc, Astrid đành phải đứng ra tiếp khách. Jessie vào văn phòng, đóng cửa lại. Astrid hiểu ý: vấn đề không bàn cãi nữa. Luôn luôn là như vậy.
Sau đó, cả ngày bận rộn, cả tuần, cả tháng bận rộn. Cửa tiệm đã phát đạt, người ta đổ tới sắm quần áo mùa hè.
Lâu lâu ba người cũng nhận được bưu thiếp của Zina. Cô ta đã mang bầu. Katsuko quyết định để tóc trở lại. Cuộc sống trở lại với những chi tiết bình thường: ai sắp đi Âu Châu, đường viền trên quần áo nên như thế nào, nên sơn lại mặt tiền cửa hàng hay không, nên trồng cây phong lữ mới ở khu vườn nhỏ của Katsuko chăng. Jessie luôn luôn tỏ lòng biết ơn trời đã cho chị những việc làm tầm thường đó. Cuộc đời chị là một dàn nhạc lâu nay tiết tấu toàn những bản buồn thảm, lúc này là lúc cần những khúc nhạc mới: giản dị, dễ dàng và tươi sáng. Và quyết định xong vần đề ly dị, thì chẳng còn quyết định nào quan trọng hơn nữa.
Chị cảm thấy như thể câu chuyện khủng khiếp không hề xảy ra. Chiếc nhẫn cẩm thạch của má chị đã an toàn nằm trong két của ngân hàng. Quyền sở hữu căn nhà và cửa tiệm đã giải quyết xong. Cửa hàng lúc này lại vững vàng trở lại. Nhưng vẫn có những thay đổi. Nhiều thay đổi hơn lòng chị muốn công nhận nữa: chị được tự do hơn, bớt khiếp sợ, già dặn hơn. Cuộc đời vẫn biến đổi.
Một buổi sáng ba người cùng uống cà phê tại cửa tiệm, đột nhiên Jessie đứng dậy, ngắm nghía mấy kệ hàng.
– Em phải làm sao thấp bớt chừng hơn một tấc mới mặc vừa!
Bà Astrid mỉm cười nhìn Jessie ướm thử chiếc áo khổ số tám.
– Ồ, im nào!
Chị quay đầu, nhăn mặt nhìn Astrid, rồi cau mày.
– Kat, thường thường Zina bận quần áo size số mấy?
– Ôi, lạy Chúa tôi! Khó kiếm thứ nào cho vừa với khổ người của nó. Vòng eo size số bốn, vòng ngực số mười bốn.
– Khủng khiếp! Về áo sơ mi, thì em nói khổ nào là vừa?
– Số tám.
– Chị đang tính kiếm một chiếc áo như vậy đấy.
Chị vênh mặt nhìn bà Astrid:
– Em nghĩ có lẽ chúng ta nên gửi cho cô ấy một món quà tặng. Cô lấy phải anh chàng không kiếm được nhiều tiền, và đang gặp khó khăn vì lúc này lại đang mang bầu. Chị nghĩ sao về mấy món hàng này?
Chị lôi ra ba chiếc áo dài trong mặt hàng mùa xuân, màu kem, kiểu không cầu kỳ.
– Thượng thặng!
Kat vội công nhận và Astrid tỏ vẻ cảm động:
– Việc làm tốt đẹp quá chừng.
Jessie rất bối rối, đưa cho Katsuko mấy chiếc áo dài.
– A!… của nợ. Ba người cùng cười vang, và Jessie lại ngồi xuống uống cà phê: “Gởi ngay hôm nay cho cô ấy nhé, Kat! Ta có nên gởi gì thêm cho đứa bé không nhỉ?”
Chị cũng không biết tại sao, nhưng chị muốn mừng đứa con của Zina. Cậu bé, hay cô bé đó sẽ là một điều gì đặc biệt đối với chị.
– Chưa nên đâu. Phải vài tháng nữa. Vả lại, đó là tin xấu.
Bà Astrid tỏ vẻ hơi khó chịu:
– Việc gì mà phải quan tâm đến chuyện sinh nở.
– Em chưa bao giờ được làm mẹ, nên em quyết định phải được thú vui làm dì. Vả lại, em nghĩ rằng nếu em sớm lo lắng đến cháu bé, thì có thể cô ấy sẽ mời em làm mẹ đỡ đầu.
Astrid cười ròn, và Katsuko cẩn thận gấp mấy chiếc áo đó lại, bỏ vào hộp, chặn bằng giấy lụa màu vàng. Cô đưa mắt liếc vội Jessie, nhưng chị đã đứng dậy bỏ đi. Đột nhiên chị lại cảm thấy cô đơn. Lần đầu tiên trong đời chị cảm thấy cô đơn vì thiếu đứa con. Sao bây giờ đây? Chị nhận định rằng chỉ vì chị sẵn sàng yêu trở lại một người nào đó.
Katsuko nêu ý kiến thắc mắc:
– Zina yêu quý trẻ con lắm, chị Jessie ạ. Còn chị, ai nói là chị không thể có con đâu nào?
Lần đầu tiên, Jessie nói chuyện thoải mái về vấn đề con cái. Katsuko luôn luôn nghĩ rằng thế nào cũng có lúc Jessie quyết định có một đứa con, nhưng hiếm khi chị mở miệng nói chuyện riêng tư. Chị không thuộc loại những người đàn bà có thể bàn luận về đời sống tình dục, và những giấc mơ thầm kín của mình tại văn phòng. Nhưng dường như bây giờ chị lại đổi tính hay nói… Chị không có Ian để thổ lộ tâm tình nữa. Những ngày gần đây, hình như chị ham muốn có một người nào để nói chuyện. Chị ngồi xuống lần nữa, trước khi chị nói tiếp:
– Chị nói thẳng là chị sẽ không bao giờ làm mẹ. Em có thấy những ngày gần đây ra sao không? Nếu chị gặp toàn những hạng người kiểu mẫu như thế, thì chị nghĩ không nên truyền cái giống nòi đó làm chi. Mấy thằng cha đó lẽ ra nên cho tuyệt giống đi cho rồi.
Hai người cùng cười vang, và Jessie uống cạn ly cà phê.
– Toàn là những thứ không có đầu óc, đầu óc phân nửa, đầu óc u tối và đầu óc to bằng con chí. Đó là chưa kể những thằng cha có đầu óc ngâm vào axít, những thằng chó lừa dối vợ và những thằng cha không có chút tinh thần hài hước nào. Em mong cho chị lấy mấy thằng thân yêu đó, và có con chăng?
Rồi chị nghiêm nét mặt lại:
-Vả lại chị cũng già rồi!
Bà Astrid lên tiếng trước:
– Đừng lố bịch chứ!
– Em nói đứng đắn đấy. Thành thật đấy! Vào lúc mà em kiếm chồng để có đứa con, thì em đã ba mươi tư, ba mươi lăm tuổi. Già quá rồi. Phải bằng tuổi Zina kia! Cô ấy bao nhiêu nhỉ? Hai mươi sáu? Hai mươi bảy?
Katsuko gật đầu, tỏ ý suy nghĩ, rồi hỏi Jessie một câu nẩy lửa:
– Chị Jessie… chị có hối tiếc là không có con với anh Ian chăng?
Im lặng một lúc lâu, Jessie mới lên tiếng trả lời, và bà Astrid rất sợ chị mất bình tĩnh, mất vẻ lạnh lùng. Nhưng Jessie vẫn thản nhiên.
– Chị cũng không biết. Có lẽ chị có hối tiếc. Cũng có thể chị chỉ cho rằng chưa bao giờ chị nghĩ đến chuyện có con. Nhưng hình như là chuyện rất buồn – Có lẽ còn tệ hại hơn buồn nữa, mà là trống rỗng, hoàn toàn – Chị buồn vì sống bao nhiêu năm với một người đàn ông mà rồi chẳng có gì. Vài cuốn sách, vài cây trồng, chút ít đồ đạc và một chiếc xe rã bèn, thế thôi. Không có thứ gì chân thật, không có thứ gì để lại lâu năm, để có thể nói “Chúng tôi đây”, cho dù chúng tôi không còn đấy nữa. Không thứ gì có thể nói lên “Em yêu anh”, cho dù em chẳng còn yêu anh chút nào nữa – Chị rưng rưng nước mắt, khẽ nhún vai, đứng dậy. Chị tránh nhìn vào mắt hai người kia, rồi tỏ vẻ bận rộn, trở lại văn phòng – Dầu sao thì chuyện đời là vậy. Trở lại công việc đi, Kat và Astrid. Và đừng quên gởi áo dài cho Zina ngay tức thời, Kat nhé!
Đến tận giờ ăn trưa, hai người mới gặp lại Jessie và cả hai không người nào dám đả động tới câu chuyện cũ.
Nhưng về cơ bản thì ba người đều sung sướng. Jessie rất bực bội, chán mấy người đàn ông đi chơi tối với chị, nhưng không phải vì vậy mà chị thiếu hạnh phúc. Không còn những vết thương lòng, những cuộc khủng hoàng trong đời sống nữa. Astrid vẫn gặp người đàn ông duy nhất bà đã gặp hồi đầu mùa xuân này, và bà vui thích nhiều, nhưng ít chịu công nhận ra mặt. Ông ta đưa bà đi coi hát nhiều lần, sưu tập công trình của các nhà điêu khắc trẻ tuổi chưa nỗi danh, có một căn nhà nhỏ ở Mendocino, mà cuối cùng Astrid công nhận sẽ về sống ở đó. Nhiều lần nghỉ cuối tuần, bà đã về chơi đó, và vì thế từ thứ sáu tuần trước tới thứ hai tuần sau, Jessie chẳng nghe ai nói về bà ta.
Jessie cũng rất bận rộn: chị làm việc cả những ngày thứ bảy tại Lady J và luôn luôn có đàn ông mới. Phiền một nỗi không bao giờ có ông “già”, có người đàn ông nào để chị quen biết khá lâu, có thể cảm thấy dễ chịu. Chỉ là chỗ quen biết trong một cuộc sinh nhật, không bao giờ có bạn quen biết cũ. Chị chán ngấy những lời giải thích thường xuyên: “ Đúng, anh đi trượt truyết. Đúng anh chơi tennis. Không, anh không thích đi dạo. Đúng, anh lái xe. Không, anh không bị dị ứng vì món hải sản. Anh thích thứ nệm cứng, anh mang giày hẹp số tám, anh mặc áo khổ số mười, cao hai thước, thích cà rá, thích bông tai, ghét hồng ngọc, thích cẩm thạch… Cứ như thể đi xin việc vậy”.
Chị lại mắc chứng khó ngủ, nhưng từ ngày ở trại chăn nuôi về, chị đã bỏ hẳn thuốc viên. Chị biết rằng thuốc viên không phải cách giải quyết, và một ngày nào đó… một ngày nào đó… sẽ có một người chị có thể gắn bó, có thể mời ở lại. Có thể có. Mà cũng có thể không. Chị xét tới cả trường hợp không thể có người nào đeo đuổi chị mãi, không người nào chị có thể thương yêu. Đó là một ý nghĩ khủng khiếp, nhưng chị công nhận có khả năng đó. Vì vậy đột nhiên chị thấy hối tiếc vô cùng là đã không có con với Ian. Chị luôn luôn nghĩ rằng mình có quyền lựa chọn. Bây giờ thì cái quyền đó cũng mất rồi. Nhưng có lẽ cũng chẳng quan trọng gì, nếu chị không bao giờ có con, hay không thể yêu một người đàn ông khác… hay có lẽ cũng chẳng có vần đề gì. Chị thắc mắc không hiểu ý nguyện của chị đã hoàn toàn chưa. Bảy năm sống với Ian, đùng một cái chấm dứt, một cửa tiệm, vài người bạn, có lẽ chỉ có vậy thôi. Bây giờ cuộc đời chị cứ vậy không đổi, êm dịu và thiếu mục đích, khiến chị ngạc nhiên. Tất cả những việc phải làm lúc này là thức dậy, đi làm, ở lại cửa tiệm suốt ngày, đóng cửa lúc năm rưỡi, về nhà thay quần áo, đi ăn tối, chào từ biệt, về đi ngủ. Ngày hôm sau lại bắt đầu, lại chấm dứt như thế. Chị mệt mỏi nhưng không chán nản. Chị không sung sướng, nhưng ít nhất không bị kinh sợ hay cô đơn. Chị chẳng là gì cả, chỉ là kẻ tê liệt.
Ian gửi về một lá thư, qua ông Martin, ngỏ ý rằng không muốn bán căn nhà. Nếu phải mua lại của chị phần phân nửa căn nhà đó, anh cũng sẵn lòng, nhưng nhất định không chịu mất căn nhà. Vì thế chị cứ việc về ở đó. Nhưng bây giờ quả thật nó là một căn nhà. Chị thu dọn lại cho vừa với nhu cầu rất tiện nghi, rất thân thuộc. Bao nhiêu đồ đạc của Ian chị đem tống hết vào phòng làm việc của anh, khóa cửa lại. Chị làm vậy rồi căn nhà còn lại có phân nửa bề thế của nó, nhưng bây giờ quả thật là một căn nhà. Lady J chỉ là một tiệm bán hàng thôi.
***
– Chào bà! Muốn hẹn hò nữa chăng?
Astrid vác một bó huệ tây bước vào cửa tiệm, vất một cành gần tách cà phê của Jessie.
– Chúa ơi! Làm gì mà sáng nay mặt mày tươi rói vậy?
Jessie nở một nụ cười, rồi nhăn mặt tiếc nửa chai rượu vang trắng tối hôm trước. Nhưng chị rất hài lòng thấy Astrid tươi tỉnh, mái tóc gọn gàng rất hợp thời trang, và đôi mắt long lanh hạnh phúc.
– Chịu liền, cô Bình Minh! Hẹn như thế nào?
Chị cố nở nụ cười nữa có ý nghĩa. Nhìn Astrid, chị không nén được nụ cười.
– Hẹn với một chàng trai. Astrid trông rất lẳng lơ.
– Em cũng mong vậy. Hẹn vào lúc tối tăm?
– Không. Chị nghĩ rằng anh chàng này không tối tăm đâu, Jessie, chàng mới ba mươi chín.
Hai người cười lớn, và Jessie nhún vai.
– OK. Tại sao không? Hình dạng thế nào?
– Rất dịu dàng, chỉ phải cái tội “không được cao” một chút.
Astrid nhìn dò cét.
– Có thành vấn đề không?
– Thì ra em phải cúi xuống mỗi khi nói chuyện với chàng?
Astrid cười khúc khích, lắc đầu:
– Không. Anh ấy rất tử tế. Ly dị với vợ.
– Lại thế nữa ư? Jessie luôn luôn ngạc nhiên, mỗi khi nghĩ đến những cuộc hôn nhân thất bại. Trước khi chính chị đút đơn xin ly dị, chị không hề ý thức chuyện đó. Hình như tất cả những người chị quen biết đều có vợ có chồng. Bây giờ, tất cả những người chị quen biết đều ly dị.
Hai cặp cùng đi ăn tối vào ngày thứ năm. Người tình của Astrid rất thích thú. Ông ta rất lịch sự, vui vẻ và ưa nhìn. Quả thật là người đàn ông đầu tiên từ lâu nay Jessie được gặp và thấy quyến rũ. Ông cũng có ánh mắt dịu dàng như Ian, nhưng tóc ông màu bạch kim, và ông để ria mép cắt tỉa kỹ càng. Ông đã đi du lịch nhiều nơi, thông thạo về nghệ thuật và âm nhạc, kể chuyện rất vui về những cuộc du hành của ông. Astrid rất say mê, Jessie thành thật tán thành tình duyên này, và chị hài lòng nhất đêm nay được thấy hạnh phúc của Astrid. Quả thật bà đã tìm được người hoàn hảo.
Người tình hứa hẹn của Jessie đêm đó tính nết vui vẻ, tử tế nhưng hay soi mói. Ly dị, có ba con, anh ta làm việc ở văn phòng giao dịch trong một ngân hàng. Anh ta cũng cao lớn, nhưng vì Jessie mang giày cao gót, nên hầu như vượt khỏi anh một cái đầu. Nhưng khi Astrid đề nghị khiêu vũ, Jessie không nỡ từ chối. Ít nhất thì lúc ra đến cửa anh ta không đòi hỏi chị. Anh chỉ bắt tay, và lúc chị tỏ ý muốn về, anh nói rằng sẽ gọi dây nói cho chị, rồi ra về một mình. Chị biết chắc rằng sáng mai chị sẽ không nhớ được tên anh. Để tâm làm chi?
Jesie cởi quần áo đi ngủ. Nhưng hai giờ sau chị mới thiu thiu. Chị có cảm tưởng mới nhắm mắt thì nghe chuông điện thoại reo, và lúc đó là sáng hôm sau. Ông Martin Schwartz gọi cho chị.
– Bà Jessie?
– Không. Veronica Lake đây! – giọng khàn khàn, và chị còn ngái ngủ.
– Rất ân hận đã đánh thức bà.
– Không sao. Tôi cũng dậy đi làm đây.
– Tôi có chuyện muốn nói với bà.
– Về chuyện ly dị? – Chị ngồi dậy trên giường, với tay lấy bao thuốc lá. Chị chưa sẵn sàng để nghe những tin tức như thế này.
– Không. Chuyện đó phải bốn tháng nữa cơ. Tôi có chuyện khác: một tấm chi phiếu!
– Bao nhiêu? Chị rất bối rối.
– Mười ngàn đô la.
– Lạy Chúa! Nhưng tại sao? Và của ai?
– Của nhà xuất bản in sách cho chồng bà gởi tới, bà Jessie ạ. Ông nhà đã bán sách.
– Ồ! – Chị thở ra thật dài, rồi cau mặt: – Tốt. Gởi vào tài khoản của anh ấy, ông Martin ạ. Lạy Chúa, có phải của tôi đâu?
– Có. Gởi cho bà đó. Ông nhà chuyển nhượng cho bà mà.
– Được rồi. Chuyển trả trở lại. Tôi không nhận đâu – Tay chị run run, giọng nói cũng vậy.
– Ông nói rằng để hoàn trả bà phí tổn vụ án, trả thù lao cho tôi, cho ông Green, và một số những việc khác.
– Chuyện kỳ cục. Ông chỉ cần nói với ảnh là tôi không nhận. Tôi thanh toán xong mọi hóa đơn rồi, và ảnh chẳng nợ nần gì tôi.
– Bà Jessie… ông nhà đã ký chi phiếu chuyển nhượng cho bà.
– Tôi cóc cần. Xóa nó đi. Xé nó đi. Ông muốn làm gì đó cứ viêc, nhưng tôi không muốn nhận! Chị rất cao giọng, bực bội.
– Bà không thể nhận cho ông hay sao? Hình như ông tha thiết với chuyện này lắm đó. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề sòng phẳng với ông nhà. Hình như thật sự ông cảm thấy mình mắc nợ bà.
– Tốt. Anh ấy sai lầm rồi.
– Có lẽ tôi sai lầm.
Ông Martin cảm thấy mồ hôi rịn ra trên lông mày ông:
– Có thể ông nhà muốn gởi đến bà như một món quà.
– Có thể là vậy. Nhưng dù sao chăng nữa, ông Martin ạ, tôi sẽ không nhận tấm chi phiếu ấy đâu – Giọng ông Martin muốn năn nỉ, Jessie lắc đầu quầy quậy và cắn nát đầu điếu thuốc – Coi kìa, đơn giản quá mà! Ảnh không nợ nần gì tôi. Tôi không muốn nhận một thứ gì. Tôi không thể chấp nhận. Tôi rất mừng ảnh đã bán được sách, và đó là điều đặc sắc đối với ảnh. Và yên thân. Ảnh sẽ cần đến tiền khi ra tù. Có vậy thôi, ông Martin ạ, tôi không muốn nhận. Hẹn lúc khác, OK?
– OK. Ông nói giọng chán nản và gác máy.
Đầu dây bên này, Jessie run rẩy; đầu dây bên kia ông ngồi ngắm phong cảnh, không biết nên nói sao với Ian. Lúc nói chuyện trả lại tiền cho chị, mắt anh long lanh sinh động vô cùng. Ông Martin phải nói gì với anh đây?
Mới bảnh mắt ra đã gặp chuyện xui xẻo. Jesie cảm thấy ly cà phê nóng cháy lưỡi, và nước bông sen chảy lạnh buốt. Chị đập chân lên giường thình thịch: thằng bé bán báo lại quên giao báo buổi sáng rồi! Lúc tới cửa tiệm, chị còn hầm hầm nét mặt. Astrid ngó lên, làm vẻ hiền lành.
– Đúng rồi, đúng rồi. Chị đã hiểu: em ghét anh ấy.
– Ghét ai? Đột nhiên, khuôn mặt Jessie trắng bệch.
– Anh chàng mà tụi này giới thiệu với em tối hôm qua đó. Chị không dè hắn lại đần đến thế.
– Vâng, quả là anh ta có như vậy. Nhưng không phải vì vậy mà em bực mình đâu. Vì thế, ta nên quên đi – rồi chị nhìn lên, thấy nét mặt Astrid có vẻ áy náy và hờn dỗi, như trẻ con.
– Ồ, chị Astrid, em ân hận. Chỉ tại em có chuyện bực mình đấy thôi. Mới sáng ra đã có chuyện không hay. Ông Schwartz vừa gọi dây nói cho em.
– Chuyện gì vậy? – Nét mặt Astrid đổi ngay sang vẻ lo lắng.
– Ian bán sách.
– Chuyện đó có gì là không ổn? – Lo lắng lại đổi sang e thẹn.
– Không có chi. Nhưng anh ấy cứ cố ép em nhận món tiền, mà em lại không muốn. Vì thế mới đau khổ, có vậy thôi.
Chị rót cho mình một tách cà phê và ngồi xuống. Nhưng Astrid nghiêm hẳn nét mặt:
– Bây giờ em đã hiểu chú ấy thường cảm nghĩ ra sao chứ: xài tiền của em.
– Chị muốn nói gì?
– Đúng là như vậy đấy. Đôi khi đưa tiền dễ hơn nhận tiền.
– Chị nói nghe sao đúng giọng nói của bà má!
– Chị nói nặng hơn má nữa.
Jessie gật đầu, bước vào văn phòng, ở lại đấy cho tới tận giờ ăn trưa.
Lúc mười hai rưỡi, Astrid mới tới gõ cánh cửa đóng im ỉm, cố nở một nụ cười để đánh bạt nét mặt nghiêm trang… đợi cho Jessie nhìn được nụ cười đó. Bà cố dẹp tâm tình mình sang một bên, để làm ra vẻ bận bịu công việc, giữ nét mặt âu lo, lúc Jesie ra mở cửa.
– Chi nữa?
– Chúng ta có vấn đề, Jessie ạ.
– Chị không thể tự giải quyết được ư? Em đang soát lại các hóa đơn.
– Rất tiếc, Jessie ạ, nhưng chị không thể giải quyết được.
– Khiếp nhỉ! Jessie quay lại, thẩy cây bút lên mặt bàn, và bước vào phòng chính. Astrid nhìn Jessie, vẻ căng thẳng, bà đã ký nhận rồi. Có thể Jessie sẽ giết bà, nhưng bà chẳng quan tâm. Vì Ian, bà phải chịu đựng.
Jessie đưa mắt nhìn quanh, chẳng thấy ai trong tiệm, ngoài Katsuko đang bận trả lời điện thoại.
– Sao? Ai đến đây? Vần đề gì vậy?
Chị bắt đầu tỏ vẻ rất bực bội.
– Có người giao hàng, Jesie ạ. Ở ngoài kia. Họ làm ầm ĩ vì món hàng không thể khiêng vào đây. Nghe chừng như chẳng cần gì, cứ việc quẳng đi đại món hàng cho mình, bắt ký biên nhận, rồi lái xe đi luôn.
– Tiên sư chúng nó! Cuối tháng trước, em đã cho chúng một mách, em đã nói với chúng rằng…
Chị mở toang cánh cửa, bước vội ra ngoài, đôi mắt nháng lửa, dò lại phiếu giao hàng. Và chị đã thấy rồi. Đậu tại lối đi, chỗ mà bà Astrid đậu chiếc Jaguar, kìa một chiếc xe hơi nhỏ hơn, nhưng mới toanh.
Đó là chiếc xe đua nho nhỏ, màu xanh lá cây, hiệu Morgan, có kẻ sọc đen, và ghế ngồi bọc da. Mui xe được hạ xuống. Chiếc xe tuyệt đẹp, tình trạng hơn hẳn chiếc Morgan cũ hồi mới mua về. Jessie sửng sốt một hồi, rồi quay nhìn Astrid, rồi bật khóc. Chị biết chiếc xe này là của anh Ian gởi cho.
***
Vì Astrid nói tới nói lui, Jessie quyết định giữ lại chiếc xe.
– Làm ơn cho chú ấy mà! Chị không muốn thú nhận chị đã yêu chiếc xe vô cùng, và chị vẫn giữ vững lập trường không mở coi thư của anh.
Vào tháng sáu, chị quyết định nghỉ năm ngày về chơi trại, thăm dì Beth.
– Chị Astrid, em đã thu lượm được nhiều. Trại sẽ cho em nhiều điều tốt đẹp – Chị bối rối vẩn vơ không biết có nên đi không, nhưng chị cũng không hiểu vì sao mình lại nghĩ vậy.
– Không việc gì phải lo đến chị. Tháng bảy này, chị cũng đi nghỉ ba tuần.
Astrid sẽ theo tình nhân đáp máy bay sang Âu châu, nhưng bà không muốn bàn tán về chuyện đó. Bà dấu nhẹm chuyện riêng, ngay cả với Jessie, khiến chị thắc mắc chỉ sợ có điều gì có thể đưa tới đổ vỡ.
Và một buổi chiều thứ tư, Jessie đi sớm. Chị lái chiếc Morgan, tinh thần sảng khoái, mớ tóc tung bay phía sau. Dì Beth thấy chị tới hẳn là thích thú lắm đây.
– Tốt, tốt. Cháu có chiếc xe mới, dì thấy rồi! Đẹp lắm!
Bà đã nghe tiếng bánh xe lạo xạo trên lớp sỏi, vội chạy ra đón Jessie. Mặt trời đã gác lại sau đồi.
– Quà tặng của anh Ian đấy. Ảnh bán được sách.
– Món quà rất đẹp. Mạnh chứ, cháu thân yêu?
Bà ôm hôn Jessie thắm thiết, và chị cúi xuống hôn lên má bà. Bàn tay hai người tìm gặp nhau và siết chặt. Cả hai đều vui mừng như nhau về việc tái ngộ.
– Chưa bao giờ cháu mạnh bằng lúc này, dì Beth ạ. Và dì coi cũng tươi tốt lắm.
– Già đi thì có. Và gầy hơn. Người ta bảo với dì như vậy.
Hai người vui cười khúc khích, ôm nhau bước vào nhà.
Ngôi nhà vẫn như cũ, cách đây hai tháng, và Jessie khẻ thở dài nhìn quanh.
– Cháu có cảm tưởng như ở nhà mình.
Jessie nhìn quanh phòng, nhìn tới dì Beth, và nhận ra đôi mắt xanh của bà cũng chăm chú theo dõi chị.
– Quả thật hồi này cháu ra sao, Jessie? Astrid kể rất ít, và thư của cháu viết cho dì còn nói ít hơn. Dì thắc mắc không hiểu mọi việc có trôi chảy không. Chén trà nhé?
Jessie gật đầu, và dì Beth rót cho chị một chén trà thơm.
– Cháu rất mạnh. Cháu vừa về tới là lo ngay chuyện li dị, và trong lá thư đầu tiên cháu đã thưa chuyện với dì rồi mà.
Dì Beth gật đầu, có ý nghĩa: dì mong đợi nhiều hơn. – Cháu có hối tiếc không?
Jessie ngần ngừ giây lát trước khi trả lời, rồi lắc đầu:
– Không. Cháu không hối tiếc. Nhưng nhiều khi cháu tiếc thời quá khứ nhiều hơn là cháu muốn công nhận. Hình như cháu muốn cắt đứt nó ra thành từng mảnh, làm sống lại, suy nghĩ lại giả sử như thế này, giả sử như thế kia. Hình như chẳng phải điểm then chốt.
Chỉ tỏ ý buồn rầu đặt tách trà xuống, ngước nhìn dì Beth.
– Chẳng phải điểm then chốt, cháu thân yêu ạ. Và không có gì đau lòng bằng nhìn lại thời gian sung sướng không còn nữa. Hay chỉ là thời xa xưa thôi, cũng vậy. Cháu có nghe nói tới anh ấy không?
– Có, theo một ý nghĩa nào đó. Chị cố tỏ ra hờ hững.
– Nghĩa làm sao?
– Nghĩa là anh có viết thư cho cháu, và cháu xé thư liệng đi.
Dì Beth nhướng cặp lông mày:
– Đọc rồi mới xé hay xé trước?
– Trước. Cháu không mở coi. Chị cảm thấy mình lầm lẫn, tránh cặp mắt của bà lão.
– Cháu sợ thư của anh ấy, hả Jessie?
Với dì Beth, chị có thể nói hết sự thật, nên chị khẽ gật đầu.
– Vâng. Cháu sợ những lời than trách, biện thuyết và những bài thơ, những câu mà anh biết chắc rằng cháu thích nghe. Muộn quá mất rồi. Hết hẳn rồi. Cho qua luôn. Cháu làm đuúg, và cháu muốn dứt hẳn với anh ấy. Cháu đã thấy những người đã làm như vậy, và chẳng có gì quan trọng. Anh ấy chỉ khiến cháu cảm thấy mình tội lỗi thôi.
– Chính cháu đã làm vậy với bản thân. Nhưng cháu biết không, cháu đã khiến dì thắc mắc đấy. Nếu như anh ấy không ở tù, thì cháu có thúc đẩy việc ly dị như hiện nay không?
– Cháu không biết. Có lẽ vẫn đưa tới như vậy.
– Nhưng cháu không xét cho tình cảm của anh ấy hay sao Jessie?
Nếu được tự do, anh có thể ép buộc cháu bàn bạc với anh. Bây giờ anh không thể làm gì hơn là viết thư, cháu lại không them đọc thư của anh ấy. Dì không rõ có phải là tàn nhẫn, hay sợ hãi, hay chỉ là không tử tế. – Toàn những tiếng nặng nề, nhưng qua ánh mắt có thể thấy bà cố tình nói vậy, không kiêng nể – Và dì cũng không rõ về chiếc xe. Cháu nói anh ấy cho cháu chiếc xe mới chứ gì? Cháu nhận xe… mà không nhận thư?
Jessie tỏ ý nao núng:
– Đó là lỗi của chị Astrid. Chị nói rằng cháu không nhận xe là hai đứa còn mắc nợ với nhau. Ảnh muốn trả lại cháu số tiền bỏ ra lo co vụ án, và cháu đã từ chối không nhận tấm chi phiếu trao qua tay ông luật sư. Vì thế Ian nhờ ông ta mua chiếc xe cho cháu, và cháu cho rằng ông ta giữ lại số tiền dư.
– Và cháu không cảm ơn anh ấy về chiếc xe?
Bà nói như giọng má khuyên con gái.
– Sao? Không có mấy chữ cám ơn gửi cho bà chủ nhà nữa ư? Jessie muốn cười ngất.
– Không, cháu chưa viết.
– Dì hiểu. Bây giờ thì sao?
– Không có chi hết. Vụ ly dị sẽ kết thúc chừng ba tháng nữa. Và chỉ thế thôi.
– Và không bao giờ cháu gặp lại anh ấy nữa? – Dì Beth tỏ ý ngờ vực, nhưng Jessie quả quyết lắc đầu – Dì nghĩ rằng cháu sẽ hối tiếc, Jessie ạ. Phải nói câu từ biệt. Nếu cháu không vui vẻ mà làm, không bao giờ cháu có thể cất đi được những ray rứt nhỏ trong lương tâm cháu. Chúng sẽ khuấy động cháu còn hơn lúc này nữa. Cháu không thể xóa sạch hẳn bảy năm chung sống ra khỏi cuộc đời cháu, nếu cháu không nói câu từ biệt. Cháu làm nỗi không? Tốt, dường như cháu đã biết nghĩ lại phần nào – Bà chăm chú nhìn Jessie cúi đầu, đùa với con mèo – Cháu đã suy nghĩ lại, phải không?
Chỉ vì hạnh phúc của Jessie, bà cương quyết phải đụng tới sự thật.
– Cháu… Vâng, đúng… Ồ, cháu không biết dì Beth ạ. Đôi khi cháu không hiểu gì cả. Cháu đã suy nghĩ và cháu sẽ giải quyết xong, nhưng đôi khi cháu… ồ, cháu cho rằng chỉ là sự hối tiếc.
– Có thể không phải đâu, cháu ạ. Có thể chỉ là sự nghi ngờ. Có thể quả thật cháu cũng không muốn ly dị.
– Cháu muốn ly dị … nhưng … nhưng cháu tiếc anh ấy vô cùng. Cháu tiếc cách hai đứa hiểu nhau. Anh là người duy nhất trên đời hiểu cháu rất rõ. Và cháu cũng hiểu anh rõ như vậy. Cháu tiếc điều đó. Và cháu tiếc những điều hai đứa cùng mơ ước, những điều cháu nghĩ về hai đứa, những điều cháu muốn anh ấy trở lên. Tuy vậy, có lẽ cháu cũng chưa hiểu rõ anh ấy. Có thể anh ấy lường gạt cháu. Có thể cô kia là bạn gái của anh, mà rồi đổ cho anh một cái tội hiếp dâm chỉ vì cô ta đã điên tiết vì một điều gì đó. Có lẽ anh đã ghét cháu chỉ vì cháu chi trả các hóa đơn, cũng có thể vì vậy mà anh giữ nguyên cuộc hôn nhân với cháu. Cháu không còn hiểu rõ chuyện gì nữa. Chỉ biết rằng cháu tiếc anh ấy. Nhưng chính vì vậy mà những điều cháu tiếc không còn tồn tại nữa.
– Tại sao cháu không hỏi thẳng anh ấy? Cháu không nghĩ rằng lúc này anh có thể nói thật với cháu hay sao? Hay chính vì cháu sợ anh nói thẳng sự thật với cháu?
– Có thể là vậy có lẽ sự thật là điều cháu không bao giờ muốn nghe.
– Vì thế mà cháu đã xé thư cho chắc ăn? Cháu sẽ làm gì lúc anh ấy ra tù? Chuyện đến một thành phố khác và thay họ đổi tên?
Jessie cười câu gợi ý mà chị coi là vô lý đó.
– Có thể chính anh cũng chẳng muốn nói chuyện với cháu – Nhưng giọng chị không có vẻ tin tưởng như vậy.
– Đừng tính đến chuyện đó nữa. Nhưng có điều quan trọng hơn, Jessie ạ. Cháu có nhận định rõ điều cháu nói chăng? Cháu nói rằng có lẽ thằng chồng cháu chưa hề yêu cháu, rằng cháu không có điều gì để hắn thương yêu, ngoại trừ cái tài chi trả các hoá đơn. Phải vậy không?
– Có lẽ – Mắt chị nặng trĩu. Chị đã chán ngấy chuyện thẩm vấn rất đau lòng – Điều khác nhau là như thế nào?
– Khác xa lăng lắc! Khác ở chỗ biết mình được thương yêu hay chỉ bị lợi dụng. Và lỡ anh ấy lợi dụng cháu, nhưng cũng thương yêu cháu thì sao? Chính cháu có lợi dụng anh ấy không Jessie? Phần đông người ta thương yêu và lợi dụng nhau luôn, và không nhất thiết đó là con đường xấu. Đó là một phần trong cách cư xử để cung cấp đầy đủ nhu cầu cho nhau về mặt tài chính, tình cảm, đủ thứ.
– Cháu chưa bao giờ suy nhĩ theo cách đó. Và điều tức cười là cháu luôn luôn nghĩ mình lợi dụng anh ấy. Ian không sợ cô đơn, mà cháu lại luôn luôn sợ. Sau khi những người thân của cháu mất đi, cháu cảm thấy bị bỏ rơi, không có gia đình. Cháu không còn ai, ngoài anh Ian. Cháu có thể quyết định mọi điều, làm mọi chuyện cháu muốn, tự hãnh diện với mình, chừng nào cháu còn có Ian. Anh chống đỡ cho cháu như vậy, Không có anh, cháu có thể tung hê cả thế giới này, cả bản thân cháu, vì cháu chịu đựng rất khổ. Cháu lợi dụng anh là như vậy, và cháu không hề nghĩ rằng anh biết chuyện đó. – Chị có vẻ hổ thẹn đã phải thú nhận như vậy.
– Nếu như anh ấy biết đi nữa, thì đã sao? Nhận mình nhu nhược, lợi dụng sức mạnh của người mà mình thương yêu, chẳng phải điều tội lỗi. Miễn là mình đừng lợi dụng kiểu bất nhân thì thôi. Và bây giờ cháu sao? Mạnh hơn rồi chứ?
– Mạnh hơn cháu tưởng nữa.
– Và vui sướng? – Đây là điểm then chốt.
Jessie ngần ngừ, rồi lắc đầu – Không, cháu không thấy hạnh phúc. Đời cháu sao mà… trống rỗng quá, dì Beth ơi! Nó thê thảm như chết. Đôi khi cháu cảm thấy không thiết sống nữa. Sống vì lẽ gì? Cho bản thân cháu chăng? Để mỗi sáng mặc quần áo, sáu giờ tối về thay ra hay đi chơi với một thằng xa lạ ngu đần, không có tâm hồn và nói năng láo lếu ư? Để tưới cây ư? Cháu sống vì lẽ gì đây? Cho một cửa tiệm mà cháu không thiết đến nữa hay sao? Vì lẽ gì?
Dì Beth vẫy tay cho được tốp lại.
– Dì không chịu nổi đâu Jessie. Cháu nói đúng giọng Astrid thường dùng. Và toàn là những chuyện vô nghĩa. Thiếu gì chuyện để sống, có hay không những thằng đàn ông nói năng láo lếu cũng vậy thôi. Nhưng ở tuổi cháu, điều trên hết cháu dựa vào để sống là bản thân cháu. Điều ấy cháu có ngay trước mặt đó. Cháu lại có tuổi thanh xuân. Và xem dì đây này. Dì vẫn tìm được biết bao điều để sống, nhiều lắm. Và không phải miễn cưỡng đâu. Dì vẫn hưởng thụ cuộc sống, dù là ở cái tuổi này.
– Vì thế, cháu mới ganh với dì. Đôi khi buổi sáng thức dậy, cháu thường tự hỏi ý nghĩa của cuộc đời.
Sau đó, suốt ngày cháu hoạt động như một người máy. Nhưng cháu có được điều gì nhỉ?
– Cháu có bản thân cháu đó.
– Và đó là cái gì? Một người đàn bà ba mươi mốt tuổi, làm chủ một cửa tiệm, có nữa căn nhà, vài cái cây, và một chiếc xe thể thao. Cháu không có con, không chồng, không gia đình, không có người nào thương yêu cháu, và không có ai để cháu thương yêu. Chúa ơi, tại sao tôi phải buồn phiền thế này?
Những giọt nước mắt nóng hổi dâng đầy đôi mắt chị.
– Vậy thì hãy tìm một người naà mà thương yêu, Jessie. Cháu chưa thử sao? Tìm người khác với những kẻ không tâm hồn và nói năng láo lếu.
Dì Beth long lanh đôi mắt, Jessie đang khóc cũng bật cười, rồi chị nhún vai.
– Dì ngó thử chung quanh mà coi. Chúng tởm lắm! – Nước mắt chị lăn xuống má. Quả thật chúng tởm lắm! Và… không đứa nào hiểu cháu.
Chị nói xong, nhắm chặt hai mắt và gục đầu xuống.
– Astrid cũng thường nói vậy, Jessie ạ. Và bây giờ cháu nhìn lại thử coi.
Dì Beth đi tới đi lui phía sau ghế của Jessie và vỗ nhẹ lên tóc chị.
– Chị nó giấu giấu diếm diếm như một cô nữ sinh, cho rằng chuyện của mình là “bí mật phòng the” và đã có một thời gian đẹp đẽ lắm. Nhưng bây giờ dì mừng cho nó. Cuối cùng nó đã thấy hạnh phúc, đã tìm được một người. Cháu cũng vậy thôi, cháu yêu quí, và phải mất thời gian đấy.
– Bao lâu? – Jessie cảm thấy như mới mười hai tuổi đang hỏi chuyện không thể xảy ra với một người thân biết đủ mọi chuyện.
– Đó là việc của cháu.
– Nhưng bằng cách nào? Cách nào – Jessie xoay mình trên ghế, ngước lên nhìn dì Beth – Chúng đều đáng tởm lắm. Những anh trẻ tưởng mình ghê gớm, chỉ muốn ngủ với ta hay bất cứ người đàn bà nào gặp trên đường phố, vào đến phòng ăn là quăng bừa bãi đôi giày của chúng xuống gầm bàn, dấu ống thuốc xì ke ma túy trong nhà của ta. Nhiều khi chúng quên hẳn ta đi, cho ta cảm tưởng mình là một đồ vô dụng, không tên tuổi. Những anh già cũng chẳng khá hơn: chúng đều tưởng chúng là ngon lành lắm, đàn bà ai cũng phải mê… nhưng Ian không bao giờ… ồ, chết tiệt! Mọi chuyện đều khiến cháu buồn phiền phát khóc. Việc gì cũng vậy. Những người cháu biết làm cháu buồn phiền, những người cháu không biết cũng làm cháu buồn phiền. Và…
Chị biết mình đang kêu ca than vãn, nhưng giọng chị không phải là buồn phiền mà là hoảng hốt, khiếp đảm.
– Jessie, cháu yêu quý, cháu làm buồn phiền đến dì. Bằng những chuyện thối tha như thế. Được rồi, cháu cần thay đổi đấy. Chúng ta hoàn toàn đồng ý với nhau. Vậy thì, tại sao cháu không rời xa San Francisco một thời gian? Cháu đã nghĩ tới chuyện đó chưa?
Jessie buồn bã gật đầu, và dì Beth nhìn chị với vẻ nghiêm khắc bà chỉ dành cho những trẻ thật hư hỏng:
– Cháu có nghĩ đến chuyện trở lại thăm Nữu Ước không?
– Không, cháu không nghĩ tới. Có lẽ còn tệ hại hơn, với núi non, bãi biển, hay miền quê, đại loại như thế. Dì Beth ạ, cháu chán hết mọi người.
Chị ngồi xuống, thở dài, lau khô mặt, và duỗi chân. Dì Beth tỏ ý buồn rầu:
– Ồ! Im đi! Cháu có biết vấn đề là gì không, Jessie? Cháu hư hỏng quá rồi. Cháu có một người chồng biết quý mến cháu, biết làm cho cháu cảm thấy mình là một phụ nuư, một người phụ nữ được thương yêu nữa, và cháu có một cửa tiệm để vui thú chăm lo, có một ngôi nhà để vợ chồng sớm hôm chia sẻ, và dường như vui thú với nhau nữa. Tốt, theo ý cháu tự lựa chọn, chẳng bao lâu nữa cháu sẽ mất chồng, và cháu đã làm kiệt quệ cửa tiệm rồi, và có thể chẳng bao lâu ngôi nhà cũng thành vô dụng. Vì thế, cháu bán phứt đi, bán hết. Và bắt đầu làm cho mình mới mẻ trở lại. Hồi dì ly dị xong dì cũng làm vậy đó, và lúc đó dì đã sáu mươi bảy tuổi rồi. Jessie, dì làm được, thì cháu cũng làm được vậy. Dì rời bỏ miền đông, mua trại chăn nuôi này, gặp những người mới, và từ đó có một thời gian đẹp đẽ. Và nếu năm năm nữa trại này gây phiền cho dì, dì lại đóng cửa, bán nó đi, làm một chuyẹn gì khác, nếu như dì vẫn còn sống. Nhưng dì đang sống thì dì sẽ còn sống. Không phải sống theo kiểu vật vờ sống dở chết dở, và dì cũng chẳng quan tâm đến chuyện dì sẽ làm gì. Vậy thì cháu tính làm chuyện gì bây giờ? Đây là lúc cháu phải làm một điều gì. – Cặp mắt bà lão long lanh.
– Cháu đang nghĩ đến chuyện sang lại cửa tiệm, nhưng cháu không thể bán căn nhà, vì một nửa là của anh Ian.
– Sao không cho mướn?
Đó là một ý nghĩ hay, chị chưa hề nghĩ tới. Và chị hơi xúc động với những lời chị vừa nói. Bán cửa tiệm? Chị đã nghĩ tới hồi nào nhỉ? Hay chị đã nghĩ tới dài dài? Những lời chị nói như buột miệng nói ra.
– Cháu phải suy nghĩ kỹ tất cả những chuyện này.
– Đây là chỗ tốt nhất để làm việc đó, Jessie ạ. Dì rất vui mừng thấy cháu trở lại.
– Cháu cũng vậy. Vắng dì, cháu cảm thấy như bị bỏ rơi.
Chị lại bên bà, ôm thắm thiết. Dì Beth trở thành cột buồm chính của chị.
– Cháu đã đói bụng chưa?
– Đã thấy kiến bò rồi đấy.
– Tốt. Dì cháu mình sẽ cùng nhau nấu bữa ăn tối.
Hai người làm món thịt bò băm và món xốt nấu với rau a-ti-sô, món ưa thích của dì Beth. Nhưng lần này họ không để khét lẹt hoặc chưa chín tới. Bữa ăn rất vui và hai dì cháu ngồi chơi đến gần nửa đêm, nói đến những đề tài dễ dãi hơn câu chuyện họ đã bàn bạc trước bữa tối.
Jessie nằm duỗi thẳng người trên giường, trong căn phòng màu hồng, lúc này đã quen thuộc với chị. Chị đang ngắm ngọn lửa thì chú mèo xám lại gần bên chị. Chị cảm thấy vui thích được trở lại đây, có cảm tưởng như ở nhà mình. Đây là nơi duy nhất chị không thấy chán.
Sáng hôm sau, Jessie thức dậy thì dì Beth đã cưỡi ngựa đi chơi, để lại chỗ nhà bếp một mảnh giấy viết mấy chữ chỉ cho Jessie con ngựa nào nên cưỡi nếu chị cần chọn lựa. Trong lần trước chị đã dò hỏi biết địa phương khá rõ để có thể tự mình cưỡi ngựa đi chơi vùng đồi núi.
Quá mười một giờ một chút, chị đã ngồi ngay ngắn trên con ngựa cái lông màu hạt dẻ. Chị đội chiếc nón rơm rộng vành, thấy một cuốn sách, vài trái bôm vào túi đeo chỗ yên ngựa. Chị cảm thấy cô đơn trong một lúc, và đó là điều hay những lúc cưỡi ngựa. Cho ngựa chạy chừng nửa giờ, chị chợt nhận ra một con suối, và buộc ngựa vào một cành cây, không cần để ý đến con ngựa, cởi đôi ủng, lội xuống suối. Chị cất tiếng cười và hát vài bài khe khẽ, vén cao tay áo. Chị cảm thấy mình được tự do, không cần để ý đến chuyện gì. Đột nhiên chị thấy một người đàn ông đang nhìn chị chăm chú.
Chị nhìn lên, hoảng hốt thì anh chàng kia mỉm cười muốn xin lỗi. Chị kinh hãi vì bị bắt gặp trong cảnh hoang dã. Anh chàng rất cao lớn, mặc bộ quần áo cưỡi ngựa màu hung hung rất vừa vặn. Anh nói giọng hiền lành, và cách phát âm của dân Ăng-lê.
– Rất ân hận. Tôi muốn cất tiếng làm quen từ lúc nãy, nhưng thấy cô có vẻ vui sướng nên chẳng dám quấy rầy niềm vui của cô.
Jessie rất mừng chưa cởi chiếc áo sơ mi, là việc chị đang tính làm.
– Tôi có vi phạm điều cấm nào chăng?
Chị đứng chân trần giữa con suối, một tay áo vén lên, tóc buộc túm trên đỉnh đầu. Anh nhìn chị như thấy một ảo ảnh, một nữ thần tóc vàng trong thần thoại Hy Lạp, trong bộ quần áo cưỡi ngựa hiện đại. Những người đàn bà như thế ít có được, ngay cả tại chỗ tỉnh lẻ này: lạc lõng bên sườn đồi, đi chân đất, lội giữa dòng suối. Rất giống một cảnh trong những bức tranh thế kỷ mười tám, khiến anh muốn leo xuống đụng tới chị. Có thể ôm hôn nữa. Ý nghĩ đó khiến anh mỉm cười, trong lúc chị nhìn anh chăm chú.
– Không. Tôi sợ rằng chính tôi là kẻ vi phạm. Sáng nay tôi cưỡi ngựa đi chơi, và tôi cũng chưa quen địa phương này: nhà cửa và đời sống ở đây. Xin nhận lỗi đã xía vô chuyện của người khác.
Giọng phát âm đặc sệt dân trường công Anh quốc, có lẽ là trường Eton. Lại nhận lỗi can thiệp chuyện người khác thì đúng điệu gentlemen quá mất rồi. Thấy anh nhìn mình, Jessie ngạc nhiên sao thấy giống Ian quá chừng. Cao hơn, vai rộng hơn một chút, nhưng khuôn mặt… đôi mắt… cái đầu nghiêng nghiêng, sao mà giống thế, tóc cũng hung vàng, vàng hơn tóc nàng. Ở anh vẫn có một vẻ gì của Ian, đủ thu hút chị. Jessie nhìn ra chỗ khác, ngồi xuống mang ủng, trước hết hạ tay áo xuống, thật cẩn thận, trong lúc người lạ mặt vẫn tiếp tục nhìn chị mỉm cười.
– Cô không cần vì tôi mà phải bỏ về. Tôi cũng sắp phải về nhà đây. Nhưng hãy cho tôi biết cô ở chỗ nào?
Jessie khẽ lắc đầu, xõa tóc xuống, nhìn lên. Anh chàng rất ưa nhìn.
– Không, tôi không sống ở đây, chỉ là nơi khác tới chơi thôi.
– Thật ư? Tôi cũng vậy.
Anh kể tên người chủ căn nhà anh đang ở chơi, nhưng chị không nhớ có nghe dì Beth nhắc tới hay không. Anh nói tiếp: – Cô ở chơi có lâu không?
– Vài ngày, rồi lại về.
– Về đâu? – Anh hỏi kỹ quá, khó chịu đấy, nhưng anh rất ưa nhìn.
– San Francisco. Tôi sống ở đó – Chị muốn tránh câu hỏi tiếp, nhưng bây giờ đến lượt chị. Tại sao không?
– Còn anh? – Chị vui thích với ý nghĩ phải hỏi lại anh cho cân xứng.
– Tôi sống ở Los Angeles. Nhưng có lẽ một vài tháng nữa cũng đổi về San Francisco. Đang tính vậy đó.
Nghe anh nói, chị muốn bật cười. Anh nói giọng y hệt như những người Anh quốc khó tính mà chị thường nghe nói. Anh có vẻ Ăng-lê đặc sệt, đứng ở đỉnh đồi trong bộ quần áo cưỡi ngựa cắt may không chê vào đâu, vung vẩy ngọn roi ngựa trong tay. Quả thật anh có một vẻ đặc sắc.
– Tôi có nói câu nào nhảm nhí chăng?
– Thưa không.
Với nụ cười nửa miệng, chị cưỡi ngựa lên đồi, tiến về phía anh, buộc ngựa gần chỗ anh đứng.
– Công ty của tôi tới San Francisco. Tôi rời Luân Đôn cách đây ba năm và tôi đã chán ở Los Angeles rồi.
– Anh sẽ thích San Francisco, một thành phố tuyệt vời.
Câu chuyện hoàn toàn là chuyện đưa đẩy giữa hai người xa lạ gặp nhau ở một chỗ nào đó, nhưng hai người cứ tưởng như mình đang ở Đại lộ số Năm, hay đường Thống Nhất, hay khu ngoại ô St. Honore. Chị cất tiếng cười vang, nhận ra mình đang ở sát bên anh.
– Hình như câu chuyện của tôi cũng khiến cô vui vui, dù rằng tôi không có ý định đó.
Chị lại mỉm cười, khẽ nhún vai:
– Cũng là chuyện bình thường.
– Tôi hiểu – Anh đưa tay, giữ vẻ nghiêm nghị, nhưng ánh mắt vẫn tươi cười – Cô mạnh chứ? Tôi là Geoffrey Bates.
– Mừng anh, tôi là Jessie Clarke.
Hai người đứng dưới tàng cây bắt tay nhau và chị lại mỉm cười. Ở gần, anh không giống Ian bao nhiêu, nhưng vẫn đẹp trai kiểu riêng của anh: ông Geoffrey Bates vốn người Luân đôn.
Anh suy nghĩ, cảm thấy ưa thích cách chị nhìn anh và mỉm cười. Chị cũng có cảm tưởng mình đã bày tỏ cảm tình quá sớm.
Anh ngần ngừ không biết có nên hỏi tới chăng, nhưng cuối cùng anh đã quyết định. Anh rất muốn biết.
– Nhân tiện cho hỏi, cô đang ở đây vậy?
Nhân tiện là thế nào? Chị nghĩ vậy mỉm cười rồi cất tiếng cười ròn.
– Với bà má của một người bạn – Chị nói mơ hồ vậy thôi. Anh mỉm cười, nhướng cặp lông mày.
– Cô không muốn cho biết người ấy là ai? Tôi hứa là không làm phiền cô đâu, chẳng lùi lũi xuất hiện giữa bữa tối không được mời đâu.
Chị lại cười ròn, cảm thấy mình quê một cục, nhưng người Anh quốc đã nghiêm hẳn nét mặt. Anh ta nhận định rằng có thể cô nàng đi du lịch với bồ. Nếu vậy thì quê cho anh. Anh tự động nhìn vào tay trái chị, không thấy đeo cà rá, đặc biệt là nhẫn vàng đặc không thấy. Nhưng anh đã không nhìn kỹ để thấy vết ngấn trên ngón tay, hơi lợt, là chỗ chị đã đeo chiếc nhẫn cưới trong bảy năm, mới cất đi cách đây vài tháng.
– Tôi ở với bà cụ Bethanie Williams.
– Hình như tôi có nghe nói đến tên. – Anh có vẻ rất an tâm. – Cần tôi đỡ lên ngựa chăng?
Lúc anh hỏi câu đó, chị đã đứng sát bên ngựa, và chị quay lại nhìn anh, vẻ vui thích.
– Khỏi cần. Nhưng không chừng tôi lại phải nhờ đến anh thì sao?
Chị phóng mình lên yên ngựa thật dễ dàng, và thấy dường như anh chàng đỏ mặt. Nhằm chị cao lớn thế này mà đi hỏi câu đó chẳng là ngớ ngẩn sao? Nhưng chị cũng vừa để ý tới chiều cao của anh. Anh chàng có vẻ còn cao hơn Ian nữa. Nhưng tại sao chị lại nghĩ đến anh ta theo chiều hướng đó? Tưởng như anh chàng là con người lý tưởng, một mẫu mực hoàn hảo mà người đàn ông nào cũng phải ganh tị vậy.
– Tôi có thể gọi cho cô về nhà bà Williams được không?
Jessie gật đầu, tỏ ý thận trọng. Chắc chắn đây là một cách tiếp xúc bất thường với một người đàn ông, và chị cũng chưa có ý niệm về người đàn ông này.
– Tôi ở đây không lâu.
– Vậy thì tôi sẽ gọi cho cô sơm sớm, được không?
Anh là thằng khốn đeo đẳng hả? Jessie lại mỉm cười, tự hỏi không biết có phải vậy chăng. Nhưng anh chàng không có vẻ là người đàng điếm, mà rất đẹp trai, áng chừng ba mươi lăm, ba mươi sáu, đôi mắt xám dịu hiền, và tóc mượt mạt mềm mại. Quần áo mặc coi có vẻ đắt tiền. Anh cũng đeo một chiếc nhẫn nhỏ ở ngón tay út bên phải, nhưng Jessie không muốn để ý tới coi mặt đá cẩn chiếc nhẫn đó ra sao. Mọi thứ trên người anh đều có vẻ lịch sự, đúng cách.
– Rất vui đã được gặp anh. – Chị sửa soạn cho ngựa chạy, mỉm cười vẫy tay.
– Cô chưa trả lời cho câu tôi hỏi.
Anh nắm cương ngựa Jessie, nhìn vào mắt chị. Chị hiểu ý, và thích kiểu cách của anh.
– Vâng, anh có thể gọi cho tôi.
Anh lùi lại, yên lặng, mỉm cười và cúi chào chị. Chị cũng thích cách chào đó, thích nụ cười của anh. Chị cười ròn, cho ngựa chạy về hướng trại.
Chương 26
– Cháu thân yêu, cưỡi ngựa vui chứ?
– Rất vui. Và cháu gặp một người đàn ông rất lạ.
– Thật ư? Ai! – Dì Beth tỏ ý nghi ngờ. Đàn ông lạ rất hiếm, quanh trại này lâu lâu mới gặp một lão trượng.
– Anh ấy là khách của một người nào trong miền, và đặc sệt vẻ Ăng-Lê. anh trông rất đẹp trai.
Dì Beth nhìn Jessie mỉm cười:
– Tốt, tốt. Một người cao lớn, tóc đen, một người xa lạ đẹp trai ở miền trại của dì? Trời ơi! Anh ta ở đâu? Bao nhiêu tuổi?
Jessie cười khúc khích:
– Cháu mới thấy lần đầu. Hơn nữa anh ta không phải người tóc đen, mà là tóc màu vàng, lại cao lớn hơn cháu nhiều.
– Vậy thì là người của cháu rồi, cháu thân yêu. Dì không ưa đàn ông cao lớn.
– Cháu mê thích những người như vậy.
Dì Beth ngó qua trên phía trên tròng mắt kiếng đọc sách, vẻ thận trọng và nghiêm nghị.
– Cháu cũng khó mà chọn lựa.
Hai người cùng cười vang, ngắm cảnh hoàng hôn trên những ngọn đồi.
Jessie lại được một đêm yên bình nữa, và sáng hôm sau chị thức dậy vào lúc bảy giờ. Chị muốn đi thăm nhiều chỗ, nhưng lần này không cưỡi con ngựa cái màu hạt dẻ nữa. Chị tự làm lấy một ly cà phê – lần đầu tiên chị uống cà phê trước dì Beth – và lấy chiếc xe Morgan ra đi, thật lặng lẽ. Chưa bao giờ chị lái xe đi chơi quanh miền và lần này chị muốn đi thăm nhiều nơi.
Mặt trời lên cao trên bầu trời, Jessie mới tìm ra thứ muốn tìm. Nó ở trong tình trạng rất xấu, nhưng nó là ngôi nhà đẹp. Tưởng như đã bị bỏ hoang phế giữa đám cỏ cao, nhìn rất chán, và đã hư hại. Bây giờ nó đang sừng sững trước mặt chị, cô đơn, không muốn nhìn đến, với một tấm bảng “CHO MƯỚN” treo hờ hững một bên, ngay bậc thềm phía trước. Đó là một ngôi nhà nhỏ, nhưng đều đặn, xây theo kiểu thời nữ hoàng Victoria. Jessie thử mở cửa trước, nhưng thấy khóa kỹ. Chị ngồi chỗ bậc thềm, đội chiếc nón rơm rộng vành, mỉm cười. Không hiểu sao, chị cảm thấy dễ chịu và vui vẻ vô cùng.
Lúc mười lăm giờ, chị lái xe lại nhà trên con đường quê bụi bậm và lái vào nhà, nhăn mặt. Dì Beth đang soát lại thư từ, ngước nhìn lên, tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Tốt, từ sáng đến giờ cháu ở đâu? Sao về sớm và mặt mày nhăn nhó thế kia?
Đôi mắt xanh của bà lão tỏ vẻ vui thích và ngờ vực, rất khó hiểu.
– Để rồi cháu sẽ kể dì nghe cháu đã tìm được thứ gì.
– Một người đàn ông khác trên giang sơn của dì? Và lần này chắc là một người Pháp! Biết rồi, cháu gái thân yêu, cháu bị lóa mắt trước ánh mặt trời mất rồi.
Dì Beth cười khúc khích tỏ cảm tình, và Jessie cười phá ra, thảy chiếc nón lên cao.
– Không. Không phải là một người đàn ông! Dì Beth ạ, đó là một ngôi nhà! Một ngôi nhà kiểu Victoria đẹp vô cùng, đẹp vô tả, đẹp tuyệt vời! Và cháu mê thích.
– Ôi, lạy Chúa! Không biết có phải đúng ngôi nhà dì nghĩ tới không đây, Jessie? Ngôi nhà cổ nằm trên Quốc lộ phía Bắc chứ gì? – Bà đã nói ngay chóc.
– Cháu cũng không rõ nữa, chỉ biết là cháu rất thích.
– Và cháu tính mua, và muốn nhà trang trí nhà cửa ở Nữu Ước phải đem ngay những đồ vật đến trang hoàng cho cháu vào sáng mai? – Dì Beth không muốn giữ vẻ nghiêm nghị nữa.
– Không. Cháu chỉ muốn nói rằng ngôi nhà đó rất xinh xắn dễ thương. Đã bao giờ dì đứng xa ra để ngắm chưa? Sáng nay cháu đã làm vậy trong một giờ đồng hồ, và ngồi lại ở bậc thềm phía trước cũng trong khoảng thời gian lâu như thế. Chẳng biết bên trong ra sao. Tệ quá, cửa nẻo khóa chặt. Cháu cũng đã thử nhìn vào, qua lối cửa sổ nữa.
– Có Chúa mới biết bên trong như thế nào. Gần mười lăm năm nay chẳng ai ở. Hiện thời coi nó vẫn còn đẹp đấy, nhưng đất đai ít quá, nên chẳng ai mua. Tuy nhiên có thể cháu sẽ mua được số đất đai, và vì gia đình Parker có nhà ở sát mé sau đang định bán bớt một khoảnh đất rất đẹp, đâu chừng bốn chục sào, nếu dì nhớ không lầm. Dì nhớ mang máng thì ngôi nhà cổ Wheeling này bỏ hoang đã lâu năm lắm rồi. Hồi dì tới mua trại này, nhân viên địa ốc có chỉ cho dì thấy, nhưng dì không quan tâm đến khu đất đó. Nhà rộng quá, đất đai chung quanh lại ít quá. Vả lại, dì thích thứ nào hiện đại hơn kìa. Vì lý do gì cháu lại muốn một ngôi nhà kiểu Victoria ở giữa vùng hoang vu đó?
– Nhưng dì Beth ạ. Đẹp lắm cơ! – Jessie có vẻ trẻ trung và lãng mạn, chị mỉm cười với người bạn già.
– A! Ảo tưởng của tuổi trẻ! Có lẽ cháu cũng nên tỏ ra trẻ trung và yêu đời, bằng cách muốn một căn nhà như vậy. Dì thích thứ gì có vẻ thực tiễn. Nhưng dì hiểu vì sao cháu ưa căn nhà đó rồi – Và vừa nhận ra vẻ rực sáng trong cặp mắt xanh của cô bạn trẻ – Jessie thật tình cháu nghĩ gì trong đầu?
Giọng bà trầm tĩnh và nghiêm nghị trở lại.
– Cháu cũng chưa rõ. Nhưng cháu đã suy nghĩ. Cháu nghĩ đến nhiều điều, có thể chỉ là những ý nghĩ điên rồ, nhưng một điều gì đó đang hình thành.
Jessie tỏ vẻ hài lòng. Sáng nay là một buổi sáng tuyệt diệu, và một điều gì rất đặc sắc đang xảy ra trong tâm trí chị. Chị chưa biết chắc đó là điều gì chỉ thấy mình sống động, kích thích và rất mới mẻ. Quả thật đó là chuyện điên rồ. Thánh kinh có đoạn chị đã học được một sáng chủ nhật, đã đến với chị lúc chị ngồi nhìn ngôi nhà: “Con hãy chứng kiến điều cũ qua đi. Mọi vật sẽ trở nên mới mẻ”. Chị nghĩ tới lời dạy đó, thấy rất đúng. Mọi chuyện cũ đang thoát ra khỏi cuộc đời chị… ngay cả nỗi kinh hoàng về vụ án… ngay cả Ian…
– Được rồi, Jessie, hãy cho dì biết cháu tính chuyện gì khi mọi việc đang “hình thành”. Hoặc là trước khi đó, để dì coi có thể giúp cháu điều gì chăng?
– Lúc này chưa đâu. Nhưng mai sau có thể.
Dì Beth gật đầu, trở lại với đống thư từ, và Jessie lên thang gác, nói thầm vài câu gì đó. Rồi chị ngừng chân, nhìn lại dì Beth:
– Cháu có thể vô coi bên trong căn nhà đó không nhỉ?
– Cháu chỉ việc gọi cho địa ốc. Chúng mừng rơn. Theo dì nghĩ cả năm năm chưa chắc đã có ai đòi coi. Cháu cứ dở cuốn niên giám ra mà coi: Địa ốc Hoover nhé! Cái tên nghe phát gớm!
Dì Beth bắt đầu thắc mắc… nhưng bà không thể coi chuyện của Jessie là đứng đắn. Chắc chắn đây chỉ là một ý ngông cuồng nhất thời, một sự thay đổi tính tình, nhưng cũng giúp cho Jessie vui thích, chỉ cần làm sao cho chị nghĩ chuyện khác, đừng để tâm đến chuyện dằn vặt của chị nữa, là cũng đủ tốt cho chị rồi. Một điều dì Beth thấy chắc chắn là từ hôm đến đây, chị không có vẻ phiền muộn nữa. Sáng nay cũng không, và hẳn là đêm trước cũng không.
Chiều hôm đó, Geoffrey Battes phôn tới, Jessie lại đi vắng. Lúc năm giờ, anh gọi lại lần nữa thì chị vừa về. Anh lịch sự hỏi rằng anh có thể “tới chơi” uống ly rượu, hay được phép dẫn chị tới thăm gia đình anh đang ở chơi. Jessie chọn cách thứ nhất, mời anh tới làm chầu rượu tại nhà dì Beth. Chị tỏ vẻ vui thích lắm.
Anh chàng rất quyến rũ, vui vẻ, đặc sắc, và anh mê ngay dì Beth, khiến Jessie rất hài lòng. Nhưng anh còn mê Jessie hơn nữa, khiến dì Beth hài lòng. Trông anh còn rực rỡ hơn Jessie mô tả. Anh mặc áo gió, quần gabardin màu trắng ngà, áo sơ mi xanh, thắt nơ xanh. Trông anh rất lịch sự và quyến rũ. Hai anh chị rất xứng với nhau: cùng cao lớn và tóc hung vàng. Họ duyên dáng tự nhiên, lúc quay đầu nhìn chỗ khác, cũng như lúc ngồi thoải mái tại phòng khách ở trại.
– Tôi cưỡi ngựa tìm cô suốt ngày mà không gặp, Jessie ạ. Cô trốn chỗ nào vậy?
– Đi coi căn nhà có bồn tắm sâu hơn thước, và một nhà bếp như lấy ở viện bảo tàng ra.
– Chắc hẳn cô muốn chơi trò “Cô bé đi thăm nhà Chú Gấu”. Khi cô rời nhà ra về, có thấy ba chú gấu về tới không? Và ngôi nhà đó thế nào?
– Tuyệt diệu!
Jessie cười ròn, và khi anh chàng đụng tay vào tay chị, chị hơi đỏ mặt. Nhưng anh buông ra liền.
– Hôm qua gặp cô ở ngoài đồi, tôi cứ tưởng nàng tiên giáng trần. Cô rất giống một nữ thần.
– Dì Beth nhạo tôi là lóa mắt vì ánh mặt trời đấy.
– Vâng. Nhưng chắc hẳn bà dì không hề nghĩ là mình sẽ gặp thần tiên.
Dì Beth cắt ngang, hỏi những chuyện bình thường, coi anh ăn nói ra sao. Anh nói năng rất khéo, tỏ ra rất duyên dáng, và trước bữa tối một chút, anh xin từ biệt, ngỏ lời muốn cả hai người tới ăn trưa vào ngày mai, với chủ nhân chỗ anh đang ở chơi. Dì Beth xin lỗi liền, vì bà có hẹn chuyện riêng tại trại vào ngày hôm sau, nhưng Jessie vui vẻ nhận lời. Khi anh lái chiếc xe hiệu Porsche màu sô cô la đi khỏi, chị nhìn theo, ánh mắt long lanh như cô thiếu nữ.
– Tốt. Dì nghĩ sao?
– Quá cao lớn – Dì Beth cố giữ vẻ nghiêm khắc, nhưng bà thua liền, chị liền nhăn mặt – Dầu sao dì cũng phải thật lòng công nhận anh chàng rất dễ thương, Jessie ạ! Dễ thương, thế thôi.
Giọng dì Beth rất phấn khởi, Jessie cũng cảm thấy như bà dì. Chị cố gạt bỏ cảm tưởng ấy đi, nhưng rất khó khăn.
– Anh ấy dễ thương, phải không? – Chị mơ màng một lúc, rồi xoay mình trên một chân – Nhưng chưa dễ thương bằng ngôi nhà của cháu đâu.
– Jessie, cháu làm rộn đến dì! Dì già quá rồi, không ưa mấy trò của bọn thanh niên đâu! Căn nhà nào! Và làm sao cháu dám so sánh một người đàn ông với một căn nhà?
– Dễ hiểu thôi, vì cháu có cảm tưởng như vậy. Vì cháu đang nói đến căn nhà của cháu. Căn nhà mà cháu mới mướn hôm nay, để về nghỉ suốt mùa hè.
Dì Beth nghe vậy, nghiêm hẳn nét mặt:
– Cháu đã thuê ngôi nhà cổ để nghỉ vào mùa hè này, hả Jessie?
– Vâng. Và cháu thích ngôi nhà đó, sẽ ở lại lâu hơn. Dì Beth ạ, cháu ở đây rất sung sướng, và dì nói đúng lắm: bây giờ là lúc cần thay đổi.
– Đúng, cháu ạ. Nhưng có phải bằng cách như vậy đâu? Đời sống này là dành cho người già, không phải cho cháu. Cháu không thể ép mình sống nơi thôn quê. Cháu sẽ tìm được người nào để trò chuyện? Và cháu sẽ làm gì?
– Cháu sẽ nói chuyện với dì và cháu bắt đầu vẽ tranh trở lại. nghề họa của cháu bỏ đã nhiều năm nay, mà cháu lại yêu nghề đó. Cháu sẽ vẽ chân dung cho dì.
– Jessie, Jessie! Cháu luôn luôn nhẹ dạ! Rồi cháu sẽ làm phiền đến dì cho coi. Mới rồi đùng đùng đòi về, đòi ly dị cho bằng được, bây giờ không biết sẽ làm những chuyện gì nữa đây? Cháu yêu quý, dì van cháu, phải suy nghĩ cho chín chắn.
– Cháu suy nghĩ rồi, và cháu làm, cháu muốn làm. Cháu chỉ thuê có một mùa hè thôi, sau đó sẽ xét lại. Không phải là cháu thay đổi như chong chóng, mà cháu chỉ thử xem sao. Cháu mới đạt được quyết định dứt khoát duy nhất là bán lại cửa hàng thôi.
– Lạy Chúa, cháu lôi thôi nhiều chuyện quá. Cháu đã tin chắc chưa?
Dì Beth hoảng hốt. Dì gợi ý cho Jessie bán lại cửa hàng không dè chị lại coi đó là chuyện đứng đắn. Bà làm sao đây?
– Cháu tin chắc hoàn toàn. Lần này về, cháu sẽ bán Lady J cho chị Astrid, hoặc nhường lại cho chị.
– Và rồi nó sẽ bán lại cho người khác. Cháu cứ tin chắc như vậy đi, Jesie. Dì không buồn gì chuyện đó, mà còn cho rằng như vậy là tốt cho chị nó. Nhưng cháu không buồn hay sao? Hình như cửa tiệm đối với cháu có ý nghĩa quan trọng lắm, cháu thân yêu ạ.
– Quả thật nó có ý nghĩa với cháu, nhưng bây giờ nó thuộc về quá khứ một phần nào rồi. Cái phần của quá khứ đó, cháu muốn dứt bỏ cho rồi. Cháu nghĩ rằng cháu sẽ không hối tiếc đâu.
– Dì cũng mong vậy.
Bầu không khí có thay đổi, cả hai cùng cảm thấy. Nhưng từ lâu rồi, đây là lần đầu tiên Jessie cảm thấy mình rất sống, hay ít nhất không buồn phiền nữa.
– Ngôi nhà đó có ở được không?
– Tàm tạm. Chỉ cần lau chùi kỹ, thật kỹ.
– Cháu tính sao về đồ đạc?
– Cháu sẽ chui vào bao bố mà ngủ. – Chị không có vẻ băn khoăn chút nào.
– Đừng nói nhảm. Dì có một số đồ đạc dư chất ở nhà kho, trên gác thượng còn chất nhiều hơn nữa. Cháu tự lo lấy. Ít nhất phải cho tiện nghi.
– Và sung sướng.
– Jesie… dì hy vọng như vậy. Và dì xin cháu đừng làm những việc quan trọng quá hấp tấp. Cứ thủng thẳng. Phải suy nghĩ. Cân nhắc các quyết định.
– Dì cũng làm như vậy ư?
Dì Beth không giữ nỗi tính vui vẻ xưa nay của bà nữa:
– Không. Nhưng đây có thể là lời khuyên của người già đối với các cô còn trẻ. Thường thường dì làm tưới xượi, thích gì làm nấy, rồi sửa chữa sau. Thú thật với cháu, dì rất thích có cháu về ở chơi vào mùa hè này.
Bà lão mỉm cười hiền dịu và Jessie trầm ngâm.
– Nếu cháu lại muốn ở lại sau vụ hè nữa thì sao?
– Ồ, dì sẽ đóng cửa lại, đứng ở chỗ cửa sổ nhà bếp nhắm bắn cháu. Cháu nghĩ về dì ra sao? Tất nhiên là dì thích thú lắm chứ. Nhưng dì không thể khuyến khích cháu về ở dưới này, chỉ vì dì. Ngay cả với Astrid, dì cũng không làm vậy.
Thật ra bà chẳng tin rằng Jessie sẽ đổi về ở đây. Cuối mùa hè cô sẽ chán.
Hôm sau, anh chàng tới dẫn Jessie đi ăn trưa; và lúc về với dì Beth, chị rất hứng thú. Chị yêu các bạn của anh. Và họ cũng rất thích thú về viễn tưởng chị sẽ đổi về sống ở đây vào mùa hè này. Họ mời chị lúc nào thích cứ ghé lại chơi. Họ là cặp vợ chồng chừng năm chục tuổi, thường mời bạn bè từ Los Angeles về chơi, trong đó có Geoffrey. Anh nói:
– Chắc thế nào mùa hè này tôi cũng về đây chơi thật lâu.
– Ồ!
– Vâng. Và từ đây tới San Francisco phải chạy một cuốc xe rất lâu.
Khi về đến nhà dì Beth, anh đã cầm tay chị dẫn ra khỏi xe:
– Cô Clarke, bao giờ cô trở lại thành phố.
– Ngày mai – Những chữ “cô Clarke” khiến chị khó chịu. Cô? Nghe sao xa lạ… và trống rỗng quá.
– Ngày mai tôi cũng trở lại Los Angeles. Nhưng thật tình… – Anh dự tính sẽ có mặt ở San Francisco vào ngày thứ sáu – Tôi muốn mời cô đi ăn tối, cô nghĩ sao?
– Rất vui thích.
– Tôi cũng vậy. Anh tỏ vẻ nghiêm trang lạ lùng lúc hai người tiến lại ngôi nhà, và rồi lặng lẽ đưa tay nắm chặt lấy tay chị.
***
Astrid rất ngạc nhiên trước đề nghị của Jessie, nhưng bà vồ lấy liền. Lần đầu tiên được thấy cửa tiệm, bà đã có ý muốn mua rồi.
– Nhưng em chắc chưa?
– Chắc chắn. Chị cứ lấy đi. Em sẽ cho chị biết giá trị của số hàng còn lại áng chừng bao nhiêu, sẽ nói chuyện với luật sư, và chúng ta sẽ đưa đến chỗ thỏa thuận về giá tiền.
Chị nói chuyện với ông Philip Wald, hai ngày sau ra giá, và Astrid nhận ngay không chút ngần ngừ. Bà hỏi ý các luật sư để lo thủ tục giấy tờ. Lady J thuộc về bà, với giá tổng cộng là 85 ngàn đô la. Astrid và Jessie đều hài lòng. Điều duy nhất khiến Jessie cảm thấy nhức nhối là việc bà Astrid đổi tên cửa hàng thành Lady A. Đối với khách hàng thì hai tên nghe cũng na ná, nhưng cũng không thể nào giống hẳn được. Tuy nhiên, nó là của bà Astrid, bà muốn đặt tên gì chẳng được. Đối với Jessie thì một kỷ nguyên vừa chấm dứt.
Hai người đang ngồi ở văn phòng phía sau bàn bạc về chương trình buôn bán, thì Katsuko xuất hiện ở cửa, với một nụ cười trên môi.
– Chị Jessie, có người muốn gặp chị. Xin nói thêm rằng ông ta rất đẹp.
– Ồ! – Jessie ló đầu ra khỏi cửa và thấy Geoffrey – Ồ! Hello!
Chị mời ông ta vào văn phòng, giới thiệu bà Astrid, nói thêm rằng bà Williams là má của Astrid.
– Anh biết má tôi? – Astrid tỏ vẻ ngạc nhiên, không nghe bà má nói lần nào về bà quen biết một người như Geoffrey.
– Tôi có hân hạnh được tiếp kiến cụ thân mẫu của bà vào dịp nghỉ cuối tuần qua, tại trại.
Astrid nhíu cặp lông mày, nhìn Jessie tỏ ý ngạc nhiên. Geoffrey vội nói tiếp:
– Tôi xuống đó thăm mấy người bạn.
Đột nhiên Astrid thừ nét mặt, bà đã hiểu vì sao Jessie tính chuyện về nghỉ hè dưới đó, tại ngôi nhà cũ kỹ kiểu Victoria chị mới thuê mướn. Bà cũng nghi ngờ không biết có phải vì vậy mà Jessie bán lại cửa tiệm chăng. Nhưng bà có cảm tưởng để soát một đoạn trong câu chuyện chưa nắm rõ. Jessie đã dấu kỹ với bà? Bà nhìn qua Geoffrey thì thấy anh chàng nhìn Jessie với vẻ nồng nàn. Astrid đành giữ lại câu hỏi trên đầu môi. Thế nào? Khi nào? Sau đây ra sao? Anh ta đã… anh ta có… anh ta có thể…
Geoffrey đã cắt đứt tư tưởng của Astrid, với một nụ cười khó chịu khác:
– Tôi có vinh hạnh được mời cả hai người đẹp dễ thương đi ăn trưa chăng?
Anh ta có cách cư xử rất khéo, không mời luôn cả Katsuko, mà tỏ ý hối tiếc qua ánh mắt; biết rằng phải có một người ở lại để trông coi cửa hàng. Cách xử sự của anh không chê vào đâu được, bà Astrid cũng phải ưa thích. Bà nửa muốn nhận lời ăn trưa, để coi câu chuyện của anh chị như thế nào, nửa ngại không dám làm chuyện đó với Jessie. Nhưng Jessie đã vội lắc đầu:
– Đừng rủ rê chúng tôi, Geoffrey. Chúng tôi đang thảo luận công việc làm ăn, việc mua bán trong cửa tiệm…
Astrid bác ngay lời phản kháng viện dần trách nhiệm của Jessie.
– Ồ, vừa phải thôi chứ, Jessie! Chớ nói nhảm như thế. Chuyện làm ăn ta bàn bạc sau cũng được. Vả lại, chị phải chạy công việc vài nơi, phải xuống phố – Bà nhìn Geoffrey tỏ ý buồn rầu – Hai người có thể đi với nhau, ăn một bữa trưa cho ngon. Sẽ gặp em trở lại, tại đây vào lúc hai giờ hoặc hai rưỡi.
– Cứ cho là hai rưỡi đi, bà Bonner. Geoffrey vội vã bước vào, Jessie lại ngồi xuống, coi xem sao. chị thích cách giải quyết công việc của anh. Anh thường tỏ lộ uy quyền, không dấu diếm gì. Và điều đó khiến chị cảm thấy được an toàn, mà không bị đe doạ. Bây giờ chị không cần ai săn sóc đến sự quan tâm chú ý của anh là thừa thãi không phải huyết tương đem lại sự sống nữa. Chị vui thích trước sự thay đổi mới mẻ đó, và tự hỏi với Ian thì có khác gì chăng, chị có còn thấy thất vọng nữa chăng, chị đã tự tin được chưa. Nhưng Jessie vội xua đuổi ngay những ý nghĩ đó ra khỏi tâm trí.
Hai người ăn trưa gần nhà, tại một khách sạn trên đường Thống Nhất, và bữa ăn rất vui vẻ.
Học xong trung học Eton, Geoffey đã vô đại học Cambridge. Anh rất mê thích ngựa. Anh lái máy bay riêng và dự định tổ chức một chuyến du hành sang Phi Châu vào mùa đông tới. Rõ ràng anh đã say mê Jessie, và mỗi lần anh nở nụ cười tuyệt diệu của riêng anh, thì Jessie đều xúc động.
– Tôi phải nói thẳng, Jessie ạ, cô lên đây ở thành phố trông cô khác hẳn.
– Thật lạ lùng, mỗi lần tôi chải tóc, tôi thấy mình đổi khác! – Hai người cùng mỉm cười nhớ lại lần đầu gặp nhau – Ở đây tôi cũng vẫn mang giày vậy.
– Thế ư? Thích nhỉ. Cho coi chút nào! – Anh chọc ghẹo chị, ngả người qua một bên khăn trải bàn, liếc nhìn chân chị thì thấy đôi giày Gucci rất đẹp bằng da hoẵng màu chanh, gần như cùng màu với chiếc váy da hoẵng mà chị mặc chung với chiếc áo choàng bằng lụa màu hồng hồng. Màu hồng là màu ưa thích của Ian, sáng nay chị tự ép lòng mình phải mặc chiếc áo này. Thứ ưa thích của Ian đã ra sao nào? Không lý do gì liệng nó đi. Chiếc áo này chị không mặc tới đã mấy tháng nay, làm như không mặc tới là một cách từ bỏ anh vậy. Bây giờ, chị thấy chuyện đó có vẻ điên rồ, vô lý.
– Phải công nhận đôi giày của cô rất đẹp. Mà chiếc áo choàng cũng đẹp nữa.
Chị đỏ mặt vì lời khen, mà phần lớn là vì nó gợi nhớ Ian. Geoffrey có một điều đặc sắc nào đó… Anh thoáng thấy một bóng mây chạy qua mắt chị:
– Cô đang nghĩ gì vậy?
– Không.
– Cô tệ lắm, đã dối tôi. Một điều gì nghiêm trọng đã chạy qua tâm trí cô. Chuyện gì buồn chăng? Anh đã nhìn theo hướng đó.
– Tất nhiên là không – Chị rất bối rối vì anh đã nhìn được nhiều, quá nhiều điều. Anh rất có tài quan sát.
– Cô đã lấy chồng lần nào chưa, Jessie? Có phúc lớn lắm mới tìm ra một người đàn bà như cô: không chồng và không ràng buộc gia đình. Hay là tôi đoán sai? – Thật ra, thì điều thì điều này anh đã muốn biết ngay từ lúc mới gặp chị.
– Anh đoán rất đúng: tôi tự do và không ràng buộc. Và đúng, tôi đã có chồng.
Anh tài thật, như đọc được trong đầu chị vậy.
– Có con không? – Anh nhướng cặp lông mày, tỏ vẻ thắc mắc.
– Không. Không đứa nào.
– Tốt.
– Tốt? – Nói gì kỳ vậy? – Anh không thích trẻ con, hả Geoffrey?
– Rất nhiều. Con người khác kìa – Anh mỉm cười, không bối rối chút nào – Nói cho đúng tôi là người chú tuyệt vời. Nhưng có thể tôi là ông bố khủng khiếp.
– Anh dựa vào đâu mà nói như vậy.
– Tôi đi nhiều nơi. Tôi quá ích kỷ. Khi yêu một người đàn bà nào, tôi muốn dành hết nàng cho tôi, rất ghét chia sẻ tình yêu của nàng với một người khác, và nếu như cô là một bà mẹ rồi, cô phải giải quyết sao cho gọn gàng giữa chồng và con cái. Có lẽ chính tôi còn con nít quá, nhưng tôi muốn hưởng thụ lâu dài những đêm lãng mạn, những chuyến du hành bất ngờ tới Ba Lê, những lần trượt tuyết tại Thuỵ Sĩ, mà không có đứa tí nhau oa oa trong xe hơi… Tôi có thể kể ra hàng ngàn lý do khủng khiếp, ích kỷ vô cùng. Nhưng trên hết, tôi thành thật. Cô có thấy mích lòng không?
Anh không biện minh cho những điều anh vừa nói, mà sẵn sàng chấp nhận chuyện chị không công nhận. Thật ra anh đã thấy rằng có thể chẳng bao lâu nữa sẽ có sự thông cảm. Anh đã suy nghĩ, và bây giờ không có điều gì để hỏi han nữa.
– Không. Chuyện đó không khiến tôi xúc động. Chính tôi cũng luôn luôn nghĩ như thế. Quả thật, đúng là cách cảm nghĩ của tôi.
– Nhưng?
– Anh muốn nói gì?
– Tôi thấy trong giọng nói của cô có một tiếng “nhưng” – Anh nói thật êm, và chị mỉm cười – Có không? Tôi không biết chắc. Bất cứ vấn đề gì tôi thường có những ý nghĩ rất chính xác. Nhưng tôi không hiểu… Tôi đã thay đổi nhiều.
– Thay đổi là chuyện tự nhiên, nếu như cô đã ly dị. Nhưng tại sao cô lại nảy ra ý muốn có con? Theo tôi nghĩ thì cô muốn thường xuyên được tự do.
– Không nhất thiết. Và tôi cũng không có thay đổi lớn lao về quan niệm của tôi đối với việc có con. Tôi chỉ mới bắt đầu tự đặt cho mình nhiều câu hỏi.
– Hiện thời, Jessie ạ (Anh nắm nhẹ tay chị) tôi nghĩ rằng không có con, cô sẽ sung sướng hơn. Cô giống tôi rất nhiều: cương quyết và tự do. Cô hưởng thụ những gì cô làm. Dẫu sao, tôi không thể tưởng tượng nổi cô lại liệng bỏ tất cả những điều đó chỉ vì một đứa bé trong tã lót.
Chị nhăn mặt trước ý nghĩ đó:
– Trời!
– Thôi, không nói đến nữa.
Hai người cùng cười vang một lúc, uống một ngụm rượu vang, trong lúc đợt khách ăn trưa thứ hai lục tục kéo đến. Họ đã ngồi đây gần hai giờ đồng hồ. Thật vô lý, khi không lại nói chuyện với anh về con cái, đủ thứ. Chị có cảm tưởng vấn đề này là quan trọng đối với anh, và anh muốn đem ra giải quyết ngay từ đầu. Và chắc chắn anh đã chung quan niệm với chị, quan niệm mà lâu nay chị vẫn gắn bó tha thiết.
Jessie duỗi chân, uống nốt ly rượu vang, tự hỏi không hiểu đã nên trở lại cửa tiệm chưa, và đột nhiên chị nghĩ đến chuyện có thể chị đã giữ anh quá lâu, lỡ mất công việc riêng của anh. Nhưng thời gian ngồi bên nhau thật vui, khó dứt bỏ cho được.
– Tuần tới, tôi sẽ đi Ba Lê vì công việc làm ăn, Jessie ạ. Cô thích thứ gì để tôi mang về nào?
– Ý nghĩ thật là hay! Ba Lê! – Chị long lanh ánh mắt – Coi nào… anh có thể mang về cho tôi… điện Louvre… vương cung thánh đường Sacré-Coeur… quảng trường Elysée… Ồ, và toàn bộ Ngoại ô St Honoré – Chị cười rinh ríc.
– Tôi thích như vậy đó; một người đàn bà biết rõ điều mình muốn. Hỏi thật nhé: tôi muốn rủ cô đi cùng, cô nghĩ sao?
– Anh nói rỡn đấy chứ?
– Tất nhiên là không. Tôi cũng chỉ đi chừng ba, bốn ngày. Cô có thể đi chơi xa lâu như thế, được không?
– Được. Nhưng với một người xa lạ hay sao? Có Chúa mới biết anh ta như thế nào.
– Tôi cũng có ý định đi Nữu Ước vì công việc của cửa tiệm, nhưng bây giờ không cần nữa rồi, và… Ba Lê…?
Chị không biết nói sao. Sau những thằng cha quấy rầy chị, và chị khinh bỉ tất cả, quả thật anh là người đàn ông hoàn hảo, và anh lại có nhã ý dẫn chị đi chơi Ba Lê nữa.
– Chúng ta không… – Anh tỏ vẻ vụng về, nhưng hiền dịu – chúng ta không bắt buộc phải chung phòng. Cô có thể thấy thoải mái…
– Geoffrey! Anh là một thiên thần. Nhưng xin anh tốp lại đi, kẻo tôi vồ lấy đề nghị đó, bỏ hết mọi chuyện tôi cần làm ở đây. Tôi rất cảm động thấy anh đã hỏi tới, nhưng quả thật tôi không thể…
– Được rồi, ta hãy đợi coi. Có thể cô sẽ thay đổi ý kiến.
Geoffrey rất ngạc nhiên. Ba Lê mà chê ư? Jessie cũng muốn nhận lời nhưng… Tại sao không? Việc gì mà phải từ chối? Ba Lê đẹp quá đi mất. Nhưng tại sao chị lại có cảm tưởng lừa dối Ian?
Chuyện gì thay đổi vậy? Chị tự do mà. Anh cũng không thể biết được chuyện này. Chị có gặp anh nữa đâu. Nhưng, chị có cảm tưởng bằng cách nào đó, anh vẫn ở đây, mắt buồn rười rượi, không muốn thấy chị đi. Jessie cố gạt bỏ hình ảnh Ian ra khỏi tâm trí, mỉm cười với Geoffrey.
– Cám ơn anh, về lời đề nghị đó.
– Tôi ao ước được cô nhận lời. Tôi muốn được hưởng cái thú của chuyến đi chơi xa không dự tính trước. Tôi thích những chuyện như thế. Sẽ mất vui nếu cô phải lôi theo một đám lóc nhóc, hoặc bỏ chúng ở nhà và cảm thấy tội lỗi. Làm người chú quả thật đơn giản hơn nhiều. Cô có cháu trai, cháu gái nào không?
Chị lắc đầu.
– Anh, chị, em?
– Tôi có một người anh em trai nhưng đã chết trận.
Geoffrey tỏ vẻ bối rối một lúc:
– Trong trận thế chiến thứ hai, hay trong chiến tranh Triều Tiên? Trong cả hai trường hợp, anh ấy phải lớn tuổi hơn cô.
– Không. Chiến tranh Việt Nam.
– Tất nhiên. Sao tôi ngu thế! Dở thế! Cô có thân với cậu em không?
Anh nắm tay chị chặt hơn, như muốn nâng đỡ. Chị rất hài lòng trước vẻ trầm tư của anh.
– Vâng. Chúng tôi rất thân nhau. Lúc cậu ấy mất, đã để cho tôi lắm nỗi buồn thương.
Lần đầu tiên chị có thể nói chuyện này ra. Những tháng gần đây đã giải phóng tư tưởng của chị theo nhiều cách chị không biết tới.
– Rất ân hận.
Chị gật đầu, mỉm cười:
– Còn anh, được mấy anh chị em?
– Hai cô em và một ông anh rất nghiêm khắc. Em gái tôi như đồ điên khùng, nhưng rất vui.
– Anh vẫn thường ở Âu Châu những khoảng thời gian lâu chứ?
– Ít thôi. Vài ngày chỗ này, vài ngày chỗ kia. Tôi rất thích nếp sống đó. À, này Jessie, có lẽ tôi phải dẫn cô về cửa hàng, để cô bàn chuyện với bà Astrid chứ nhỉ?
– Chúa ơi! Tôi quên khuấy đi mất. Anh nói phải đó.
Chị nhìn đồng hồ đeo tay tỏ ý hối tiếc, và lại mỉm cười với anh. Mấy giờ đồng hồ thật vui vẻ:
– Tôi cũng e rằng đã giữ anh, để mất công việc của anh.
– Vâng, tôi… Nhưng anh cao người, gạt bỏ vẻ nghiêm nghị, rồi anh nhìn chị với nụ cười tinh ranh – Tôi chẳng định làm một chuyện gì. Tôi tới đây chỉ để thăm cô thôi.
Anh ngả người ra sau ghế, tự nhạo mình, nhưng tỏ vẻ hài lòng.
– Thật ư? Jessie tỏ vẻ kinh ngạc.
– Quả thật như vậy. Mong cô chớ để tâm.
– Không. Tôi chỉ ngạc nhiên thôi.
Rất ngạc nhiên chứ, và có chút hững hờ là khác. Thế là nghĩa làm sao? Anh lên đây để thăm chị… và gợi ý đi chơi Ba Lê? Anh có giống mấy kẻ khác đem bữa ăn dụ khị đổi lấy cơ thể chị không đây?
– Ồ! Coi nét mặt cô kìa, Jessie!
– Nét mặt làm sao?
Trong giọng nói của chị có vẻ cười cợt, vừa có vẻ bối rối. Nếu quả thật anh biết chị đang nghĩ gì thì sao. Hình như anh biết nhiều thứ lắm.
– Cô nhất định muốn biết nét mặt ra sao ư?
– Ô kê. Coi anh đoán có trúng không? – Chị muốn làm mặt dạn, nói thẳng ra.
– Tốt. Nếu tôi nói với cô là tôi có phòng ở khách sạn Huntington, cô có thấy khá hơn không?
– Ồ! Anh! – Chị cầm khăn tay đập anh – Tôi không…
– Có mà!
– Quả thật tôi có.
Hai người cùng cười, và anh thẩy một tờ giấy bạc lớn vào cái đĩa của người hầu bàn, đứng dậy nắm áo Jessie.
– Tôi phải thú nhận ý nghĩ của tôi – Jessie cúi đầu, nhăn mặt.
– Tất nhiên cần phải vậy – Nhưng lúc ra đến ngoài, anh siết tay chị trong tình bạn bè, và trên đường về tiệm, họ cười rỡn, trêu chọc nhau. Khi hai người bước vào Astrid đứng đợi, mỉm cười thoải mái. Bà hài lòng thấy Jessie vui vẻ trở lại, và nhất là vui bên một người đàn ông.
– Bây giờ xin từ biệt để hai người hội họp, lo công việc và làm mọi việc cho thoải mái. Và Jessie, mấy giờ tôi có thể tới đón cô?
– Ở đây ư?
Chị tỏ vẻ ngạc nhiên. Thật lạ lùng, bây giờ lại có người săn đón, hộ vệ và tham dự vào công việc của chị, có người rước đi rồi dẫn về. Từ lâu rồi chị thiếu những chuyện đó, và bây giờ chị thấy lọng cọng không biết phải cư xử thế nào. Cũng như mấy tháng đi chân đất bây giờ mang giày trở lại vậy.
– Anh cho tôi cuối giờ làm việc gặp anh có được không?
– Cách nào cũng được.
Chị sung sướng nhìn anh và một lúc lâu hai người không nói tiếng nào. Chị muốn mời anh sử dụng chiếc xe của chị, nhưng chị không thể quyết định làm chuyện đó. Không… không thể đưa chiếc Morgan. Chị cảm thấy bực tức đã không mời anh sử dụng xe, nhưng quả thật không thể được.
– Có lẽ tôi nên về nhà nghỉ ngơi để cô được rộng thời giờ. Tôi có thể đón cô ở đây chứ?
Anh đã rõ tính chị hơi trẻ con, hai người cùng cười ròn, và chị gật đầu:
– Rất đẹp.
– Bây giờ nhé? Ăn tối vào lúc tám giờ.
– Tuyệt! – Và đột nhiên chị nảy ý. Anh đã ra đến ngoài cửa chị vội chạy theo – Anh không biết rõ San Francisco, phải không?
– Không nhiều. Nhưng chắc là tôi cũng tìm được đường đi – Anh có vẻ vui vui thấy chị quan tâm đến anh.
– Anh có muốn đi chơi một vòng vào lúc chiều tối chăng?
– Với cô?
– Tất nhiên.
– Ý nghĩ tuyệt vời!
– Hay lắm. Chừng năm giờ chiều nay, anh ở chỗ nào?
– Cô dạy sao, tôi làm vậy.
– Tốt lắm. Tôi sẽ đón anh ở trước khách sạn St Francis lúc năm giờ. Ô kê?
– Hơn thế nữa.
Anh chào chị, chạy xuống những bậc thềm và chị quay lại với bà Astrid. Chị không nhớ nỗi mình nói những gì, trong lúc hai người thảo luận về giá cả các mặt hàng ở Lady J.
– Đúng chưa, Jessie.
– Hử? – Astrid nhăn mặt lúc Jessie nhìn lên – Ồ, còn thiếu!
– Đừng nói với chị là em đang yêu.
– Không phải như vậy đâu. Nhưng anh rất đẹp trai, phải không?
Chị muốn Astrid cũng công nhận như vậy.
– Có vẻ như vậy đấy, Jessie.
Jessie ngửng nhìn bà bạn, cười khúc khích như cô nữ sinh. Hình như phải mất nhiều tiếng đồng hồ công việc mới ngã ngũ, nhưng cả hai người đều hài lòng với kết quả. Jessie vui mừng đứng dậy, rời khỏi bàn giấy, xoay mình trên một gót chân, và liếc nhìn đồng hồ đeo tay.
– Bây giờ, em phải đi!
Chị nhấc túi xách, chị đã ra khỏi cửa, xuống thềm, không nhận định được mình vừa nói gì. Bà Astrid lắc đầu, tự hỏi Jessie có quên hẳn được Ian không. Hơn thế nữa, bà thắc mắc không biết anh đang làm gì. Bà nhớ tiếc anh. Và vì nhớ đến anh mà bà buồn rầu. Không hứng thú với chuyện Jessie có bạn mới.