Saigon là thành phố lớn, là trung tâm thương mại, giáo dục… của cả nước nên có nhiều văn phòng, khu công nghiệp, nhà máy, trường học…
Ngày xưa, trong gia đình, chỉ có người đàn ông ra ngoài xã hội kiếm tiền, phụ nữ trong nhà cặm cụi tề gia nội trợ, cơm nước, trông nom con cái. Giờ thì nam nữ bình đẳng, chồng đi làm, vợ cũng đi làm suốt ngày, con cái đi học hai buổi đến tối cả nhà mới sum họp trong bữa tối. Bữa ăn trưa tại chỗ do mỗi người tự mua, tự nấu mang theo hay công ty, trường học cung cấp.
Trước kia văn phòng hành chánh hay công ty sản xuất đều có bếp hẳn hoi nấu bữa trưa hay bữa tăng ca cho công nhân viên. Về sau các bếp ấy đều bãi bỏ, cơ quan cho thêm khoản “tiền cơm trưa” nhập vào lương để nhân viên tự túc bữa ăn của mình. Nay thường thì thông qua các công ty nấu ăn đấu thầu. Bữa ăn công nghiệp trở nên quen thuộc và cần thiết đối với dân thành phố.
Những cơ quan lớn, nằm trên con đường vắng, nhân viên ngại ra ngoài buổi trưa nắng nóng thường điện thoại cho cửa hàng mang cơm đến theo chọn lựa của thực đơn tờ rơi hay trên facebook, zalo… Thứ Hai canh chua với cá thu chiên, thứ Ba canh cải và thịt kho trứng, thứ Sáu cuối tuần mì bò… cộng thêm rau xào và tráng miệng. Những tiệm dọn cơm trưa văn phòng nhận mang cơm đến tận nơi trong vòng bán kính vài cây số. Nếu xa hơn nữa phải trả thêm tiền cho shipper.
Đó là bữa ăn cao cấp với giá từ bốn, năm đến tám chục ngàn đồng dành cho nhân viên “cổ trắng” làm trong khu vực “dịch vụ” như ngân hàng, tài chánh, du lịch… Món ăn cũng thịt kho, cá rán nhưng nấu nướng chăm chút, khéo léo, hình thức bắt mắt và ngon miệng hiển nhiên.
Cửa hàng cơm bình dân có thể cung cấp vài chục phần cho một cơ quan, cùng lúc mang đến vài nơi cũng như tư gia như kiểu cơm tháng ngày xưa. Khoảng mười một giờ, đội ngũ giao hàng với thùng xe phía sau chở các hộp cơm phóng như bay tỏa đi khắp nơi, giao phần cơm hộp cho các cơ quan và gà-mên cho tư gia kịp giờ nghỉ trưa bảo đảm khi khách mở ra cơm trong hộp và canh trong bịch vẫn nóng sốt. Bao giờ hộp cơm cũng có kèm thêm bịch nước mắm nhỏ, hai trái ớt và cây tăm bọc trong bao giấy. Giá cả vẫn ngang với ăn tại quán, không tính thêm tiền vận chuyển.
Một quán cơm như vậy nằm trong con hẻm lớn rộn rịp gần như suốt ngày. Sau khi vãn khách cho hàng cơm tấm buổi sáng, quán bày hai chiếc lò lớn trước nhà kho thịt cá, nấu canh… kịp trưa ngoài khách đến quán ăn trực tiếp, họ còn mang giao hàng trăm phần đi khắp nơi. Món ăn trong tuần đầy đủ cả gà, cá, heo, bò… và thay đổi mỗi tuần không giống nhau. Chiều khách, nếu thực khách muốn ăn món riêng, thuận tiện họ sẽ bổ sung vào thực đơn tuần tới.
Tư nhân rất nhanh nhạy, họ vào bệnh viện, đi tận từng phòng, từng giường để quảng cáo bữa ăn theo khẩu phần đặc biệt từng ngày với giá cả phải chăng. Cơm bà đẻ có giò heo hầm đu đủ, thịt nạc kho tiêu…, cơm cho người tiểu đường ít ngọt, cơm cho người mới mổ kiêng thịt bò, rau muống… Nhân thể họ cung cấp luôn bữa ăn cho thân nhân nuôi bệnh. Thực đơn vô cùng phong phú vì ngoài bữa ăn chính còn đủ món vặt cho bữa trưa, cà phê, trà tắc, chanh dây… đựng trong ly vệ sinh đậy nắp kín đáo chứ không bỏ bịch nylon buộc dây thun như xưa.
Một số bệnh viện mời công ty đấu thầu căng-tin. Bữa ăn cung cấp cho từng khoa, từng trại đúng kiêng cữ của bệnh nhân, đúng các chỉ tiêu vệ sinh. Chỉ có điều những loại bữa ăn này thường không ngon. Thực đơn của một bệnh viện quận hầu như chỉ bốn, năm ngày đã quay món ăn lại một lần.
Thành thử bất đắc dĩ lắm bệnh nhân nằm bẹp không ai chăm sóc, không người nhờ vả mới phải ăn bếp của bệnh viện. Dù biết thức ăn vỉa hè bụi bặm mất vệ sinh, giờ sáng và trưa đông đúc chờ đợi lâu nhưng thân nhân người bệnh vẫn tìm đến vì rõ ràng ngon hơn. Bởi vậy mấy xe bán thức ăn trước cổng bệnh viện dẹp hoài không được là vậy.
Một số bệnh viện tư lớn có hẳn khoa Dinh dưỡng, chăm sóc người bệnh nên phần ăn dù theo đúng tiêu chuẩn ăn kiêng nhưng vẫn… ngon mắt, ngon miệng. Đương nhiên tiền đóng nhiêu hơn.
Các trường học lớn ở trung tâm thành phố cũng thế. Vấn đề thực phẩm an toàn được nêu lên đầu tiên nên nhiều trường phải tổ chức nấu ăn tại trường để dễ kiểm soát. Thực phẩm không mua ngoài chợ mà thường lấy từ các công ty cung cấp có nguồn gốc, chứng từ đàng hoàng, mẫu thức ăn được lưu lại mấy ngày nhằm kiểm tra nếu có ngộ độc xảy ra. Quy trình nấu ăn chặt chẽ do nhóm đầu bếp nấu trong bếp riêng của trường dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của hiệu phó bán trú. Chỉ có điều tiền ăn phụ huynh đóng còn trừ đi điện nước nên lắm khi lõng bõng…
Một số trường không có bếp thường thuê các công ty nấu ăn chuyên nghiệp. Tới bữa, xe tải chở thức ăn đến. Bữa ăn thường đủ bốn món canh, xào, kho và tráng miệng nhưng cơm canh VN đặc biệt nóng sốt ăn mới ngon miệng.
Nếu công ty chở thùng thức ăn tới rồi mới chia thì có thể còn ấm nhưng nếu đã chia sẵn trong khay, trong hộp thì đương nhiên nguội ngắt, lạnh tanh+. Không kể mùa khô, xe tải chở thức ăn trên đường đi nắng nóng hầm hập. Từ lúc nấu đến lúc ăn mất mấy tiếng đồng hồ thì cơm đã hấp hơi, thức ăn rất dễ thiu. Cứ nhìn các khay cơm thừa, thức ăn thừa mứa sau bữa ăn có thể thấy được việc ăn uống của trẻ như thế nào.
Ở các công ty lớn, món ăn luôn cố gắng bảo đảm vệ sinh nhưng phần ngon miệng rõ ràng kém. Hoặc thức ăn ít thay đổi, hoặc nêm nếm không vừa nên học sinh thường dùng không hết khẩu phần. Hôm nào nhà bếp bận rộn, thế nào học sinh cũng được ăn giò hoặc xúc xích. Hay bí, đậu que… chắc bếp mua cả cần xé để lâu sợ hư nên học sinh ăn liền ì mấy hôm không đổi món. Cơm nóng nhưng khô và thức ăn không ngon, nếu thức ăn ngon thì ít và cơm khô. Thật lẩn quẩn bao nhiêu đó.
Ngay cả món dặm cũng thế. Tuần nào cũng quanh quẩn hủ tíu, mì… nhạt nhẽo, dưa hấu, chuối, thanh long, bánh bông lan, rau câu… Học sinh bỏ mứa khẩu phần của mình, ăn snack, sữa chua… giấu riêng trong cặp mang từ nhà tới, mua thức ăn nhảm trước cổng trường hay vào căng-tin ăn thêm hơn là những món do nhà trường phát ra.
Trường tiểu học lẽ ra chỉ chuyên chú vào việc học, nhưng đâm ra cũng giống nhà trẻ, mầm non ở chỗ một số trường lo lắng chuyện ăn uống quá độ, phân công bảo mẫu kiểm tra, học sinh tiểu học đôi khi còn bị đút để ép ăn hết khẩu phần của mình. Bằng không thực đơn đưa ra có vẻ đầy đủ các chất, theo quy định phải cung cấp từ chín trăm đến một ngàn hai calo mà trẻ vẫn sụt cân. Mục tiêu nâng cao thể lực giống nòi qua bữa ăn học đường xem chừng khó thực hiện!
Ở khu nhiều văn phòng, công ty, trường học… Vào đầu giờ làm và trưa thường co các xe máy chở thùng bán thức ăn hết sức gọn gàng và tiện dụng: cơm chiên, súp, mì, nui, bún… rất vừa miệng khách và dĩ nhiên giá bình dân vì không tốn tiền thuê mướn chỗ, nhân viên, không cần bàn ghế, ly chén…
Điều này cũng đúng cho các bữa cơm công nghiệp của người lớn ở các hãng xưởng. Công nhân làm việc theo ca tám tiếng, nếu tăng ca thì kéo dài hơn nữa, chín, mười tiếng, thậm chí mười một, mười hai tiếng. Do đó họ có một bữa cơm giữa ca tại xưởng do chủ đài thọ. Lương công nhân chỉ khoảng năm, sáu, bảy triệu một tháng. Bữa ăn dĩ nhiên tương ứng với đồng lương.
Cơm có thể ăn tự do nhưng khô khốc vì nhà bếp thường nấu khô cho lợi cơm, canh “toàn quốc” vài miếng bí nhìn kỹ mới thấy, phần thức ăn chính là hai lát thịt mỏng hoặc cá kho xông mùi tanh, phần xào là mấy cọng rau cải ngọt, thêm trái chuối tính ra là đủ thành phần dinh dưỡng: đạm, bột, rau quả…Đôi lúc nhà bếp thay phần thịt bằng thỏi xúc xích lạnh ngắt. Ấy thế mà cứ thỉnh thoảng công nhân lại ngộ độc mấy chục người phải cấp kỳ chở vào bệnh viện nằm.
Ăn tại chỗ, phần cơm không thiếu nhưng thức ăn ít lại nhàm chán, khó nuốt trôi nhưng có công ty cấm công nhân mang bữa ăn từ ngoài vào.
Hiện nay, có bữa ăn công nghiệp chỉ mười lăm ngàn đồng, bằng giá một gói xôi mặn, thì làm sao có chất lượng nổi. Một số công nhân xé bao mì gói ăn liền, vì không sẵn nước sôi, để thêm vào bữa cơm không no. Vài người khác nhấm nháp gói bột nêm muối ớt, vị mằn mặn, cay cay khiến họ tỉnh táo hơn. Vì thế thường xảy ra cảnh công nhân ngất xỉu trong giờ làm việc hoặc mau chóng suy nhược sau vài năm vắt kiệt sức cộng với ăn uống đạm bạc, thiếu thốn cho dù tuổi còn rất trẻ.
Hầu như nhà bếp nào nhận thầu cũng đều lấy hàng sỉ từ chợ đầu mối, vét chợ “dạt” nghĩa là mua thực phẩm dập nát, ôi, hết hạn sử dụng… với giá bèo. Như vậy mới có lời. Bởi họ đã phải bỏ giá rất rẻ mới trúng thầu được. Ngoài ra còn trích hoa hồng cho người ký hợp đồng. Trèo đèo lội suối qua nhiều chặng trung gian quá nên cuối cùng khi đến được bàn ăn chính thức thì dĩ nhiên bữa ăn đã teo tóp khá nhiều.
Đã có trường hợp công nhân đình công vì thực phẩm bốc mùi, có dòi… và đòi tăng tiền suất ăn. Sau buổi tan ca, dòng công nhân từ trong nhà máy bước ra, khó kiếm được người nào hồng hào, tròn trịa mà đa số toàn nhỏ con, da tái xạm…
Với những bữa ăn công nghiệp như vậy, hỏi sao người dân khỏe mạnh, cao lớn được? Học sinh nhỏ con. Hiếm có sinh viên cao trên mét bảy. Công nhân thì da xạm, ốm o… Một du khách ngoại quốc đưa nhận xét thanh niên VN hoặc gầy gò, hoặc béo phì, ít có vóc dáng khỏe đẹp.
Cho nên sau nhiều năm, ngoài một số ít trẻ em béo phì thì chiều cao, cân nặng và sức khỏe của người VN vẫn rất thấp. Trong cuộc sống hối hả của thành phố, bữa cơm công nghiệp không cung cấp đủ dinh dưỡng, năng lượng cho người dân, sẽ dẫn tới bệnh tật, ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài.
Nếu không cải thiện được thể lực thì người Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và cũng chỉ so sánh với các nước láng giềng chứ chưa nói tới xa xôi thế giới.
SGCN