Biết Chọn Ai Đây?

Bố ốm nặng. Con trai đi làm xa, xin phép về gấp để thăm, giấy phép không được chấp thuận. Một hàng chữ đơn giản bằng mực đỏ: Không chấp thuận. Không một chữ nào khác để giải thích lý do. Người làm đơn gặp trưởng phòng nhân viên, nhì nhằng nêu thắc mắc. Trưởng phòng bảo gặp thủ trưởng cơ quan mà thắc mắc. Gõ cửa vài lần, cô thư ký vẫn bảo thủ trưởng đi vắng. Đi lên đi xuống. Chờ, rồi về. Rồi lại chờ. Cuối cùng cũng gặp được người đàn ông tướng người nhỏ thó nhưng chức vụ to đùng ấy.
Chú em muốn gì. Câu hỏi ngắn, gọn.
Dạ thưa chú Sáu. Gọi là “chú Sáu” bởi vì thủ trưởng là con thứ sáu trong gia đình, và để tạo không khí thân mật của những người cùng sống chung dưới một mái gia đình, nên gọi như thế cho gần gũi. Chứ không phải “thấy sang bắt quàng làm họ” như thiên hạ vẫn ví von. Dạ thưa chú Sáu, Ông Già con đau nặng.
Mình là kẻ xin xỏ. Thủ trưởng là kẻ ban ơn. Mình phải biết nhập đề có đầu có đuôi. Và phải dùng thứ ngôn ngữ mà kẻ ban ơn quen dùng. Thủ trưởng là dân tập kết, từ Nam ra Bắc ngày đất nước chia đôi, và trở lại Miền Nam ngày đất nước không còn chia đôi nữa. Vì vậy phải gọi bố mình là “Ông Già” cho khỏi bị bất đồng ngôn ngữ.
Thủ trưởng gật gù. Ông già chú em đau nặng. Rồi sao?
Con xin phép về thăm Ông Già.
Muốn chừng nào dzìa?
Dạ cuối tuần này.
Thủ trưởng ngồi bật dậy như thể vừa bị đánh thức khỏi cơn ngủ gật: Tía má ơi! Chú em có biết có chuyện gì quan trọng xảy ra cuối tuần này không?
Kẻ đi xin ngơ ngác.
Kẻ ban ơn lắc đầu: Chú em thiếu ý thức cách mạng. Lập trường chú em chao đảo. Chú em không biết rằng cuối tuần này bầu cử quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam của mình hả?
Kẻ xin xỏ tròn mắt ngạc nhiên. Và cuống cuồng gật đầu. Dạ, tại con lu bu công chuyện của cơ quan nên quên.
Bầu cử cơ quan quyền lực tối cao, biểu hiệu của nền dân chủ nhân dân mà chú em lại quên. Ông quan cách mạng vừa nói vừa lắc đầu ngao ngán. Kẻ đi xin nhận ra điều sai trái của mình, rụt rè cảm ơn kẻ ban ơn và lặng lẽ bước ra khỏi cái văn phòng hiếm khi có dịp bước vào ấy.
Bạn thân mến. Kẻ đi xin ấy là tôi. Gã ban ơn mà trong nước người ta quen gọi là “thủ trưởng” là giám đốc cơ quan tôi làm việc. Chuyện xảy ra mấy mươi năm trước. Khi mới ra trường, bị đổi đi xa, tôi không về thăm Bố đang ốm nặng được vì cơn bệnh của Bố trùng với thời gian bầu cử quốc hội nước Việt Cộng.
Sau này tôi mới biết. Ngày bỏ phiếu, tất cả mọi công dân ai ở đâu phải ở nguyên đó. Bầu cử xong xuôi công an hoặc cơ quan mới lại cứu xét để cấp giấy phép đi đường. Xin thêm một chi tiết ở chỗ này: nếu bạn không bị sống với bọn cộng sản Việt Nam sau 1975, bạn sẽ không hình dung ra được, đi từ nơi này qua nơi kia (nghĩa là bước ra khỏi ranh giới thành phố hay làng mạc bạn đang sống) phải phải có “Giấy Phép Đi Đường” do công an cấp, hoặc “Công Lệnh Đi Đường” do cơ quan mà bạn làm việc cấp. Gần đến ngày bầu cử, người ta ngừng cứu xét các đơn xin giấy đi đường cho đến khi cuộc bầu cử hoàn tất. Trong ngày bỏ phiếu mỗi làng mạc, mỗi thị trấn, mỗi thành phố trở thành biệt lập. Nếu dùng từ ngữ Hán Việt sẽ là nội bất xuất ngoại bất nhập. Và đi bỏ phiếu không chỉ là quyền lợi mà là bổn phận của công dân. Bổn phận nên không ai trốn tránh được.
Sau ngày bầu cử Quốc Hội nhà nước Việt Cộng năm ấy, tôi phải lên gặp thủ trưởng để xuất trình mảnh giấy có tên gọi là “Thẻ Cử Tri” để quan ngài thấy rõ là có đi bỏ phiếu, xem xong thủ trưởng mới chỉ thị xuống trưởng phòng soạn thảo giấy đi đường để thủ trưởng ký.
Đó là lần đầu tiên tôi thực hiện quyền công dân. Phòng phiếu chật chội. Trời mùa hạ oi bức nhưng nhân viên phòng phiếu vẫn nhiệt tình với công việc của họ. Tôi vẫn chưa quên cái niềm nở của cô nhân viên phòng phiếu khi hỏi tôi có biết cách bỏ phiếu chưa, tôi trả lời là có biết nhưng cô vẫn cầm lá phiếu chỉ dẫn tận tình rằng trong năm ứng cử viên này, nếu mình không muốn bầu cho người nào thì lấy bút gạch tên người ấy ra như thế này. Và khi miệng nói “như thế này” thì tay cô nhân viên gạch đi gạch lại trên cái tên của một ông thầy giáo hiền lành, dạy học ở một trường trung học của thị trấn nhỏ bé ấy. Tôi ngạc nhiên và sau này tôi mới hiểu ra khi ông thày giáo không biết gì ngoài việc tận tình dạy dỗ lũ học trò ấy thất cử.
Bạn thân mến. Nhờ biện pháp cấm di chuyển trước và trong ngày bầu cử, và nhờ cách kiểm soát chặt chẽ cử tri ngay tại chỗ họ làm việc (và dĩ nhiên là trong từng khu xóm) mà các cuộc bầu cử ở nước Việt Cộng luôn có số lượng cử tri tham gia tới hơn 99%. Tôi không còn nhớ cái lần tôi “đóng góp vào quá trình dân chủ” ấy là bầu đám đại biểu quốc hội khóa mấy nhưng qua một thống kê của báo chí nhà nước thì kỳ bầu quốc hội khoá XII, cả nước có 56,467,532 cử tri thì có tới 56,252,543 người đi bầu. Nghĩa là tỷ lệ 99,64%.
Một tỷ lệ mà không quốc gia dân chủ nào dám mơ ước; có điều ai cũng biết những con số ấy chỉ là… những con số, một trong những thứ mà dân nói tiếng Anh hay ví von “Too good to be true!”
Bên ngoài nhìn vào thì như vậy, nhưng ở bên trong, Đảng Cộng Sản Việt vẫn khăng khăng bảo rằng kết quả bầu cử “phản ánh ý nguyện và sức mạnh toàn dân.” Báo chí của nhà nước còn cao hứng reo vui rằng trong ngày bầu cử, “đất trời nước Việt vui cùng lòng người”. Trong không khí dân chủ, trách nhiệm và phấn khởi, mỗi người dân như “thấy rõ hơn khát vọng của mình nơi khát vọng dân tộc”, và cùng đó, thấy rõ hơn những đòi hỏi cao trong sự lựa chọn trước khi gửi lá phiếu bầu vào “niềm hy vọng và tin tưởng lớn”.
Toàn những lời hoa ý bướm trống rỗng.
Chuyện bầu cử ở mấy nước Xã Hội Chủ Nghĩa thì chẳng khác gì nhau. Mỗi lần có bầu cử, tôi cũng như bao nhiêu người dân khác, đi bỏ phiếu chỉ đơn thuần là làm công việc bị ép phải làm bởi không còn chút tin tưởng nào về cái thứ mà nhà cầm quyền cộng sản luôn rêu rao là “dân chủ gấp triệu lần.”
Trong đời, lần bỏ phiếu đáng nhớ nhất là lần tôi xuống ghe, lầm lũi chèo chống ra khơi, từ bỏ cái nơi mà người Cộng Sản đã biến thành tù ngục. Tôi bỏ phiếu – như người ta vẫn ví von là – bằng chân.
Qua đến Xứ Tuyết biết bao lâu tôi mới hoàn hồn về mặt chính trị, cụ thể là mới quan tâm đến chuyện bỏ phiếu bởi biết lá phiếu của mình có thể góp phần vào sự thay đổi khung cảnh chính trị và thay đổi đời sống của mình. Và như những người đã phải bỏ quê nhà mà đi vì không thể sống chung với những người Cộng Sản, tôi luôn tránh xa những ứng cử viên mà khi đứng dưới ánh nắng thì dung nhan họ tỏa ra cái sắc hồng hồng, đỏ đỏ; và khi họ nói thì bốc ra cái mùi “dân chủ nhân dân”. Xứ Tuyết mỗi 5 năm lại có một lần bầu cử Quốc Hội và cứ 5 năm lại có một lần được nghe nhắc tới tên những chính đảng ở Canada, và cái tên Đảng Cộng Sản Canada luôn làm tôi – và nhiều người khác nữa – giật mình.
Dĩ nhiên những người liều chết để trốn tránh cộng sản nhất định sẽ chẳng bao giờ bỏ phiếu cho những đảng viên cộng sản, dù là Đảng Cộng Sản Canada.
Tháng Mười năm nay, dân Canada lại có dịp đi bỏ phiếu. Và những người quan tâm đến tầm quan trọng của lá phiếu lại có dịp điểm mặt những ứng cử viên trong đơn vị cư trú của mình. Và trong khi lần mò tìm đọc về các vị đại diện dân cử tương lai, tôi bỗng đâm sầm vào một bản tin khác thường.
“Long Live The Revolution!” Dòng chữ làm tôi liên tưởng ngay tới cuộc biểu tình mà những kẻ chiếm đóng bắt những người thua cuộc phải tham dự ngày 01 tháng 05, 1975 ở Sài Gòn. Với những chuyến hô khẩu hiệu khô cháy cổ họng; với những cái vung tay hung hăng sắt máu, với những khuôn mặt đằng đằng sát khí (dù giả thì cũng rán diễn sao cho thật.).
“Long Live the Revolution!” Khi nhà độc tài Fidel Castro qua đời, một giáo viên Canada đã viết như thế trong trang Facebook của mình. Và bà lớn tiếng rêu rao về những thành quả (và công lao) của Fidel Castro khi đem lại cho Cuba nền giáo dục và y tế siêu đẳng (superior); những thành quả mà không quốc gia nào ở khu vực Caribbean có thể đạt được, và bà kết luận: “Cách mạng Muôn Năm!”
Bà giáo viên (ở Cornwall) ấy sẽ là một ứng cử viên của Đảng Tự Do trong kỳ bầu cử sắp tới. Và bà hứa sẽ tăng mức lương tối thiểu, sẽ miễn phí thuốc men cho trẻ em, thiếu niên và sau đó là cao niên, vân vân.
Chẳng dám mong đợi gì nhiều, chỉ hy vọng bà sẽ không dùng khuôn mẫu đào tạo “lương y như từ mẫu” của nước Cuba Xã Hội Chủ Nghĩa để cho ra lò các bác sĩ Canada, và không dùng mẫu mực Cuba đào tạo “kỹ sư tâm hồn” để cho ra lò các thầy cô dìu dắt thế hệ tương lại ở đất nước này.
Mơ ước vậy thôi chứ những lời hứa hẹn của chính trị gia thì nghe qua rồi bỏ cũng chẳng hại gì, nhưng cái sự “Long Live the Revolution!” thì chắc là không thể bỏ qua cho được!
Khúc An

Xem thêm

Nhận báo giá qua email