Chuyện bà bác sĩ thích nghiên cứu chống các bệnh nhiễm độc của cha
Một người đàn ông gần 40 tuổi, vàng da, nôn ói, yếu tay chân, suy kiệt, đi nhiều bệnh viện trong nước cũng như sang Singapore vẫn không biết chính xác bệnh gì. Các bác sĩ nội khoa tại một bệnh viện nhận thấy mỗi lần bệnh nhân xuất viện về nhà là tình trạng lại gia tăng. Nghi ngờ trúng độc, cho xét nghiệm kim loại nặng, ra kết quả nhiễm độc thạch tín (tiếng Anh: arsen, arsenic hay arsenolit, rất độc, ký hiệu hóa học là As). Không tìm được căn nguyên, điều trị khỏi tạm thời, ông này vẫn bị tái phát các triệu chứng trở lại.
Xác định đây là một ca bệnh khó, ê kíp mời bác sĩ Doãn Uyên Vy, chuyên gia về độc chất tại Bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn ra hội chẩn.
Bác sĩ Vy trò chuyện với bệnh nhân về những nguồn có thể gây nhiễm độc trong môi trường sống, thói quen ăn uống, sử dụng thuốc đông y… nhưng không phát giác có điều gì bất thường. Hỏi kỹ về nghề nghiệp, ông ta cho biết mình kinh doanh nhà xây sẵn 10 năm nay, một năm bán khoảng 20 căn. Mỗi lần chuẩn bị bán căn nào ông lại mua bột phong thủy về xông nhà để cầu may mắn, vượng khí.
“Điều ông ấy không ngờ là trong thuốc xông có thạch tín khiến bị nhiễm độc. Việc phát hiện chính xác nguyên nhân không chỉ giúp ông ấy điều trị khỏi bệnh, mà từ đó cắt đứt nguồn độc để phòng nguy cơ tái mắc bệnh”, bác sĩ Vy cho biết.
Hơn 20 năm qua, hàng ngàn bệnh nhân như vậy đã được bác sĩ Vy tìm ra nguyên nhân bệnh, giải độc, tránh được nguồn độc. Tình yêu với chuyên ngành ít người biết đến, chưa có đào tạo chuyên khoa, được khơi nguồn từ khi bà Vy còn rất nhỏ.
Là con gái của giáo sư chuyên về nhiễm độc học, dạy môn giải phẫu, bệnh lý, pháp y ở trường Đại học Y Dược TPHCM, Bác sĩ Vy rất hứng thú với công việc nghiên cứu của cha về độc chất. Ông thường đem về nhà rất nhiều thuốc đông y để nghiên cứu, tìm hiểu xem vị thuốc nào có chất độc. “Bố bảo chuyên ngành này rất hay, nếu làm tốt sẽ giúp ích bệnh nhân vì rất nhiều người nhiễm độc mà không hay biết, không tìm ra bệnh để chữa”, bà kể.
Những năm còn là sinh viên y khoa, mỗi lần thực tập tại bệnh viện, Vy luôn quan tâm đặc biệt tới những ca bệnh ngộ độc. Trường không dạy nhiều, chị tham khảo các kiến thức từ bố và tự đọc sách, tìm tòi thêm. Luận án tốt nghiệp đại học, chị thực hiện đề tài về ngộ độc thuốc rầy phospho hữu cơ. Ra trường, hồ sơ xin về Bệnh viện Chợ Rẫy của chị là đề án thành lập trung tâm chống độc.
Mong muốn được học hỏi, trau dồi kiến thức, mở mang tầm nhìn, quan sát cách mọi người làm việc ở những nước có các trung tâm chống độc (PCC – Poison Control Center), chị xin học bổng sang Đài Loan và Mỹ học tập. Các trung tâm PCC này rất chú trọng việc phòng chống ngộ độc, nhiễm độc, ngăn ngừa hậu quả. Họ thường có đội ngũ đến các nhà máy, xí nghiệp, trường học, tổ chức các hoạt động tuyên truyền để mọi người hiểu, từ đó tránh rơi vào tình trạng ngộ độc.
“Hoạt động phòng chống là quan trọng vì sự nhiễm độc khi đã có biểu hiện ra bệnh thì đã trễ và rất khó điều trị do cơ thể bị độc chất tàn phá, tổn thương thầm lặng trong thời gian trước đó”, bác sĩ Vy phân tích.
Về nước, bác sĩ bày tỏ mong muốn thành lập một trung tâm chống độc (PCC) giống như nước ngoài, đặt tại bệnh viện Chợ Rẫy nhưng phục vụ toàn miền Nam, nhằm giúp giảm tỷ lệ tử vong, biến chứng do ngộ độc gây ra. Được sự đồng tình của bác sĩ Nguyễn Tri Thức giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Phòng khám Chống độc của bệnh viện đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2020. Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, việc lập phòng khám chống độc đầu tiên ỏ khu vực miền Nam là nền tảng tiến tới thành lập Trung tâm Chống độc (PCC) của bệnh viện.
Đến nay, phòng khám đã tiếp nhận hàng trăm người với nhiều loại nhiễm độc khác nhau, như tiếp xúc với hóa chất trong công việc nghề nghiệp, thói quen trong cuộc sống hàng ngày, nhiễm độc kim loại do thuốc đông y, thuốc gia truyền… “Mỗi ca bệnh nhiễm độc là một tình trạng khác nhau, rất đa dạng”, bác sĩ Vy nói.
Ngay cả những thực phẩm ăn uống, đồ dùng thường ngày cũng có nguy cơ gây ngộ độc. Chẳng hạn, có người phải vào cấp cứu, chạy thận nhân tạo sau khi uống nhiều nước ép khế, bởi khế có acid oxalic, khi uống nhiều sẽ kết hợp canxi tạo sỏi, làm tắc ống sỏi dẫn đến suy thận cấp.
Đau lòng hơn, bác sĩ Vy từng chứng kiến người phụ nữ ung thư máu qua đời sau ba năm về nhà chồng. Bệnh nhân vốn có cơ địa nhạy cảm với mùi thơm, phòng ngủ lại gần bàn thờ – nơi mẹ chồng thường có thói quen đốt hai bó nhang trong nhà từ sáng đến tối (khoảng 120 cây). Trong khi đó, nhang chứa nhiều thành phần độc hại như benzen – chất gây ung thư khi tiếp xúc lâu dài. Hơi benzen có thể tồn tại bay trong không khí xung quanh hơn 8 giờ. Người hít phải hơi này 24/24h và kéo dài vài tháng đến vài năm sẽ dễ diễn tiến rối loạn sinh tủy, nặng hơn thành ung thư máu.
Bệnh nhiễm độc thường biểu hiện dưới dạng bệnh nội khoa mạn tính, tổn thương tại một vị trí hay nhiều vị trí cùng lúc, có thể tái phát nhiều lần mà không tìm ra nguyên nhân, không chẩn đoán chính xác được căn bệnh. Bệnh nhân có thể đến khám bệnh tại bất kỳ chuyên khoa nào, trong đó phổ biến là huyết học, tiêu hóa, cơ xương khớp, tim mạch, hô hấp, với các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, rối loạn nhịp tim, vàng da, ho dai dẳng, viêm phổi… Đặc biệt, rất nhiều người nhiễm độc vì sử dụng thuốc đông y dài ngày trị bệnh xương khớp.
“Nhiều người vẫn cho rằng chẩn đoán ngộ độc phải căn cứ vào xét nghiệm. Quan điểm này là không đúng. Độc chất có đến hàng triệu loại, đâu có máy xét nghiệm nào có thể phát hiện tất cả, chưa kể không phải chất độc nào cũng vào máu để xét nghiệm ra”, bác sĩ Vy chia sẻ. Việc chẩn đoán đòi hỏi nhiều yếu tố, đặc biệt là sự am hiểu về các độc chất, sự “nhạy cảm” của bác sĩ với các triệu chứng lâm sàng từ người bệnh.
Chị Hạnh, 27 tuổi, ngụ tại Đăk Lăk, cho biết «bác sĩ Vy là ân nhân lớn giúp tôi hồi sinh cuộc đời mình”. Chị bị viêm cột sống dính khớp, sau vài tháng dùng thuốc nam đã bị phù, suy kiệt, tiêu chảy… do loét nặng đường ruột, phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày tốn hàng chục triệu đồng nhưng không khỏi. Chị cũng đi thăm khám một số nơi song không phát hiện căn nguyên bệnh.
Qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ Vy chỉ định thuốc giải độc kim loại nặng, nhờ bệnh viện nhập về cho bệnh nhân dùng. Sau ba ngày sử dụng, chị hồi phục ngoạn mục, các chỉ số xét nghiệm cải thiện tốt, có thể trở về cuộc sống bình thường. “Nếu không có bác sĩ Vy, không biết tôi sống nổi không”, chị Hạnh nói.
Sống trọn với đam mê phòng tránh độc, giải độc, điều khiến bác sĩ Vy trăn trở là số y bác sĩ theo chuyên ngành này chưa nhiều, đa số người bệnh nhập viện đã rất nặng mới được phát hiện bệnh lý nhiễm độc, khiến việc điều trị không còn nhiều hiệu quả. Trong khi đó, xã hội hiện đại, con người ngày càng sử dụng nhiều hóa chất, sử dụng bừa bãi nhiều loại thuốc, môi trường sống ô nhiễm… nguy cơ nhiễm độc ngày càng tăng cao.
Tại Việt Nam, từ trước đến nay các bệnh viện có đơn vị chống độc nằm chung trong khoa Hồi sức Tích cực, chủ yếu tập trung vào các ca ngộ độc cấp tính do tự tử, rắn cắn, côn trùng độc cắn, ăn hải sản có độc tố..vv… chứ chưa có Trunvg tâm Phòng chống độc PCC đúng nghĩa. Nơi duy nhất có Trung tâm Chống độc là Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội nhưng cũng tập trung vào điều trị các ca ngộ độc cấp tính. Trong khi đó nhiều nước trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan, đã thành lập các trung tâm hoạt động theo hình thức PCCF từ vài chục năm nay.
Cô dâu thành chú rể khi tái hôn
Bảy năm trước, Trần Thị Tố Băng kết hôn với một người đàn ông Nhật và trải qua ba năm hôn nhân bế tắc bởi trong sâu thẳm tâm hồn, cô chỉ thích phụ nữ.
Tháng 2 năm 2022, Tố Băng, 32 tuổi, bước sang trang mới của cuộc đời: Làm đám cưới tại quê nhà Vĩnh Long với cô gái mình yêu. Lần này, Băng là chú rể đi đón cô dâu.
“Tôi đã không thành thật với chính mình bao năm qua vì không muốn cha mẹ buồn lòng, người đời chê bai. Phút giây này đây, tôi muốn là chính mình”, Băng nói với bạn bè có mặt trong lễ cưới.
Họ phát thiệp mời cho người thân quen ở Sài Gòn, Vĩnh Long, Nha Trang, nhưng yêu cầu khách không tặng quà. Tố Băng chỉ muốn được chúc mừng và chứng minh được rằng người đồng tính cũng khát khao tổ ấm như mọi người khác. Với những người bình thường, tình yêu vốn đã khó tìm, với Băng còn khó khăn hơn.
Trước ngày cưới, Băng chở “vợ” là Tuyết Vân (38 tuổi, quê Nha Trang) tới tiệm đồ cưới, tự tay chọn cho Tuyết Vân chiếc váy đẹp nhất và cùng lựa hoa cầm tay, hoa trang trí, chọn drap giường..vv… Cô háo hức thổi các trái bóng trang trí cho phòng tân hôn rồi cùng cha mẹ sắp xếp lại bàn thờ gia tiên. “Mỗi việc dù nhỏ nhất tôi đều thấy rất thiêng liêng, khác xa lễ cưới trước đây”, cô nói.
Tố Băng chia sẻ, cô bắt đầu nhận ra mình chỉ rung động với các bạn nữ từ năm học lớp 11. Dẫu vậy, cô vẫn giấu kín tình cảm thật của mình vì không muốn phụ sự kỳ vọng của cha mẹ. Năm 25 tuổi, Băng quyết định kết hôn với một người đàn ông Nhật Bản. Nhìn cách đi, dáng đứng và bạn bè của vợ sắp cưới, anh chàng ngoại quốc biết cô không có nữ tính nhưng nghĩ tình yêu bền bỉ của mình sẽ thay đổi được người bạn đời.
Ngày cưới, Tố Băng chuẩn bị mọi thứ như kẻ vô hồn. Váy áo, cỗ bàn đều đặt qua điện thoại. Phông rạp tùy bạn bè sắp xếp giúp. “Tôi lên xe hoa đúng nghĩa nhắm mắt đưa chân”, Băng nhớ lại. Về nhà chồng ở Nhật Bản được hai tuần, Băng dọn ra ở riêng, tuyên bố sẽ tự lập. Tuy nhiên, người chồng vẫn chăm lo, hỗ trợ cô tận tình.
Thỉnh thoảng họ gặp gỡ, có điều người vợ không có cảm xúc khi gần gũi chồng. Từ chỗ muốn tránh mặt, Băng chán ghét và hoảng sợ khi thấy mặt chồng. Ba năm sau, người vợ Việt đề nghị ly hôn. Kể từ đó, Băng cắt tóc ngắn, mặc đồ nam và tự nhận mình là đàn ông.
Trong một đêm mất ngủ, Băng thấy một người bạn tên Tuyết Vân vẫn online. Họ là bạn bè trên mạng xã hội từ nhiều năm, nhưng chưa từng trò chuyện. Hôm đó, lần đầu người đang xa xứ hỏi thăm cô gái Nha Trang. Tuyết Vân tâm sự đang muộn phiền vì chuyện tình cảm. Tuyết Vân kể cô từng kết hôn với một người đàn ông Mỹ. Do đặc thù công việc, mỗi tháng chồng cô về nhà một lần, lạnh nhạt với vợ. “Em ly hôn sau hai năm xa xứ vì chồng không chung thủy”, Vân kể với Băng.
Đồng cảm, họ nói chuyện đến sáng và lặp lại thói quen đó mỗi ngày. «Mối quan hệ bắt đầu trên mạng là ảo, nhưng rung động là thật. Những cuộc gọi, tin nhắn mỗi ngày của người mới quen cũng sưởi ấm tâm hồn Tuyết Vân. Cô bất ngờ khi Tố Băng dù ở Nhật Bản nhưng thỉnh thoảng vẫn đặt hoa tặng bạn gái ở Nha Trang. Không thể về nước do Covid-19, sinh nhật người yêu, Băng gọi điện nhờ bạn thân đặt bánh, quà, mang đến tận nhà cho Vân. “Nhưng điều tôi cảm động hơn cả là “anh” vẫn kiên định với tình yêu của chúng tôi, dù đầy trắc trở”, Tuyết Vân nói.
Nghe Băng nói ly hôn chồng để đến với một cô gái, vợ chồng ông Trần Quang Út, 66 tuổi, phản đối. Ông bà không tin việc Băng từ bỏ chồng ngoại để đổi lấy tình yêu đồng tính trên mạng có thể khiến Băng hạnh phúc. Suốt một năm liền, ông bà và cô con gái duy nhất không tìm được tiếng nói chung.
“Nếu không được ở bên người mình yêu, con không tha thiết với cuộc sống này nữa”, cô nói và hứa sẽ vun đắp cho cuộc hôn nhân trọn vẹn. Nghe những lời ruột gan của con, ông bà Út chấp nhận.
Cuối năm 2021, khi đường bay quốc tế mở cửa trở lại, Trần Thị Tố Băng về nước, lần đầu được gặp mặt trực tiếp bạn gái. “Nắm tay người mình yêu, lồng ngực tôi như muốn vỡ ra vì sung sướng. Dù người ngoài ngó nghiêng, chỉ trỏ, nhưng tôi lại tràn đầy niềm vui và sự tự tin», cô bộc bạch.
Trần Thị Tố Băng chung vốn mở hai nhà hàng ăn tại Sài Gòn, bán hàng online, đồng thời thầu lại các căn chung cư để cho thuê. Cô về nhà bạn gái xin phép, đón Tuyết Vân về Sài Gòn làm việc, xây dựng tổ ấm của hai người.
Đám cưới tổ chức đầu năm 2022. Trên sân khấu, chú rể và cô dâu nắm tay nhau. “Đây là khoảnh khắc trọn vẹn nhất đời tôi”, Băng nói.
Sau hơn bốn tháng về chung một nhà, vợ chồng Tố Băng – Tuyết Vân đang lập kế hoạch có con hoặc xin con nuôi, đó là kết tinh tình yêu và khát vọng về một tổ ấm gia đình thực sự.
Đoàn Dự