Ừ thì nhắc lại tiện thể về cây đèn dầu (mỡ) cá linh. Mùa cá linh xưa nhiều vô kể, ai khéo tay thì mua lại của chòm xóm ăn không hết. Giá rẻ đến mức mua bán cá linh tính giạ như lúa, đem về gài mắm để ăn dần quanh năm. Lúc lặt đầu cá linh để làm mắm, người mẹ Nam bộ thương con sẽ lấy mớ mỡ bụng trong con cá linh để riêng, để dành thắp đèn cho con học chữ. Mỡ cá linh thường được đổ ra cái dĩa, bắc cái bấc ốm tong lên mép dĩa để thắp sáng căn nhà lá đêm hôm cho con học bài vỡ lòng ê a, “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” Lửa dầu cá linh không hôi khét như mù u mà thơm thoảng căn nhà tới trong mơ đứa bé; thơm tới cạn đời lưu linh, biệt xứ… sao cứ nhớ hoài bóng má vá may trên bộ ván ngựa, hay nằm võng đong đưa hát câu Dạ cổ hoài lang; nhớ bài vỡ lòng êm ả, nhớ tuổi thơ thơm phức ánh đèn… má thắp sáng lòng yêu thương gia đình, người thân, xóm làng đã mù khơi biển nhớ…
Tiếng mẹ của người miệt ngoài nghe có chiều sâu; thì tiếng má trong Nam nghe thật gần… “má ơi đừng đánh con đau/ để con bắt cá hái rau má nhờ”; rồi lớn lên hồi nào hổng biết! “má ơi đừng gả con xa/ chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”; tới biệt tích quê hương thì, “chiều chiều ra đứng ngõ sau/ trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”… Nghe lời ta thán nhẹ nhàng mà đứt ruột cho phận người, cho đứa con tới tuổi lấy chồng thì đi lấy chồng nhưng tình cảm, sự quyến luyến với má; với gia đình không nỡ dứt ra. Nhưng có bà má ở Nam bộ mà trong ca dao lại gọi bằng mẹ nên cắc cớ giàng trời! Gả con biệt mù vô miệt vườn chỉ để được ăn bông bí… “Mẹ mong gả thiếp về vườn/ ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”. Theo nhiều phân tích thường cho là bà mẹ chỉ vì thích món ăn khoái khẩu mà gả con không thương tiếc! Sao không hiểu ngược lại là người mẹ thương con hơn những người mẹ bình thường nên cắn răng, đứt ruột gả con xa; để con được ăn những món ngon vật lạ trên đời. Lý luận đơn phương cho là người mẹ thích món ăn khoái khẩu nên gả con xa, không phù hợp với giao thông thời câu ca dao ra đời vì người con lấy chồng miệt vườn, nhưng có thể đưa bông bí về dâng mẹ thì đâu gọi là xa; nếu gả con xa tít miệt vườn theo nghĩa xa xôi diệu vợi trong câu ca dao này thì người con gái lấy chồng miệt vườn xa xôi để mẹ có bông bí luộc mà ăn thì mẹ cũng chỉ được ăn bông bí khô chứ tươi sao nổi với xa xôi và phương tiện lúc bấy giờ! Mà ăn bông bí khô thì không đáng gả con mút chỉ cà tha như thế!
Vậy bông bí với dưa hường ngon cỡ… ngậm mà nghe. Chắc vậy nên mới có sự hy sinh gần như sinh ly tử biệt không bằng! Món bông bí nói là ngon hay không ngon hoàn toàn tùy người thích hay không thích; có thể ví với sầu riêng, người ghiền – người nghe mùi là chạy mất. Dây bí leo giàn tới độ ra hoa, những con ong cần mẫn hút nhụy về nuôi gia đình, nhưng cũng se duyên cho phấn bên bông đực giao duyên sang bông cái để thành trái bí hoàn hảo. Những bông cái thành trái như mẹ thì sinh con, nhưng bông đực hết phấn thì khô héo, rụng đi. Rồi người ta tiếc của trời nên một hôm ăn thử, thấy lạ với vị ngọt nhẫn, mùi hơi nồng – xông lên xoang mũi… Mới ăn hơi khó ăn nhưng gắp đến đũa thứ hai, thứ ba… thì bắt ngây như ăn gạch cua. Người ta đưa bông bí vô thực đơn dân dã như một loại rau đồng, cây nhà lá vườn… Sau quá trình chọn lọc sự chế biến, bông bí xào tôm tương đối có lý nhưng không còn hương thơm bông bí nguyên chất vì mùi tôm lấn át. Cuối cùng, bông bí xào thì chỉ xào với cà chua; chút muối, đường… rắc tí tiêu, vậy mà ngon. Ăn hoài được hoài, và không đủ để ăn nên người ta lặt thêm mớ đọt bí, cho dĩa xào xôm tụ hơn lên vì bông bí qua lửa là xìu, teo, còn có chút xíu. Kể ra chỉ là một món cây nhà lá vườn, nhưng hương vị đặc biệt của bông bí làm người ta nhớ mãi; nhớ nhất là ít ỏi nên ăn coi nồi ngồi coi hướng với món không mắc mỏ nhưng hiếm mới ngộ đời.
Ðời sống dân dã vùng quê sông rạch, chợ búa xa xôi… Gặp hôm vắng chợ, ra vườn quơ mớ bông bí đực vô luộc, chấm kho quẹt qua bữa. Người ta cho là bữa ăn ngon lạ kỳ mà không nhớ gì đến khía cạnh tâm lý là ngoài bông bí luộc chấm kho quẹt, đâu có gì khác trên mâm cơm. Những hôm trái gió trở trời; hay tối qua rượt bắt quá xá nên sáng nay trễ chợ. Chưa bảnh mắt đã nghe đói cồn cào trong bụng, ra vườn quơ mớ bông bí đực vô luộc, chấm nước mắm dằm cái trứng hấp nồi cơm… có vậy thôi, không ngon sao được. Nhưng y hình trong nước bây giờ, bông bí luộc đã leo lên hàng đặc sản, trong nhà hàng sang trọng mới có vì những đại gia tư bản đỏ đã ngán thịt cá, sơn hào hải vị… Nhưng dù sao cũng phải công nhận hương vị đặc biệt của bông bí luộc, ăn qua một lần là dư vị dài lâu trong ký ức.
Tương tự với món chữa cháy là bông bí, người Nam bộ miệt vườn – chợ búa xa xôi. Sống chủ yếu với cây nhà lá vườn, con tôm con cá dưới đìa… gặp hôm rau xanh không sẵn nên cắt trái dưa sắp chín nấu canh với tôm tép. Cái ngon của món dân dã này cũng không khác bông bí bao nhiêu – ngon trong hoàn cảnh không chọn lựa thì ngon – không có món thứ hai thì món thứ nhất dở mấy cũng thành ngon – như cuộc thi hoa hậu một người. Chỉ có điều, những người quen ăn theo khẩu vị ngoài Bắc, nghĩa là ít ngọt, thì không chuộng món chè mặn này đâu.
Khả năng có thể của câu ca dao dân dã, “Mẹ mong gả thiếp về vườn/ ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”. Không chừng là lời trêu chọc cô gái tỉnh khi gặp mấy anh trai miệt vườn lên bán ghe trái cây không chừng. Con gái Nam bộ hiền lành, chất phác, thật thà… nhưng mấy cô kẻ chợ thì cũng ghê gớm lắm! Chê người ta ở hóc bà tó, tối ngày chỉ biết ăn bông bí với dưa hường. Nhưng lời nói ra miệng một đàng; bụng nghĩ một nẻo. Nói lời ngợi ca nhưng thâm ý chê bai… Có thể hàm ý câu ca dao “Mẹ mong gả thiếp về vườn/ ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh” mang tính chất bông đùa hơn là nghĩa đen, cụ thể, vì thực chất hai món bông bí với dưa hường không có sức thuyết phục như hằng hà món ăn khác ở Nam bộ…
Phan