Bốn Năm Tới

Cái vòng danh lợi cong cong,

Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.

(Ca dao Việt Nam)

 

Kết quả mùa phiếu 2020 cuối cùng đã có. Xin được chia vui cùng những cử tri may mắn hân hoan nhìn thấy “gà nhà” đã thắng. (Cũng) xin được sẻ chia cùng những cử tri kém may mắn vì lá phiếu của mình rút cục trôi sông lạc chợ một cách lãng phí. Bất luận ai là người đắc cử lần này, bốn năm tới sẽ khác hẳn với những gì họ đang mong đợi.

Nhắc lại một chút cho vui, khi vận động tranh cử Tổng thống Trump luôn kể công những thành tựu kinh tế văn hóa chính trị xã hội do ông đạt được. Các fans của ông hân hoan hò hét khẩu hiệu “four more years” với niềm tin sắt đá ông là vị cứu tinh của Mỹ. (Nếu) ông là người đã Make America Great Again ông cũng sẽ là người Keep America Great Again được. Đó là bối cảnh chủ điểm cuộc vận động tranh cử mùa phiếu 2020 của Tổng thống Trump.

Đối ngược, Joe Biden và Đảng Dân chủ tin rằng nếu để Tổng thống Trump tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa, bốn năm tới sẽ là thảm họa nguy kịch lớn lao cho nước Mỹ. Vâng. Không luận chày cối mối họa ấy sẽ nguy hiểm cỡ nào, chỉ biết với nhiệm kỳ I (trong đó Đảng Cộng hòa 2 năm khống chế lưỡng viện Quốc hội) Tổng thống Trump đã làm được khá nhiều việc. Khi Hạ viện rơi vào tay Đảng Dân chủ năm 2018, đà tiến của ông có phần chựng hẳn lại. Tuy nhiên nhờ Thượng viện còn trụ lại nên ông thoát ách Truất Phế năm đó, đồng thời đề cử được thêm 2 thẩm phán mới, gần đây ông lại đề cử thêm một thẩm phán mới, tổng cộng trong nhiệm kỳ đầu ông đề cử được 3 thẩm phán Tòa tối cao!

Nói tới nói lui vẫn là chuyện hai bên ra công vẽ bức tranh nước Mỹ bốn năm sắp tới theo phiên bản của họ.

Không cần giải thích khá đông dân Mỹ linh cảm bốn năm sắp tới sẽ tăm tối ra sao. Mà nào chỉ riêng Mỹ bốn năm tới mới vất vả, Châu Âu cũng thế, sẽ chật vật khó khăn. Còn Canada và Mexico, hai anh bạn hàng xóm của Mỹ sẽ lao đao, chới với. Toàn cầu sẽ rơi vào cảnh khốn đốn. Covid-19 không phải là dịch bệnh địa phương, nó là đại dịch toàn cầu nên tầm ảnh hưởng nhất định sẽ mang tầm vóc quốc tế. Vòi bạch tuộc của nó sẽ bóp nghẹt tất cả những sinh vật biển trên hành trình đi ngang của nó. Châu Á sẽ gặp nhiều khó khăn. Kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng. Mỹ sắp tới sẽ gặp hàng núi những sóng gió ngoài tưởng tượng. Ai bước vào Nhà Trắng bốn năm tới sẽ đối diện với những gay cấn thách đố chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ.

Biết thì vẫn biết như thế, nhưng quán tính mùa phiếu 2020 quăng mạnh đến nỗi nó lôi theo nhiều cử tri với háo hức mong muốn “gà nhà” đắc cử. Nói toạc ra, do hai bên đều có phốt nên các fans không dám tin ứng cử viên “gà nhà” có đủ thực tài lèo lái đất nước một cách xuất chúng. Thậm chí họ biết rõ ai đắc cử sẽ điều khiển bánh lái con tàu kinh tế Titanic Mỹ đầy chướng ngại trước mặt. Tuy vậy họ vẫn muốn ứng cử viên “gà nhà” thắng cử, mặc kệ, thắng cái đã, sau đó vất vả trầy truột cũng được!

Nhắc lại xưa nay văn hóa bầu cử Mỹ diễn ra khá văn minh lịch sự. Bắt đầu là các ứng cử viên đánh tiếng ứng cử. Sau đó là vận động gây quỹ. Đảng đang có tổng thống tại nhiệm vị tổng thống đang tại nhiệm đó sẽ tự động tranh cử. Còn ứng cử viên của Đảng đối lập (thường là cả chục người) sẽ tranh nhau cơ hội đấu đá với đương kim tổng thống của đảng đối lập. Thông thường một cuộc sát hạch ma-ra-tông gay gắt xảy ra. Hệ quả, các ứng cử viên yếu bóng vía sẽ rơi rụng từ từ. Sau đó ứng cử viên khỏe nhất chọn người liên danh với mình (tức ứng cử viên phó tổng thống). Các buổi tranh luận (presidential debate) giữa hai ứng cử viên tổng thống (và phó tổng thống) sau đó để dân Mỹ có dịp hiểu thêm đường lối cương lĩnh trước khi trao lá phiếu tin cẩn của mình cho người đó. Tất nhiên sẽ có những chiến dịch quảng cáo rầm rộ bạc triệu tung ra. Sau đó dân chúng nô nức đi bầu. Đêm thứ ba (Tuesday) đầu tiên của tháng 11 đa phần thường có kết quả bầu cử. Nếu có dấu hiệu gian lận hoặc nghi ngờ trong quá trình bầu cử, bên nghĩ mình bị thua oan sẽ yêu cầu kiểm phiếu. Bên đang dẫn trước muốn mọi chuyện suôn sẻ sẽ ra công tẩy chay kiểm phiếu. Tuy nhiên truyền thống bên thua chấp nhận kết quả thường diễn ra suôn sẻ. Nước Mỹ sau đó sẽ có một kết quả bầu cử chính thức. Bốn năm tới Bạch Cung sẽ thuộc về người thắng cử.

Năm nay bỗng dưng mọi chuyện khác hẳn, quỹ đạo bình thường tự nhiên ấy bị đảo lộn. Những gì bạn đang quan sát đúng là “vô tiền” (còn chuyện nó có “khoáng hậu” hay không xin miễn bàn vì khả năng các mùa phiếu tương lai sẽ lần theo “vết xe” do Tổng thống Trump khởi xướng). Điều này có nghĩa các bước cơ bản trình bày ở phần trên sẽ thay đổi. Các giá trị văn minh nhân bản sẽ biến mất. Thay vào đó người ta trắng trợn hơn trong các phát biểu tấn công. Chiến dịch vận động của hai bên chủ yếu tìm mọi cách bôi nhọ và thóa mạ đối thủ. Vẫn biết khi lao vào chốn quan trường mấy người không vỗ ngực nói mình là quan thanh liêm? Liệu thái độ tự vỗ ngực tâng bốc đầy tự mãn, chân dung ấy xem ra có khác với cẩu quan là mấy! Nhìn lại hai trào lưu vận động tranh cử gần đây (mùa phiếu 2016 và mùa phiếu 2020), bạn có nhận ra: Làm chính trị bây giờ nó nhiễu nhương như thế đấy, hỗn quan hỗn quân và bát nháo, chẳng bên nào quan tâm đến những đạo lý nhận thức lịch sự cơ bản nhất!

Hậu quả, trong thời gian vận động tranh cử, một bên thì mời món “bánh vẽ” ra rả bốn năm tới Mỹ sẽ hoành tráng, sẽ thịnh vượng, hết chỗ chê. Bên ngược lại thì tạt gáo nước lạnh, ra sức tuyên bố bốn năm tới Mỹ sẽ gặp thảm họa, một sai lầm mang tính lịch sử (nếu tổng thống của Đảng đương kim tái đắc cử). Cuối cùng không chỉ có hai ứng cử viên vỗ mặt nhau, các fans của họ cũng lăn xả vào đốp chát. Tóm lại một câu, bốn năm tới, nước Mỹ sẽ đi về đâu?

Như đã bàn, kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu sẽ vấp phải những lực cản lớn. Về khả năng tài chính Mỹ có thể đưa ra những gói kích thích, nhưng trước mắt, bất luận ai thắng cử đều nhận về một di hại lớn lao do căn bệnh chia rẽ ý thức hệ giữa các tầng lớp dân chúng Mỹ quá nặng. Một nửa dân Mỹ sẽ bất phục kết quả bầu cử. Họ sẽ tẩy chay phản kháng, sẽ bày tỏ thái độ chống đối, chính họ sẽ trở thành những phần tử cản trở bước tiến chung. Nên nhớ, các gói kích thích bản thân chúng chỉ giải quyết phần ngọn. Thái độ tích cực của người dân mới là phần gốc. Đáng tiếc, thu phục nhân tâm đâu thể chỉ vài tháng là có thể làm được.

Hiệu ứng domino effect của Covid-19 sẽ tác động lên mọi quốc gia. Không nơi nào thực sự miễn nhiễm với ảnh hưởng kinh tế từ Đại dịch Covid-19. Bắc Kinh dù khéo che đậy vẫn không thể đánh lừa các con số báo cáo. Điện Cẩm Linh dĩ nhiên không thể lấy giấy gói lửa. Châu Âu cũng thế, liên tục đưa ra những kế sách nhưng hiệu quả vẫn là lẽo đẽo chạy theo phía sau. Nhắc thêm kinh tế quốc gia và kinh tế toàn cầu luôn liên hệ trực tiếp. Nền kinh tế càng lớn (như Mỹ) càng lệ thuộc kinh tế toàn cầu nhiều hơn. Mỹ ngấp ngoái đồng nghĩa với kinh tế thế giới ngấp ngoái và ngược lại. Bài học kinh tế vĩ mô này bạn còn lạ gì nữa!    

Bất mãn với kết quả bầu cử thiên hạ sẽ không chịu ngồi yên. Sẽ có những thành phần bất phục. Họ không cam lòng. Họ bất nhẫn. Thế là những phong trào bài xích, những kế hoạch phản ứng, những phát biểu, những kênh bộc lộ, lỗ mãng thô tục hay có văn hóa đều là những độc tố đối với sự nghiệp phát triển ổn định của Mỹ.

Nhìn lại, có thuở nào trong lịch sử Mỹ những sóng gió liên tục xảy ra như thời gian gần đây. Vết thương giai cấp xã hội thực ra chỉ lành bên ngoài chứ bên trong vẫn còn âm ỉ đau. Nay bỗng có vị tổng thống bật đèn xanh, vết thương ấy lại bị động đến bật máu. Suy nghĩ kỹ, có mấy thuở một vị nguyên thủ quốc gia tuyên bố truyền thông là kẻ thù của dân tộc! Người có chút tinh thần dân tộc sẽ sởn gai ốc trước tuyên bố ấy. Truyền thông là trung tâm phát ngôn chính thức của một quốc gia. Nếu vị nguyên thủ quốc gia vỗ mặt truyền thông như thế, làm sao chức năng cung cấp thông tin của truyền thông có thể đứng vững được.

Bốn năm sắp tới, bất luận người thắng cử là ai, bức tranh kinh tế Mỹ vốn dĩ khó tươi sáng lạc quan, bức tranh văn hóa xã hội càng tối tăm hơn. Trên lý thuyết, kết quả bầu cử là khởi điểm một giai đoạn hành trình tiến về phía trước. Nhưng lần này tại Mỹ, kết quả bầu cử 2020 không mang phong thái đĩnh đạc ấy. Ngược lại, nó biến thành khởi điểm của một vết nứt càng hoắm sâu hơn. Bởi bất luận ai thắng cử, công tâm mà nói, bên đối lập sẽ thẳng thắn tuyên bố mình “không khẩu phục”, chuyện “tâm phục” xem ra càng mong manh, càng khó khăn hơn.                           

Bốn năm tới, bạn có tin Mỹ sẽ vượt qua đại dịch Covid-19 an toàn? Bạn có tin Mỹ sẽ vực lại được những kỹ nghệ cột sống một thời từng làm nên một nước Mỹ cường thịnh? Bạn có tin kỹ nghệ hàng không hồi phục? Hệ thống các nhà hàng sẽ hoạt động bình thường trở lại? Hollywood sẽ không kiệt quệ, phá sản? NFL và NBA cùng với những môn thể thao bạc tỷ sẽ hồi sức? Hay các cuộc biểu tình xuống đường sẽ càng thảm hại hơn? Sẽ có những vụ xung đột đẫm máu? Đường phố sẽ biến thành bãi chiến trường, thành nơi súng nổ và máu đổ? Liệu Tòa tối cao với tỷ lệ 6:3 nghiêng về phía bảo thủ có tạo nên những hiệu ứng “bom tấn” khi các vụ kiện tấn công vào cộng đồng LGBQT, vào quyền tránh thai của phụ nữ, số phận của hôn nhân đồng tính…

Vâng. Bốn năm tới. Nước Mỹ sẽ ra sao? Gói kích cầu CARES và chương trình 300 Mỹ kim Tổng thống Trump chuyển từ quỹ FEMA cho dân chúng chỉ giúp giảm xóc những va quật chấn động do Covid-19 gây ra. Nếu có thêm những gói kích thích mới, chúng vẫn là cái ngọn. Các gói kích thích này không phải là những chiếc đũa thần. Nó là biện pháp bất đắc dĩ. Có điều trong tình trạng bĩ cực này, chết đuối vớ cả cọng rơm, cực chẳng đã mới phải cần đến.

Kinh tế một quốc gia cũng giống cơ thể con người, nội lực và khả năng đề kháng mới thực sự quan trọng, còn thuốc men chỉ là hỗ trợ; liệu kinh tế Mỹ có vượt qua được những rào cản kinh tế do Covid-19 gây ra?

Bốn năm tới, ai dọn vào Bạch Cung kinh tế Mỹ vẫn ảm đạm tối tăm. Những lời hứa cao vút mây xanh thời vận động tranh cử sẽ nhanh chóng lộ nguyên hình bất khả. Và dù có “thần thông cái thế” đến đâu Covid-19 vẫn là khắc tinh của tất cả các vị nguyên thủ quốc gia (chứ không riêng gì tại Mỹ), khá đơn giản, mọi kế sách đứng trước thiên tai đại dịch xem ra đều chỉ mang tính chống đỡ, đối phó, chắp vá.

Khi một nửa đất nước không phục người lãnh đạo, ai dám nói chắc tương lai của đất nước ấy sẽ tươi sáng. Khi một nửa dân chúng cảm thấy hằn học cay cú với vị tổng thống mới sau mùa phiếu vì ứng cử viên “gà nhà” của họ thất cử, ai dám tin tương lai đất nước ấy sẽ lạc quan. Bốn năm tới, Mỹ sẽ chính thức bước vào một giai đoạn khủng hoảng. Không phải vì người lãnh đạo bất tài, kém đức, mà vì thảm họa Covid-19 đã thừa cơ hội vết thương văn hóa xã hội, vết thương ý thức hệ, vết thương tư tưởng đảng phái để tha hồ tấn công.

Riêng với hai ứng cử viên tổng thống, không biết họ có nhìn thấy giá phải trả cho nhiệm kỳ tới khủng khiếp cỡ nào? Họ có thấy chìa khóa Bạch Cung trao cho họ vào thời điểm gay cấn, đầy thử thách nhất? Hay họ biết nhưng vẫn cố tình lao vào. Như câu ca dao Việt mình: Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng thoát khỏi, người mong bước vào; thành ra biết là khó nhá, là xương xẩu, là dễ hóc… nhưng họ vẫn lao vào với hy vọng được Tổ đãi.

Với bạn, hỏi thật, tương lai kinh tế văn hóa xã hội bốn năm tới của Mỹ có thực sự đáng tin tưởng lắm không?      

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email