Huy Lâm
Theo kết quả một cuộc thăm dò gần đây của viện Gallup cho biết số gia đình người Mỹ thường xuyên ăn cơm tối với nhau ngày càng hiếm: chỉ có khoảng một phần tư (28%) các gia đình ở Mỹ là còn ngồi ăn chung bữa cơm tối bảy ngày một tuần, gần một nửa (47%) cho biết gia đình họ ăn tối chung từ bốn tới sáu bữa mỗi tuần, và một phần tư khác (24%) nói rằng họ ăn chung bữa tối với nhau ba lần hay ít hơn một tuần.
Trong khoảng thời gian đầu cho đến giữa thế kỷ hai mươi, khi một gia đình truyền thống với đầy đủ cha mẹ và con cái còn là nét căn bản trong tầng lớp trung lưu ở Mỹ thì những bữa cơm gia đình vào mỗi tối là một sinh hoạt hết sức bình thường. Khi ông bố trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, bà mẹ đã chuẩn bị xong bữa cơm tối để chờ sẵn. Những đứa con trong nhà có thể có những sinh hoạt ở trường sau khi tan lớp, nhưng thường là phải có mặt ở nhà khi bữa cơm tối được dọn ra. Trong thế kỷ hai mươi mốt này, những bữa cơm tối quây quần cùng gia đình ngày càng trở nên hiếm hoi, một phần là do bận rộn với những lo toan trong cuộc sống vì cả cha lẫn mẹ đều đi làm, trong khi nhiều gia đình khác chỉ có một cha hoặc một mẹ thì sau một ngày làm việc mệt nhoài đâu còn ai thiết nấu ăn nữa.
Mặc dù thói quen ăn cơm tối gia đình cứ càng ngày càng mai một dần đi thì bên cạnh đó vẫn còn một thứ ngoại lệ mà người ta vẫn chưa dám vất bỏ đi, mà hơn nữa lại còn cố gắng gìn giữ: những bữa tiệc ngày lễ. Và một khi mọi người cùng ngồi xuống quanh bàn tiệc cho bữa ăn quan trọng đó, người ta bỗng trở thành một con người khác: vui vẻ, hoạt bát, hoà đồng và đương nhiên là ăn uống thật tận tình.
Bởi vì muốn gìn giữ một truyền thống tốt đẹp nên người ta tỏ ra trân trọng, có nhiều người đã phải bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc của ngày lễ cuối năm từ hàng tháng trước đó. Ngày nào cũng phải coi lại danh sách những món ăn có trong bữa tiệc, nhất là những món truyền thống thì không thể bỏ sót. Bỏ thời gian nghiên cứu công thức chế biến trong cách nấu nướng sao cho vừa miệng mỗi người, để khi khách mời dự tiệc được nếm thử từng món ăn thì đều tấm tắc khen ngợi chủ nhà.
Trong cuộc sống hiện đại, thiếu mất đi những bữa cơm gia đình cũng giống như nghe một bản nhạc mà cứ từng mỗi đoạn lại bị lỗi nhịp làm cho người nghe có cảm giác bị hụt hẫng. Do đó, dịp lễ cuối năm là thời gian duy nhất trong năm mà mọi người đều cố gắng thu xếp để có thể được ngồi ăn chung với nhau một lần, và vì vậy bữa tiệc ngày lễ mang nhiều ý nghĩa đối với tất cả những ai sống trong thời đại đầy những bận rộn và lo toan này. Ngồi ăn tập thể như thế còn làm cho người ta có cảm giác như được đùm bọc.
Trước đây vào thời tiền kỹ nghệ, bữa ăn ngày lễ chỉ là một trong nhiều bữa tiệc người ta tổ chức ăn uống chung với nhau. Cả năm được đánh dấu bởi rất nhiều những lần người ta ngồi cùng nhau ăn uống vui vẻ. Đó có thể là bữa tiệc sau mùa gặt hái hay bữa tiệc giữa hè, hoặc có thể chỉ là bữa tiệc mổ heo ăn mừng hoặc quan trọng hơn là bữa tiệc mừng thánh bổn mạng.Khắp Âu châu, người ta có truyền thống ăn những món bánh chiên trong lễ hội trước khi bước vào mùa chay. Món bánh beignet (tựa như bánh tiêu ăn với đường hay mật ong) rất nổi tiếng của Pháp mà mỗi vùng nấu một cách khác nhau. Cứ tưởng tượng mùi vị của món bánh chiên này thơm tho biết chừng nào khi người ta chỉ được ăn mỗi năm một lần. Không như món bánh donut mà chúng ta có thể mua và ăn bất cứ ngày nào trong tuần, hay bất cứ lúc nào trong ngày, thì làm sao có thể có được hương vị đặc biệt để khi ăn xong mà vẫn còn thòm thèm muốn được ăn nữa. Thời đại bây giờ người ta chỉ cần nhanh chứ không cần ngon.
Ngày nay, nguồn cung cấp thực phẩm cũng được toàn cầu hoá nên câu “mùa nào thức nấy” đã mất đi ít nhiều ý nghĩa. Người ta không còn phải chờ đến ngày đó tháng đó mới được ăn món đó. Trước đây làm gì mà được ăn quanh năm những trái dâu chỉ được trồng trong mùa hè, hay những món rau xanh chỉ trồng vào mùa lạnh. Nay người ta có thể mua được bất cứ loại rau trái nào ở siêu thị vào bất cứ thời điểm nào trong năm mà không còn phải chờ đến mùa. Ở Ấn Độ có món tráng miệng halwa nấu bằng cà rốt bào, nho khô, sữa, thảo quả và đường. Trước đây người ta nấu món này vào lúc cuối hè, đầu thu, vì đây là thời điểm duy nhất trong năm có nhiều cà rốt. Nhưng nay cà rốt được bán ở siêu thị suốt năm và món halwa này có thể nấu bất cứ khi nào người ta muốn. Thế nên, món ăn này bây giờ chắc không còn là món hấp dẫn và được trân quý như xưa nữa.
Ẩm thực đã trở thành một phần văn hoá quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân. Trong thế giới Ki Tô giáo, người Công giáo kiêng ăn thịt trong ngày Thứ Sáu của mùa chay để tưởng niệm ngày Chúa Jesus chịu nạn – do đó, món ăn chính trong những ngày Thứ Sáu mùa chay thì không thể thiếu món cá. Những ngày khác cũng thế, cũng có những món ăn đặc biệt của chúng, thay đổi tùy từng mỗi quốc gia. Ở Anh, ngày Chủ Nhật thì phải có món thịt quay ăn chung với những món phụ đi theo (như thịt heo thì phải đi chung với nước sốt táo, thịt cừu thì đi chung với nước sốt rau bạc hà, thịt bò thì phải phết thêm bột cải cay). Bữa ăn tối ngày Thứ Hai thì có món bánh chiên rissoles dồi thịt, hay bánh shepherd’s pie, là món ra gu với thịt xé bên dưới được phủ lên trên bởi một lớp khoai tây nghiền.
Người Việt mình thì ngày Tết phải có món bánh chưng, bánh tét, và thịt kho dưa giá. Thiếu những món này thì không khí ngày Tết kể như không có. Thế nên, cho dù túng thiếu đến đâu người ta cũng ráng xoay sở để có được một hai món trên trong nhà để ăn trong mấy ngày Tết.
Trong khoảng thời gian 2009-2010, một nhóm nghiên cứu của Đại học Sư phạm London đã thử đi tìm hiểu xem áp lực của thời giờ ảnh hưởng ra sao đến thói quen ăn uống của người dân Anh. Kết quả cho thấy cũng tương tự như ở Mỹ, giữa những áp lực của công việc và sinh hoạt sau giờ học ở trường, ít hơn một phần ba các gia đình người Anh là có thể thu xếp để ăn chung với nhau bữa cơm tối mỗi ngày trong tuần.
Hiện nay ở Âu châu đang có một ngành kỹ nghệ đang phát đạt là những công ty đóng gói những món ăn được chuẩn bị sẵn cùng với công thức chỉ dẫn cách nấu và những gói gia vị được đong sẵn để cung cấp cho những gia đình không có nhiều thì giờ nấu nướng. Theo một nghiên cứu thị trường của ngành kỹ nghệ này, hầu hết người dân Âu châu chỉ muốn nấu xong một bữa cơm không quá 27 phút – và nếu nhanh hơn nữa thì càng tốt. Do đời sống quá bận rộn nên chỉ còn lại ngày lễ là thời gian mà người ta có thể thư thả nấu ăn sao cho ngon mà không phải lo là không có thì giờ.
Nấu ăn cho những ngày Lễ Tạ ơn và Giáng sinh, điều trước hết cần phải làm là không được nhìn đồng hồ. Cứ thong thả nấu và nêm nếm sao cho vừa miệng. Đừng quan tâm là món ăn đó có bao nhiêu phần tinh bột hoặc chất béo nhiều hay ít. Và nấu món nào là nấu chung cho mọi người chứ đừng lo người này hay người kia có ăn được hay không. Thời gian trong nhà bếp dư thừa và cứ việc nhẩn nha. Hãy dành trọn một ngày để chuẩn bị các món ăn cho bữa tiệc, và các món ăn là phải theo đúng những món ăn truyền thống của từng ngày lễ.
Trong một thế giới đầy những xáo trộn như hiện nay và cuộc sống thì quá vội vã, duy trì truyền thống của ngày lễ cuối năm là việc nên làm và cần làm. Truyền thống của ngày lễ, ngoài những bữa tiệc quây quần còn có những sinh hoạt khác như dựng cây Noel, treo đèn kết hoa, trang trí nhà cửa, mua sắm quà cáp, lắng nghe và khe khẽ hát theo những bài hát mang ý nghĩa của sự an bình và cảm thông.
Truyền thống của ngày lễ là những sinh hoạt mang tính chất nghi lễ cần thiết giúp dưỡng dục tâm hồn ta và thắt chặt mối quan hệ giữa ta và những người xung quanh. Đó là phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Truyền thống ngày lễ mang đến cho ta cảm giác được hoà mình vào với đám đông chứ không lẻ loi. Truyền thống ngày lễ nối kết ta với quá khứ và dẫn dắt ta đến với tương lai.
Huy Lâm