Chợ tình Sa Pa xưa
Thưa quý bạn, Sa Pa (hay Sapa) là thị trấn của huyện Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai, cách Hà Nội khoảng 315 km nếu đi theo đường cao tốc mới làm theo lối Bắc Ninh, Yên Bái , còn đi theo đường cũ qua ngả Thái Nguyên thì 376 km. Thị trấn Sapa cách TP Lào Cai 30 km, có thể đi bằng xe bus.
Cách thị trấn Sapa khoảng 9 km về phía tây nam có đỉnh Fansipan cao nhất VN (3.143 mét), nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, nhiều khi có tuyết, nhiều người đi du lịch ngắm cảnh. Ở các nương rẫy thuộc huyện Sa Pa có nhiều ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số, đa số trồng ngô hoặc lúa rẫy, rất đẹp, khách du lịch nhiều người thích quay phim, chụp hình.
Ở trung tâm thị trấn Sapa có ngôi nhà thờ nho nhỏ xây dựng bằng đá (vì ở vùng thượng du đá nhiều hơn gạch), đó là nhà thờ “đá” Sapa. Ở trước cửa nhà thờ, cách khỏang 20 mét, có một chỗ đất thấp xuống, khá rộng, có bậc thềm bằng đá chạy theo chiêu dọc ngay trước mép sân nhà thờ. Nhiều người ngồi chơi nghỉ chân trên bậc thềm đó.
Cha xứ chủ quản nhà thờ tên là Giuse Ph.Th.B., khoảng ngoài 50 tuổi nhưng còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Tôi nghe nói cha giỏi tiếng dân tộc và thường lái chiếc xe hơi cũ vào các thôn bản làm lễ cho các ông bà già không thể ra dự lễ ngoài nhà thờ được.
Lần đến thăm nhà thờ, tôi hỏi cha: “Thưa cha, con nghe nói Sapa có “chợ tình”, vậy“chợ tình ở đâu, có xa lắm không?”. Cha chỉ tay xuống chỗ đất thấp có bậc thềm trước cửa nhà thờ: “Đấy, chợ tình đấy. Họ họp chợ tình ở đó và bất cứ chỗ nào đất rộng trong khu vực nhà thờ”. Tôi rất ngạc nhiên, không ngờ chợ tình ở trước mắt, ngay cửa nhà thờ.”. “Thưa cha, họ họp chợ như thế có gì làm phiền gì cha không?”. “Có chứ, tất nhiên là có. Thứ nhất là ồn, thứ nhì là họ xả rác dữ lắm. Đã vậy nhiều người đàn ông còn uống rượu say, nằm lăn ra đất ngủ li bì từ tối đến sáng không biết trời trăng gì cả. Nghe nói rượu ngô của họ nặng lắm. Cha sợ gió lạnh hoặc lỡ trời mưa họ bệnh tội nghiệp nên cho người khiêng họ vào hành lang nhà thờ. Sáng ra họ chuồn từ lúc nào không biết”. Sau đó cha nói thêm: “Được cái trước đây theo phong tục tập quán, mỗi năm chợ tình chỉ họp có một lần nên cững đỡ. Bây giờ thì cơ quan du lịch đổi lại, chợ tình họp mỗi tuần một lần vào chiều thứ bảy để thu hút khách du lịch. Mà chiều thứ bảy có các khóa lễ nên cũng hơi phiền vì ồn…”.
Thưa quý bạn, trên đây Đoàn Dự tôi đã trình bầy hầu quý bạn các chi tiết về “chợ tình Sapa”, bây giờ xin mời quý bạn xem qua cho biết rõ hơn về cái “chợ mà không phải chợ” này.
Chợ tình Sapa những năm trước đây: nét đặc biệt về tình cảm của người dân tộc Dao và H’Mông
Đi du lịch Sapa, bất cứ du khách nào cũng muốn không phải chỉ được ngắm cảnh đẹp mà còn được khám phá nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa nơi đây. Chợ tình Sapa là một nét văn hóa vô cùng đặc sắc của người dân tộc Hơ Mông, Dao, là nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm của nam thanh nữ tú trong các làng vùng Tây Bắc.
Chợ là đầu mối, là điểm nút của hầu hết những sinh hoạt của đồng bào vùng cao. Nhưng ở “chợ tình Sapa”, những người yêu nhau hay đã từng yêu nhau mà không được sống với nhau lại lấy chợ này làm nơi hò hẹn. Bởi vậy nôm na mà nói, có thể hiểu chợ tình là nơi trao gửi tình cảm với những yêu thương của con người.
Như trên đã nói, trước đây, chợ tình Sapa mỗi năm chỉ họp một lần. Cả năm quần quật trên nương, mở mắt ra là thấy núi, bước chân đi là đụng cây rừng, chỉ được một ngày trọn vẹn sống với chuyện tình cảm. Trai gái tìm nhau giữa chợ; vợ gặp người yêu cũ, chồng tìm lại bạn gái năm xưa. Chỉ một ngày thôi rồi ai về nhà nấy; vợ và chồng mỗi người lại về lo cho cuộc mưu sinh nuôi đàn con dại, như chưa hề tới chợ tình gặp lại người xưa. Chồng không ghen với vợ. Vợ không ghen với chồng. Mà cũng chẳng ai chê trách chuyện đó bởi vì đấy là phong tục. Cũng có người thiếu may mắn không gặp được người xưa, họ đành về chờ đến phiên chợ năm sau.
Chợ tình Sapa nay
Ngày nay, chợ tình Sapa diễn ra mỗi tuần một lần vào tối thứ bảy thay vì mỗi năm một lần như trước. Đó không chỉ là nơi gặp gỡ của các đôi nam nữ chưa vợ chưa chồng hay những người đã có gia đình nhưng vẫn mong gặp lại người cũ, mà đó còn là nơi “tham quan” cho biết chợ tình nó như thế nào của khách du lịch.
Chợ tình thường diễn ra phía trước nhà thờ đá hay trong khuôn viên rất rộng chung quanh nhà thờ, bất cứ chỗ nào mà họ thích. Từ buổi chiều, dưới phố và ở sân nhà thờ đã có rất nhiều phụ nữ đầu quấn khăn đỏ và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy cùng với những vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên áo. Hấp dẫn hơn nữa là có những tiếng lanh canh theo mỗi bước đi từ những chiếc chuông nhỏ xíu bằng đồng xinh xắn đính trên những chiếc khăn choàng đầu. Ðối tượng của họ là các chàng trai người Dao hay H’Mông trong trang phục áo màu chàm (xanh lá cây sậm gần như đen), khăn cũng màu chàm, tay đeo đồng hồ, vai khoác chiếc radio hay máy thu âm nho nhỏ thuộc loại không đắt tiền lắm.
Ở một góc kia, dăm bảy chàng trai xúm quanh một cô gái, họ đưa những chiếc máy thu âm của mình gần miệng cô gái để ghi âm những khúc hát tỏ tình bằng tiếng dân tộc Hơ Mông hay Dao Đỏ, Dao Trắng, Dao Đen, Dao Tiền. Thấy có người lạ, cô gái xấu hổ cúi đầu hoặc lấy tay che mặt,nhưng vẫn hát với giai điệu run run.
Chợ tình là nơi tập trung của trai gái vùng Tây Bắc với nhiều hoạt động thú vị như kéo co, thổi khèn, hát giao duyên… Những chiếc váy thổ cẩm rực rỡ xòe hoa một cách tinh nghịch, tiếng lúc lắc leng keng từ kiềng, mấn đội trên đầu,… Những chàng trai thổi khèn, múa khèn hết sức đẹp mắt chung quanh cô gái duyên dáng để tán tỉnh. Họ cùng nhau cất lên tiếng hát, nhảy chung nhịp điệu ăn ý. Những ánh mắt đưa tình lả lơi trong men rượu ngô rất nặng càng làm cho không khí trở nên thân mật. Từ phiên chợ ấy mà nhiều nam nữ kết đôi, sống với nhau suốt đời.
Không chỉ là phiên chợ được mong chờ của trai gái miền cao. Với khách du lịch khó ai có thể bỏ qua chợ tình Sapa – một loại “gọi là chợ mà không phải chợ” hết sức đặc biệt, mang tính lãng mạn chỉ ở nơi này mới có.,
Chuyện … làm ăn ngày nay ở chợ tình Sa Pa
Chuyện thứ nhất: “Không cho tiền không thổi nữa đâu, thổi nhiều mệt lắm!”
Cứ mỗi tối thứ bảy, Giàng A Minh, 21 tuổi lại chạy chiếc xe Mink (xe 2 bánh Belarus chế tạo tư thời Liên Xô cũ bán sang Việt Nam, rẻ tiền nhưng bền và chạy đường rừng rất tốt) ) xuống núi, đi chợ tình. Nhà của A Minh ở Tả Phìn, cách Sa Pa hơn 10 km. Để mua được chiếc xe này, Giàng A Minh phải bán một con ngựa trắng. Sa Pa sắp bước vào mùa du lịch, khách đến rất đông. Họ đi ngắm cảnh thì ít mà đi xem chợ tình thì nhiều. Giàng A Minh biết rõ điều đó. Người Dao có truyền thống lập gia đình muộn hơn 4 – 6 năm so với người H’Mông. Chàng trai này nổi tiếng trong bản là người thổi khèn rất hay. A Minh chưa có bạn tình, nhưng đó không phải là điều chàng trai này quan tâm nhất mà là 20 giờ phải có mặt trước nhà thờ đá. Du khách đã tập trung kín sân trước nhà thờ để xem múa khèn, xem bà con hát. Đám thanh niên thổi khèn có 6 người, lớn nhất hơn 50 tuổi, bé nhất chỉ có vài tuổi. Trong nhóm đó có Giàng A Minh. Chàng cùng với 5 người kia bắt đầu thổi khèn, múa khèn vang cả một vùng. Sáu cái khèn cộng hưởng với nhau, từ lớn đến nhỏ tạo nên một không khí đầy sôi động nhộn nhịp. Người xem có dịp thưởng thức trực tiếp những âm thanh sống động của núi rừng.
Bất ngờ nhất là khoảng 30 phút sau, cậu bé ít tuổi nhất thôi thổi khèn, ngả mũ ra, đi một vòng quanh: “Cho tiền đi, sẽ thổi tiếp cho mà nghe!”. Ban đầu một vài vị khách hơi ngạc nhiên nhưng rồi cũng có người móc túi bỏ ra 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng. (Cứ khoảng 25.000 đồng thì = 1 đô la).Thấy ít người cho quá, cả nhóm ngừng thổi. Một trong năm người nói: “Không cho tiền, không thổi nữa đâu, thổi nhiều mệt lắm!”. Họ thổi rất hay, thiện nghệ kể cả cậu bé nên mọi người tiếc, đành phải móc túi cho tiền. Cậu bé đi thêm một vòng nữa, thấy cũng được kha khá bèn vơ vội nhét vào túi áo rồi nhóm lại thổi tiếp..
Cứ khoảng 30 phút một lần cả nhóm lại ngừng thổi hoặc một nửa thổi, nửa còn lại nghỉ, cậu bé lại ngửa mũ đi xin tiền của những người mới đến.
Chuyện thứ hai: “Uống rượu đi sẽ có tiền!”
22 giờ. Không khí lạnh thêm. Sa Pa bảng lảng chút sương mù làm cho cảnh sắc thêm phần “tình tứ”. Có một đoàn khách ở Sài Gòn đi du lịch. Cánh đàn ông trong nhóm mặt ai cũng đỏ gay vì rượu mua được từ khu bán hàng. Họ bắt đầu “tấn công” chợ tình bằng cách rót rượu mời mọi người. Gặp ai họ cũng ép uống, nhất là mấy người thổi khèn. Lúc này nhóm của Giàng A Minh đã nghỉ. Có một số người khác vào thay chỗ và say mê thổi khèn. Vị khách to lớn có giọng ngai ngái cứ ép một cụ già người Mèo uống rượu và thổi khèn. “A, thiếu người yêu rồi! Người yêu của ông cụ đâu, mời vào nhảy với cụ đi!”. anh ta la lên. Cụ già ngượng ngùng: “Không có!”. Anh ta chỉ vào một cụ đứng bên cạnh: “Đây còn gì! Vào đi, ông mời người yêu uống rượu đi chứ! Sẽ có tiền cho, đừng lo!”. Đám đông hưởng ứng. Bà cụ xua tay: “Không, không phải người yêu đâu mà!”. Cụ ông kéo cụ bà vào, uống xong một cốc rượu rồi nhảy. Du khách phấn khích hò hét ầm ĩ theo tiếng khèn, tiếng vỗ tay. Những tờ giấy bạc 5.000 đồng, 10.000 đồng được rút ra. Người đàn ông miền Nam cầm cái mũ của mình thu lại thành một tập mong mỏng rồi nhét vào túi cụ già H’Mông. “Tất cả là của ông!”. Cách đó không xa, là một người đàn ông tóc búi tó người Kinh bán sáo kiên nhẫn thổi các bài hát hiện đại. Từ Chị tôi đến Cô gái mở đường. Đây là “chiêu”’ tiếp thị để bán sáo. Khách xem vẫn chủ yếu là người Kinh. Họ ngồi tràn ra đường, ăn trứng nướng, khoai nướng. Tại khu vực sân vận động, nhiều đứa trẻ người H’Mông mà trên Sa Pa thường gọi là “Mèo con” dường như chẳng chú ý mấy đến chợ tình. Chúng chơi các trò chơi với khách ngoại quốc khá hồn nhiên và vui vẻ. Đa số các cô gái H’Mông và Dao đi bán thổ cẩm dạo xung quanh khu vực ấy. Thỉnh thoảng cũng trò chuyện với khách, nhưng chủ yếu là xì xồ mặc cả giá tiền. Vậy là, bức tranh chợ tình trở nên nhốn nháo. Giàng A Vàng, người cùng làng với Giàng A Minh, thở dài: “Không còn nữa đâu! Chợ bây giờ toàn bán hàng hóa thôi. Đi cho vui chứ không thích bằng ngày xưa nữa!”.
Hồn nhiên “bán tình”
không cần chợ
Khách đến Sa Pa từ lâu không còn lạ với hình ảnh khách Tây cặp với các cô gái người dân tộc. Những cô gái này nói tiếng Việt không sõi nhưng nói tiếng Anh thì nhanh như gió. Đấy là bởi họ giao tiếp với người nước ngoài từ tấm bé. Cuộc sống của các cô gái mới lớn giống như con thú, cây cỏ. Họ thích lang thang cả ngày, thích rong chơi. Có khi trèo đèo lội suối bở hơi tai kiếm được bó củi chỉ để mang xuống chợ bán, ăn một bữa no nê rồi về. Vì vậy mà khách Tây rất thích lối sống của họ. Quan niệm của họ thế này: Cứ chuyện trò vui vẻ rồi đi với nhau thôi. Trên các góc phố và các con đường dạo bộ của Sa Pa, dễ dàng nhận thấy các đôi “Tây- Ta” khá tình tứ. Họ khoác tay nhau đi, ôm hôn nhau… như Tây!!! Họ đi với nhau cả ngày, rồi qua đêm nữa. Người dân ở Sa Pa vẫn bảo: “Mấy cô dân tộc không tính toán tiền đâu. Cứ thích là đi thôi. Đôi khi chỉ cần bát phở hay bữa cơm là có thể vui vẻ với nhau cả ngày!”
Tôi còn được nghe kể chuyện này nữa, không biết có đúng lắm không, đó là du khách rất thích “mùi” của các cô gái dân tộc. Nó vừa có vị khét khét của quần áo lâu ngày không giặt, lại có mùi mồ hôi tích tụ thành muối ở mỗi vệt đen trắng lẫn lộn trên ngấn cổ, ngấn tay. Phải là người thật tinh mắt mới nhìn thấy được điều đó. Cái mà người dưới xuôi gọi là “ghét bám” thì người của núi rừng đại ngàn lại không nghĩ vậy. Âu cũng là chuyện dễ hiểu. Vậy là, cái gọi là “du lịch nhân văn” ở Sa Pa vẫn có “mùi” của dịch vụ “đi khách” như dưới xuôi. Đây là con đường mòn mà nhiều nước làm du lịch tạo ra trước đó. Liệu chợ tình của người Mèo, người Dao có đi vào con đường đó để trở thành một nơi “bán tình” chuyên nghiệp hay không, thì sự hồn nhiên và lối sống thiên về phần bản năng của họ không thể tự trả lời được!
Đi du lịch ở Sa Pa, thỉnh thoảng mọi người vẫn thấy một vài đứa trẻ dân tộc có làn da trắng và mái tóc vàng. Đó là hệ quả của việc dạo chơi cùng với du khách nước ngoài. Các cô gái lang thang, sinh ra những đứa trẻ cũng lang thang như con ma xó khắp ngóc ngách núi rừng Sa Pa. Tôi cứ có cảm tưởng rồi đây bọn trẻ này lại tiếp nối một cái vòng luẩn quẩn mà chúng không bao giờ nhận ra được.
Đoàn Dự