Đây là vụ án liên quan đến Hoàng Duy Tiến, nguyên cán bộ Đội 7 – PC03 chủ mưu, đã bị bắt và khởi tố năm ngoái.
CỰU CÁN BỘ ĐỘI CHỐNG BUÔN LẬU TIẾP TAY CHO BUÔN LẬU
Liên quan vụ án công an tiếp tay buôn lậu. Võ Văn Đông, (nguyên cán bộ Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) và nhiều đồng phạm đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội tiếp tay buôn lậu hơn 1.000 container là máy móc, thiết bị cũ từ Nhật Bản, Đài Loan về VN tiêu thụ.
Năm ngoái, Đoàn kiểm tra phát giác 6 container hàng hóa nhập cảng là thiết bị, máy móc cơ giới cũ từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), với tổng giá trị theo khai báo là hơn 800 triệu đồng.
Theo đó, Hoàng Duy Tiến đã thỏa thuận với một số chủ cửa hàng kinh doanh máy móc cũ, rồi thông qua các doanh nghiệp do mình thành lập để nhập máy móc đã qua sử dụng ở nước ngoài về nước tiêu thụ. Khi khai báo hải quan, Tiến khai gian là nhập cảng thiết bị để đưa vào sản xuất.
Chủ hàng có nguồn thiết bị, máy móc cũ ở nước ngoài sẽ gửi danh sách cho Tiến. Tiến và các đồng phạm đã lập nhiều công ty khác nhau để đứng tên pháp nhân, nhập cảng các container hàng với chi phí mỗi container từ 60 – 90 triệu đồng.. Tiến hướng dẫn và phân công cụ thể cho các nhân viên trong công ty của mình làm thủ tục, hồ sơ nhập cảng. Sau đó, Tiến sẽ được các chủ cửa hàng trả tiền công.
Từ tháng 8.2019 đến nay, Tiến và đồng phạm đã thành lập 47 pháp nhân công ty cho nhiều người đứng tên để nhập cảng gần 1.282 container máy móc thiết bị cũ từ nước ngoài, trị giá tính thuế gần 192 tỉ đồng.
Tiến buôn lậu hàng hóa thành thạo khi chính mình lại là cán bộ được giao nhiệm vụ chống tội phạm về buôn lậu và là người phụ trách lĩnh vực này lâu năm.. Tiến đã thực hiện hành vi buôn lậu khoảng 2 năm.
Theo quy định, thiết bị cũ nhập cảng không được quá 10 năm và hồ sơ nhập cảng phải có chứng thư giám định.
Các nhân viên tại Công ty Giám định Đại Minh Việt đã lập sẵn biên bản giám định trước, hoàn thiện hồ sơ để cung cấp 1.121 chứng thư giám định khống cho Hoàng Duy Tiến, tiếp tay cho việc buôn lậu.
Trong đó, Dương Mạnh Linh là người ký duyệt tất cả các tài liệu như: Kế hoạch giám định, thông báo kết quả giám định… của toàn bộ 1.121 chứng thư giám định. Những người còn lại chịu trách nhiệm đối với những hồ sơ chứng thư giám định đã ký.
Ngoài Hoàng Duy Tiến, cán bộ Đội chống buôn lậu của Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh là chủ mưu, Võ Văn Đông là cán bộ Công an thứ hai bị khởi tố trong vụ án này.
Võ Văn Đông là chủ hàng thuê Tiến nhập hàng thiết bị, máy móc cũ từ nước ngoài về VN để bán kiếm lời. Cụ thể, toàn bộ hàng hóa đều do Hoàng Duy Tiến nhập về cho các chủ hàng, với một cách: Chủ hàng có nguồn hàng là thiết bị, máy móc cũ ở nước ngoài nhờ Tiến làm thủ tục nhập về Việt Nam.
Chủ hàng gửi hóa đơn, danh sách hàng qua điện thoại, viber cho Tiến. Tiến chỉ đạo nhân viên làm hồ sơ nhập cảng, lấy đơn vị nhập cảng là các công ty do Tiến lập ra. Chi phí nhập mỗi container dao động từ 60 – 90 triệu đồng, tùy thời điểm và tùy từng chủ hàng.
Khi có hàng về cảng, nhân viên của Tiến sẽ liên hệ với chủ hàng biết để giao nhận với các nhà xe. Sau đó, chủ hàng sẽ thanh toán tiền công cho Tiến qua các số tài khoản mà Tiến cho hoặc thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp cho Tiến. Ngoài ra, chủ hàng còn nhờ Tiến chuyển khoản thanh toán tiền cho các chủ hàng ở nước ngoài.
CỰU BÍ THƯ BÌNH DƯƠNG HẦU TÒA
Nguyên phó chủ tịch tỉnh Bình Dương, phụ trách lĩnh vực giao thông, đất đai.Trần Văn Nam chịu trách nhiệm những phạm pháp về đất đai gây thiệt hại hơn 1.745 tỷ đồng
Đất “vàng” áp giá “bèo”
Năm 2012, ông Trần Văn Nam với cương vị phó chủ tịch tỉnh đã quyết định giao khu đất 43 ha và 145 ha cho Tổng công ty 3-2 theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Tiền sử dụng đất là nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hằng năm tỉnh ban hành bảng giá đất để căn cứ vào đó mà tính tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, các lãnh đạo Cục Thuế và cán bộ Văn phòng tỉnh lại đề xuất áp dụng giá tiền sử dụng đất chỉ có hơn 51.000 đồng/m2, là giá từ năm 2006 thay vì năm 2012. Ông Nam biết đề xuất này sai nhưng vẫn thông qua.
Việc này gây thiệt hại hơn 761 tỉ đồng ngân sách nhà nước.
Lúc giữ chức vụ bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, khi cổ phần hóa Tổng công ty 3-2, Trần Văn Nam đã họp Tỉnh ủy, phê duyệt phương án sử dụng đất của đơn vị này.
Tổng công ty 3/2 được tỉnh Bình Dương giao 2 khu đất 43 ha và 145 ha ở Thủ Dầu Một để làm khu dân cư, thương mại, dịch vụ Tân Phú.
Tỉnh ủy, UB tỉnh Bình Dương đều biết việc Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3-2) và đồng phạm chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là sai, gây thiệt hại nặng nề tài sản Nhà nước.
Dù vậy, những người này đã không ngăn chặn ông Minh. Thậm chí một số lãnh đạo tỉnh còn hợp thức hóa thủ tục để ông Minh hoàn tất chuyển tài sản Nhà nước sang công ty do con rể mình thành lập và bán cho công ty tư nhân.
Theo đó, 2 khu đất vốn góp tại Công ty Tân Phú phải chuyển về Công ty Impco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Tỉnh ủy quản lý.
Sau đó, mặc dù biết Tổng công ty 3-2 chuyển khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú thay vì Impco nhưng ông Nam không có biện pháp để bảo toàn vốn của Nhà nước.
Thậm chí ông Nam còn tổ chức họp thường trực Tỉnh ủy để cho Tổng công ty 3-2 tiếp tục hoàn tất việc đưa toàn bộ khu đất 43ha từ Nhà nước sang tư nhân. Hành vi này của ông Nam gây thiệt hại hơn 302 tỉ đồng.
Trần Văn Nam vừa chỉ đạo điều hành, vừa là người thực hiện phạm tội, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn, hơn 1.063 tỉ đồng.
Để giấu tội, ông Nam đã ra lệnh cấp dưới hợp thức hóa các công văn, giấy tờ liên quan 2 khu đất vàng, đồng thời làm sai lệch nội dung các văn bản để giấu tội.
Ngoài ra, cựu Chủ tịch tỉnh Trần Thanh Liêm cũng liên quan việc áp giá đất thấp đối với 2 khu đất nêu trên. Ông Liêm phải chịu trách nhiệm liên đới về khoản thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng.
Đại diện các tổ chức được triệu tập gồm: Tỉnh ủy và UB tỉnh Bình Dương, Cục Thuế tỉnh Bình Dương, các sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cùng hàng loạt doanh nghiệp liên quan. Ngoài ra, còn 8 cá nhân và giám định viên cũng bị triệu tập.
Đặc biệt khi vụ án tại Tổng công ty 3-2 đang được điều tra, ông Trần Văn Nam vẫn lần lượt tái cử các chức danh ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; ứng cử rồi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa mới. Sau này, các chức danh này mới bị cách hoặc không được công nhận.
CẢNH SÁT HÌNH SỰ BỊ TỐ CÙNG VỢ LỪA ĐẢO HÀNG CHỤC TỶ ĐỒNG
Thời gian qua, hàng chục người dân ở Thừa Thiên-Huế gửi đơn tố cáo việc họ bị một cặp vợ chồng lừa đảo chiếm đoạt nhiều tiền. Người bị tố cáo là ông Nguyễn Xuân Anh Dũng và vợ là Dương Thị Mỹ Linh (trú tại 38A Trần Lư, phường An Tây, TP.Huế). Trong đó ông Dũng đang làm việc tại Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP.Huế.
Ít nhất 10 người dân gửi đơn tố cáo vợ chồng ông Dũng lừa đảo số tiền hơn 23 tỷ đồng. Trong đó, người cho mượn ít nhất là 300 triệu, nhiều nhất gần 8,5 tỷ đồng.
Bà L.T.T.T (trú đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP.Huế) tố cáo vợ chồng ông Dũng đã vay mượn rồi chiếm đoạt của bà 4.150 triệu đồng, trong đó có 3.150 triệu đồng mượn để đáo hạn ngân hàng.
Lúc nhận tiền của bà T, vợ chồng ông Dũng viết giấy cam kết ngày trả nợ nhưng rồi trong thời gian dài vẫn không trả.
“Vào ngày 8/5/2022, tôi về nhà ông Dũng và bà Linh để nói chuyện về khoản tiền vợ chồng ông này đã vay mượn thì bị hành hung gây tổn hại sức khỏe cũng như tinh thần”, bà T cho biết.
Sau thời gian dài không được vợ chồng ông Dũng trả lại tiền đã vay, bà T đã viết đơn tố cáo gửi Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Bà T chỉ là một trong số hàng chục trường hợp người dân ở Thừa Thiên-Huế gửi đơn tố cáo vợ chồng ông Dũng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chị P.T.C. (trú TP Huế và Dương thị Mỹ Linh là bạn thân từ nhỏ. Linh tâm sự với chị C. mình làm nghề cho vay, cầm cố tài sản, nhưng nay cần thêm vốn để mở rộng kinh doanh.
Để tạo lòng tin, Linh thường xuyên chụp ảnh các tài sản khách hàng cầm cố như ôtô, sổ đỏ… qua cho chị C. Tin tưởng bạn, chị C. đã cho Linh mượn tiền với thời hạn một tháng phải trả. Tuy nhiên, Linh tìm nhiều lý do để hoãn trả nợ.
“Do tin tưởng bạn bè, lại từng là hàng xóm, cộng thêm việc ông Dũng đang công tác trong ngành công an nên tôi mới tin tưởng cho 2 vợ chồng ông Dũng vay”, chị C. nói.
Từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2021, chị C. đã cho vợ chồng Linh vay 2,1 tỷ đồng. Thời điểm vay, ông Dũng (chồng Linh) có đứng ra cam kết đảm bảo trả hết số tiền mà 2 vợ chồng này mượn của chị C.
Theo chị C., toàn bộ số tiền trên là chị đi mượn của người thân, bạn bè mới có được. “Sau nhiều lần nhắn tin, gọi điện thoại, thậm chí là lên tận nhà để đòi lại số tiền trên, nhưng vợ chồng ông Dũng không chịu trả. Hiện tại tôi phải bán tất cả tài sản để trả nợ”, chị C. nói.
Rất nhiều trường hợp khác đã gửi đơn tố cáo vợ chồng ông Dũng, như: Ông H.T.T (trú TP.Huế) tố bị lừa 8.490 triệu đồng, bà N.T.K.N (trú đường Trần Quang Khải, TP.Huế) bị lừa 1.548 triệu đồng, ông V.Q.V (trú đường Phan Đăng Lưu, TP.Huế) bị lừa 2.840 triệu đồng, bà N.T.Đ (trú đường Nguyễn Du, TP.Huế) bị lừa 1.420 triệu đồng, bà L.T.K.N (trú đường Hải Triều, TP.Huế) bị lừa 2.400 triệu đồng, bà P.T.C (trú đường Nguyễn Chí Thanh, TP.Huế) bị lừa 2.100 triệu đồng, bà L.T.P.T (trú đường Nhật Lệ, TP.Huế) bị lừa 300 triệu đồng, bà V.T.H.T (trú đường Nguyễn Du, TP.Huế) bị lừa 150 triệu đồng, bà L.T.C.N (trú đường Trần Lư, TP.Huế) tố bị lừa 150 triệu đồng…
Theo nội dung đơn của những người dân này, qua các mối quan hệ bạn bè, người thân, ông Dũng và bà Linh đã vay mượn tiền của họ rồi chiếm đoạt. Lúc vay mượn tiền, họ thường lấy lý do cần tiền để đáo hạn ngân hàng và cam kết thời gian trả nợ nhưng sau đó không trả!
CỰU GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN TP THỦ ĐỨC LẤY HÀNG TRIỆU ĐÔ TỪ ĐÂU ĐỂ “CHẠY ÁN”?
Năm 2021, ông Nguyễn Minh Quân, giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, bị điều tra vì vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Lo sợ mình và vợ (Chủ tịch Công ty Ngọc Đạo chuyên cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Thủ Đức) phải ra tòa, ông Quân liên hệ với Bùi Trung Kiên, cán bộ Phòng 6 thuộc Cục C03 Bộ Công an, nhờ “lo lót”. Kiên đồng ý và yêu cầu ông Quân đưa 700.000 USD để giải quyết việc ban đầu.
Khi đưa tiền các lần đều không có ai chứng kiến và tiền ông Quân cho biết là gom lại, bán thêm đất gộp đủ 1,5 triệu USD mang đi nhờ Trần Văn Long và Bùi Hồng Giang để lo “chạy”.
Sau đó, Long và Giang đã nhận 1,5 triệu USD từ ông Quân để đưa cho cán bộ công an Lê Thanh An. Trong đó, An nhận 500.000 USD, còn Hà Duy Tuấn (lao động tự do) cầm 1 triệu USD theo hướng dẫn qua điện thoại của An để đưa cho Nguyễn Ngọc Triệu để nhờ lo việc cho ông Quân.
Theo thỏa thuận, ông Quân 3 lần chuyển tiền cho Kiên như con số đã đưa ra. Tiếp đó, Kiên yêu cầu ông Quân đưa thêm 1,5 triệu USD để “lo lót” cho ông Nguyễn Văn Lợi (giám đốc một công ty trúng nhiều gói thầu tại Bệnh viện TP Thủ Đức) không bị truy cứu hình sự.
Tổng cộng, Kiên đã nhận từ ông Quân 2,2 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, cán bộ công an không nhờ và cũng không đưa tiền cho bất kỳ ai để “chạy án” mà mang tiền đi mua bất động sản tại SG, Đồng Nai, Bình Dương và nhiều nơi khác. Vì thế ông Quân đòi tiền lại. Tháng 5-2021, Kiên đã trả lại 1,15 triệu USD (gồm 500.000 USD và 15 tỉ đồng).
Sau các phi vụ giao và nhận tiền nêu trên, các bị can không lo liệu theo yêu cầu của ông Nguyễn Minh Quân. Do đó, ông Kiên bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 1,05 triệu USD. Còn ông An môi giới hối lộ số tiền 1,5 triệu USD.
Hành vi đưa tiền để “chạy án” của ông Nguyễn Minh Quân đã phạm tội hối lộ. Tuy nhiên, do ông Quân đã khai báo trước khi bị phát giác nên được miễn trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, ông Quân là bị can trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức. Trong vụ án trên, tạm giam ông Quân và Nguyễn Văn Lợi (35 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm), bị bắt giam cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai bị can này đã vi phạm Luật đấu thầu trong việc mua vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Bùi Trung Kiên, cựu cán bộ Phòng 6 thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
San Hà (tổng hợp)