Biển lặng, sóng êm. Tiếng gọi nhau, những câu dặn dò, nhắc nhở làm xao động bóng đêm. Người đàn bà ôm con đứng trên cát mềm. Những ngọn đèn biển lập lòe như những con mắt của đêm đen. Còn mấy tiếng đồng hò nữa mới rạng đông. Đứa bé dụi mặt vào cổ mẹ, như tìm cơn ngủ đang chập chờn trĩu nặng trên hai mí mắt. Hai đứa trẻ đứng bên người đàn bà, dõi mắt ra biển khơi. Chúng chẳng thấy gì ngoài một màu đen thẫm, và tiếng sóng ào ạt, và những bụi nước bay trong gió, ném lên mặt, lên tóc, lên cánh tay những hạt bụi nước mát rượi cùng mùi muối; mùi của đại dương. Người mẹ quay sang hai đứa con: “Thức khuya vậy làm sao ngày mai đi học?” Đứa trẻ ngập ngừng không nói. Hai mắt cố xuyên thấu bóng đêm. Ánh lửa le lói từ những ngọn đèn biển vẽ lên hình ảnh nhập nhòe những ngư dân đang đẩy những chiếc thuyền thúng gối đầu lên từng con sóng, bập bềnh chèo chống, ra chiếc ghe đánh cá đậu xa bờ một quãng.
Có tiếng đàn ông vang vọng trong gió. “Mấy mẹ con về ngủ đi!” Đứa trẻ nắm tay mẹ: “Bố gọi mình kìa!” Và đứa trẻ lấy hai tay che thành loa trên miệng, gào lên trong gió và tiếng sóng dập dồn, “Bố nhớ bắt thật nhiều cá nhé.” Tiếng réo gọi của người đàn ông trên chiếc thuyền thúng vọng lại nghe tiếng được tiếng mất. Đưá trẻ cố hét to hơn nữa, “Bố nhớ bắt thật nhiều cá…” Lời dặn dò của đứa bé lẫn vào tiếng người đàn bà nào đó, rồi hòa chung vào tiếng hét vang của hai ba đứa trẻ khác. Âm thanh lẫn vào nhau, chẳng ai hiểu ai nói gì nhưng những người có mặt trên bãi biển lúc nửa khuya đêm ấy đểu hiểu rõ những lời dặn dò mà sóng biển và gió lộng bẻ gẫy thành muôn ngàn mảnh vụn.
Bố nhớ bắt con cá to, thật nhiều cá to, về bán lấy tiền cho mẹ mua gạo. Bố nhớ câu thật nhiều mực để làm mồi câu cá to bố nhé. Có cá to, bán lấy tiền để con đóng tiền học. Không đủ tiền đóng học phí, nhà trường đuổi về như tuần trước. Lạy trời cho đừng có bão để bố bắt được nhiều cá…
Người đàn bà không dặn dò gì với chồng, nhưng trong đầu chị câu dặn dò ấy vang vang và chị nghĩ dù chị không nói ra, chồng chị cũng nghe được. “Cố bắt con cá to, có tiền mua sữa cho con.”
Bạn thân mến. Đó là hoạt cảnh quen thuộc ở một làng ven biển. Đúng hơn là hoạt cảnh quen thuộc ở những ngôi làng ven biển. Hoạt cảnh ấy diễn ra đều đặn và liên tục trên 3260 cây số đường cong hình chữ S; và con số ấy chưa tính chu vi các đảo ngoài hải phận Việt Nam.
Khi những ngư phủ lên chiếc ghe đánh cá của mình và những chiếc thuyền thúng được buộc chắc vào ghe lớn, thì hành trình của họ bắt đầu. Từ giây phút ấy. Đám ngư dân ném mình vào biển cả cho những chuyến đi từ ngắn hạn vài ba ngày, cho đến những hành trình dong duổi cả tháng trời.
Trên bờ người mẹ, người vợ, hay đúng hơn, những người vợ ngư phủ kia, dẫn con về nhà. Mẹ con lại sẽ quây quần bên nhau, miếng đói miếng no suốt hai tuần lễ sắp tới, khi những người chồng, người cha – ngư dân – cần cù kia vật lộn với sóng gió đại dương để mong đem về cho gia đình những con tôm, con cá, mong đổi lấy bát gạo, đổi lấy những đồng tiền, dành dụm đóng học phí cho con.
Bạn thân mến. Hẳn bạn còn nhớ ngày 14 tháng 03, 1988 quân Trung Cộng tấn công đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, khiến 64 bộ đội Việt Nam thiệt mạng. Chiếm xong Gạc Ma, Trung Cộng tiến hành xây đảo nhân tạo trên đảo này. Và sự kiện này hầu như không được ai nhắc tới, ngay chương trình Việt sử lớp 12 hiện tại, trong chủ để: “Biển Đông: Lịch sử và hiện đại” cũng không nhắc tới dẫu chỉ một dòng. Chẳng những thế, những người thắp hương tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội để tưởng niệm “Tử Sĩ Gạc Ma” đã bị công an bắt giữ để điều tra. Một cuốn sách viết về Gạc Ma tựa đề “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” của nhà sách First News – Trí Việt bị 13 nhà xuất bản từ chối, trong khi một tướng lãnh cộng sản, Đô Đốc Lê Kế Lâm đã quả quyết “Đây không phải là trận hải chiến, mà là một cuộc thảm sát và xâm lược có chủ đích của Trung Quốc.” Trong cuộc tàn sát chớp nhoáng ấy, Trung Cộng còn tàn độc hơn khi không cho phép các tàu của lực lượng Chữ Thập Đỏ ra cứu các nạn nhân, cho dù đây là thông lệ quốc tế trong chiến tranh.
Có 9 bộ đội Việt Nam bị thương nhưng sống sót. Theo lời họ kể lại, họ bị lính Trung Cộng bắt, bị bịt mắt, bị trói hai người lại với nhau, quăng xuống hầm tàu mặc cho máu chảy lênh láng, rồi chuyển về bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông, suốt những ngày trên tàu không được ăn uống hoặc săn sóc vết thương. Tại nhà giam Lôi Châu, người bị thương nặng bị “mổ sống” để lấy mảnh đạn ra. Rồi bị cưỡng bức lao động. Họ được trả về Việt Nam sau khi bị giam hơn 3 năm 5 tháng.
Sau này, dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cố bưng bít, vẫn có nguồn tin lan truyền trong dân chúng rằng bộ đội cộng sản Việt Nam được lệnh không bắn trả khi tàu của Trung Cộng tấn công.
Trước bài học máu xương ấy, cộng thêm thái độ hờ hững của đảng Cộng Sản Việt trước việc lộng hành của bọn hải tặc Biển Đông, những ngư dân Việt Nam không thể nào yên lòng để quăng lưới mưu sinh.
Năm 2017, sau những cuộc tấn công của “tàu lạ” trong hải phận Việt Nam, sau những thông tin liên tục về những vụ cướp ghe, đâm cho chìm ghe, giết hại ngư dân Việt của bọn hải tặc Biển Đông, quan chức cộng sản ở Quảng Bình đã có biện pháp đáng nhắc nhở là tặng 2000 (bạn đừng vội mừng mà tưởng tượng là 2000 khẩu súng trường) lá cờ cho ngư dân phường Hải Thành và xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.
Và để khuyến khích ngư dân “bám biển”, theo lời dạy khôn (hay xúi dại) của một tờ báo trong nước, cộng sản Việt Nam đã phát động chương trình “Một triệu lá cờ tổ quốc cùng ngư dân bám biển”. Tờ báo này cũng “làm gương” bằng cách tặng 5,000 lá cờ cho ngư dân tỉnh Bạc Liêu. Và dự tính sẽ (làm cách nào có đủ một triệu lá cờ để) tặng ngư dân 28 tỉnh vùng biển Việt Nam từ Quảng Ninh đến Cà Mau và những hải đảo Việt Nam.
Cử chỉ khôi hài ấy cho thấy trong mắt bọn cầm quyền cộng sản Việt Nam, những ngư dân chỉ là những “ngu dân” không hơn không kém.
Khi phường khóm huy động mọi người tham gia chương trình một triệu “lá cờ tổ quốc” thì những người vợ của ngư dân kia lại phải chắt chiu dành dụm để đóng góp cho phường khóm trong kế hoạch thi đua, những đứa trẻ không có tiền đóng học phí kia lại phải tham gia “kế hoạch nhỏ” để đóng góp cho kế hoạch một triệu lá cờ. Như ngày trước, bọn nhà nước cộng sản bắt học trò tham gia (cái gọi là kế hoạch nhỏ) “gom giấy vụn”, nhiều em học trò đã phải lấy trộm sách vở cũ của bố mẹ, xé ra, đem nộp cho nhà trường hy vọng “đạt chỉ tiêu”.
Đây không chỉ là chuyện phỏng đoán. Trưởng ban tuyên huấn phòng chính trị vùng 4 hải quân Việt Cộng, thiếu tá Vũ Viết Bằng đã cho rằng “cần phối hợp các trường trung học, cao đẳng, đại học để chung tay đóng góp. Chỉ cần mỗi lớp ủng hộ vài chục lá cờ thì mục tiêu một triệu lá cờ sớm thành công. Ngay cả học sinh tiểu học, trung học cơ sở có các chương trình kế hoạch nhỏ của các cháu, cũng có thể đưa chương trình vào…”
Chuyện ruồi bu ấy cứ lập đi lập lại hoài. Ông tuyên huấn ấy còn nói thêm “Mỗi tàu của ngư dân là một cột mốc chủ quyền, mỗi người dân là một chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển đảo.”
Thỉnh thoảng mới có một quan chức Việt Cộng nhắc đến yếu tố chính làm nản lòng những ngư dân nước Việt: bọn hải tặc Biển Đông. Một quan chức nghiệp đoàn nghề cá Nha Trang cho biết ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, thua lỗ liên tục, lượng cá đánh bắt được không đủ chi phí bỏ ra. Ngoài đối diện với sóng gió, bão tố, khí hậu thất thường làm khan hiếm nguồn cá; còn phải đối diện với nạn tàu cá nước ngoài thường xuyên quấy phá…
Việt Nam nằm trên bờ Biển Đông từ ngàn xưa. Những ngư dân Việt ăn ngủ với biển cả từ đời này qua đời kia. Biển là lẽ sống của họ. Biển – có thể nói – là chính họ, nên không bao giờ có tình trạng ngư dân bỏ biển. Chỉ bắt đầu từ thời kỳ đảng cộng sản nắm quyền sinh sát ở Việt Nam, người dân mới theo nhau bỏ nước ra đi, và mới có tình trạng ngư dân bỏ biển. Và chỉ có dưới chế đệ tư bản Đỏ hiện nay, tiếng Việt mới nảy sinh hai chữ “bám biển.”
Ngày trước, nông dân không “bám đất” vì cái trò hợp tác xã, vì những màn cướp cạn của nhà nước, ngày nay tới ngư dân thôi “bám biển” vì không ai bảo vệ họ chống lại bọn hải tặc Biển Đông. Và trước sự hoành hành dữ dội của bọn cướp biển ấy, đám cầm quyền Hà Nội ngậm câm như đã bị bắc Kinh cắt lưỡi. Rồi khi không thể che giấu được nữa thì xoay qua cái trò “tặng cờ cho ngư dân bám biển.”
Một nữ quan chức của Ủy Ban Dân Số phán: “Ngư dân thời đại mới thực hiện hai nhiệm vụ cực kỳ quan trọng: góp phần phát triển kinh tế đất nước và cùng với các lực lượng chức năng góp phần bảo vệ quê hương.”
Một nữ kịch sĩ (trước 1975 đã từng nuốt những hạt gạo tám thơm đồng bằng sông Cửu, đã từng uống nước ngọt Đồng Nai, khóc cười cùng vai diễn, đã làm bao người rơi lệ trong những màn bi kịch, trong lốt áo đào thương,) nhân dịp này cũng diễn nhưng không “tới” cho lắm khi phán: “Đây là việc làm rất đáng quý, bởi thông qua chương trình, người dân trong cả nước và kiều bào nước ngoài sẽ có điều kiện và cơ hội thể hiện tình yêu nước, yêu biển, đảo bằng việc tham gia đóng góp cho chương trình.”
“Kiều bào nước ngoài”? Xin chú thích rõ ràng rằng, chúng tôi là những người Canada, người Mỹ, người Pháp, người Đức, người Úc, người Tân Tây Lan, người Hòa Lan, người Na Uy – gốc Việt, chứ không phải Việt Kiều (yêu nước), xin bà kịch sĩ đừng vơ vào như thế!
Nếu bạn đã từng sống với cộng sản, bạn sẽ không ngạc nhiên khi một quan chức lãnh tụ nào đó phát biểu, thì dù hay hay dở, bạn (là nhân dân) cũng phải vỗ tay và phải vỗ nồng nhiệt, và khi vỗ tay cũng đừng dại dột mà ngừng vỗ tay trước mọi người. Tương tự như thế, khi một quan chức đỏ phán một câu gì đó thì những quan chức nhỏ hơn sẽ phải hùa theo, cổ võ nồng nhiệt, và báo chí nhà nước cũng phải rộn ràng bản đồng ca hỗ trợ.
Vì vậy mới có những câu phát biểu thế này:
Một ông cựu chiến binh (Việt Cộng): “Tôi tin rằng mỗi ngư dân khi cất tiếng hát quốc ca trước lá cờ thiêng liêng của tổ quốc, trái tim họ luôn dâng trào cảm xúc tự hào khó tả. Khi đã yêu, đã tự hào, chắc chắn họ sẽ sẵn sàng bảo vệ từng cột mốc, từng hải lý và cả môi trường biển, đảo của quê hương.”
Một ông lớn khác: “…tôi mong có một triệu bộ cẩm nang hướng dẫn khai thác thủy sản phù hợp luật Việt Nam và điều ước quốc tế để gửi tặng ngư dân…”
“Ngư dân chỉ treo cờ khi sắp xuất bến, về là tháo ngay ra cất đi, sợ cờ phai màu. Họ giữ cờ như giữ con ngươi trong mắt họ vậy.” Phải chăng vì không trông mong gì được vào cái miệng hay nói của bọn lãnh đạo, hoặc là bị bắt buộc, anh ngư dân đành xin “cờ tổ quốc” như con bệnh tuyệt vọng xin lá bùa mang theo, hy vọng sẽ trừ được lũ tà cướp biển; hy vọng quân Tàu sẽ tôn trọng quy ước quốc tế. Hoặc quân Tàu đi lạc vào hải phận Việt Nam, thấy cờ đỏ sao vàng, nhận ra rằng họ đã đi lạc, và lịch sự đi ra khỏi vùng biển ấy?
Quan phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ba hoa: “Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 phải đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản chỉ tiêu phát triển kinh tế biển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, phục hồi và bảo tồn sinh thái biển quan trọng…”
Cho dân ăn bánh vẽ vẫn là nghề chuyên môn của bọn cộng sản (cả quốc tế lẫn Việt Nam), quan phó cho dân ăn bánh vẽ hay là quan biết rõ năm 2030 nước Việt Nam Cộng Sản đã thành Giao Chỉ Quận, một huyện của nước Tàu, và cái Biển Đông tương lai đầy tươi sáng kia là biển của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa?
Phóng viên của một tờ báo kể chuyện một ngư dân đi biển nhận ra lá cờ đã bạc màu, liền sai vợ chạy sang hàng xóm mượn sáu chục ngàn đồng để mua cho được lá cờ mới rồi mới ra khơi.
Thêm một câu chuyện nữa kể rằng sau khi bị “tàu lạ” đâm cho chìm và bỏ đi, một ngư dân được tàu bạn cứu nhưng vừa mới leo lên được tàu bạn, anh đã vội lao xuống biển, bất chấp cá mập đang lượn quanh xác con tàu đang chìm. Mọi người không hiểu chuyện gì xảy ra, mãi đến khi ngư dân ấy trồi lên họ mới biết anh vừa lao theo con tàu đang chìm để gỡ lấy “lá cờ tổ quốc” bởi (nhà báo kết luận) “ngư dân giữ cờ như giữ con ngươi trong mắt mình”.
Đầu tháng vừa qua tàu “khảo sát Hải Dương-8” của Trung Cộng chỉ còn cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận (miền trung Việt Nam khoảng) 155 Km, bọn lãnh đạo Hà Nội không hé môi một lời, hải quân quân đội nhân dân Việt Nam cũng biệt dạng, hệt như câu nói dân gian: “Ngư dân bám biển, hải quân bám bờ!”
Tôi thắc mắc bọn cầm quyền Hà Nội nhắn nhủ ngư dân đem cờ theo để bám biển, vậy thì ngư dân sẽ làm gì với lá cờ khi quân Tàu tấn công? Và tôi đoán câu trả lời là: Chạy chứ làm gì khác được, tuy nhiên phải chăng bọn cầm quyền cho rằng dù là bỏ chạy, họ cũng làm được điều mà ông bà mình vẫn ví von về những kẻ bỏ chạy; đó là “chạy có cờ!”
Bạn thân mến, sau hai tuần lễ chờ đợi, người đàn bà ôm con tiễn chồng trên bãi biển có thể sẽ lại ra đón chồng về với mẻ cá to, nhưng cũng có thể ra để đón về cái xác trương phềnh không còn nguyên vẹn hình hài của gã ngư dân xấu số, sau khi ghe biển của anh bị những chiếc “tàu lạ” của bọn hải tặc Biển Đông đâm chìm, tôm cá bị cướp sạch, ngư cụ bị tháo gỡ và lá cờ đỏ một ngôi sao vàng bị bọn cờ đỏ năm sao vàng tháo ra làm cái giẻ chùi dầu nhớt trên tàu của chúng.
Bất hạnh thay cho một đất nước bị thống trị bởi cái đảng “Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động!”
Khúc An