Biến chủng OMICRON

Omicron là chữ thứ 15 trong hệ thống chữ cái Hy Lạp. Lần này nó được sử dụng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhằm mục đích giúp các nhà khoa học trên thế giới cũng như những ai có hứng thú liên quan đến nó như các bác sĩ, y tá, giới báo chí, xã hội nói chung, đặc biệt tại các buổi bình luận chí chóe của các thông tấn xã vỉa hè (sẽ) tiện lợi hơn trong việc trò chuyện với nhau về phiên bản mới nhất của Covid-19 – omicron variant.

Ban đầu omicron được khám phá tại South Africa, một đất nước nằm ở cực nam của Châu Phi. Nơi đây từng là cái nôi của những kỳ thị đối xử phân biệt một thời để lại những vết hằn xót xa trong lịch sử nhân loại nếu bạn còn nhớ. Lần này, South Africa lại nổi như cồn bởi nó là xuất xứ phiên bản omicron mới nhất của Covid-19. Xét ở một góc độ nào đó, nó có một vị trí trong lịch sử đại dịch ngang ngửa với Vũ Hán, nơi lần đầu tiên Covid-19 được phát hiện.

Khá ầm ĩ và long trọng, mẩu tin omicron (gọi tắt cho suông miệng) xuất hiện khiến thế giới bàng hoàng hụt hẫng mất mấy hôm bởi dư chấn của phiên bản delta từng làm mưa làm gió khiến thế giới điêu đứng chưa kịp lắng xuống. Ngay sau khi được công bố, omicron khiến thiên hạ nhốn nháo hẳn lên bởi lần này họ sợ khả năng hậu sinh khả úy của nó so với các phiên bản tiền thân. Thế mới biết đâu chỉ Bắc Mỹ hay Châu Âu là bị Covid-19 tàn phá, nơi nào trên thế giới cũng bị nó vật lên bờ xuống ruộng, lần này Châu Phi bị nó dũa te tua!

Nhắc lại, thoạt đầu khi Covid-19 đổ bộ lên Việt Nam, lập tức người ta đưa ra những chiến dịch phòng chống rất nghiêm. Từ Hà Nội đến Hải Phòng, Huế rồi Đà Nẵng, Sài Gòn rồi Cần Thơ, đâu đâu cũng ê hề la liệt những áp phích, pa nô tuyên truyền vận động quảng cáo rùm beng. Thế là con Covid-19 lần ấy bị cả làng gióng trống khua chiêng, đinh tai nhức óc nên chúng chỉ thị oai với Việt Nam mấy hôm rồi lặng lẽ chuồn.

Thế là Việt Nam nổi lên như cồn với khả năng phòng chống và chế ngự Covid-19 thật oai phong lẫm lẫm. Thiên hạ khắp nơi trên thế giới đổ mắt về Việt Nam như thể đây là kỳ tích của một bước nhảy vọt trong khoa học ứng dụng cũng như các chính sách bảo vệ sức khỏe công. Không ít các đoàn cán bộ của nhiều nước đã đến đây học hỏi. Các bản báo cáo được đánh đi. Thậm chí không ít người còn cho rằng bài học xử lý Covid-19 của Việt Nam cần được phổ biến rộng rãi để thế giới học tập.

Vui chưa lâu, Covid-19 hóa ra là đứa tiểu nhân, nó nham hiểm rắp tâm phục thù bởi là đứa không dễ quên, quân tử báo thù mười năm chưa muộn. Sau khi bị Việt Nam đánh bại, nó về nhà nằm vải gai, đêm đêm liếm mật với rắp tâm nuôi chí rửa hận. Thời cơ chín muồi cuối cùng đã đến, giữa lúc nhiều nơi trên thế giới đang lăm le ăn mừng chiến thắng vì Covid-19 đang lắng xuống (sau khi đã cướp đi nhiều sinh mệnh của người già yếu, người có bệnh nền) thì nó ập đến bằng phiên bản delta. Cú đấm thốc vào yết hầu tại những nơi chưa kịp vui lâu này khiến nhiều người ngã bổ chửng, trở tay không kịp. Hóa ra con người vốn ngỡ cẩn thận kỹ lưỡng lắm cuối cùng không phải thế, họ chóng quên, vừa kiếm được con bò sổng về hôm trước hôm sau đã quên chuyện khóa cổng chuồng…

Thế là Việt Nam và thế giới bị quả chùy delta đánh cho một cú bất thần vỡ mày vỡ mặt. Những ai đọc tin hoặc có người thân bên nhà không thể quên kinh tế Việt Nam vừa tưởng bở khi nhiều nhà máy từ Trung Quốc chở qua (vì Cựu tổng thống Trump đánh thuế lên hàng TQ nặng quá nên đám chủ đầu tư vội dời xưởng qua Việt Nam né đòn) đồng thời bọn họ vừa phát hiện tiềm năng cung cấp nhân công lao động phổ thông giá rẻ như bùn của Việt Nam. Thế là bao nhiêu là hợp động béo bở với lớp váng mỡ trên mặt đổ vào Việt Nam. Của đáng tội, nhờ chúng mà những khu chế xuất của Việt Nam tấp nập hẳn như phiên chợ tình miền núi. Hàng trăm khu nhà trọ mọc lên như nấm, lăn xả vào những dịch vụ cung cấp nơi ăn chốn ở cho lớp trẻ bỏ quê lên phố thử thời vận. Rồi cái nọ cõng theo cái kia, đu đeo vá víu, cuối cùng những cái xóm công nhân lao động phổ thông hình thành khắp nơi. Thôi thì mẹ tạm xa con, chồng tạm xa vợ, người trẻ bảo với người già họ ra tạm đi làm xa rồi sớm quay về.

Đùng một cái…

Có lẽ sau đận thành công lớn với phiên bản đầu tiên của Covid-19, Việt Nam có thừa mứa những lý do để lạc quan. Họ có quyền nghỉ xả hơi, thậm chí rất có thể còn có tâm lý ỷ lại vì đã từng nghĩ trước đó mọi việc đã quá khẩn trương một cách không cần thiết. Nào dè, ai ngờ, bài học Tái Ông Mất Ngựa thuở xưa vẫn còn nguyên. Anh gặp tai nạn nhẹ nên anh không coi đó là nghiêm trọng. Còn mấy ông bị tai nạn nặng thường rơi vào hội chứng chim sợ cành cong, đạp phải rắn một lần gặp cuống lá chuối trên mặt đất cũng sợ hết hồn. Thế là những nước bị Covid-19 tàn phá hồi đầu năm 2020 delta chưa đến đã đâm lo, phòng chống kỹ hơn, kiểu bị trộm thật nên họ sợ trộm lại kéo đến, còn mấy nước chỉ bị nhẹ như Việt Nam thì tỉnh bơ, chẳng việc gì phải bấn lên như gà mắc ổ đẻ.

Khi delta variants xâm lược Việt Nam, ban đầu những ngày cuối tháng 03/21 bỗng thấy khang khác, rồi từ từ đám cháy càng lúc càng có dịp bùng lên. Nặng hơn vào tháng 05. Rồi chỉ thị 15, chỉ thị 16, sau đó là chính sách này, chỉ thị nọ, hầu như các mặt trận đồng thanh liên tục hỗ trợ lẫn nhau. Khi không thể kiểm soát thông tin được nữa, người ta đành phải xả cảng, lò thiêu Bình Hưng Hòa hoạt động ngày đêm không xuể, những hũ cốt được giao về tận nhà vì thân nhân không được vào bệnh viện. Phố xá bị cấm. Những ụ kiểm soát mọc lên. Lệnh giới nghiêm ban hành. Có gia đình chết quá nửa vì căn bệnh tai ương.

Nhiều người than thở. Họ ngẩng mặt lên nhìn ông Xanh. Chúng tôi đã làm gì nên tội? Chẳng có câu trả lời nào cả ngoài cái nắng gắt gỏng hay những cơn mưa tầm tã đổ ập xuống. Hãng xưởng đóng cửa. Sài Gòn nước sông gạo chợ. Những khu công nghiệp của Bình Dương, Đồng Nai vắng lặng như chùa Bà Đanh. Dãy nhà trọ bỗng biến thành trại tù lỏng. Lần này đại dịch Covid-19 thực sự là một nỗi lo kinh hoàng đối với Việt Nam.

(Nhưng rất may) tình người được vực dậy từ đại dịch. Những chương trình từ thiện đem rau, đem cá tặng bà con bị kẹt nằm nhà xuất hiện khắp nơi. Mọi cái cứ để ngoài cửa lát sẽ có người ra lấy. Tình người càng ấm áp hơn khi người ta cảm thấy đại dịch là khó khăn chung. Tuy vẫn còn những tật xấu, lợi dụng ích kỷ trà trộn song chẳng trách ai được. Kẻ xấu nấp dưới bao danh nghĩa tốt lành thời nào chả có. F0 rồi F1, F2. Những dở khóc dở cười. Nhiều vị còn bảo Việt Nam bao công sức gầy dựng mấy năm qua chỉ qua một đêm mà hóa thành công cốc!

Nay thấy omicron xuất hiện nhiều kẻ bỗng e càng. Không biết nó có nguy hiểm như delta hay không nhưng cứ nghe đến cụm từ “phiên bản mới”, “biến thể mới” là thiên hạ hoảng hồn. Không phải nhảy dựng nhưng rõ ràng người ta đâu thể giấu nhẹm những nỗi niềm lo âu khắc khoải. Mệt mỏi lắm rồi. Chết như ngả rạ. Một số bề ngoài tỏ ra bàng quan hờ hững chai đá do hết chịu đựng nổi, buông xuôi? Hay do tâm lý bị nhiễm trạng thái trơ, mọi cái bây giờ không còn ý nghĩa nào nữa. Con ngựa đã gục xuống ai có thể bắt nó đứng dậy. Để rồi nhìn chung vẫn là những nỗi lo âu, những sợ hãi.

Thế giới không thể hờ hững được trước omicron. Từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO (World Health Organization) đến các nước lớn giàu có, tất tần tật đều lo lắng trong việc cổng khóa then cài. Lệnh cấm các chuyến bay đến từ những nơi phát hiện ca nhiễm omicron mới đẩy nhiều người du lịch cuối năm vào tình cảnh dở khóc dở cười, kẹt cứng tại các phi trường. Còn kẻ vừa mới lạc quan một chút, hy vọng mọi cái sớm bình thường để họ còn lo giải quyết nhiều công việc ở xa bỗng sa sầm nét mặt, cứ như thế này mãi ai chịu nổi!

Thực ra omicron có nguy hiểm lắm không? Ban đầu người ta nháo nhào lên với nó. Nhưng đó chỉ là những nỗi lo sốt ruột, rất muốn chặn đứng tình huống xấu nhất có thể xảy ra, kiểu phòng cháy tốt hơn chữa cháy. Tuy vậy một số vẫn nói nó là cái cớ các chính trị gia dở trò nhắng cuội. Theo họ lề trái và cánh khoa học gia a dua với truyền thông, bô bô thái quá sử dụng omicron như ngón đòn tiểu nhân khuấy lên một chậu nước đã lóng phèn. Nhưng gẫm kỹ lại, liệu có phải đây là trò rung cây nhát khỉ của Đảng Dân chủ hay đây là mối hiểm họa thực sự, không cẩn thận củi lửa mọi cái có thể sẽ bị thiêu rụi ngay.

Theo thuật ngữ chuyên môn omicron là một “new Corona virus mutant” – tức một phiên bản đột biến trong mã gene của Covid-19 mới nhất, một thế hệ vi-rút non trẻ vừa xuất hiện, song bởi ông anh trai phiên bản delta của nó quá hung dữ nên thiên hạ cảm thấy nhờn nhợn. Họ sợ lần này biết đâu omicron sẽ ba đầu sáu tay, lắm quỷ kế, độc ác hơn ông anh delta. Ôi. Chỉ một delta đã đủ thấy loài người chưa một lần dám mạnh miệng tuyên bố mình là đối thủ của đại dịch, nay lại có thêm omicron nữa, ôi, loài người, nhất là người nghèo làm gì có nhiều sức chịu đựng đối phó đến thế?

Được đặt cho cái tên khô khốc B.1.1.529 nhưng omicron xem ra chẳng thèm quan tâm đến chuyện đó. Nó lù lù xuất hiện và WHO nhảy dựng lên khi thấy nó. Rõ ràng họ sợ tai tiếng nếu không tỏ ra sốt ruột đủ. Thế là nghiễm nhiên omicron được khoác lên người chiếc áo có dán mác “worrying mutant” với dụng ý khuyến cáo mọi người đừng nên xem thường, dửng dưng với nó.

Rồi người ta bảo do còn mới nên không biết nó có khả năng chọc thủng bức tường miễn nhiễm do chích ngừa. Họ lo lắng không biết đeo khẩu trang có thể giúp ích được đôi điều nào đó. Họ không biết nó có nguy hiểm lắm không (bởi) tâm lý cho rằng cứ mới nhất sẽ đáng sợ nhất, kiểu các dụng cụ kỹ thuật cá nhân, càng đời mới càng thâm hậu, càng công lực nhiều hơn. Và rồi tin đồn cứ loan đi, không ai biết đâu mà lần.

Nhấp nhổm như gái ngồi phải cọc, các nước đua nhau đóng cửa biên giới. Chỉ số cổ phiếu thị trường chứng khoán toàn thế giới rớt giá trọng lực không phanh. Trung Quốc đưa ra những tuyên bố lớn lao, nào là không lo lắng vì đã có khả năng đối phó, thậm chí còn hứa sẽ biếu cho các nước nghèo hàng trăm triệu liều vaccine phòng chống Covid-19. Ở Mỹ omicron nhanh chóng bị chính trị hóa (như muôn thuở) khi hai bên đều có lý lẽ của mình.

Rất may hãng tin CNBC cho chạy một bài báo có tên “South African doctor who first spotted the Covid omicron variant says symptoms seem ‘mild’ so far” hôm 29/11/21. Theo đó nữ bác sĩ Angelique Coetzee, người phát hiện ra omricron đã cho đài BBC biết các ca nhiễm biến thể omicron có triệu chứng rất nhẹ (extremely mild) và các ca thường không phải nhập viện. Nhiều đồng nghiệp của bà cho biết họ đang quan sát và nhận ra những điều tương tự, nhận định của họ omicron có vẻ không quá quắt lắm do tình hình cơ thể các ca nhiễm mới đã ít nhiều có lượng kháng thể trong máu, giúp cơ thể phần nào chống lại với phiên bản omicron. Tại Mỹ, ca nhiễm omicron nhập viện 90% do không chích ngừa.

Cả thế giới cuối cùng vẫn phập phồng thấp thỏm. Không ít cho rằng omicron sẽ cản trở thế giới trên con đường bình phục từ từ. Không sai, khi nghe tin omicron được phát hiện ở South America, rồi Hong Kong, rồi ở Châu Âu…, giá cổ phiếu tuột thê thảm. Có thể đây là đòn hiểm của các tay đầu nậu cổ phiếu. Song cũng có thể đây là phản ứng của cổ đông khi họ lo sợ trước viễn cảnh thế giới sẽ sa lầy trong thời gian sắp tới vì phiên bản omicron mới nhất.

Tạm thời chưa thể nói trước điều gì, nhưng chắc chắn Covid-19 còn dở trò, nó sẽ tìm đủ mọi cách quấy phá con người trước khi buông tha. Nên chăng loài người thực sự cần chăm sóc quan tâm lẫn nhau nhiều hơn nữa, nước giàu sẽ tạo thêm cơ hội để toàn cầu ai cũng được chích ngừa, ít nhất là hai mũi, đúng không thưa quý vị?

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email