Bèo giạt mây trôi

Cô kể cho anh nghe rằng sẽ đưa mẹ cô đi du thuyền từ Vancouver về phương Nam, để mừng sinh nhật thứ 70 của bà mấy tuần lễ trước ngày lên đường. Cô nói muốn dành thời gian riêng cho mẹ, mà nhiều năm qua, vì bận rộn, ít khi cô ngồi hàng giờ nghe mẹ kể về kỷ niệm của bà ở quê nhà. Chưa đặt chân lên tàu, cô đã líu lo khoe với anh về chiếc du thuyền Nowegian Pearl mới hạ thủy vài tháng trước, cái gì cũng mới tinh, tuyệt đẹp, có 14 tầng, chứa được đến 2500 du khách, với 1,100 nhân viên phục vụ ngày đêm. Anh cười thầm, chắc hãng Nowegian Cruise Line phải trả cho cô tiền quảng cáo… Cô bảo du thuyền sẽ rời hải cảng Canada Place, xuôi theo bờ biển Thái Bình Dương, về vùng ấm áp. Ðến Los Angeles, bà mẹ và cô sẽ thăm gia đình mấy dì một vài hôm rồi bay về Vancouver, thành phố xinh đẹp nơi cô đang sống. Thỉnh thoảng, có dịp xa, cô thường kể dự định sẽ làm gì và những điều thú vị tai nghe mắt thấy cho anh nghe như vậy. Giọng cô ngọt lịm như hát trong điện thoại, làm anh tưởng tượng ra trước mắt những điều cô đang kể, thấy vui lây, nhưng có chút gì làm lòng anh man mác. Anh muốn tin rằng niềm vui  cô đang có là trọn vẹn. Sự hồn nhiên của cô không để che nỗi bất hạnh sâu thẳm nào. Anh thấy mình có trách nhiệm che chở cho cô như một người anh.

***

Trước 75,  anh học năm cuối trường Nguyễn Ðình Chiểu, và sinh hoạt Hướng Ðạo chung với  Quang, người anh lớn của cô ở thành phố Mỹ Tho. Nhóm bạn bè của anh thường tụ họp tại căn nhà ba anh em cô trọ học bên bờ giếng nước, đàn hát, và để ngắm Diệu Nga, cô em kế, xinh tươi và e ấp như đóa hoa mới nở. Năm ấy cô mới 12 tuổi, bé bỏng như con mèo ướt, áo quần xốc xếch, mặt đỏ gay vì chạy chơi dưới nắng với trẻ con hàng xóm. Mái hiên trên lầu nhà cô trông ra bờ giếng, đẹp nhất vào những đêm trăng tròn, in bóng trên mặt nước. Cô thích theo mấy anh nghe đàn hát và hay ngồi bên cạnh, miệt mài cắn hạt dưa cho anh (vì chỉ có anh chịu ăn hạt dưa cô cắn sẵn). Trong khi Quang hát nhạc tiền chiến, anh thường hát những bài tình ca của thập niên 70, cô nghe đến thuộc lòng. Cô mê nhạc đến nổi đã dí dỏm nhận xét khuôn mặt anh giống Ngô Thụy Miên, và Quang giống Từ Công Phụng…

Quang vừa có bạn gái, nên không còn nhiều thời gian dành cho em. Là con một, có được đứa em gái như cô đeo theo, anh cưng chìu vô cùng.

Anh bảo tên cô, Thủy Trúc, là cây trúc mọc dưới nước, nên thân mật gọi “U Du” (loại cây cói dùng để dệt chiếu hay đan nón). Mọi người  đã cười  chế nhạo, nhưng cô lại thích cái tên ngộ nghĩnh do anh đặt. Có lần anh đến trong chiếc áo rách vai sau trận đá banh ở sân vận động, nhờ Diệu Nga vá lại (chỉ là cái cớ để có dịp nói chuyện với chị). Từ đó, tên Uy Vũ của anh, qua cái miệng hay đàm tiếu của cô, biến thành “Áo Vũ cơ hàn”. Anh thường nói, là bạn thân của  Quang, anh càng thận trọng trong chuyện yêu đương với Diệu Nga, vì lỡ không thành, có thể tổn thương tình bạn. Vì vậy, anh chịu khó chơi  với nhỏ U Du, bé hơn anh sáu tuổi, để cảm thấy an toàn.

Cô và anh có cùng sở thích, là yêu thú vật. Anh khám phá ra điều này qua một lần đến chơi, mà cô không hay. Cô ngồi bên thềm cửa, vuốt ve, thì thầm với  chú chó thật lâu như đang nói với con người: “Tô Tô ngoan nhé! Mai mốt chị để dành tiền, mua chiếc vòng đeo cổ có gắn lục lạc cho Tô Tô, chịu hôn?….”. Cô trò chuyện với  chó, mèo, chim chóc, gà vịt con và ngay cả với cá vàng…..Quang bảo “sợ con bé bị đau thần kinh hay ma nhập”, thì  anh cảm thấy gần cô nhiều hơn. Hình ảnh cô ngoan hiền, tinh nghịch, đầy ngập lòng anh, trước khi biết yêu.

Sau mùa Xuân 75, nhóm bạn của anh có người vào đại học, có người vượt biển tìm tự do. Gặp nhau lần cuối ở quê nhà, Quang đang theo tàu đánh cá của công ty Thủy Sản ra khơi (tìm đường vượt biển). Anh ngỡ ngàng nhìn cô mười sáu, mắt ướt, mi dài, bắt đầu ra dáng tiểu thư. Diệu Nga giấu đôi mắt đỏ sau cặp kính đen, vì khóc nhiều khi nghe anh về thăm. Cô thì thầm cho anh hay chị cô thương anh từ lâu mà không nói ra. Cô tưởng anh sẽ buồn lắm khi từ giã Nga, hình ảnh người con gái rất xinh, anh mang theo những năm học ở Sài Gòn, giờ thêm một lần xa biền biệt. Nhưng cô chỉ cảm nhận được anh ôm chặt vào lòng, trong đôi tay cứng cáp, và giọt nước mắt nóng của anh rơi trên trán. Anh đến rồi đi, mà không tìm gặp Diệu Nga như cô đã nghĩ.

Sau chuyến đi định mệnh, anh sang trại tị nạn và cuối cùng, định cư tại Úc, vừa đi học tiếng Anh, rồi chương trình Ðại học kỹ thuật, vừa đi làm ban đêm vất vả.

Tin chuyến tầu của Quang không đến bến bờ tự do làm anh chao đảo đến lặng người. Anh càng cảm thấy có trách nhiệm với hai cô em gái của Quang nhiều hơn, nhưng không có thời gian liên lạc để chăm sóc, yêu thương. Ðến năm thứ tư từ khi rời quê nhà, anh nhận được tin qua một người bạn ở Mỹ Tho, cô bé U Du ngày xưa đi  lấy chồng, một anh chàng đàn em (vô danh nào đó, theo anh nghĩ) học trường Nguyễn Ðình Chiểu, sau anh nhiều lớp. Anh mất ngủ hàng tháng, hối tiếc mình không giữ liên lạc với cô, để “con sáo sang sông”, cô về với người… Hình ảnh cô chập chờn trong giấc ngủ, càng sâu đậm trong lòng anh, là nét duyên dáng, và tính ngoan hiền rất mực. Anh tưởng tượng nếu không có thảm họa mất nước, anh sẽ ra trường làm việc, và trở về quê nhà cưới cô. Anh và cô sẽ có những đứa con dễ thương, nhạy cảm như mẹ và thông minh như cha. Cuối tuần, hai vợ chồng sẽ đưa lũ trẻ về thăm nội, ngoại, mang theo một bầy chó, mèo, chim chóc…. Nay cô làm dâu bên chồng, bé bỏng, mong manh như thế, có ai cưng chìu, che chở. …Anh e rằng cuộc đời thơ dại của cô rồi như bèo giạt mây trôi…

Rồi anh phạm cái lỗi của hàng trăm người đàn ông đã phạm: vội vã lấy vợ, tưởng để lấp vào khoảng trống của tâm hồn. Vợ anh là một phụ nữ trí thức, xinh đẹp và đảm đang, nhưng không phải là cô, nên không thể cùng song hành với cái tính lãng mạn và nhiệt thành trong anh. Anh để nàng đi bên cạnh cuộc đời và cánh cửa tâm hồn anh luôn đóng kín.

Anh dành nhiều thời gian cho công việc, âm nhạc và văn chương, nhưng thất vọng khi những đam mê thời đi học của anh không còn nồng nhiệt nữa.

Rồi một ngày mười năm trước, cuộc đời anh như quyển sách sang trang, khi nghe thanh âm giọng nói của bé U Du ngày xưa trong điện thoại, mà anh còn nhớ, có lẽ đến suốt cuộc đời:

–  Anh Áo Vũ Cơ Hàn, có phải là anh không? Khó khăn lắm mới tìm ra anh đó!

Anh đã yên lặng rất lâu, bắt cô sốt ruột đợi chờ, để anh tận hưởng niềm hạnh phúc như tia nắng nồng ấm đang sáng ngập trong hồn.

Trong suốt những năm sau đó, cuộc sống anh như hồi sinh. Mỗi sáng, anh có một niềm vui để trở dậy. Anh làm việc say mê hơn, yêu người, yêu đời hơn, và nhẹ nhàng với vợ mình hơn. Cuộc sống của anh không còn “sáng vác ô đi, tối vác về”, mà đầy thi vị.  Có những điều không cần nói ra, anh và cô đều giữ tình anh em sâu đậm của thời thơ ấu, và, rất tế nhị, ít khi kể chuyện đời riêng của nhau. Anh có một người đồng cảm với mình, hiểu anh rất rõ, chia sẻ với anh về văn chương, âm nhạc, và lòng yêu thú vật. Anh thích thú khoe về những phát minh vừa thực hiện trong công ty, được đưa vào sản xuất. Cô yên lặng lắng nghe, có khi thú thật là không hiểu gì về máy móc, chỉ tỏ ra quan tâm và ngưỡng mộ anh vô cùng. Cô không biết hết chiều sâu của một bài tình ca, nhưng sẵn sàng lắng nghe anh hát đi hát lại, mà không chán. Anh chú ý theo dõi những ngày Chủ nhật cô lên chùa tụng bài kinh gì, hay câu chuyện cà kê về chú mèo con què quặt mà cô nhặt được từ SPCA, mỗi ngày uống được bao nhiêu sữa, đã bắt đầu chạy nhảy chưa… Nhỏ nhặt thế mà lòng anh ấm áp vô cùng…

Không báo trước, anh có mặt trên chiếc Nowegian Pearl đang xuôi về Nam cùng lúc với cô. Buổi tối đầu tiên trên du thuyền, mất nhiều thời gian, anh mới tìm thấy cô trong khu nhà hàng sang trọng ở tầng thứ 12. Nhìn cô loay quay chọn một chỗ ngồi vừa ý cho mẹ, nhìn ra biển, anh xúc động muốn lại gần, ôm cô vào lòng như anh đã từng, trong ngày chia tay ở quê nhà.

9 giờ tối, anh nhận được điện thư của cô: “… nhớ ngày trước trước anh em mình cũng từng lên tàu vượt biển. Tàu của anh ra sao? Thuyền  em nhỏ như chiếc lá, lênh đênh giữa đại dương, nghĩ  phận người  sao mong manh. Ðã lâu rồi em rất sợ biển. Biển cho em cảm giác cô đơn đến tuyệt vọng. (Cô đùa) Muốn vượt qua cảm giác đó, em phải đi du thuyền anh Vũ à! Chiếc Nowegian Pearl sang trọng và tuyệt đẹp, rực rỡ không khí lễ hội, đến nỗi  em ao ước có anh ở đây…Buổi tối có ban nhạc chơi trong bars rất đặc sắc, có khiêu vũ, nhưng trăng đang lên trên biển, em sẽ đưa mẹ về phòng rồi lên boong tàu ở tầng 13 để ngắm trăng….”

Quả thật trăng đang lên, khá tròn và sáng, soi bóng trên mặt biển. Cô đứng một mình, tóc bay, chiếc khăn choàng mỏng manh, như không đủ ấm. Anh bước đến, khoác chiếc áo lên vai, làm cô giật mình, quay lại. Ánh mắt cô long lanh dưới trăng khi nhìn anh đăm đăm, thật ngạc nhiên, nữa vui mừng sửng sốt. Yên lặng… rồi cô mỉm cười, nụ cười thật rạng rỡ dưới ánh trăng… Cô hiểu anh, nhiều đến không cần hỏi tại sao và bằng cách nào anh đến đây, khi anh đang xa cô nửa vòng trái đất. Cô hiểu tính  anh ngang tàng, dám nghĩ  dám làm, thì khoảng cách không gian và thời gian không đủ ngăn trở bước phiêu du.

Du thuyền lớn đến nỗi nếu không có tờ chương trình mỗi ngày, anh không làm sao nhớ được bản đồ và sinh hoạt của nó. Tầng thứ sáu, có cô ca sĩ xinh đẹp gốc Pháp tên Manon đệm dương cầm, hát tình ca của thập niên 60, 70. Có nhà hàng Tàu và Nhật, và rạp hát sang trọng. Tầng thứ bảy có shopping mall, có ban nhạc Mễ Tây Cơ sôi động, có nhà hàng Mễ, và Ý….tầng 12 có buffers, có sân thể thao, phòng tập thể dục và hồ bơi, tầng 13 có sàn khiêu vũ với ban nhạc Phi….Một thành phố nổi trên biển với tất cả sinh hoạt trên đất liền.  Buổi sáng cô thường đưa mẹ đi bộ sau khi dùng điểm tâm (bà cụ đi chậm rãi, cô chạy mấy vòng rồi trở lại bên bà), xong cô ngồi với mẹ ngắm mặt biển bình yên, nghe kể chuyện, đến trưa. Sau giờ ăn, bà thích đi bộ, xem thứ này thứ nọ trên tàu, đi tập thể dục, buổi tối nghe nhạc nhẹ… Anh tôn trọng thời gian cô dành cho bà, nên chỉ ngắm hai mẹ con từ đàng xa. Bà cụ thường tịnh tâm (thiền) rồi lên giường sớm, nên anh có được ba buổi tối tuyệt vời bên cô.

Dáng cô mệnh phụ, mầu thời gian làm phai nét tươi thắm của làn da, những nếp nhăn trên đuôi mắt thấp thoáng dưới ánh đèn mầu. Tóc anh cũng bắt đầu điểm bạc. Anh đưa cô đi dạo trên boong tàu, ngắm trăng, nghe nhạc, khiêu vũ hay chỉ yên lặng bên cô, với ly cocktail trên tay, mỗi giây phút, với anh, là một giọt sương mong manh, vô ngần trân quý.

Cô vẫn là bé U Du dễ thương ngày nào, nhưng anh đọc thấy trong cô, còn là người phụ nữ yêu chồng, quý con rất mực. Thái độ của cô vẫn hồn nhiên nhưng đoan trang và tự trọng.  Cô trưởng thành, hơn là anh đã nghĩ trong nhiều năm qua. Nụ cười tươi tắn và tròn trịa của cô cho anh cảm giác yên tâm là cô có thể nắm giữ số phận của mình, giữa phong ba của cuộc đời.

Anh tưởng sẽ buồn vì không thể “nhốt” hình ảnh cô hoài trong lòng. Ngược lại, lần đầu trong nhiều năm, tâm tư anh nhẹ nhõm như có ai khuân dùm viên đá nặng ra khỏi trái tim. Nếu không có chuyến đi này, biết bao giờ anh giải tỏa được nỗi băn khoăn trong lòng. Cuối cùng, anh ôm cô trong vòng tay thật lâu, như anh từng ao ước, hôn nhẹ lên tóc, thì thầm lời chia tay với cô (và với sự bất an anh từng ôm giữ).

Anh trở về Sydney với một tâm tư nhẹ nhàng rất mực, cảm động nhận ra người vợ như duyên dáng, dễ thương hơn khi đang loay quay làm bếp, chuẩn bị cho bửa ăn chiều. Anh đến gần, hôn vợ chiếc hôn nồng nàn, lòng thanh thản, yên tâm về số phận của một cánh bèo.

Dương Phương Ý

Vancouver

Xem thêm

Nhận báo giá qua email