CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM

Câu chuyện xảy ra ở Nhật, nhưng gẫm lại, nó liên quan đến nhiều người trên thế giới tại một góc độ nào; nó liên quan đến Mỹ, đến Việt Nam, đến tất cả những nơi khác trên mặt đất, đặc biệt trong bối cảnh con người càng ngày càng tiến gần hơn những thái cực tâm lý xã hội khác nhau, các luồng tư tưởng khác nhau.

Câu chuyện xảy ra năm 2017 nhưng tính thời sự của nó vẫn còn nóng bỏng, người ta tìm thấy nơi câu chuyện này những bài học nhân bản, những luồng tư tưởng trái chiều, kể cả những phản tỉnh đánh giá xem hành vi của người đàn ông Nhật 30 tuổi trong câu chuyện có thể thông cảm được, có bình thường không (theo một góc độ nào đó) trong bối cảnh thế giới cõi riêng anh vẫn sống.

Để rồi câu chuyện của anh, một người đàn ông 30 tuổi sống tại Nhật, một đất nước được coi là văn minh bậc nhất thế giới, một đất nước với những giá trị con người gần như lý tưởng hoàn hảo khiến nhiều người suy nghĩ. Vâng. Hành động giết người và một án tử đã được phán quyết. Hành vi giết người của anh, lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt, anh phải trả giá cho những gì mình đã gây ra, một câu chuyện cuộc đời, một câu chuyện cuối năm để chúng ta cùng suy gẫm.

Địa danh xảy ra câu chuyện, thành phố Zama của Nhật, thoạt nghe chẳng mấy ai để ý đến nó trên bản đồ thế giới, trừ phi họ có những liên hệ cá nhân nào đó, tỷ như từng đi công tác tại đây, thăm thân, hoặc một sự cố trùng hợp ngẫu nhiên nào đó. Đùng một cái, hành động của người đàn ông Nhật 30 tuổi khiến thế giới biết về nó. Nơi đây, anh ta bị tuyên án tử hình bởi trước đó anh đã giết 9 người khác.

Gõ lên mạng, địa danh Zama hiện ra. Nó là một thành phố của Nhật, thuộc tỉnh Kanagawa, nơi một doanh trại quân sự của Mỹ (Camp Zama Army base) đóng đô. Vào thời điểm năm 2012, Zama có khoảng 129,500 người với mật độ dân số lên đến 7.370 persons per km² (so với Sài Gòn đất chật người đông vẫn phải chào thua với mật độ 4.500/một km² , còn tại Beijing mật độ dân số là 1.312 người/ một km² , song kỷ lục hơn cả vẫn là một New York với 38.242 người/một km²). Tổng diện tích của Zama tầm khoảng 17.58 km² (tương đương với 6.788 mi²). Giá hotel tại đây dao động trong khoảng $72/phòng/đêm với số điểm đánh giá 3-star.   

Với nền văn minh được coi là nhất nhì thế giới, Nhật là một quốc gia hưng thịnh được nhiều người ngưỡng mộ. Tinh thần của người Nhật thật kiên cường, kỷ luật bản thân của họ cao. Người Nhật đặc biệt cổ xúy những giá trị nhân bản. Họ sống có trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên Nhật vẫn không tránh khỏi những nan đề xã hội của thời đại văn minh, đó là khủng hoảng tâm lý, những tư tưởng bế tắc, trong đó với không ít người cái chết bỗng gần gũi hơn, gần như thế giới bên kia là một giải pháp tiện nghi nhất để trốn tránh cuộc sống hiện tại.  

Bản tin do Reuters đánh đi với cái tít: Tokyo court sentences man to death for 2017 murders of 9 people contacted via Twitter –media ngày 15 tháng 12 năm 2020 khiến người ta giật mình, chín mạng người đã bị giết. Vụ án xảy ra cách đây ba năm. Chuyện gì đã xảy ra?

Tòa Tokyo chính thức tuyên án một người đàn ông giết chết chín người, truyền thông địa phương lập tức công bố. Thế là các tờ báo trong nước vội loan đi cái tin giật gân ấy, kẻ gây án (the culprit) được báo chí mệnh danh là Twitter Killer vì anh này đã liên lạc với nạn nhân qua ngả mạng xã hội Twitter. 

Bản án ghi rõ (nguyên văn) theo Reuters: Takahiro Shiraishi, 30, was found guilty of murdering, dismembering and storing the bodies of the nine in his apartment in Zama city in Kanagawa, on the outskirts of Tokyo, the report said. Theo đó Takahiro Shiraishi bị tuyên án với tội danh giết người, sau đó phân thây các nạn nhân tại căn hộ riêng thuộc thị trấn Zama, tỉnh Kanagawa ngoại ô Tokyo. Một cái tin khiến không ít người sửng sốt. 

Theo hãng tin Jiji, tại buổi luận tội giữa tòa, Mr. Shiraishi bị cáo buộc đã liên hệ với các nạn nhân qua Twitter khi các nạn nhân bày tỏ nguyện vọng muốn tự sát. Shiraishi tiếp cận họ, anh sử dụng một nickname khá mập mờ là hangman (muốn hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đều được) với mục đích hấp dẫn các nạn nhân. Anh hứa sẽ giúp họ được toại nguyện, đó chính là động cơ thôi thúc họ tìm đến căn chúng cư của anh.

Đó là những gì được tìm thấy tại hồ sơ vụ án. Tuy nhiên theo không ít câu chuyện có thể chưa hẳn như thế. Họ nghĩ chắc phải có một nguyên do nào khác. Theo viên luật sư bào chữa cho bị cáo Shiraishi, anh không hề giết người. Thực tế anh chỉ giúp họ tìm đến với cái chết. Hành động của anh đơn thuần mang tính hỗ trợ sau khi được các nạn nhân cho phép.   

Tuy nhiên theo lời thẩm phán Naokuni Yano các nạn nhân không hề đồng ý cho phép anh Shiraishi thực hiện hành vi giết người của mình. Thậm chí theo lời vị quan tòa này Mr. Shiraishi đủ tỉnh táo và hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi tội phạm giết người của mình.  

Nhiều phóng viên lao vào cuộc muốn tìm hiểu thêm. Họ săn tin. Họ tìm mọi cách để liên lạc với Twitter tại Nhật nhưng không nhận được bất cứ hồi đáp nào. Vì thế nội dung thông tin trao đổi giữa Mr. Shiraishi với các nạn nhân hiện vẫn là một kho tàng bí mật.   

Theo các chi tiết thu thập được từ bản cáo trạng (indictment), Mr. Shiraishi đã siết cổ và phân thây (strangled and dismembered) tám phụ nữ và một thanh niên độ tuổi từ 15 đến 26 trong khoảng thời gian từ tháng 08 đến tháng 10 năm 2017. Đồng thời theo bản tin do hãng Kyodo loan tải, Mr. Shiraishi đã xâm phạm tình dục tất cả những nạn nhân nữ của mình.

Người đàn ông máu lạnh này đã nói gì tại tòa? Khá bất ngờ, anh không nói nhiều, chỉ vỏn vẹn trình bày ý nguyện nhất định sẽ không kháng án dù bị kết tội tử hình. Tin này được các truyền thông Nhật Bản đồng loạt loan tải. 

Nhắc thêm, tại Nhật, các vụ án tử hình được thực hiện qua cách treo cổ. Dân chúng chỉ biết tin các tử tù đã bị hành quyết sau khi bản án tử được thi hành.  

Nhìn lại tấm ảnh Mr. Shiraishi ngồi trong xe cảnh sát được báo giới đăng tải, người ta thấy một người đàn ông ngồi gục đầu, hai tay bưng kín mặt nên các chi tiết nhận diện không ai thấy rõ. Thay vào đó người ta chỉ thấy một mái tóc đen. Vóc người trung, dáng còn trẻ, khá khỏe mạnh. Trên trán là một cặp kính cận, gọng đen, trông anh ta khá trí thức. 

Tiếp tục gõ lên mạng để tìm hiểu thêm chân dung của một kẻ “làm việc thiện” được báo giới đặt cho cái tên Twitter Killer, người ta có dịp nhìn lại một người đàn ông Nhật Takahiro Shiraishi, 30 tuổi, bề ngoài không hề máu lạnh, dữ dằn. Ngược lại, người ta nhìn thấy một khuôn mặt có phần lãng tử, có phần hơi góc cạnh, nếu không nói là phong trần. Nhiều tấm ảnh khác trông anh có vẻ thư sinh, hiền lành, nụ cười ấm áp dễ gần. Có tấm ảnh trông anh khỏe mạnh, dễ mến, phong thái rất giống một thày giáo bậc tiểu học. Có tấm ảnh nhìn anh giống như một họa sĩ, một nhà thơ, hay một nhà viết văn nào đó. Có tấm nhìn anh giống như một diễn viên điện ảnh. Nói tóm lại, trên khuôn mặt rất con người ấy, không ai có thể tin rằng Takahiro Shiraishi là một sát thủ máu lạnh.

Nhìn chín tấm ảnh các nạn nhân, người ta dễ dàng nhận ra một hệ quang phổ tâm tư nhân cách qua nét mặt, những tấm ảnh có lẽ do gia đình cung cấp. Những kiểu tóc khác nhau, cắt chải gọn ghẽ, có người nhuộm vàng, có người cột tóc thành hai đuôi gà vắt vẻo hai bên, trong đó có ảnh một thanh niên với nhân định giới tính khuôn mặt hơi khó nhận ra; tất cả trông đều vui vẻ, tươi tỉnh, gần gũi. Nhìn họ, không ai nghĩ đây là những cá nhân từng mang trong đầu tư tưởng muốn tìm đến với cái chết.    

Vâng, đó là câu chuyện xảy ra tại Nhật, một câu chuyện bất cứ ai, sống ở đâu, làm gì, khi đọc đều tìm thấy ít nhiều liên hệ. Xã hội loài người hình như chỗ nào cũng thế, đồ thị biểu diễn các hành vi sinh hoạt nơi người mang hình một quả chuông bổ dọc (bell curve), trong đó mép chuông hai bên tiến xa khỏi trục chính của chuông khi chúng tiệm cận mặt đất. Đó là hai thái cực của những hành vi cực đoan (cả tốt lẫn xấu). Nếu tạm nhận định như thế, người ta không thể phủ nhận đây là những hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, song điểm khác là tỷ lệ tần số xuất hiện thường hiếm hơn.

Để rồi câu chuyện Mr. Takahiro Shiraishi giết người gẫm lại cứ thấy xốn xang khó hiểu mãi. Chắc chắn một điều không ai trong chúng ta là Mr. Takahiro Shiraishi nên chúng ta không thể nói mình hiểu được anh ta đã nghĩ gì trong đầu? Giả thiết liệu có phải Mr. Hangman là giáo chủ của một giáo phái, nơi anh vừa là giáo chủ và vừa là một tín đồ cực đoan; và giả thiết này có đủ vững bào chữa cho hành vi máu lạnh của Anh. Nếu như thế, phải chăng nạn nhân của anh vô tình trở thành một phần của quá trình hành đạo.    

Chợt cứ thấy buồn, thế kỷ 21 rồi, vẫn còn những câu chuyện xót xa như thế hay sao?

Tự hỏi: Năm 2017 và năm 2020 có gì khác. Hay lẽ đời nó thế. Những câu chuyện khó hiểu. Những hành vi khó tin, huyền bí. Cuối cùng 2016 và 2024 vẫn chỉ là những con số!

Trên thế giới năm 2020 bao câu chuyện đã xảy ra? Liệu tác động xã hội thời điểm năm 2017 có gay gắt đủ khiến các nạn nhân và bản thân Mr. Takahiro Shiraishi cảm thấy quá tải, để rồi cái chết được coi là một van xả cần thiết. Vì thế các nạn nhân đã tìm đến với anh. Họ nhờ anh. Và Mr. Hangman đã giúp họ toại nguyện. Nhắc lại, nếu câu chuyện xảy ra năm 2020 người ta có thể đổ thừa cho Covid-19 vì tình trạng bi quan chung. Hoặc nếu xảy ra tại Mỹ cùng thời điểm 2020, người ta có thể mượn những cái cớ khác, trong đó thất vọng tại mùa phiếu 2020 có thể được coi là nguyên nhân gián tiếp. Nhưng vụ việc xảy ra năm 2017, lúc đó đại dịch Covid-19 chưa hề có, Election 2020 chưa có…

Cuối cùng bản án dành cho Mr. Hangman được đưa ra ngày 25/12/2020.

Vâng. Chỉ còn mười ngày nữa là Noel. Tiếng chuông giáo đường nào còn đọng lại những hoài niệm một thời xuân trẻ. Bài thánh ca nào còn giữ được phong thái ngọt ngào du dương cái thuở tràn trề xa xôi ấy. Thời gian đi qua, những chiếc lá vàng cuối cùng còn nấn ná, mùa đông chính thức bắt đầu từ ngày 21 tháng 12… Bản án đã được tuyên cáo, gia đình các nạn nhân có thấy thỏa dạ, có hả giận, hoặc có thấy được an ủi phần nào?

Hay mọi chuyện đã vượt qua vạch kẻ không thể quay trở lại? Riêng với Mr. Takahiro Shiraishi, như lời anh khẳng định, nếu bị kết án tử anh sẽ không kháng án. Câu chuyện được chốt lại: Anh tung  nickname Hangman lên mạng, anh hứa sẽ giúp bất cứ ai muốn tìm đến cái chết. Rồi họ đến, anh giúp họ; liệu câu chuyện ly kỳ ấy có đủ cơ sở thuyết phục anh hoàn toàn tỉnh táo trong ý thức hành đạo. Còn chuyện anh xâm phạm tình dục với các nạn nhân nữ, đó là một thế giới khác, tàn khốc và đen tối, khủng khiếp đáng sợ hơn, song rất có thể chúng là một phần của các “nghi thức” Mr. Hangman thực hiện. Anyway, anh ta là kẻ không tin vào những giá trị bình thường người khác vẫn tin theo.  

Nước Nhật, xứ xở Phù tang (truyền thuyết đó là tên một loài dâu do Mặt trời nghỉ chân sau một ngày làm việc cật lực cưỡi bầu trời từ Đông sang Tây). Phù tang còn là tên gọi của nước Nhật. Vâng. Từ Zama đến Dallas, đoạn đường dài 6.478 dặm. Từ Zama đến Vancouver khoảng cách 4.711 dặm. Đó là những khoảng cách địa lý, còn những khoảng cách tâm lý tinh thần; đâu là điểm tựa, đâu là là cột mốc giúp con người tìm thấy những giá trị nhân bản từ cùng một vấn đề.

Câu chuyện Mr. Hangman cuối năm, nghe buồn quá, đúng không? Nhưng ít nhất nó là một phần của cuộc sống. Tâm tư con người là một hệ quang phổ rất đặc biệt. Trong đó những thứ tưởng đơn giản trong cách nghĩ của bạn hóa ra rất phức tạp, rất khác biệt trong cách nghĩ của người khác. Tỷ như mùa phiếu 2020, điểm lại, bạn thấy rõ những luồng tư tưởng trái chiều, những suy nghĩ không cùng chiến tuyến, những thái độ hận thù không đội trời chung.

Để rồi…

Mong thay, năm 2020 sẽ khép lại những điều ảm đạm, tăm tối. Năm 2021 sẽ tốt đẹp hơn, thông thoáng hơn, lạc quan hơn, như vậy nhé, các bạn ơi…

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email