Biểu tình ở Iran và căng thẳng Iran – Hoa Kỳ

Lý Anh

Những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018, Iran bùng nổ những cuộc biểu tình hiếm thấy, khiến hàng chục người tử vong, hàng trăm người bị bắt. Nguyên nhân dẫn đến những cuộc biểu tình này là, kinh tế suy thoái, vật giá lên cao, ngày càng có nhiều người thất nghiệp, trong đó đa số thanh niên không có việc làm … Trong những cuộc biểu tình lần này, nhiều thanh niên đã lên tiếng phản đối thể chế “chính trị thần quyền” do tôn giáo chỉ đạo chính trị theo luật Sharia ở một số nước Hồi giáo Trung Đông như Iran, Saudi Arabia … Thậm chí, một số người biểu tình còn đưa ra yêu sách khôi phục chế độ quân chủ đã bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 …

Diễn biến trong cuộc biểu tình
Cuộc biểu tình lần này bắt đầu từ ngày 28/12/2017 tại thành phố Mashhad ở phía đông bắc Iran. Người biểu tình xuống đường phản đối giá cả nhu yếu phẩm ngày càng lên cao. Trong một tuần lễ, giá trứng gà tăng gấp đôi. Ngoài giá cả đắt đỏ, tỷ lệ thất nghiệp cũng ngày càng tăng cao, đặc biệt là thanh niên, khiến nhiều người bất mãn.
Ông Abdolreza Rahmani-Fazli, Bộ trưởng Nội vụ Iran, cho biết, tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Iran là 12,4% nhưng tại một số nơi, tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 60%. Đáng chú ý là hơn một nửa dân số Iran dưới 30 tuổi không có công ăn việc làm. Trong khi đó, các quan chức nhà nước tham ô, hủ hóa. Từ đó, biểu tình đã lan rộng ra khoảng 50 thành phố, bao gồm cả thủ đô Tehran. Tại một số nơi, biểu tình biến thành bạo động. Theo các hãng truyền thông Iran, hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, hàng trăm người khác bị bắt giữ.

Một số người cho rằng, Mashhad là thành phố lớn thứ nhì Iran, cũng là địa bàn hoạt động của phe bảo thủ đối đầu với phe ôn hòa của Tổng thống Hassan Rouhani. Bởi vậy, có thể cuộc biểu tình này do thế lực chống đối xúi dục những người đang gặp khó khăn về kinh tế, thanh niên thất nghiệp … xuống đường biểu tình chống lại chính phủ ôn hòa của Tổng thống Hassan Rouhani, vừa đắc cử thêm một nhiệm kỳ, trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 05/2017. Cũng có người nói, thế lực của Tổng thống nhiệm kỳ trước ông Rouhani là ông Mahmoud Ahmadinejad vẫn còn mạnh, nhân cơ hội này họ xúi dục dân nghèo và thanh niên biểu tình là chuyện dễ như trở bàn tay.

Một số nhà bình luận thời sự cho rằng, từ 2016, sau khi Iran ký thỏa thuận về nguyên tử với các nước Anh, Đức, Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Trung Quốc, các nước phương tây đã xóa bỏ cấm vận đối với Iran, kinh tế nước này đang trên đà phục hồi, từ tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dưới 0% năm 2012 lên 6% năm 2016. Năm 2017 còn khá hơn nhiều. Trước kia tỷ lệ lạm phát khoảng 40% – 50%, nay chỉ còn 10%. Chứng tỏ sức mua của người dân đã tăng. Tại sao người dân vẫn chưa hài lòng, còn xuống đường biểu tình phản đối chính phủ.
Thực ra thì, sau giải tỏa cấm vận, trong một thời gian ngắn có thể nâng cao đời sống của người dân, nhưng chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani lại muốn giảm bớt thâm thủng ngân sách nhà nước, không chịu giải quyết phúc lợi cho dân nghèo, mới nảy sinh ra những cuộc biểu tình xảy ra vào cuối năm 2017. Một nguyên nhân khác cũng khá quan trọng là tỷ lệ thất nghiệp trong giới trí thức trẻ ở Iran cũng khá đông, nhiều người bất mãn, kéo nhau đi biểu tình.

Iran là nước 5% dân số theo học tại các trường cao đẳng và đại học, trong đó một nửa có bằng thạc và tiến sĩ. Tổng số kỷ sư nước này đứng thứ 3 thế giới. Một đất nước có nhiều nhân tài như vậy tất nhiên phải phát triển, nhưng … do bị cô lập và phương tây trừng phạt trong một thời gian lâu dài, khiến tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ngày càng nhiều. Những người có bằng cấp thạc sĩ và tiến sĩ oán trách chính phủ bất tài. Trong khi đó, quan chức chính phủ lại tham nhũng nhiều, người dân ngày càng bất mãn, trăm dâu đổ đầu tằm, chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani phải hứng chịu tất cả.

Bất mãn chính phủ giúp dỡ nước ngoài

Còn một nguyên nhân nữa xảy ra cuộc biểu tình lần này là Iran thường giúp đỡ các nước lân cận, trong khi đó không chú ý đến nâng cao phúc lợi cho dân nghèo. Sau những cuộc biểu tình ở một số nước Trung Đông với tên gọi “Mùa Xuân Ả Rập”, Syria bùng nổ 6 năm nội chiến, Iran chi viện kinh tế và vũ khí cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Hafez al-Assad  suốt 6 năm. Giúp đỡ Libanon xây dựng trường học, bệnh viện và cung cấp nhiều loại vũ khí, quân trang, quân dụng, giúp Libanon đánh nhau với Saudi Arabia.

Theo tin của các hãng truyền thông quốc tế, gần đây, Lebanon và Saudi Arabia liên tiếp cáo buộc lẫn nhau đã đưa ra những lời tuyên chiến. Trong bối cảnh cuộc chiến chống bọn khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang dần kết thúc, Trung Đông lại nóng lên với nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột mới với sự tham gia của nhiều bên liên quan, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại và kêu gọi phải sớm lập lại hòa bình tại khu vực này. Ngoài ra còn căng thẳng với Saudi Arabia ở Yemen. Saudi Arabia và Iran vốn có mối quan hệ đối địch phần lớn do những khác biệt về lợi ích địa chiến lược, và thù hận kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai quốc gia này còn bị khoét sâu hơn bởi sự khác biệt về tôn giáo. Mỗi nước tôn thờ một trong hai giáo phái chính của đạo Hồi. Trong khi phần lớn người dân Iran lấy dòng Hồi giáo Shia làm tín ngưỡng chính thì người dân Saudi Arabia lại tuân thủ nghiêm ngặt dòng Hồi giáo Sunni. Tóm lại, bao nhiêu năm nay, dù đời sống của người dân trong nước cực khổ như thế nào, chính phủ Iran vẫn chi viện tài chính cho các nước theo Hồi giáo Shia. Đó cũng là nguyên nhân gây ra cuộc nổi loạn cuối năm 2017, đầu năm 2018.

Khi trả lời lý giả báo Le Monde, Pháp, ông Clément Therme, nhà nghiên cứu Iran thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc Tế (IISS), cho biết, người dân Iran nghĩ rằng, sau khi Teheran đạt thỏa thuận nguyên tử với phương Tây năm 2015, họ sẽ được sống trong viễn cảnh kinh tế tươi sáng. Nhưng … chính phủ nước này chi viện quá nhiều vào Lebanon và Syria, khiến họ kiệt quệ về kinh tế.
Ngày 31/12, Tổng thống Iran Rouhani, người theo đường lối ôn hòa, tuyên bố rằng người Iran có quyền “tuyệt đối tự do trong việc chỉ trích chính phủ và tổ chức biểu tình”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng, nhà nước sẽ “không dung thứ nếu những người biểu tình phá hoại tài sản công, vi phạm trật tự công cộng và gây bất ổn xã hội”.

Ông Rouhanii nói rằng, giải quyết các vấn đề của Iran đòi hỏi thời gian. Ông kêu gọi người dân giúp đỡ chính phủ khắc phục mọi khó khăn.

Iran cáo buộc nước ngoài can thiệp
Sau khi xảy ra biểu tình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đều cáo buộc các thế lực nước ngoài dùng tiền, vũ khí và sức mạnh chính trị kích động khiến Iran bất ổn. Ngày 04/01, hãng tin IRNA của Iran dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Mohammad Jafar Montazeri cáo buộc tình báo Mỹ kích động biểu tình ở Iran, do liên quan đến Israel và Saudi Arabia. Bộ trưởng Tư pháp Iran cho rằng, họ muốn biến cuộc biểu tình này thành cuộc nổi dậy có vũ trang vào giữa tháng 02/2018 là lúc kỷ niệm 39 năm cuộc Cách mạng Hồi giáo xảy ra vào năm1979.
Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Gholamali Khoshroo chỉ trích rằng, Hoa Kỳ can thiệp phi lý vào công việc nội bộ Iran. Ông Khoshroo gửi thư lên Tổng Thư ký Liên Hiên Quốc Antonio Guterres tố cáo Mỹ đã vượt mọi giới hạn khi kích động người dân Iran có hành động gây rối. Ông Khoshroo cũng chỉ trích các phát ngôn kêu gọi người dân thay đổi chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Sau ngày xảy ra biểu tình ở Iran, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đăng tải dòng tweet với nội dung lên án nhà cầm quyền Iran “tàn bạo và tham nhũng”, ca ngợi những người biểu tình. Ông Trump cho biết “Hoa Kỳ đang theo dõi mọi diễn biến ở Iran”. Ông còn nói người dân Iran “thiếu thực phẩm trong khi lạm phát cao và không có nhân quyền”.

Phản ứng những lời phát biểu trên Twitter của Tổng thống Hoa Kỳ, ngày 02/01, Bộ Ngoại giao Iran nói ông Donald Trump nên tập trung vào vấn đề người vô gia cư và đói ăn ở Mỹ hơn là xúc phạm người Iran. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bahram Ghasemi Iran nói: “Thay vì tốn thời gian viết tweet vô ích và xúc phạm đến nước khác, tốt hơn hết, ông Trump nên lo lắng cho những vấn đề trong nước như các vụ giết hàng chục người xảy ra hàng ngày và sự tồn tại của hàng triệu người vô gia cư và đói ăn”.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ lại nói Hoa Kỳ không hề can thiệp vào các cuộc biểu tình ở Iran.

Bất đồng về Iran gây căng thẳng
Trong phiên họp khẩn ngày 05/01 tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley nhấn mạnh, những gì Mỹ đang làm là tránh tình trạng như Syria khi chính quyền không được người dân ủng hộ. Bà Haley đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thảo luận tình hình rối ren và nguy hiểm tại Iran. Trong một cuộc họp báo, bà Haley nói: “Thế giới đã chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng ở Syria. Chúng ta không thể để điều đó tái diễn tại Iran. Chúng ta không thể im lặng trước cảnh tượng người Iran đang khóc vì không có tự do”.

Cộng hòa Nga là quốc gia đầu tiên phản đối Hoa Kỳ đưa vấn đề Iran ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an. Nga tin rằng biểu tình ở Iran không tạo ra mối đe dọa nào tới hòa bình và ổn định quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga, Leonid Slutsky, đã bình luận sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố trên truyền thông, Hoa Thịnh Đốn đang hướng tới ký kết một thỏa thuận dài hạn hơn về vấn đề hạt nhân Iran. Trong khi đó, các đồng minh Mỹ thuộc khối Liên minh Châu Âu cũng thẳng thắn chỉ trích Hoa Thịnh Đốn.

Đại diện Pháp Francois Delattre cho rằng, thỏa thuận hạt nhân là nền tảng cho ổn định ở Trung Đông. Ông nói: “Mặc dù trong vài ngày qua Iran có những diễn biến đáng lo ngại, nhưng không phải là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới… Chúng ta phải cẩn trọng trước bất kỳ nỗ lực nào nhằm lợi dụng cuộc khủng hoảng này vì mục đích cá nhân”.

Đại diện của Anh cũng nói rằng, Anh hoàn toàn cam kết với thỏa thuận hạt nhân và “kêu gọi tất cả các nước thành viên giữ vững cam kết của mình” …
Lý Anh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email