Các phong tục khác lạ của người Vân Kiều

Người Vân Kiều (còn gọi là người Bru, người Ma Coong, người Trì hay người Khùa) là dân tộc cư trú tại miền trung bán đảo Đông Dương như Việt Nam, Lào, và Thái Lan. Ngôn ngữ của họ là tiếng Bru, một ngôn ngữ thuộc nhánh Cơ Tu của ngữ tộc Khmer.

Tại Việt Nam, Vân Kiều hay Bru là một dân tộc thiểu số trong số 54 dân tộc của Việt Nam kể cả người Kinh. Chính quyền Việt Nam  hiện nay xếp họ vào “dân tộc Bru – Vân Kiều”, bao gồm cả người Pa Kô. Số dân tổng cộng của đồng bào Bru-Pa kô-Vân Kiều  tại Việt Nam năm 2019 là 94.598 người (từ đây chúng ta gọi chung là người Vân Kiểu cho tiện vì tất cả họ đều là người Vân Kiều, chỉ khác một chút giống như chúng ta đều là người Kinh nhưng có người Bắc, người Trung, người Nam vậy thôi). Trong khi đó người Vân Kiều ở Lào là 22.000 người và ở Thái Lan là 25.000 người.  

Tại Việt Nam, theo điều tra dân số năm 1999, đa số đồng bảo Vân Kiều sống tập trung ở miền núi của các tỉnh Quảng Bình, Quảng TrịThừa Thiên-Huế và Đắk Lắk, không thấy có ở các tỉnh vùng thượng du hay trung du miền Bắc. 

Tộc người Vân Kiều có truyền thống làm rẫy và làm ruộng, cùng với hái lượm, săn bắn và đánh cá. Việc chăn nuôi gia súcgia cầm thường dành chủ yếu cho các lễ cúng hơn là cải thiện bữa ăn. Nghề thủ công của dân tộc này chỉ có đan chiếu lá, gùi. Văn hóa của người Vân Kiều đặc sắc, thể hiện ở phong tục hôn nhân, nghệ thuật, âm nhạc truyền thống, kiến trúc và trang phục, chúng ta sẽ miêu tả chi tiết sau.

Đời sống tâm linh của người Vân Kiều ở Quảng Trị

Năm 2019, ở thị trấn Khe Sanh thuộc huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có một cuộc triển lãm đặc biệt mang tên “Thần linh, tổ tiên và thầy cúng của người Vân Kiều ở khu vực Trường Sơn”, đã thu hút nhiều người xem.

Triển lãm giới thiệu gần 80 bức ảnh được trưng bày do Giáo sư Vargzas Gabo, một chuyên gia nghiên cứu dân tộc học người Hungary từng lăn lộn nhiều năm tại khu vực Trường Sơn để nghiên cứu đời sống tâm linh của dân tộc Vân Kiều.

Riêng ở Quảng Trị, đồng bào Vân Kiều có khoảng hơn 55.000 người, chiếm gần 10% tổng số dân chúng toàn tỉnh. Tại đây, bà con Vân Kiều cư trú chủ yếu ở hai huyện miền núi là Hướng Hoá và Đắkrông. Đời sống tâm linh của đồng bào Vân Kiều ở đây hết sức đặc biệt, không chỉ được dân chúng địa phương quan tâm mà có những nhà khoa học quốc tế cũng chú ý đến vấn đề này.

Chẳng hạn, theo quan niệm cổ truyền của đồng bào Vân Kiều, khi muốn tìm một khoảng đất để làm rẫy thì bà con cầm hai thẻ tre gieo lên xem “quẻ” thế nào, (tương tự như đồng bào Kinh xin quẻ âm dương). Nếu quẻ thuận, ban đêm mà họ ngủ mơ thấy trẻ con hay ruộng đất thì tốt, còn nều “chuyện “xấu” như mơ thấy cảnh chết chóc thì không được, phải chọn nơi đất khác.

Đồng bào Vân Kiều thờ cúng nhiều thần. Cao nhất là Yang (Trời), rồi đến thần Nước, thần Sông, thần Lúa.., và họ cũng cho rằng mỗi người sống đều có linh hồn, nên họ thờ thần bản mệnh. Vào nhà người Vân Kiều sẽ thấy những chiếc  bát đựng  trong các giỏ tre, đấy là họ thờ thần bản mệnh cho từng người trong gia đình. Khi đau ốm, trước đây bà con sẽ mời thầy mo đến cúng và đem chiếc bát bản mệnh ra làm nghi lễ cúng bái. Thầy mo sẽ gọi hồn người ốm và khấn vái thần linh. Nếu khỏi bệnh, gia đình sẽ làm thịt gà, dê, heo… tùy theo điều kiện kinh tế gia đình để tạ ơn thần linh và cảm ơn thầy mo.

Khi có người chết, họ cũng làm đám ma. Đến khi chôn, họ đưa vào rừng ma, kèm theo một số vật dụng như chiếc gùi, chén bát… cho người đã khuất. Sau khi chôn, họ vội vã đi như chạy theo hướng khác vì sợ ma đuổi theo về nhà. Rừng ma đối với họ là nơi thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Không ai được chặt cây, làm rẫy… ở rừng ma.

Cũng thuộc thế lực siêu nhiên nhưng theo quan niệm của bà con là ma không giúp đỡ họ mà còn tìm cách hại họ, đấy là các loài ma “đáng sợ”, nhất là ma lai. Ngay cả thế giới Mường Lộc (tương tự như âm phủ của người Kinh) cũng không giống nhiều người tưởng tượng. 

Vì sao rừng ma là nơi không nên lui tới, kiêng kỵ thăm viếng? Truyện cổ kể rằng: “Trong rừng ma có những cái hang. Vào trong hang, chỉ mới qua cửa anh sẽ gặp rất nhiều người quen cũ sống dưới đó. Họ sống nhưng không ăn cơm, uống nước, trong đó có thể có cả vợ anh. Anh thương quá, nếu xin cho vợ về thì do anh đã ăn cơm, uống nước nên sẽ bị kẹt luôn ở dưới đó, không ra khỏi cửa hang được và sẽ trở thành một linh hồn như những người dưới hang”.

Hai phương pháp chữa bệnh phổ biến của người Vân Kiều là khấn và thổi. Bài khấn luôn luôn mang màu sắc bí hiểm, không thể hiểu và không thể giải thích. Cùng với khấn là thổi, thổi để chữa bệnh, phổ biến là bệnh chấn thương về xương khớp kèm theo thuốc từ rễ cây, lá rừng và rượu. Thường là vừa khấn vừa thổi, bài khấn chỉ có ông thầy hay bà thầy mới biết, người ngoài không biết.  Có lẽ đây là sự kết hợp giữa thần quyền với y học dân gian vùng cao vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay.

Phong tục cưới nhiều lần 

Đến tuổi đôi mươi, các chàng trai người dân tộc  Vân Kiều bắt đầu rủ nhau đi “chạm ngõ nhà gái”. Vào buối tối trước khi dự định làm đám cưới, chàng trai cùng bạn bè và những người thân thiết trong họ hàng thắp đuốc đến nhà cô gái. Tới nơi, họ không vào ngay mà nhóm lên một đống lửa trước cửa nhà cô gái rồi ngồi … uống rượu cần, chuyện trò,  hát hò vui vẻ cho đến sáng, sau đó mới vào ra mắt gia chủ, bàn chuyện cưới xin. Các già làng người Vân Kiều giải thích rằng hành động ấy biểu thị cho lòng thành khẩn của nhà trai với mong ước đôi trai gái sau này có đời sống hôn nhân vẹn toàn.

 Trong đời người đàn ông Vân Kiều, ai cũng phải cưới vợ ba lần mới được bản làng coi là đã có vợ hoặc nhìn nhận cặp trai gái này là vợ chồng. Phong tục này cũng gần giống lần đầu nhưng lễ vật giá trị hơn, gồm bò và heo. Người Vân Kiều coi đây là cách để trai Vân Kiều cưới được vợ và khi ở với nhau thì mãi mãi hạnh phúc. 

Lễ cưới lần một được tiến hành theo đúng ngày giờ đã chọn. Đến ngày, gia đình nhà trai mang lễ vật sang nhà gái gồm: Một cây kiếm, một nồi đồng, một vòng cườm đeo cổ và một nén bạc trắng. “Kiếm là công cụ lao động, nó mang ý nghĩa là vật dụng làm ra của cải. Nồi đồng tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc. Vòng cườm tượng trưng cho sự thủy chung, gắn kết dài lâu. Ngoài ra, nhà trai còn phải nộp tiền cưới, lợn, gà, gạo…theo yêu cầu của nhà gái”. Sau khi nhà gái nhận lễ vật, chàng trai trở thành con trong nhà và được phép rước dâu.

Lễ cưới lần hai có thể tổ chức sau đó hai ngày. Tuy nhiên, thời gian không bắt buộc mà tùy theo điều kiện của nhà trai. Sính lễ buộc phải có là vàng, tiền, 3 con heo nhỏ, 6 con gà, rượu, gạo… “Nếu có của cải, nhà trai có thể cưới gộp lần hai và lần ba. Thường thì rất lâu sau, đôi vợ chồng mới có thể cưới lần ba vì khá tốn kém và trang trọng. Sính lễ phải có là một con trâu to, hai con heo, sáu con gà cùng nhiều lễ vật khác, vì thế trai Vân Kiều đến cuối đời mới cưới xong vợ là chuyện thường. Cũng không ít cặp vợ chồng chưa cưới xong, người chồng hoặc vợ đã qua đời thì con cái có trách nhiệm phải tổ chức cưới cho bố hoặc mẹ với người đã mất theo tục lệ đã định”, cụ bà Pí Plưi (buôn Tà Cỡng) cho biết. Xem ra, việc cưới hỏi của người Vân Kiều phức tạp và tốn kém hơn của người Kinh rất nhiểu.

Có những cặp vợ chồng khi đã làm ông làm bà rồi mới trở thành vợ chồng thực thụ. Lại có những trường hợp chưa kịp cưới nhau lần 2 hay lần 3 xong thì người chồng hoặc người vợ đã nhắm mắt xuôi tay. Trường hợp này con cái phải có trách nhiệm làm lễ cưới cho cha hoặc mẹ với người đã khuất để được cưới đủ số 3 lần theo tục lệ.

Nghi thức quan trọng nhất trong ngày cưới của người Vân Kiều là lễ buộc chỉ cổ tay cho đôi uyên ương. Vị mai mối và vị tộc trưởng ngồi ở vị trí trịnh trọng nhất trước mặt đôi tân hôn cùng với đại diện hai họ. Thời khắc sợi dây nối kết lời thề nguyền trọn đời hạnh phúc của đôi tân hôn được buộc xong thì tiệc cưới chính thức bắt đầu. Mọi người cười nói vui vẻ, cô dâu, chú rể dắt tay nhau đi chào hỏi và cám ơn hai họ. Hôm đó dân bản mừng vui như ngày hội. 

Chuyện yêu đương của người  Vân Kiều

Mỗi mùa trăng, trai gái thường đến bên khe suối, rừng cây để bày tỏ tình cảm của mình. Hàng vạn mùa trăng trôi qua đã để lại những bài hát giao duyên chân tình, mộc mạc của hàng bao thế hệ trai gái đã sáng tạo nên. Từ xưa đến nay, trai gái dân tộc Vân Kiều đến tuổi kết hôn được tự do tìm hiểu, gọi là “đi sim”. Người ta bảo, những bài hát giao duyên của người Vân Kiều từ hàng trăm năm vẫn làm say mê lòng người hiện đại bởi vì chúng được hun đúc từ không gian rộng mở với rừng, với ánh trăng lung linh và các khe suối, lùm cây cùng những khát khao yêu đương của tuổi trẻ..

Lời ngỏ của người con trai:  “Anh là con út. Bố mẹ già vẫn mong chờ anh: đứa con sau cùng xây hạnh phúc…”.

Lời đáp của người con gái: “Em biết lắm nỗi lòng anh đó. Nên vẫn đợi ông mối  phia bên nhà anh…”. 

Cứ thế, những làn điệu giao duyên đơn sơ mộc mạc đã đem họ đến với nhau như hàng bao nhiêu năm trước đây tổ tiên, ông bà, cha mẹ họ đã đến với nhau trong các buổi “đi sim” tự do, phóng khoáng và  đầy tình cảm nhưng cũng rất trong sáng như vậy.  

Mặc dầu được tự do tìm hiểu, song để đi đến hôn nhân, trai gái Vân Kiều vẫn phải thông qua ông mối của hai bên. Đó là luật tục lâu đời, đến nay vẫn còn hiệu lực. Khi chàng trai và cô gái cùng xác nhận với ông mối bên mình là đồng ý, thì chàng trai mới được phép đưa bạc cho cô gái, gọi là “van-tếch” (“trao của” lần 1). Tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế mà số bạc đưa cho cô gái dao động từ 1 đến 5 đồng. Khoảng 5 ngày sau, chàng trai đi “a-tằm van-tơr” (“trao của” lần 2). Số bạc đưa cho cô gái lần sau thường nhiều hơn lần trước. Sau a-tằm van-tơr, người làm mối phía bên nhà gái thông báo cho bố mẹ cô gái biết rằng cô đã nhận bạc. Khoảng 10 ngày sau, không thấy gia đình nhà gái trả lại bạc thì ông mối bên nhà trai đến nhà gái bàn định ngày rước dâu. Trong mỗi cuộc hôn nhân, người làm mối có vai trò rất quan trọng, là sợi dây nối liền hai gia đình, là người đi lại, chuyển tin trong từng tiến trình đi đến hôn nhân. Trong đám cưới, ông mối là chủ hôn. Sau đám cưới, ông mối là người giảng hòa nếu đôi vợ chồng có xích mích. Nhiệm vụ giám sát của ông mối kéo dài cho đến khi ông mối hoặc hai vợ chồng đó qua đời.

Ngày nay, đám cưới người Vân Kiều đã bớt nặng nề, khắt khe về sính lễ. Gia đình nào quá khó khăn có thể cưới đơn giản nhưng vẫn phải đủ ba lần theo đúng phong tục truyền thống. “Đám cưới là điểm bắt đầu cuộc sống mới của đôi vợ chồng, vì thế phải tổ chức thật chu đáo, đầy đủ lễ nghĩa. Dù nghèo khó cũng phải cưới đủ số lần quy định mới mong có một cuộc sống hạnh phúc, gắn bó mãi mãi. Hơn nữa, khi đôi vợ chồng chưa làm xong lễ côl thì sang nhà vợ không được bước lên nhà; họ hàng hai bên chưa được ăn bánh, chuối, củ kiệu, thịt trâu bò lợn gà của hai gia đình thì không được chăn thả cùng một nơi, chính vì thế người Vân Kiều rất hiếm khi bỏ nhau”, nếu bỏ nhau, chưa có lễ thứ ba là rất khó sống trong cộng đồng, già làng Pá Vinh (buôn Tà Cỡng)  giải thích.

Lập bàn thờ từ khi đứa trẻ mới sinh

Không chỉ độc đáo trong tục cưới hỏi, đồng bào Vân Kiều còn có tục thờ linh hồn sống. Già làng Pá Vinh kể: “Từ xưa người Vân Kiều tin rằng khi sinh ra, mỗi người đều có một linh hồn và một vị thần bổn mạng che chở, bảo vệ. Để bản thân người sống được khỏe mạnh, bình an, phải thờ cúng vị thần bổn mạng đó. Vì thế, đứa trẻ nào sinh ra cũng sẽ được gia đình làm lễ cúng, lập bàn thờ linh hồn sống”. 

Lễ cúng được tiến hành khi đứa trẻ sinh ra ba ngày sau. Gia chủ phải chuẩn bị rượu, cơm, nước và hai con gà, mời ông bà (gọi là ching), mời ông sao (mân tôr prang) và ông mặt trời (mân đăng chăr) để trình bày việc gia đình vừa có một thành viên mới, mong ông bà, ông sao, ông mặt trời phù hộ cho đứa trẻ khỏe mạnh, mau lớn. 

Sau khi được các vị thần chứng giám, linh hồn đứa bé sẽ được thờ trong a ruông (chiếc giỏ tre) đựng một cái chén với 3 miếng cau, 3 miếng trầu, vôi và đặt lên bàn thờ của gia đình. Bàn thờ gồm có thần nhà (người bảo vệ các linh hồn) và các phần hồn sống. Mỗi một chiếc giỏ tre trên bàn thờ tượng trưng cho linh hồn một thành viên trong nhà và được xếp theo thứ tự từ người trên xuống người dưới.

 “Việc thờ cúng linh hồn có nhiều cấp bậc và phụ thuộc vào sự đòi hỏi của phần hồn mỗi người. Nếu người Vân Kiều ở Quảng Trị thờ theo ba cấp bậc thì người Vân Kiều di cư vào Đắk Lắk chỉ thờ hai cấp bậc. Cấp bậc một là khi gia đình làm lễ cúng cho đứa bé, cấp bậc hai chỉ thực hiện khi linh hồn người sống đòi hỏi. Tức là trong quá trình sinh sống, nếu người sống đau ốm, mắc bệnh chữa mãi không khỏi thì phải làm lễ cúng bậc hai. Đồ lễ phải có một con lợn” – ông Hồ Pa Lưi (buôn Tà Đỗ) cho biết.

Một nguyên tắc phải đặc biệt lưu ý là việc đụng chạm đến bàn thờ linh hồn sống. Người ngoài ai lỡ tay chạm vào vật thờ thì phải nộp phạt heo, gà để gia chủ làm lễ cúng tạ lỗi với linh hồn. Thành viên trong gia đình lỡ chạm tay vào thì thần trong nhà sẽ hết linh thiêng, người nhà sẽ gặp điều xui xẻo. Chính vì thế bàn thờ luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất và cao sát mái nhà. Mỗi năm, người Vân Kiều chỉ cúng linh hồn, lau dọn bàn thờ một lần vào tháng 7 âm lịch. Việc thờ linh hồn sống chỉ kết thúc khi người đó chết đi, chiếc a ruông (giỏ tre) sẽ được chôn cùng với xác để hồn về với cõi chết.

Xã Ea Hiu có 12 buôn (tức thôn theo tiếng Kinh), trong đó 6 buôn là người Vân Kiều với gần 3.000 nhân khẩu. Hầu hết họ vẫn giữ phong tục cưới ba lần và lập bàn thờ linh hồn người còn đang sống. Đây cũng chính là nét đặc sắc riêng biệt trong văn hóa tâm linh của người Vân Kiều.

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email