Giải phẫu kéo dài chân để thân hình cao hơn
Anh Nguyễn Văn Nam, 32 tuổi, cao 1,60 m, quyết định chi 350 triệu đồng tức tương đương với khoảng 15.000 đô la Mỹ theo giá hiện nay để giải phẫu kéo chân dài thêm 10 cm, với mong muốn mình sẽ cao 1,70 m. Con trai Việt Nam cao 1,70 m là “ô kê” rồi, chả việc gì phải kéo tới 20 cm là mức tối đa của việc kéo dài chân.
Nam làm việc trong lãnh vực truyền thông chuyên về thời trang. Chiều cao khiêm tốn 1,60 m khiến anh bị mặc cảm trong giao tiếp khi gặp những người cao hơn. Tháng 10/2020, trong thời gian tạm nghỉ do dịch bệnh Covid-19, Nam rảnh nên quyết định thay đổi tầm vóc bằng cách kéo dài chân. Anh đến Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương 108, nơi đã thực hiện nhiều ca kéo dài chân dài tay nghe nói thành công hết sức tốt đẹp.
Sau khi được Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Văn Lượng tư vấn, Nam quyết định chọn kéo dài chân bằng phương pháp khung cố định ngoài, kết hợp với đinh nội tủy. Kỹ thuật này được Bác sĩ Lượng áp dụng nhiều lần tại Bệnh viện 108 từ năm 2011. Theo đó, bệnh nhân được đóng đinh nội tủy (bên trong tủy) ở cẳng chân (chỗ cổ chân cao lên qua khỏi mắt cá chân) để giữ cho chân thẳng trục, đồng thời cẳng chân được giữ chắc bằng khung cố định phía bên ngoài. Xương cẳng chân được cắt rời cách nhau một khoảng nhỏ là 2 cm nhưng có ốc vặn ở khung cố định để có thể tăng khoảng cách 2 cm này vì hai mí xương cắt luôn luôn sinh sản ra các tế bào xương mới trong khoảng cách 2 cm đó.
Nằm viện khoảng một tháng, Nam được xuất viện về nhà, mỗi ngày tự vặn ốc ở khung cố định bên ngoài theo hướng dẫn của bác sĩ và xương sẽ sinh thêm ở khe giữa hai đầu xương bị cắt rời. Trung bình một tháng mỗi xương một bên chân được kéo dài thêm 3 cm.
“Mỗi ngày tôi tự vặn ốc khung cố định và thấy chiều dài của chân thay đổi theo từng ngày, thực sự là rất bất ngờ”, Nam nói.
Anh chia sẻ vốn là người chịu đựng được đau đớn, nhưng trong thời gian đeo khung, anh phải sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên bởi “đau quá mức đêm không ngủ được”. Anh cũng phải uống thêm một số loại thuốc theo toa của bác sĩ.
Ngoài ra, Nam cho biết thời gian đầu phải đeo khung cố định “như thể đi tù”, mọi sinh hoạt đều phải nhờ gia đình giúp đỡ. Sự bất tiện này kéo dài khoảng ba tháng cho đến khi bác sĩ tháo khung ra.
Tháng 4/2021, Nam bắt đầu đi lại được với đôi chân “mới” dài thêm gần 10 cm. Những bước đi ban đầu hơi gượng gạo, song anh nhanh chóng quen với chiều cao 1,70 m của mình. Hai tháng sau khi vận động bình thường, chàng trai đã có thể tập gym, đi xe phân khối lớn…
Tổng chi phí cho quá trình kéo dài chân của Nam là 350 triệu đồng. Trong khi đó chi phí cho một ca phẫu thuật kéo dài chân ở Mỹ khoảng 85.000 dollars (tương đương với 2 tỷ đồng VN), ở Anh (khoảng 1,5 tỷ đồng).
“Hiện, tôi thoải mái với chiều cao hiện tại. Nó cũng giúp công việc của tôi thuận lợi hơn”, Nam nói.
Theo Bác sĩ Lượng, trước năm 2011, nếu muốn kéo dài chân, bệnh nhân phải đeo khung cố định hàng năm, do đó số lượng người chọn phương pháp này rất ít, mỗi năm chỉ 2-3 trường hợp. Nay, sử dụng phương pháp mới, chỉ phải đeo khung cố định 3 tháng, nên số lượng bệnh nhân tăng, trung bình khoảng 30-40 ca/năm, phái nam nhiều hơn phái nữ, hai phần ba dưới 30 tuổi.
Phương pháp kéo dài chân có thể kéo ở cẳng chân và đùi. Quy trình là sau khi hoàn thành quá trình kéo dài ở cẳng chân, nếu bệnh nhân có nhu cầu thì tiếp tục kéo dài ở đùi. “Thêm 8-10 cm chiều cao là sự thay đổi rất đáng kể về ngoại hình một con người. Vì vậy, rất ít người có nhu cầu kéo dài cả cẳng chân lẫn đùi, hầu hết chỉ kéo dài ở cẳng chân”, bác sĩ Lượng nói.
Trong thời gian kéo chân, người bệnh cần bổ sung canxi, thuốc bổ thần kinh và kiêng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Trường hợp bị đau thì uống thuốc giảm đau, nếu viêm chân đinh, cần điều trị bằng kháng sinh, bác sĩ sẽ ghi toa thuốc.
Theo bác sĩ, một số biến chứng có thể gặp sau quá trình phẫu thuật kéo dài chân là các phần mềm (gân đầu cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng…) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới. Do đó, cần phải tập phục hồi chức năng, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài.
Bên cạnh đó, một số người có thể gặp tình trạng xương hồi phục quá nhanh, hoặc quá chậm. Đặc biệt, người thừa cân, béo phì, hút thuốc lá… khi phẫu thuật có thể gặp tình trạng xương hồi phục quá chậm, dẫn đến kéo dài thời gian tái tạo các mô mềm, mạch máu, cơ và dây thần kinh xung quanh.
“Bệnh nhân không được hút thuốc lá, thuốc lào… vì rất ảnh hưởng đến quá trình liền xương và lành vết thương”, bác sĩ nói.
Kéo chân dài thêm 18 cm và trường hợp chân thấp chân cao
Tiến sĩ Lượng cho biết Nam là một trong số nhiều bạn trẻ đến viện với mong muốn kéo chân dài để có thân thể cao hơn. Hôm 2/8/2022, bệnh viện này cũng công bố ca chỉnh sửa chân với độ dài cần kéo là 18 cm, dài nhất từ trước đến nay, cho một chàng trai 23 tuổi mắc dị tật bẩm sinh. Sau gần một năm chỉnh sửa, tái khám lần gần đay nhất vào tháng trước, hai chân của bệnh nhân vốn chênh lệch, nay đã bằng nhau, đi lại bình thường, không cần đi giày chỉnh hình dùng cho chân thấp chân cao tới 18 cm.
Lúc 8 tuổi, cậu bé Chung – quê ở Vĩnh Phúc – đã được sửa lại khớp háng bên trái. Năm 10 tuổi, cậu được kéo dài cẳng chân 4 cm. Tuy nhiên, chân trái kém phát triển nên tiếp tục ngắn hơn chân phải và vẹo ra phía sau. Đồng thời, khớp háng bên trái biến dạng rất phức tạp.
Học xong trung học, chân trái của bệnh nhân ngắn hơn, chênh lệch 18 cm so với chân phải. Ngoài ra, khớp cổ chân trái biến dạng, mắt cá chân bị kéo lên cao 1,5 cm, khiến bàn chân vẹo ra phía ngoài làm cho chân trái cong vẹo ra sau.
Với biến dạng phức tạp như vậy, các bác sĩ phải chỉnh lại cho thẳng đồng thời kéo dài cẳng chân và đùi cho bệnh nhân theo hai phương pháp khác nhau.
Khó khăn nhất của hai ca này là mức kéo dài lớn (18 cm) nên nhiều nguy cơ như co rút gân gót chân, cứng gân khi co duỗi khớp xương đầu gối, việc xương liền lại kém. Ngoài ra, trước đây một chân đã được kéo dài một lần, việc sinh sản của xương có lẽ sẽ không bình thường. Đã vậy xương chày (xương ống chân) ở chỗ cẳng chân lại bị cong vẹo, rất khó khi đóng đinh nội tủy. Khớp háng chân trái cũng biến dạng từ nhỏ nên có thể sai khớp khi kéo.
Cuối năm ngoái (2021), anh Chung bắt đầu được sửa các lỗi do “tạo hóa” gây nên của mình. Anh được đóng đinh nội tủy ở cẳng chân để giữ chân thẳng trục, đồng thời cẳng chân và đùi bệnh nhân sẽ được giữ chắc bằng khung cố định ngoài. Xương đùi và xương cẳng chân cũng được cắt rời với khoảng cách 2 cm..vv.. Một tháng sau, mỗi ngày anh sẽ tự vặn đinh ốc ở khung cố định để xương tiếp tục sinh sản trong khe hẹp 2 cm nói trên. mà càng ngày càng được anh vặn ốc khung cố định bên ngoài để nới rộng thêm.
Trung bình mỗi tháng, chỗ cắt ở cẳng chân và chỗ cắt ở đùi mỗi chỗ dài ra được 3 cm, hai chỗ cộng lại là 6 cm. Sau 3 tháng , đủ 18 cm, bác sĩ bỏ cả hai khung cố định bên ngoài và đặt nẹp ở xương đùi, còn xương chày ở chỗ cẳng chân thì bắt đinh ốc trong nội tủy. Lúc này, anh Chung cần đeo khung, có thể đi lại chút ít và không đau đớn.
Sau gần một năm chỉnh sửa, tái khám lần gần nhất vào tháng trước, hai chân của anh Chung đã bằng nhau, đi lại bình thường, không cần phải đi giầy chỉnh hình 18 cm như trước.
Bác sĩ Lượng cho biết hai nhóm có nhu cầu kéo chân, gồm nhóm kéo dài chân do bệnh lý và nhóm do thẩm mỹ. Nhóm do bệnh lý là can thiệp cho người có hai chân so le thành hai chân bằng nhau. Với nhóm thẩm mỹ, là những người có tầm vóc thấp, nhỏ con, sẽ được kéo chân để có tầm vóc cao lớn hơn.
Trước năm 2011, khi kéo chân theo phương pháp cổ điển, tức bệnh nhân phải đeo khung kéo dài hàng năm trời, thì số lượng bệnh nhân rất ít, mỗi năm chỉ 2-3 trường hợp. Nay, sử dụng phương pháp mới, số lượng bệnh nhân tăng lên, trung bình khoảng 30-40 ca/năm, nam nhiều hơn nữ, 2/3 dưới 30 tuổi.
Theo bác sĩ Lượng, kéo dài chân có thể kéo ở hai chỗ: cẳng chân và đùi. Sau khi hoàn thành quá trình kéo dài ở cẳng chân, bệnh nhân có thể tiếp tục được kéo ở đùi. Phần xương kéo dài hoàn toàn ổn định, người sau khi kéo dài xương có thể vận động thoải mái, thậm chí kể cả đá banh.
Độ tuổi tốt nhất để phẫu thuật kéo dài chân là 18-35. Đây là giai đoạn xương đã hết tuổi phát triển và có khả năng phục hồi tốt. Nhiều người bị hạn chế về chiều cao rất muốn thực hiện loại hình phẫu thuật này song lo sợ đau đớn. Thực tế, bệnh nhân chỉ đau tại vết mổ, hoặc trong thời gian đeo khung cố định bị viêm chân do đinh xuyên qua da, song trường hợp này ít xảy ra.
“Dĩ nhiên, không có gì là dễ dàng. Không phải tự nhiên mà tăng được 6-10 cm chiều cao như vậy. Tất cả bệnh nhân phẫu thuật kéo dài chân đều phải có quyết tâm và ý chí rất lớn. Đã có những người sau kéo dài chân đi thi người đẹp. Có người tìm được công việc thuận lợi hơn”, bác sĩ Lượng nói.-
Giải phẫu tạo âm hộ
và âm đạo
Nguyễn Trang Nhung – nam người mẫu trước đây có nghệ danh “Bolo Nguyễn” – nay đã là nữ, có nghệ danh “Trang Nhung Nguyễn” – kể lại “cô” nhớ cảm giác toàn thân run lên khi bỗng nhiên tỉnh dậy trong ca phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục nam mà cô coi như “dụng cụ phái nam do bà mụ đặt nhầm”. “Tôi rất sợ, bởi vì nghe rõ cả những tiếng nói xung quanh và nhận thức được tình hình nhưng không nhúc nhích được cơ thể”.
Khi ấy, “cô” đang được bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ dương vật cũng như hai tinh hoàn để tạo hình bộ phận sinh dục nữ. Đây là những việc “đại phẫu” hết sức quan trọng trong tiến trình chuyển đổi từ giới tính nam sang giới tính nữ. Vì lẽ đó, trước khi tiến hành, bác sĩ hỏi bệnh nhân đã “suy nghĩ kỹ chưa”, phân tích đây là ca mổ lớn và khó, nhiều người có thể chảy máu, xuất huyết trên bàn mổ, phải cấp cứu do thể trạng không thể đáp ứng. Nhiều người nói phẫu thuật chuyển giới khiến giảm tuổi thọ. Tuy nhiên, Trang Nhung vẫn cương quyết thực hiện ước mơ sống với bản chất thật của mình.
Ca phẫu thuật bộ phận sinh dục được tiến hành tại một bệnh viện ở Thái Lan vào đầu năm nay (2022). Nhung nhớ khi tỉnh dậy, cô nhìn bóng bác sĩ phẫu thuật đứng bên cạnh không rõ ràng lắm. Mùi thuốc sát khuẩn xộc vào mũi cùng ánh đèn phòng mổ sáng chói khiến cô lo lắng tự hỏi không biết mình còn sống hay đã chết”. Ngay lúc đó, bác sĩ tiêm thêm cho cô một mũi thuốc gây mê để tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật.
Sau ca mổ kéo dài 6 tiếng đồng hồ, hết thuốc mê, Nhung dần tỉnh dậy và lấy lại ý thức. Lúc này, cô mới hoàn hồn, biết mình vẫn còn sống. Kế đó là chuỗi ngày chăm sóc và phục hồi khủng khiếp đầy nước mắt.
Vừa tỉnh dậy, Nhung đã bắt đầu quá trình nong cây gỗ vào âm đạo nhân tạo, giúp âm đạo giãn rộng và sâu hơn. Lý do là âm đạo mới được tạo hình, hàng ngày cần phải nong rộng dần để tránh bít, tắc. Dụng cụ nong âm đạo là ba khúc gỗ kích thước từ nhỏ đến lớn. Nhung phải từ từ lần lượt đưa các khúc gỗ này vào đường sinh dục để nong dần ra. Nếu nong sai kỹ thuật, người chuyển giới dễ bị biến chứng nguy hiểm nên cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng.
Hàng ngày, cô vệ sinh vết mổ ba lần theo chỉ định của bác sĩ. Những ngày đầu, vết thương còn rỉ máu đỏ, “Mỗi lần nong cây gỗ đau không thể tưởng tượng được, nhưng cũng phải cắn răng chịu đựng”. Bù lại, kết quả phẫu thuật khá tốt, cơ thể cô hồi phục nhanh, đi lại dễ dàng.
Theo kế hoạch, sau ca mổ này và đã ổn định âm đạo mới, Nhung sẽ trải qua ca đại phẫu cuối cùng là nâng ngực. Từ đó, cô hoàn toàn trở thành một người phụ nữ từ ngoại hình đến sinh lý trừ thông tin giới tính chưa thể thay đổi trên giấy tờ tùy thân.
Ba tuần sau, Nhung tiếp tục trải qua ca phẫu thuật nâng ngực. Với cô, phẫu thuật ngực đau đớn hơn ca xử lý bộ phận sinh dục do bác sĩ cần bóc tách nhiều bộ phận hơn. Hai ca phẫu thuật liên tiếp trong vòng một tháng tưởng chừng rút cạn sức lực, nhưng cuối cùng cô gái đã vượt qua. “Mong muốn thay đổi bản thân lớn hơn nỗi sợ và tôi không hề hối hận với những gì mình đã làm với cơ thể này”, Nhung nói.
Hiện, hơn nửa năm sau hai ca đại phẫu, gặp Nhung, nếu cô không giới thiệu, mọi người rất khó nhận ra trước đây cô từng là nam giới, với tên khai sinh là Nguyễn Lâm Hoàng Hiếu Trung.
Ngoài công việc là người mẫu, Nhung còn dạy nhảy, đào tạo người mẫu nhí, làm biên đạo và học kỹ thuật cắt may. Cô từng vào Top 9 Đại sứ Hoàn mỹ Việt Nam (Miss International Queen Vietnam 2020), Top 30 Người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model 2020). Cô tham gia trình diễn tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam và nhiều sự kiện thời trang lớn, nhỏ khác.
Nhung sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long trong hình hài bé trai tên Trung, từ nhỏ đã nhận thức về giới tính của mình. Cũng giống nhiều bạn LGBT, Trung thích làm điệu, chơi búp bê, thích cảm giác được đứng trên giày cao gót. Biết mình khác biệt với bạn bè, Trung tự an ủi bản thân là “Chúc Anh Đài giả trai đi học” và may mắn khi không bị gia đình cấm cản, được mẹ bảo vệ.
“Chỉ cần mình sống tốt thì mọi lời dị nghị đều là vô nghĩa. Mình cũng nên cho mọi người thời gian để hiểu và thông cảm, không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên mọi người”, cô nói.
Tốt nghiệp cấp 3, lúc này Trung lấy tên Nhung hoặc nghệ danh Bolo, lên TP HCM học, đến năm thứ ba thì dừng học để ra Hà Nội lập nghiệp. Năm 2019, cô bắt đầu sử dụng hormone – loại mua trực tiếp từ Thái Lan giá 100.000 đồng đến 300.000 đồng một liều tiêm. Sau nửa năm, cô có ngực tự nhiên như thiếu nữ tuổi dậy thì. Từ người ít nói, trầm tính, Nhung trở nên dễ khóc, dễ buồn và nhạy cảm hơn.
“Những người chuyển giới không dám mơ đến ngày mai, chỉ biết sống trọn cho từng giây phút hiện tại”, cô nói.
Trong một lần đi làm giấy tờ, cô bị thắc mắc “giới tính nam mà mặc đồ nữ”, “tên con trai mà, có nghe nhầm không”. Những lời này khiến cô đau lòng, lại càng thôi thúc thay đổi bằng việc phẫu thuật chuyển giới.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, đầu năm 2022, Nhung mới sang Thái Lan để phẫu thuật. Cô chọn gói phẫu thuật rẻ nhất để phù hợp với kinh tế gia đình.
Trải qua nhiều lần phẫu thuật, tổn hao nhiều về sức khỏe nên Nhung luôn ý thức chăm sóc bản thân. Cô chú ý hơn đến chế độ ăn uống, ăn nhiều rau củ quả, uống đủ nước, hạn chế tinh bột, đường béo và hạn chế rượu bia, ngủ sớm, khám sức khỏe định kỳ, tập thể dục mỗi ngày 30 phút.
Hiện, cô tự tin với diện mạo mới. Tết vừa rồi, mẹ kéo tay cô đi giới thiệu với họ hàng, khoe con gái. “Cuộc sống như được tái sinh lần nữa”, cô nói.
Thông thường, người chuyển giới từ nam sang nữ sẽ trải qua ít nhất hai ca đại phẫu, bao gồm nâng ngực và tạo hình cơ quan sinh dục nữ thay thế. Đồng thời, họ phải sử dụng hormone suốt đời giúp người chuyển giới nữ có giọng nói trong và cao hơn, tiêu giảm cơ bắp, nở ngực, da dẻ mịn màng và sáng màu hơn… Ngoài ra, họ sẽ làm thêm các phẫu thuật thẩm mỹ như bơm môi, cắt mí, độn cằm, hạ xương gò má… để khuôn mặt nữ tính và hài hòa hơn.
Hiện nay, Trang Nhung đã gây dựng được cho mình một sự nghiệp riêng. Song nhắc đến con cái, cô chạnh lòng. Cô tiếc nuối khi không được trải qua cảm giác mang thai, ốm nghén, đau đẻ như một người phụ nữ bình thường. Trên thực tế, tuy cô đã được tạo âm hộ, âm đạo nhưng khoa học chưa đủ khà năng tạo ra buồng trứng, ống dẫn trứng, dạ con (tử cung), các tuyến nội tiết, ngoại tiết… là những yếu tố rất cần thiết trong việc sinh sản, vì vậy cô không thể có con một cách bình thường. Còn ước mơ về một tổ ấm nho nhỏ, cô nói đó là cái duyên, nó đến thì cô đón nhận.
Đoàn Dự