BÓNG TRĂNG TRẮNG NGÀ…

Hồi thơ ấu, gia đình tôi sống trong một con hẻm nhỏ. Đó là con hẻm cụt và nhà tôi ở cuối cùng. Vì thế không có xe cộ hay người lạ qua lại.

Con hẻm có một cây sung thật lớn tỏa bóng mát, những chùm sung xanh hoặc chín đỏ bám đầy trên thân. Sau này có lần ra Huế chơi, tôi mới biết ăn món bánh khoái dọn với quả sung, quả vả nhưng ở miền Nam, ngay cả các tiệm ăn đặc biệt thuần Huế, ngoài rau diếp, rau thơm, chẳng thấy tiệm nào có sung và vả xắt lát như vậy cả.

Hai loại quả này có vị chát, tôi và trẻ con chẳng khi nào ăn, dân trong xóm hầu hết là người miền Nam cũng không có thói quen ăn sung. Tết nhất cũng chẳng ai mê mải cúng “cầu dừa đủ xài” nhiều như bây giờ nên trái sung rụng đầy xuống dưới đất rồi bị quét đi.

Ngôi nhà của tôi còn có một giàn hoa giấy. Cây mọc rất nhanh và rất mạnh. Tên sao hoa vậy, cánh hoa mỏng như giấy, một cơn gió thổi qua, hoa rụng rào rào nằm đầy mặt đất. Rồi còn trầu bà che kín vì tường, thạch lựu và khổ qua trĩu quả, thu hải đường đỏ chói và cúc vàng nở đầy rủ lan…

Căn hẻm nhỏ giống như một khoảnh sân, một mảnh vườn riêng tư của lũ trẻ nhỏ. Nơi ấy, dù bom đạn phương xa, dù hỏa châu và đại bác ì ầm hàng đêm, thời thơ ấu của tôi trôi qua êm ả.

Trong ký ức của tôi, những mùa Trung thu thuở đó bao giờ cũng hiện ra đầy trìu mến. Thường Trung thu chỉ chơi trước hai hay ba tuần đến hết ngày rằm là tàn, sang mười sáu không còn Trung thu nữa, bánh bán không hết, người ta đập dẹp, nướng lại thành một thứ bánh mới gọi là bánh chay dù nó chẳng chay tí nào.  Bây giờ ăn Trung thu sớm hơn rất nhiều, thông thường cứ sau rằm tháng Bảy, các quầy bánh Trung thu mọc đầy trên các vỉa hè, và bán luôn đến sau Rằm. Thậm chí xuất hiện từ hai tháng trước, trước cả rằm tháng Bảy.

Vô số quầy bánh với những hiệu bánh nổi tiếng từ lâu. Các khách sạn lớn cũng sản xuất bánh Trung thu mang nhãn hiệu của mình chứ không lấy bánh nơi khác về bán như không kể người sành ăn thường đặt bánh ở vài gia đình chỉ làm ít bán cho người quen, chiếc bánh giao cho khách vẫn còn thơm nóng mùi bột nướng mới.

Hộp bánh cũng ngày càng đẹp và mỗi năm mỗi thay mẫu với nhưng tên An Nhiên, Toàn Phúc, Cát Tường, Hoàng Gia, Vọng Nguyệt… đặc biệt với giá bạc triệu. Những cô Hằng Nga bay lên cung Quảng với các tiên nữ lượn xung quanh trên các hộp carton ngày xưa đã hoàn toàn biến mất. Hộp bánh ngày nay nhìn “Tây” hơn với hoa lá cỏ cây mặt trước, thành phần dinh dưỡng tỉ mỉ bày ở mặt sau, không kể có hộp bánh còn cả một câu tiếng Anh: The dance of flowers under the moon.

Bánh bán sớm thế để có thể ăn từ sớm, để có thể biếu xén từ sớm. Từ khi nào không biết, Tết Trung thu đã chuyển thành lễ lạt của người lớn để người lớn vui chơi, tề tựu ăn uống.

Nhưng hồi tôi nhỏ, trăng Trung thu vẫn còn, con hẻm nhỏ xíu vẫn yên bình ngoài mọi biến cố, đổi thay của xã hội, nơi tôi bé con tóc ngắn cùng lũ trẻ hàng xóm chơi lò cò, rồng rắn, năm mười… Hẻm bé lắm nhưng chung quanh chưa có nhà cao tầng, nên mảnh trăng vẫn treo đó vằng vặc. Trăng thượng huyền, trăng rằm, trăng hạ huyền cứ tròn rồi khuyết trên mảnh trời tinh khiết bé thơ.

Tết Trung thu hồi đó không có thừa mứa bánh để ăn. Chỉ có những chiếc bánh thập cẩm nho nhỏ, nhấm nháp thấy vị bùi bùi của hạt dưa, the the trần bì, ngọt sắc của mứt bí… Buổi tối, mẹ tôi pha bình trà nóng để cả nhà ăn bánh, ngắm trăng lên cao trên giàn hoa giấy, đầu hôm trăng vàng nhưng càng về khuya, trăng càng nhỏ dần, càng thanh. Bánh có thể không đặc sắc nhưng trà rất ngon vì cha tôi là người sành rượu và trà.

Đó là những chiếc bánh khi tôi đi lãnh quà của Hội Ái Hữu Ký Giả thường phát ở rạp Khải Hoàn, gần nhà tôi. Một năm hai lần, Trung thu và Tết, mấy chị em lại dắt tay đi bộ tới lãnh quà và xem văn nghệ. Ngoài những người bạn của cha tôi mà tôi biết mặt, có lần tôi tròn mắt nhìn khi tình cờ ngồi cạnh hai soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng mà tôi vẫn thấy quảng cáo tên ngoài rạp hát, khi thỉnh thoảng theo mẹ đi xem cải lương ở rạp Hưng Đạo hay Olympic.

Bánh vây cá mập hay hải sâm, bào ngư hay thịt đà điểu… dành cho người lớn thưởng thức. Đối với trẻ con, bánh nào cũng như nhau. Lũ trẻ thích bánh con heo nhất. Năm nào Trung thu tôi nhất định đòi phải có bằng được con heo. Đó là bánh nướng hay bánh dẻo nặn thành hình con heo sữa nhỏ bằng ba ngón tay dành cho trẻ con. Tôi thích con heo bánh dẻo hơn bánh nướng. Con heo trắng như sữa, hoặc có màu xanh lá cây của lá dứa, thật quyến rũ với đôi mắt gắn hai hạt mè đen linh động. Khi nhai lại ngòn ngọt, thơm mùi vani, đôi khi có nhân đậu xanh, hợp với khẩu vị con nít hơn con heo bánh nướng màu vàng xậm.

Tôi không thể rời khỏi con heo bánh dẻo dễ thương. Khi đi học tha theo trong cặp, ở nhà đặt trên bàn học chẳng bao giờ kiến kịp bò tới vì tôi đi đâu con heo kịp đi cùng, ngay cả lúc leo lên giường đi ngủ, con heo trong chiếc hộp giấy nằm bên gối cùng tôi vào giấc ngủ êm đềm.

Con heo không còn sạch sẽ trắng tinh vì tay tôi cầm mãi lại còn dây vết mực, tôi trìu mến và đầy tiếc rẻ nhâm nhi từ đuôi heo lên, chắc là hai ngày mới cắn tới đầu, tới con mắt xinh xinh là xong con heo tí hon. Chẳng biết sao mẹ tôi không mua nhiều một lúc, cứ tôi thanh toán một con, mẹ mới mua con khác, và tôi cũng không xin mẹ thêm, cứ nâng niu dè xẻn từng con heo quá đỗi xinh xắn và thơm ngon từng chút, từng miếng. Tất cả bánh Trung thu tôi ăn trong suốt cuộc đời, có lẽ không có chiếc bánh nào hương vị ngon lành bằng những con heo tí xíu ngày thơ ấy.

Những con heo không nhân đó, chắc bột còn thừa người ta nặn thêm, dần không còn thấy nữa. Tôi chạy xe vòng vòng từ Saigon vào Chợ Lớn, sang Tân Định qua Bà Chiểu…, quầy bánh nào cũng ghé vào nhưng không hiếm tìm thấy dấu vết những con heo tí hon. Chúng cũng theo tuổi thơ của tôi chỉ còn nhớ lại.

Con heo bé quá, bán không có lời nên người ta không mặn làm và trẻ con cũng không thích thú nữa. Có những trò giải trí khác, rất nhiều game trên màn hình khiến trẻ con chơi miệt mài hết giờ này qua ngày khác, hết tuần này qua tháng khác. Truyện cổ tích VN xưa quá, quen thuộc quá: Tấm Cám, Hằng Nga, Lọ Lem…  đã tránh vào một thời xa lắc. Cuội ngồi dưới cội cây đa. Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời. Chú Cuội ngồi bó gối buồn hiu vì chẳng ai thèm đoái hoài, thời hoàng kim qua rồi. Thành phố ban đêm sáng rực ánh đèn nên mặt trăng trở nên nhạt nhẽo và cô đơn trên bầu trời xa vắng. Vả lại nhà cao tầng nhô lên chia chỉa cắt bầu trời thành những mảnh vụn rách nát, đâu còn nhiều chỗ trống cho Cuội ló mặt ra.

Hồi đó tôi mong đợi đến Trung thu để chơi đèn cũng như mong đến Tết mặc áo mới. Tôi không có đèn đẹp, chỉ có đèn xếp giấy. Nếu không có lồng đèn, những đứa bé trong hẻm gắn đèn cầy vào đầu cây thước gỗ chơi quanh quẩn đi từ cuối đến giữa hẻm độ mười căn nhà đã là một quãng khá dài. Đường ra ngõ thấy xa tít chân trời… Nến thắp vào đầu thước không có gì che gió nên rất dễ tắt, và như vậy lại có cái thú đi xin lửa, nghiêng cây nến gắn đầu thước hay dùng một mẩu nến khác để mồi lửa, những cây nến nho nhỏ xinh xinh đủ màu xanh đỏ tím vàng thật thích mắt như gom cả trăng sao đậu trên đó. Tụi con trai khéo tay trong xóm biết cách gắn chiếc lon sữa bò vào đầu que dài đẩy chạy đi nhanh trên nền hẻm xi măng, nến gắn trong đó phát ra ánh sáng lấp loáng và tiếng lon thiếc kêu lóc cóc nghe rất vui tai.

Lồng đèn Trung thu trong nhiều năm không thay đổi kiểu, mãi là ngôi sao, con bướm, con thỏ hay máy bay, tàu thủy… đến nỗi một số nhà nghèo con đông qua mùa Trung thu đã cất chiếc lồng đèn lên gác mái, sang năm lại lấy xuống cho trẻ con chơi tiếp mà không sợ qua mốt.

Những kiểu cổ truyền ấy dần dần thưa hẳn mà xuất hiện lồng đèn sản xuất theo những nhân vật mới trong truyện hoạt họa Nhật Bản hay phim ảnh Trung quốc thay đổi mỗi năm khác nhau. Là chú mèo Doremon của Nhật hay Tôn Ngộ Không làm mưa làm gió trên màn ảnh TV trong bộ phim Tây Du Ký…

Bây giờ trẻ con không còn cộ đèn như xưa nữa. Cuộc sống thành thị khiến hầu hết trẻ bị nhốt trong nhà. Đèn mua cho có chứ ngoài ngõ, ngoài đường, bói không ra một đứa bé cầm lồng đèn. Thứ đồ chơi này phải chơi đông đảo, càng đông càng vui. Một mình một lồng đèn hay anh chị em trong nhà chơi với nhau đâu có thích thú, họa chăng đợi đến cuối tuần, cha mẹ bận bịu cố nhín nhót thời giờ mới chịu khó chở con đến vài nơi có tổ chức chơi đèn. Khá đông con nít nhưng lại không có bạn thân để cùng chung vui.

Lồng đèn bằng giấy bóng kính cũng dần dần bị đào thải. Người ta chuộng lồng đèn Trung quốc chạy pin để tha hồ chơi không sợ cháy, loại đèn này màu sắc sặc sỡ, lại có tiếng nhạc rộn ràng, giá lại rẻ, vật giá leo thang thế mà giá năm sau lại rẻ hơn năm trước nên không lạ khi lồng đèn Trung quốc đánh bạt lồng đèn VN. Thế là chiếc lồng đèn cổ truyền VN lung linh huyền ảo đành ngậm ngùi rút lui, lùi từ từ để biến mất lúc nào không hay.

Cho nên cũng chẳng còn rước đèn mấy dù chỉ là một buổi cuối tuần nơi nào đó. Trước, các quầy bánh Trung thu đều treo lồng đèn nhưng dần bánh bán nhiều, bán sớm còn lồng đèn thì không, những chiếc lồng đèn Trung quốc dường tiện lợi cũng ít được chuộng chơi. Lồng đèn, rước đèn lui xa thật xa, xếp hàng cạnh áo tứ thân, nón lá… may ra tìm thấy ở trong các đĩa CD ca nhạc, phim kịch…

Và trăng rằm vẫn vằng vặc treo đó sao đã trở thành vầng trăng cổ tích.

Nguyễn thị Hàm Anh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email