Canada cấm túi nhựa, ống hút, dao muỗng nĩa nhựa… vào cuối năm 2021

Jonathan Wilkinson

Theo danh sách mới được công bố về đồ nhựa dùng một lần bị cấm ở Canada, các túi plastic đựng hàng đi chợ, ống hút, que khuấy, dao muỗng nĩa nhựa và hộp đựng thực phẩm làm từ nhựa khó tái chế sẽ không được sử dụng trên toàn quốc vào cuối năm 2021.

Tổng trưởng Môi trường và Biến đổi Khí hậu Jonathan Wilkinson đã loan báo các bước tiếp theo của chính phủ liên bang hướng tới kế hoạch hoàn thành mục tiêu không có rác thải nhựa vào năm 2030.

Ông Wilkinson cho biết:“Khi lệnh cấm có hiệu lực, các cửa hàng địa phương của bạn sẽ cung cấp cho bạn các lựa chọn thay thế cho các sản phẩm nhựa này”.  Wilkinson nói ông biết rằng thật khó để quay lại cửa hàng tạp hóa mà không có các sản phẩm nhựa dùng một lần, đặc biệt là bao bì thực phẩm, nhưng điều đó “phải thay đổi”.

Như đã cam kết lần đầu vào năm ngoái và tái cam kết trong bài diễn văn khai khóa họp quốc hội vào tháng 9 của đảng Tự Do, chính phủ đang tiến tới việc cấm một số loại nhựa sử dụng một lần “có hại” được tìm thấy trong môi trường và có sẵn các lựa chọn thay thế, đồng thời tìm cách cách để bảo đảm rằng nhiều nhựa được tái chế hơn.

Chính phủ sẽ trưng cầu ý kiến ​​phản hồi trên ‘tài liệu thảo luận’ cho đến ngày 9/12. Các quy định mới sẽ không có hiệu lực cho đến cuối năm 2021.

Hồi mùa xuân, ông Wilkinson báo hiệu rằng lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần có thể bị trì hoãn vì đại dịch.

Chính phủ liên bang cho biết lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) bằng nhựa như tấm che mặt, hoặc các loại nhựa khác được sử dụng trong các cơ sở y tế.

Wilkinson cho biết: “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các giải pháp để tái chế PPE ở những nơi an toàn để làm như vậy, và các cách làm cho một số PPE có thể phân hủy sinh học”.

Do đại dịch và những hạn chế về y tế, nhiều nhà hàng đã phải chuyển sang cung cấp thức ăn mang đi kèm theo dao muỗng nĩa bằng nhựa, nên vẫn còn phải xem các lệnh cấm đồ nhựa sẽ có tác động gì đến các cơ sở kinh doanh này.

Tổng trưởng Môi trường cho biết: “Về mặt cung cấp thức ăn mang đi, trọng tâm thực sự là ‘polystyrene’, một chất rất khó tái chế và chúng tôi tìm thấy khá rộng rãi trong môi trường. Nhiều nhà hàng kinh doanh thức ăn mang đi đã chuyển từ ‘polystyrene’ sang các dạng khác, hoặc là là bìa cứng hay các dạng giấy khác, có thể tái chế được”.

Trong khi hoan nghênh tin tức nói trên, các nhóm môi trường đang thúc đẩy đảng Tự Do đi xa hơn với lệnh cấm.

Sarah King, thuộc tổ chức Greenpeace Canada, cho biết: “Sau ba năm hứa hẹn giải quyết vấn đề ô nhiễm và rác thải nhựa cũng như tạo ra một chiến lược đưa Canada hướng tới không có rác thải nhựa, chính phủ liên bang đã tiếp tục chủ yếu dựa vào huyền thoại tái chế và danh sách cấm tối thiểu”.

King cho biết: “Cách duy nhất để ngăn các chất độc hại ra môi trường là cấm tất cả chúng. Chính phủ nói họ muốn giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, bảo vệ các đại dương và hướng tới một nền kinh tế xoay vòng, nhưng chừng nào nhựa sử dụng một lần tiếp tục được sản xuất với tỷ lệ hiện tại, thì không có động lực nào để các công ty chuyển đổi sang các mô hình tái sử dụng sạch hơn và lành mạnh hơn”.

Chính phủ liên bang đặt mục tiêu ít nhất 50% các sản phẩm nhựa được tái chế vào năm 2030.

Wilkinson cũng cam kết yểm trợ 2 triệu đô-la về sáng kiến ​​không rác thải nhựa, cho 14 dự án do Canada dẫn đầu.

Theo chính phủ liên bang, người Canada vứt bỏ ba triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm và chỉ 9% trong số đó được tái chế và khoảng một phần ba số plastic được sử dụng ở Canada là cho các sản phẩm sử dụng một lần hoặc ngắn hạn, bao gồm tới 15 tỉ túi plastic được sử dụng hàng năm và gần 57 triệu ống hút được sử dụng mỗi ngày.

Thế Lai (Theo CTV)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email