Một liên minh các nhóm cộng đồng đang ủng hộ một kiến nghị từ một số ủy viên hội đồng thành phố về việc lên án kỳ thị chủng tộc chống người Á châu ở Montréal.
Họ nói rằng thời gian để nói chuyện đã hết, và thành phố cần phải làm nhiều hơn nữa trong khi dữ liệu của cảnh sát Montréal cho thấy tội phạm hận thù chống người Á châu đã gia tăng kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Ông Marvin Rotrand, ủy viên hội đồng thành phố Montréal cho biết: “Covid đã mang lại những kẻ thù ghét. Nó thách thức mọi thừa nhận căn bản mà chúng ta có về các giá trị của Canada”.
Một kiến nghị từ Rotrand được hàng chục nhóm cộng đồng và một số ủy viên hội đồng khác ủng hộ sẽ được hội đồng thảo luận trong tuần này. Kiến nghị kêu gọi ủy viên chống kỳ thị họp với các nhóm cộng đồng ngay lập tức, để Montréal và STM đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết các tội ác thù hận, và chính thức công nhận Tháng 5 là Tháng Di sản Á Châu.
Kiến nghị chỉ tập trung vào chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc chống người Á châu, nhưng được các nhóm cộng đồng Do Thái, Hồi giáo và Da đen tán thành, trong một năm mà tất cả đều báo cáo có sự gia tăng các vụ thù hận.
Cách đây một năm, một kiến nghị khác đã được đồng thanh thông qua nhằm tố cáo nạn kỳ thị chủng tộc chống người Á châu, sau khi một số vụ được báo cáo trên phương tiện chuyên chở công cộng và trên đường phố, bao gồm một người đàn ông Nam Hàn bị đâm trước một tiệm thực phẩm trên đường Décarie vào năm ngoái.
Fo Niemi, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu-Hành động về Mối quan hệ Chủng tộc có trụ sở tại Montréal cho biết: “Chúng tôi đã tích cực tham gia để kiến nghị được thông qua tại hội đồng thành phố nhằm kêu gọi Thành phố Montréal hành động và hành động kiên quyết”.
Kể từ đó, hội đồng đã bỏ phiếu để củng cố đơn vị chống tội phạm hận thù thuộc lực lượng cảnh sát Montréal và bổ nhiệm Ủy viên đầu tiên của thành phố về Chống kỳ thị chủng tộc.
Minda Massone thuộc Liên đoàn Hiệp hội người Canada gốc Philippines ở Québec cho biết: “Ủy viên Bochra Manai đã nhậm chức được sáu tháng. Chúng tôi chưa nhận được tin tức từ bà ấy và chúng tôi không biết có bất kỳ nhóm lớn Á châu nào nhận được hay không”.
Bryant Chang, phó chủ tịch Hiệp hội người Hoa ở Montréal, cho biết ông đã nghe nói rất nhiều về việc hành động, nhưng cho biết ông vẫn chưa thấy bất kỳ hành động nào.
Ông nói: “Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy bất cứ điều gì cụ thể để đối phó với tội ác thù hận. Chúng tôi nghe rất nhiều bài diễn văn, chúng tôi nghe rất nhiều bài đăng trên Facebook, nhưng không có gì khác. Thời gian nói chuyện đã hết”.
Phát ngôn nhân của Thị trưởng Montréal Valerie Plante cho biết trong một tuyên bố rằng thành phố “cam kết hơn bao giờ hết để chống lại sự kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử chống lại người Montréal gốc Á. Chúng tôi sẵn sàng hành động để chống lại vấn đề này trên một số mặt trận”.
Thiên Kim (Theo CTV)